Về việc HIỆU ĐÍNH

Hiện tại mình là người hiệu đính các tài liệu đang dịch cho trường Tre Xanh, (trừ một phần khác mình cứ im im để cho các cô “tự bơi” vì mình làm không xuể). Tài liệu cho trẻ, nhất là tài liệu học từ cấp tiểu học cứ tăng dần theo cấp số nhân theo từng cấp lớp. Đến lúc một mình mình không thể làm xuể nữa.

Vì thế, bạn nào có hứng thú muốn đăng ký tham gia hiệu đính không ạ? Hiệu đính dịch (edit – xem bài dịch đã chuẩn với bản tiếng Anh chưa, văn phong, câu cú, từ ngữ …). hoặc Hiệu đính bản thảo (proof reading). Mình phân loại và định nghĩa theo công việc cụ thể của mình hiện tại, chứ xin nói là chắc không chuẩn theo từ chuyên môn của nhà xuất bản ạ. Hiệu đính bản thảo là “nhặt” những hạt sạn còn sót lại như là lỗi chính tả, lỗi đánh máy, chấm câu cách chỗ sai hay sai dấu câu, lặp chữ … mà có khi trong quá trình hiệu đính dịch còn bị sót hay bị lỗi lặp từ, góp ý nếu văn dịch vẫn không ra tiếng Việt cho lắm. Và những đoạn chưa thống nhất trong cả bài, chương, hay cuốn sách, như chỗ thì gọi là “hắn”, chỗ lại gọi là “anh”, chỗ là “bà phù thuỷ” (chỗ này chữ “thuỷ” bị lỗi đánh máy nè, máy mình không tự sửa lỗi gõ oà, uý được), chỗ là “mụ phù thuỷ”…

Hiệu đính bản thảo nói vậy chứ thoải mái lắm, chỉ cần đọc như một độc giả, hay như người ăn cơm, chỗ nào cắn phải “sạn”, thì nhăn mặt và “lượm” ngay giúp. Khi hiệu đính bản thảo, hoặc bạn viết ra file riêng, hoặc sửa luôn vào file (để track changes). Người hiệu đính bản thảo cần cực kỳ cẩn thẩn và tỉ mẩn, hy vọng là chỉ cần một người có thể tìm ra mọi chỗ sạn.

Theo kinh nghiệm bản thân mình, có lẽ để hiệu đính có tâm, thì quan trọng là như trong mọi việc khác, là thái độ “góp ý giải pháp” hơn là “phê bình”. Phê bình kiểu đánh dấu hỏi, khoanh vùng, gạch xoá … thì dễ cho mình và khó cho người. Điều quan trọng là người hiệu đính cùng tìm ra giải pháp và đề xuất với người đã làm trước đó: đề nghị từ đúng, từ chính xác hơn, các diễn đạt “Việt” hơn, hay hơn…

Mình xin kể câu chuyện trải nghiệm của mình. Hồi xưa mình làm phóng viên trong một toà soạn có bộ phận info-checker lớn và nổi tiếng hà khắc. Làm việc ở đây xong, phóng viên chúng mình luôn biết đưa tin phải có nguồn tin xác đáng và chứng cứ rõ rành. Dĩ nhiên mình rất biết ơn về điều đó, cũng như những lần được bộ phận này chỉnh lỗi trong bài giúp cho. (Kinh nghiệm của tháng đầu tiên được gọi vô, tưởng sếp chúc mừng mình được ở lại làm tiếp, ai dè là sếp mắng cho, phạt 500k vì tội viết sai chính tả chữ Harvard – mình viết là Havard – song biên tập và infochecker bị phạt gấp đôi là 1000k vì để sót lỗi này). Tuy nhiên, không ít lần phóng viên chúng mình tức như bò đá vì có vài bạn infochecker bảo thế này: “Cái này sai rồi, vì mình/nhà mình/cả phòng mình … không như thế!” Hở, bộ bạn/nhà bạn/cả phòng bạn … là tiêu chuẩn cho toàn thế giới sao?! Kinh nghiệm của bạn đúng hơn kinh nghiệm của một bác sĩ học gần chục năm và thực hành hơn chục năm sao? (Xin lỗi là mình nói xấu người vắng mặt tí, đồng nghiệp cũ nào đọc thì mình cũng khai ra vậy thôi hihi). Cũng có khi vì một thắc mắc trong bài viết của mình, mình đã ngồi nói cho bạn infochecker nghe về thiệp cưới, và tất tần tật về nó, bởi vì để viết 1 bài chỉ 800 chữ, mình đã đọc nhiều cuốn sách mọi điều về thiệp cưới. Cũng như viết một bài về làm xà phòng handmade, mình đã đọc gần như mọi bài trên internet về việc đó, đi hỏi các bạn làm cái này, và đã kết bạn được một cô em gái cực dễ thương chuyên làm xà phòng và xài xà phòng này từ đó đến giờ. Dĩ nhiên, có nhiều kiến thức và trải nghiệm, nó không có trong sách hay tư liệu nào, khi đó thì ai có quyền cao hơn (trách nhiệm cao hơn), người đó đúng hihi. Một biên tập chia sẻ với mình là ở tờ báo cũ bạn làm, một tờ báo lớn, những ông ngồi đọc bản cuối cùng là những người râu tóc bạc rồi, kinh nghiệm và trải nghiệm không để đâu cho hết, để biết cái gì là đúng là sai, chẳng cần đến vài dòng link chia sẻ từ đâu đó trên mạng. Mà mình nghĩ lại cũng phải xin lỗi nhiều người, từ biên tập đến infochecker vì mình ngang như cua, hầu như lúc nào cũng nghĩ là mình đúng, cãi như điên, hì hì (cái này cũng đang sửa từng ngày ạ).

Kể chuyện này ra cho các bạn nghe cho vui, quay lại công việc thì mình nghĩ, trước khi phản đối/thắc mắc/sửa đổi ai đó, mình vẫn học cách phải tự vấn lại bản thân, đi tìm thêm tài liệu và kiến thức, và tìm ra giải pháp mình nghĩ là tốt hơn cho vấn đề, và cùng chia sẻ với người làm trước đó. Chính vì vậy, việc hiệu đính dù có khi tên tuổi chẳng được đánh giá bằng người dịch mà lại cực khổ hơn nhiều, thì vẫn là công việc học hỏi được rất nhiều, khi mình làm nó với tinh thần học hỏi không ngừng cho chính bản thân.

Nói dài quá hỉ? Thôi mình nói một lần cho bạn nào muốn nhận việc hiệu đính cùng với mình ha? Ai có kinh nghiệm, trải nghiệm, cao kiến gì thì góp ý thêm cho mình luôn ha.

2 thoughts on “Về việc HIỆU ĐÍNH”

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *