Những người thầy Steiner Waldorf của tôi

17191394_10212508984866268_1711890761112807011_n

THẦY MICHAEL BURTON

15.03.2017

Thầy dạy chúng tôi môn Speech. Mỗi bài tập về cảm xúc, thầy lại khiến tôi ngưỡng mộ vì cảm xúc của thấy đúng là trong veo, tươi và nguyên chất.

Tôi sẽ viết thêm sau, kẻo một khi đã viết, là không dừng lại được.

Đây là link chia sẻ phần nào phần dạy Speech của thầy: Speech Steiner Waldorf of Mr. Michael Burton

THẦY JOHN STOLFO

16.03.2017

Trước nghe là thầy giảng nhiều về Anthroposophy lắm, thầy khó và nghiêm lắm. Đến giờ của thầy cũng run lắm, quả là thầy giảng cao thật. Nhưng mà những lời thầy, nó thông cái đầu cho mình tới tận đâu. Tự dưng lúc phải nói lời tạm biệt thầy, nước mắt cứ chực trào ra!
Thầy giảng về sơn Lazure mà thầy đầu tiên nói đến Lão Tử với âm và dương, tính hợp nhất, tính phân cực, tính ba, rồi bốn…, rồi Goethe, rồi Newton…
Thầy nói về màu vàng gần với màu trắng (ánh sáng) nhất, rồi màu xanh dương gần với màu đen (bóng tối) nhất. Màu xanh lá là kết hợp của vàng và xanh dương, cũng là màu có nhiều nhất trong tự nhiên…. và nhiều điều nữa. Từ hôm đó về, chiều nào cũng ngắm bầu trời hoàng hôn trên đường về nhà, nhận ra hai sắc cơ bản vàng và xanh dương trên bầu trời, cũng như cuộc chiến của ánh sáng và bóng tối trên bảng màu vĩ đại của tự nhiên, và thấy tim mình mở rộng ra hơn nữa.
Ôi, những người thầy tuyệt vời!

17353425_10212508985266278_8602522840986267350_n.jpg

CÔ ABHISIREE

15.03.2017

Hôm nay trong buổi chia sẻ văn hoá, cô lên biểu diễn điệu múa Thái, rồi cô dạy chúng tôi múa luôn. Đơn giản lắm, vừa đi vừa múa – thấy em bé xinh đẹp đưa tay lên ngực “ôi em đẹp quá”, rồi 2 tay bóp bóp xôi để lấy đưa cho em 😛

Cô dạy chúng tôi làm thủ công.

Cô tặng chúng tôi bài hát về Thiền, mà hoá ra chính là của Thầy Thích Nhất Hạnh.

Cô giản dị, hồn hậu mà đầy những điều thú vị bên trong, như bao người Thái khác.

17155345_10212508986186301_3462204139513649499_n.jpg

CÔ GLENYS

15.03.2017

Cô dạy chúng tôi Eurythmy, tôi chưa có duyên được học với cô một buổi nào trọn vẹn, vì nhóm của tôi dịch là với các thầy. Tôi mong chờ đến khoá đào tạo GV tiểu học để được học với cô.

Một lần nữa, cô cho tôi thấy, một cô giáo mầm non Steiner có thể duyên dáng, ấm áp, đầy tình yêu thương và nhiệt huyết như thế nào. Ở bên cô, tôi luôn thấy bình yên!

Trong khoá đào tạo GV tiểu học, chúng tôi may mắn được 45 phút mỗi ngày học cùng cô. Cô là người đã cho tôi thấy Eurythmy có thể làm được những gì, vô cùng nhiều. Ngoài việc giúp bản thân di chuyển trong chánh niệm, duyên dáng và đầy năng lượng, thiền định và tĩnh tâm. Eurythmy còn có thể diễn dạt các từ ngữ, âm thanh, trạng thái, tính chất. Thậm chí bộ môn này còn diễn đạt cả các hành tinh, các ngôi sao trong chòm sao Hoàng đạo, hành trình tiến hoá của loài người … cho đến các bài tập tập trung, luyện mắt, luyện tay, diễn tả cả một câu chuyện, vở kịch, dạy các em đường thẳng, đường cong. Chưa kể đến việc chữa lành từ tâm hồn (chứng không tập trung, tự kỷ…) đến thể chất (móm, hô, vẹo cột sống ….). Phần chữa lành healing thì chúng tôi chưa được cô dạy mấy, vì không có thời gian, chứ cô là người thực hành Eurythmy chuyên nghiệp.

Tôi yêu sự giản dị bao phủ ngoài tâm hồn sâu sắc, đầy tài năng của cô rất nhiều!

17352043_10212508986866318_4852108805780581878_n.jpg

CÔ BARBARA

15.03.2017

Cô dạy chúng tôi về 12 giác quan, về các dạng thể trạng của trẻ với đủ các thuật ngữ mà tôi mới biết như Hyper – Hypo, Formed – Dissolved, Upper Pole – Lower Pole …

Buổi hội thảo của cô: “Con tôi có vấn đề và tôi phải làm gì?”, tưởng nói về con mà hoá ra về chính các bậc cha mẹ. Cô tài giỏi và duyên dáng chết đi được.

Cô tự giới thiệu, cô có 3 người con trai, và cô đã sống đầy đủ nhất mọi khía cạnh cuộc đời.

CÔ TRUDIS

16.07.2017

Cô dạy môn vẽ màu sáp và đẽo gỗ

Cô là người Đức, cô tự nhận không giỏi về việc nói, mà chỉ là người làm. Ngày đầu tiên gặp cô, nhìn thấy cô nghiêm, mình hầu như không dám nói gì. Mình e dè dịch bài giảng của cô, không dám dùng “mỹ từ” gì nhiều, cô nói sao mình dịch vậy. Thế nhưng, khi ở bên cô một lát, rồi một lát nữa, mình cảm nhận được sự ấm áp toả ra, khiến mình tự nhiên, muốn được ăn ké bữa trưa với cô, vỉ muốn được hiểu cô hơn. Cô vẫn rất ít nói, cô chỉ trả lời khi được hỏi, mà thiệt tình nhìn cô nghiêm quá, cũng sợ cô mệt, chả dám hỏi gì.
Đến buổi chiều làm motion picture, mình đã hiểu được ý cô nói nhiều hơn. Và đến ngày thứ hai, đẽo gỗ thì lúc đấy năng lượng cô toả ra càng nhiều hơn, mình đã miệt mài, hì hục đẽo gỗ, có lẽ là môn thủ công đầu tiên mình làm với niềm say mê đến thế.
Làm say mê đến nỗi, tối về mới phát hiện ra là tay mình đau đến nỗi không muốn rửa nổi cái mặt. Song vẫn biết, ngày hôm sau vào lại tiếp tục hùng hục làm cho xem.
Bài tập đầu tiên – đẽo con chuột, bài thứ hai – đẽo cái muỗng, bài thứ ba – đẽo vận động viên. Mỗi bài có cái khó khác nhau, thử thách khác nhau.

Những thứ nếu chỉ nhìn hình, mọi người dễ nghĩ hoặc là đơn giản thế, hoặc là khó thế. Cái môn gì sứt sẹo và cực nhọc thế, làm chi cho cực vậy? Nhưng thật lòng, có vào học rồi mới hiểu, một đứa sợ thủ công như mình, vậy mà vào giờ thủ công là mê đắm làm. Và mình thấy bạn nào cũng thế cả, hầu như đều làm đến lúc các cô “đuổi” ra nghỉ giải lao, nghỉ ăn trưa.

Chỉ khi thật sự cầm khúc gỗ lên và bắt đầu đẽo. Vừa đẽo vừa nghĩ đến tác phẩm mình muốn có, song nó sẽ cứ thay đổi và chuyển hoá dần theo từng nhát đẽo. Cho đến khi tác phẩm thành hình thì biết bao vui sướng (chúng mình nói đùa cái muỗng chắc phải về dát vàng, lộng kiếng, vì quý tâm sức bỏ ra, cho nên nó sẽ là “cái muỗng đẹp nhất thế gian”). Rồi mỗi con chuột, mỗi cái muỗng lại có một dáng vẻ rất riêng. Điều đó khiến mình hiểu thật sự cái gọi là tác phẩm thủ công.

Về ý nghĩa của đẽo gỗ nói riêng, và thủ công nói chung, mình sẽ viết khi có thời gian nhé.

Chỉ biết là, mình đã nhớ cô quá mất rồi! Nhớ bàn tay trắng trẻo, hồng hào của cô, cầm rất chắc mảnh gỗ và cây dao, với từng nhát đẽo dứt khoát và mạnh mẽ. Nhớ khi cô nói “No” và cô nhất quyết nói “No, no…” cho đến khi chúng mình dừng lại. Và cô nói “Không có nghĩa là không!”. Tiếng nói “Không” dứt khoát nhưng vẫn đầy tình yêu thương. Nhớ dáng cô đi đến từng người, rồi cúi xuống hướng dẫn, giúp đỡ chúng mình đẽo cho thành hình tác phẩm. Nhớ khi cô cười nói “Không sao, đừng có bận tâm, không có vấn đề gì hết!” hay “Đừng quá mê đắm, cứ làm đi thôi!”.

Chỉ biết là, cô, lại càng thôi thúc mình, hướng đến cuộc sống thật sự cùng con làm ra những gì có ích. 

17630136_10212664384911172_7120106004169912200_n.jpg

THẦY MITE JOACHIM

01.04.2017

Thầy đến từ quê hương của nền GD Waldorf, nước Đức. Thầy thay đổi rất nhiều thành kiến thiển cận của tôi về người Đức, những người kỷ luật khắc khe nhưng nguyên tắc. Thầy làm chúng tôi cười lăn cười bò và cứ ố à mà đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và cũng tự nhiên như thế, có những lúc thầy dẫn chúng tôi từ lúc nào đã đi vào một bài giảng sâu sắc và cảm động đến rơi nước mắt.

Hóa ra tôi là đứa không biết chào tạm biệt cho đường hoàng. Tôi sợ tôi khóc nên quáng quàng chào thầy và thầy chưa đi mà đã nhớ thầy rồi.

19.10.2018

Thầy đi rồi, mình chẳng thể đưa thầy ra sân bay, vì mình thật sự ghét phải nói lời chia tay thầy. Giờ mình đã già hơn nhiều nên chắc đã chín chắn được thêm một chút, và giờ mình mới hiểu thầy. Thật sự lần đầu học thầy, mình không thích tí nào. Mình biết thầy rất giỏi, nhưng thầy hướng dẫn chi tiết quá, mà mình thì chưa biết đâu vào đâu, mình cần hệ thống. Có lẽ đến giờ mình bắt đầu đã nắm được hệ thống, nên những hướng dẫn cụ thể của thầy, nó quý báu biết bao nhiêu. Dạo này quá bận không chép được bài giảng của thầy. Nữa là học môn Toán hại não, dịch xong về nhà thường mình mệt nhoài. Song 2 tuần thầy giúp TH Tre Xanh không chỉ Toán, mà những đoạn nói chuyện ngắn của thầy, lúc tưởng đùa mà thật, lại vô cùng sâu sắc, về con người, về xã hội, về các môn học, về việc chúng ta đang sống như thế nào, nó còn hại não hơn môn Toán thầy đang hướng dẫn, nó xoáy thẳng vào tâm não của mình. Và đã có lúc mình lại nhìn thầy trân trối để nói rằng: “Sao thầy có thể dẫn dắt hay đến thế!” (chẳng lẽ lại “bộc lộ bản chất” để nói rằng: “Thầy nhận của em một lạy!”)

Môn Toán, học thầy, mình mới hiểu chu vi là gì, thể tích là gì? Trước kia chỉ biết có 1 thứ tên gọi là “chu vi”, 1 thứ tên gọi là “diện tích”, chả hiểu nó là cái gì. Công thức đưa ra thì vẫn phải học thuộc, và thường vẫn học giỏi hàng top, cấp III vào trường Lê Hồng Phong, lúc đó toán thì vẫn đủ để có điểm, nhưng hiểu thì có khi mấy năm sau mới hiểu. Nhưng vẫn chưa hiểu như đến lúc được học thầy. Thầy đã khiến cho mình hiểu ra, quan trọng là thần thái, và quan trọng là cách giới thiệu một khái niệm như thế nào cho học sinh hiểu. Hiểu nó sâu sắc là gì, nó kết nối với khái niệm của môn học đó ở các lớp dưới ra sao, và làm nền tảng cho các lớp sau này. Không cần nhớ công thức, bởi lỡ có quên thì quan trọng là biết cách lập lại công thức đó. Học Toán, phải là những gì kết nối chặt chẽ với thực tế, với cuộc sống hàng ngày, và cả với những gì sâu sắc hơn trong thế giới tinh thần, cho một cuộc sống phát triển cho mình và cho xã hội. Công thức không phải giáo viên đưa ra và bảo học sinh học đi, rồi tính đi. Mà đưa từ một chuyện rất cụ thể, như hãy tính độ dài của đường tròn, chu vi khi biết độ dài bán kính. Rồi cả lớp cùng ngồi mày mò chia đường tròn ra, tìm cách đếm nó, tính nó, rồi từ việc cả lớp cùng làm, tìm ra giá trị một con số, được gọi là Pi, và có công thức tính chu vi đường tròn. Mà cái số Pi ấy đấy, nó có từ thời Hy Lạp, mà thời Hy Lạp ấy đấy, con người ta phát triển thế nào, những lĩnh vực nào, môn học nào, sự tiến hóa về ý thức loài người đến đâu. Nói chung là nổ não, nhưng mà thầy kể chuyện hay lắm lắm í. Nhiều lúc bị thầy đưa từ cái này sang cái khác, não không kịp hiểu, cười không kịp ngậm mồm. Đến lúc thầy nói về những điều sâu xa của tâm linh, của việc sống như thế nào, thì có khi chỉ muốn khóc.

Cảm ơn thầy, vì tất cả những gì thầy đã trao không tính toán cho các học trò của thầy. Chỉ biết nói như thế thôi. 

CÔ THANH CHERRY

17.07.2017

Cô là người mẹ của giáo dục Waldorf không chỉ ở Việt Nam, mà ở cả Trung Quốc. Có thể nói cô là một “người nổi tiếng” trong giáo dục Waldorf của thế giới. Cô đã bắt đầu bằng việc mở một trường Waldorf ở Úc, cũng từ đôi bàn tay trắng và từ bao khó khăn. Cho nên, cô không hiếm những câu chuyện để kể, khi chúng tôi có lời than “con gặp khó khăn nhiều quá!”.

Ở độ tuổi của cô, cô vẫn lo toan từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ nhặt nhất. Cô không quên, dù những cái khó nhỏ nhoi của chúng tôi, và cô luôn đi tìm giải pháp, cho đến khi cô trao tận tay nó cho chúng tôi.

Nói thành thật, ban đầu tôi sợ cô lắm. Tôi sợ bị cô phê, dẫu biết là để cho mình tốt hơn, và cô luôn nói lịch sự trước điều đó (cho con sửa) trước khi cô góp ý. Cô khó, đến từng chi tiết, như việc cái bàn phải gọn gàng, đi đứng phải khoan thai, nói cười phải đẹp đẽ, cho mình và cho trẻ. Bởi vì cô tự gánh vác nhiều như thế, cô luôn bận rộn, và cứ mỗi khi nhìn cô, chúng tôi lại tự hỏi cô lấy đâu ra nhiều sức lực đến thế. Dần dần rồi tôi đã bớt sợ cô, thay vào đó càng thương quý cô hơn. Thương quý mà nghĩ làm sao nhanh chóng để đứng được trên đôi chân của mình, để cô không phải lo toan cho nhiều đến thế nữa.

Việc cô làm cho Việt Nam nhiều lắm không kể hết. Có bạn hỏi vậy tại sao Steiner Việt Nam lâu phát triển đến thế? Hãy tự trách bản thân chúng ta trước, những đứa con của đất Việt. Cô đã về Việt Nam mở trường trước Trung Quốc, đã xin học bổng cho người Việt Nam đi học, và luôn muốn dành ưu tiên cho Việt Nam.

Việc chúng ta, đã có khoá đào tạo giáo viên mầm non và tiểu học Steiner khi còn non trẻ, có những giáo viên kỳ cựu và giỏi nhất mà cô đã mời về dạy, là điều cực kỳ đáng quý. Trong khi những nước khác, chẳng hạn như Hàn Quốc tự phát triển suốt 10 năm rồi mới tổ chức được khoá đào tạo. Cô không ngần ngại đi xin nhiều thứ cho “lũ con” ở nhà. Biết được vậy, bản thân tôi càng hàm ơn và quyết cùng chung tay để một ngày, tạo được nền giáo dục cho trẻ Việt Nam tốt đẹp và tự do.

Còn nhiều lắm mà rồi từ từ viết tiếp heng.

CÔ KATHY

17.07.2017

Với tôi, cô rất đẹp, tiếc là chọn mãi không có tấm nào miêu tả được hết vẻ đẹp của cô. Nhìn tấm ảnh này chắc không ai đoán ra chân cô còn sưng tấy sau chuyến bay dài 12 tiếng từ New Zealand, nơi cô vẫn đang dạy một lớp mầm non. Cô bay thẳng qua Việt Nam, dạy ngay vào ngày hôm sau, sau đó bay tiếp ra Hà Nội dạy, rồi sang TQ dạy, và sẽ quay lại đi ngay vào lớp mầm non của cô để dạy tiếp. Cô nói, cô chỉ sợ những chuyến bay, còn được qua đây dạy những cô giáo Việt Nam để trở thành giáo viên Steiner, đối với cô là trải nghiệm thú vị và quý báu.

Cô dạy chúng tôi những điệu nhảy dân gian, bởi vì trước kia, cô đã chọn học múa ballet. Lý do bởi múa ballet có vẻ là điều trái Steiner nhất, khi cô ở độ tuổi mới lớn và muốn làm ngược lại với cha mẹ cô, là người mở trường Steiner ở Nam Phi để mong thay đổi đất nước này thông qua giáo dục, để trẻ em có tương lai tốt đẹp hơn. Ở công ty ballet, cô gặp chồng cô sau này. Chồng cô muốn cô trở về quê hương ông là New Zealand nơi có rất nhiều khoảng xanh và lũ cừu hiền lành. Cô đồng ý với điều kiện các con sẽ đi học trường Steiner. Vợ chồng cô đã tìm được một trường mầm non Steiner thật tuyệt để con cô đi học. Thế rồi, cô giáo của con cô nói với cô rằng cô ấy phải đi nghỉ 6 tháng, hãy làm ơn làm ơn trông lớp cho cô ấy 6 tháng thôi, cô ấy hứa sẽ trở về nhận lớp. Và cho đến tận bây giờ, cô Kathy vẫn đợi …

Mỗi người giáo viên đều có câu chuyện khác nhau về việc họ đã đến với Waldorf Steiner như thế nào? Và câu chuyện của cô là một trong những câu chuyện như thế. Đương nhiên là cô Kathy còn kể chuyện rất hay.

Tôi may mắn được học cô ba lần: một lần ở Module III Khoá Đào tạo GV Mầm non Steiner ở VN, cô dạy chúng tôi môn kể chuyện và kỷ luật sáng tạo. Lần thứ 2 ở Hội thảo GV Steiner Châu Á ở Thành Đô, Trung Quốc, cô giảng trong hội thảo về Kỷ luật sáng tạo. Lần này, lần thứ 3, cô dạy chúng tôi kiến thức Anthroposophy như con người 3 thể – 4 thể – 7 thể (9 & 12 thể), tiến hoá của nhận thức con người, vòng tuần hoàn và lễ hội của năm, vai trò của người giáo viên mầm non (tự giáo dục, làm việc với người lớn và trẻ nhỏ). (Đến 2022 thì số lần Minh được dịch cho cô đã tăng gấp đôi rồi.)

Cô là người đầu tiên khiến tôi bị cuốn hút thật sự, có khi trào nước mắt khi cô kể chuyện. Cô là người đầu tiên mở ra cho tôi thấy thế nào mới là kỷ luật sáng tạo, khi người lớn khiến trẻ nghe lời mà không qua khen thưởng hay trừng phạt, cho tôi hiểu tự do trong sự tôn trọng người khác, trong những ranh giới – cũng chính nơi tạo ra sự an yên cho trẻ. Và trong khoá học này, cô khiến tôi khâm phục vô cùng sự am hiểu sâu rộng của cô về thế giới tinh thần cũng như mọi điều khác qua những tờ viết bài chi tiết và cẩn thận của cô, được thể hiện qua lời giảng sống động và hấp dẫn chẳng kém những câu chuyện cô đã từng kể cho chúng tôi nghe. Trong giờ giảng của cô, dù kiến thức quá nhiều và quá khó, tôi chỉ mong có thể dịch được trôi chảy, nhanh chóng và đầy đủ nhất có thể, bởi tôi tin không chỉ riêng tôi, mà nhiều bạn học viên khác cũng đang như nuốt từng lời cô giảng.

Hôm nay viết tiếp vài dòng về cô, vì lại một lần ngưỡng mộ cô, khi đọc tài liệu tóm tắt cô gửi trước cho hội thảo ngày 3.4.2022 sắp tới về Nhịp điệu. Một đề tài tưởng đã cũ, cô đã dạy bao lần, thế mà mỗi lần dạy, cô lại soạn bài giảng tăng cấp độ lên thật nhiều, cảm giác như một vũ trụ mới vậy.

Hồi trước cô có nói cô là người Tính Khí, cô kém việc tổ chức, nên trước khi dạy cô phải soạn bài nhiều, đơn cử là cô viết ra rất nhiều tờ A0 treo ở trên lớp, hoặc cô chép ra trên bảng rất dài những ý cô sẽ giảng. Và nhìn vào những tờ giấy, những dòng ghi chú ấy, Minh phát hoảng, Tính Khí kém tổ chức của cô đấy ư?

THẦY BENNO

11.8.2017

Tấm hình này “dìm hàng” thầy quá đỗi, lúc cuối ngày, khi thầy mệt phờ phạc sau khi sửa từng bài cho hơn 30 đứa, mà mỗi đứa cũng mấy bài từ sáng sớm đến chiều hôm. Ngay cả giờ nghỉ, thầy đã quyết định nghỉ, mà ngồi nhìn thấy bức vẽ của đứa nào đó là thầy lại “không thể chịu nổi”, lại cầm bút, phấn ra ngồi chỉ…nh cho.

Thầy vui kinh khủng, làm chúng tôi cười ha hả suốt, bất cứ giờ hát, giờ thầy cho chơi trò chơi, giờ học vẽ, ngay cả trong giờ thầy giảng bài. Bài giảng của thầy, bài nào như bài nấy, chúng tôi ngồi im thin thít lắng nghe, có đứa như tôi nổi da gà vài chặp, cảm nhận như chính mình đã hay đang sống, đang trải nghiệm điều mà thầy nói. Đến cuối bài, hầu như ai cũng lặng đi, xong rồi bất giác vỗ tay rào rào vậy á.

Khi dạy vẽ, thường thầy ngồi trên sàn, kêu chúng tôi lại gần, thầy vừa nói vừa vẽ thị phạm, chính xác hơn là chia sẻ trải nghiệm và cảm xúc, vì thế chúng tôi cứ ồ à sau những nét thầy vẽ, rồi ngồi ngây ra khi thầy vẽ xong, về những điều thật sự giản dị mà sao sâu sắc thế, hiệu quả thế.

Tôi nghĩ, điều thầy đem lại cho chúng tôi, không phải là kỹ thuật vẽ, mà hơn thế, niềm tin vào sự tự do thể hiện, vào khả năng vô tận của mỗi người, vào tầm quan trọng của tinh thần và sự phát triển bên trong. Thầy luôn nhận thầy đang học hỏi từ chúng tôi, để tôi, không chỉ từng giờ, mà từng ngày, cứ trôi qua nhanh như tên bắn, và lại cảm thấy buồn muốn khóc, khi nghĩ thầy đã sắp chia tay chúng tôi rồi.

THẦY CHRISTOPH JAFFKE

19.10.2017

Tôi chẳng dám nói gì nhiều, chỉ biết là tôi thương thầy biết bao khi thầy ướt đẫm mồ hôi sau mỗi buổi dạy. Rằng thầy luôn miệng cảm ơn khi chúng tôi mua cho thầy chỉ … một trái dừa tươi. Khi thầy chịu khó ngồi sau xe máy cho chúng tôi chở từ trường mầm non qua trường tiểu học, trả lời câu hỏi “thầy có ổn không?” bằng thứ tiếng Anh đẹp tuyệt là “tuyệt vời, thật là hay …”
Những hàng dài trong tiểu sử của thầy hẳn vô cùng ấn tượng, như là theo học 13 năm ở trường Waldorf đầu tiên, là đồng sáng lập trường Waldorf thứ 4 ở Stuttgart, Đức, làm biên tập cho hơn 100 cuốn sách đủ thể loại và đủ thứ tiếng. Và bây giờ, ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, vẫn bay hàng dặm trường sang đây dạy cho chúng tôi, không hề ngại ngần, không dấu diếm chút gì.
Tôi sẽ luôn ngẩng lên nhìn, không phải bởi thầy cao chạm xà trên của cửa ra vào, không phải vì đôi giày của thầy để bên cạnh giày của chúng tôi như của người khổng lồ bên cạnh lũ tí hon, mà bởi kiến thức, năng lượng, tấm lòng của thầy.
Ước sao chúng tôi mau có người kế vị thầy, dù chỉ một góc nhỏ. Ước sao bản thân tôi có nhiều thời gian và sức khoẻ hơn, để chăm sóc thầy tốt hơn và cả học được của thầy nhiều hơn. Chẳng hạn tối muộn mà thầy ngồi bảo tôi đọc câu luyện thanh âm [dz] một cách nhiệt tình trong khi tôi chỉ muốn đi trốn. Để chép lại tỉ mẩn những lời giảng quý báu thầy truyền đạt, đã làm bạn trong lớp (vui sao tôi không lẻ loi) rùng hết cả mình vì cảm động. Thấy mở ra thật nhiều. Khi ta hiểu nguồn cội sâu xa của ngôn ngữ, của lời tạo hình cơ thể, tình cảm và lý trí của chúng ta như thế nào? Chúng ta dạy trẻ tâm huyết mà đơn giản ra sao? Thấy việc giáo dục nó thiêng liêng ẩn trong vẻ ngoài hài hước và giản dị như thế nào?
Chỉ mong, chỉ mong, lời thầy dạy sẽ ươm những hạt mầm tốt đẹp nhất, cho con trẻ chúng ta.

CÔ SUSAN

10.01.2020

Sáng nay mình mua nguyên liệu để gói bánh cho Hội Xuân nên vào trường TH, và thấy cô đang ngồi chờ xe để qua MN dạy. Sau một hồi gọi xe taxi không được, thì có gợi ý mình chở cô bằng xe máy sang trường MN. Ánh mắt chờ đợi và lo lắng của cô khi chờ xe mới khắc khoải làm sao, nên mình hỏi cô có ngại không nếu mình chạy nhanh. Cô cười phá và bảo: “Cô sẽ nói cho em biết khi em chạy nhanh quá!”. Đến nơi, chưa kịp thở, cô vội vã mang giày Eurythmy vào và chạy vào lớp MN. Sau đó thì cô lên trên phòng này, trước 20 phút để chuẩn bị cho lớp tiếp theo. Việc chuẩn bị lớp bao gồm đi quét căn phòng thật sạch, thật thật sạch, sắp xếp lại bàn ghế gọn ghẽ, kiếm bình hoa và nến cho bàn thiên nhiên, rồi cô ra đứng đây chuẩn bị các bài nhạc và rồi cô đứng yên. Và có một đứa là mình lặng người đi đầy kính trọng.

Cô Su là người thầy Eurythmy đầu tiên của mình. Và mình luôn biết ơn việc được học Eurythmy lần đầu tiên với cô. Khi ấy, cô vô cùng nghiêm khắc. Tới mức mình đã bị “ăn mắng” mà ngỡ ngàng muốn khóc khi mình giải thích cho một bạn không nghe kịp lời cô nên hỏi lại mình (mình là người dịch trong lớp học). Khi mình nói lại cho bạn (nói nhỏ, bạn đứng cạnh mình), cô đã quay sang la luôn rằng: “tập trung, hãy chỉ để cô nói!” Lời la ấy đã làm mình thay đổi rất nhiều, không chỉ trong việc học Eurythmy mà cả trong việc dịch, tương tác trong lớp khi dịch. Nhờ cô, mình hiểu việc tập trung cao độ đồng thời thả mình hoàn toàn theo tiếng nhạc là cách để học Eurythmy; nghiêm cẩn trong từng động tác, cử chỉ, đồng thời lại thả lỏng theo cảm xúc dâng trào khi đã “hiểu” được bài. Từ cô, mình xem Eurythmy thật sự là một sự rèn luyện hết sức “tâm linh” (tinh thần – spiritual) đồng thời lại là một môn vô cùng thực tế, giúp cho sức khỏe nói chung của con người mình. Tình yêu kính Eurythmy của mình, mình luôn cảm giác là nó được khơi dậy từ cô. Đồng thời, cũng từ cô, mình hiểu và nhìn nhận Eurythmy nói riêng, và cả Anthroposophy không phải là mơ mộng, là hồng hồng tuyết tuyết, nó là sự nỗ lực thực sự của mỗi con người bình thường. Như câu chuyện cô chia sẻ về quá trình cô học để trở thành giáo viên Eurythmy: cô là một bà mẹ đơn thân vào thời điểm đó, và cô đã kiên quyết tha lôi những đứa con (mà cô nói đùa là chúng đã vừa la hét, vừa vung tay đá chân chống cự) đến một thành phố khác để học Eurythmy. Cô đã vừa học (ở thành phố khác) vừa làm (trở về nơi cũ để làm việc kiếm tiền vào kỳ nghỉ của khóa học) để có tiền sống và học tiếp.

Mình luôn mong chờ cô trở lại và được học Eurythmy từ cô. Bởi cô dạy rất hay. Mình không ngại ngần nói với con trai mình rằng, cô là người thầy Eurythmy mà mình muốn học nhất, vì tất cả những điều mình đã kể trên đây. Sáng nay mình đã xin cô cho vào xem cô dạy lớp 6. Mình cảm thấy một cái gì đó, vượt lên trên việc lũ trẻ thật là may mắn khi được vận động, nhảy múa, chơi đùa với sự dạy dỗ tuyệt vời của cô, với tiếng đàn piano điêu luyện của thầy Nguyên. Còn mình, được ở đó, cảm nhận với mọi giác quan, cái sự kỳ diệu của Eurythmy, khi mỗi đứa trẻ được dạy lắng nghe, bằng cả bản thể của mình, không chỉ tiếng nhạc, mà cả sự vận động của những người bạn xung quanh mình, vận động và di chuyển những hình học trong không gian, theo nhịp điệu của bài thơ đầy ý nghĩa hoặc nhịp điệu và sự chảy trôi của tiếng đàn piano cơ. Vào thời khắc đó, tất cả hòa quyện vào nhau, những dòng chảy năng lượng, những cảm xúc đan xen. Và khi đó, mình như cảm thấy tính cách của từng bạn học sinh lớp 6 bộc lộ ra, mỗi đứa trẻ đều tuyệt đẹp theo cách riêng của nó, và lòng mình tràn ngập sự biết ơn.

Mình sẽ không bao giờ nói được hết những gì mình cảm thấy về cô.

Cô rất bận, vì giáo viên (và cả nhà trị liệu Eurythmy cho trẻ đặc biệt) như cô rất hiếm. Cô dành thời gian qua Việt Nam là cơ hội khó có. Cô lại ưu tiên dạy cho lũ trẻ hơn người lớn. Hà Nội may mắn sắp xếp được 1 buổi hội thảo cô dạy cho người lớn mà mình không hiểu vì sao các bạn đăng thông tin quá cận ngày (hội thảo vào Chủ Nhật tuần này).
Mình chưa xin phép cô nên không dám đăng hình có mặt cô (mà chắc là cô cũng không thích đâu), cũng như đăng hình hay video những bài các bạn thực hành trong lớp học. 

THẦY GREGORY

09.02.2020
Mình đang làm một hành động vượt tường lửa, ý là viết về thầy, đăng hình về thầy mà chưa xin phép. Nhưng mà có những thôi thúc để mình chia sẻ một trong nhiều điều thật đẹp về thầy.
Thầy là một trong những người thầy hiếm họi dạy đến 4 vòng cấp một, tức là 4 x 7 năm cho một lớp. Thầy đã sang Việt Nam dạy cho chúng mình lớp 3, lớp 4 và giờ là lớp 1. Thầy là người sáng tác rất rất nhiều bài hát, bài thơ, câu chuyện, cũng như cho học sinh làm thủ công, làm mộc, làm nhà … Khi trẻ lên lớp 7, thầy lái xe đưa cả lớp (30 trẻ) đi nửa vòng nước Úc, để cắm trại trong rừng. Một người thầy tuyệt vời!

Mỗi lần sang, thầy lại cho chúng mình những kiến thức và kỹ năng khác nhau. Nếu như lần đầu qua, dạy lớp 3, thầy cho chúng mình những kiến thức quý báu về ý nghĩa thật sự của giáo dục (nói chung, chứ không chỉ là giáo dục Steiner) và những kỹ năng cụ thể về quản lý lớp, hay như chúng ta thường gọi là kỷ luật cho học sinh. Lần thứ hai, thầy đan quyện cụ thể hơn giữa kỹ năng quản lý lớp trong các hoạt động, các trò chơi và cách truyền đạt cho từng môn học chính của lớp 4. Lần này, dạy lớp 1, thầy lại giảng kiến thức sâu rộng hơn về 4 thể của con người (thể xác, thể sức sống, thể tâm hồn, cái tôi) và 3 thể (tư duy, tình cảm, ý chí), sự phát triển của trẻ qua từng giai đoạn 7 năm.

Nếu chia sẻ về kiến thức thì chắc không bao giờ hết. Mình sẽ viết về những điều ấn tượng sâu sắc mà mình đã được thầy dạy. Lần đầu tiên thầy qua, mình đang vào lớp dạy môn Anh văn cho từ lớp 1 đến lớp 5, vì thế, mình áp dụng ngay những gì thầy dạy vào lớp học của mình. Cụ thể như các điều sau đây:

– Học trò không thích học là do thầy, chỉ có lý do đó mà thôi. Còn cụ thể hơn nữa thì quan sát lại chính mình. Cứ mỗi lần thấy học trò không thích học, học trò lần lữa, trốn tránh giờ học; học trò quậy phá, không nghe lời … mình lại nhìn lại chính mình, với lời thầy khẳng định nhắc lại trong đầu. Và mình buộc phải, thay đổi cách dạy, thay đổi bài học, thay đổi nội dung, thay đổi cả cách nói, cách làm … Cứ như thế, không một lý do nào khác, tất cả là do chính mình, người thầy đang đứng trước học sinh!

– I mean what I say (Cô nói nghĩa là làm!) Thiết lập những nội quy của mình (người giáo viên) cho lớp đó của mình, nói chính xác hơn nó giống như một bản thỏa thuận giữa thầy và trò mà thầy là người cầm chịch. Bắt đầu từ một quy tắc, thực hiện đến khi học sinh làm nó, và bắt đầu tiếp quy tắc thứ hai. Đã đưa ra là thực hiện đến cùng, không bàn cãi, không thương lượng gì nữa hết. Nó trở thành một điều cần phải làm, không phải là điều cần phải bàn. Những quy tắc này sẽ trở thành cái khung vững chắc nâng đỡ cho học sinh, để chúng thoải mái được làm những gì còn lại mà người thầy không cấm.

– 1. Bỏ bút xuống (và đợi đến khi cả lớp bỏ bút xuống) – 2. Nhìn thầy (hoặc viên phấn trên tay thầy, và đợi đến khi cả lớp đều đã nhìn) – 3. Xem thầy vẽ/làm toán trên bảng. Đây là 3 bước cho mọi hướng dẫn của thầy. Quy tắc là: nói xong thì đợi cho lớp làm theo (toàn bộ lớp, không có cá nhân nào ngoại lệ, kể cả khi thầy đã quay lưng lại vẽ lên bảng, thì con mắt phía sau lưng vẫn bảo đảm thầy biết nếu có bạn nào lén vẽ hay viết khi thầy đang bảo nhìn thầy làm mẫu).

– Hài hước: “ồ, có nguyên cục sáp trong tai con nè phải không? Nên con không nghe được thầy nói!” (và bằng bàn tay ảo thuật thật sự lấy cục sáp ong ra khỏi tai đứa trẻ), hoặc “có con chim líu quíu trong cây sáo của con cứ la làng khi thầy đã ra hiệu ngưng phải không nè?” khi đứa trẻ còn cố thổi vài hơi khi thầy đã ra hiệu ngưng cho cả lớp. Luôn luôn “nâng trẻ lên”, tôn trọng và yêu thương. Tuyệt đối không bao giờ phủ nhận, hạ (nhục) trẻ – không cho phép dù là thầy làm hay bất kỳ bạn nào thực hiện với bạn khác. Người giáo viên sẽ ôm ấp, nâng đỡ cả lớp trong vòng tay “uy quyền yêu thương” của mình.

– Nghiêm khắc nhưng công bằng: đứa trẻ ngỗ nghịch nhất nào cũng cần một người dẫn dắt, bảo nó “không” khi cần thiết, và bảo đảm công bằng. Nó sẽ chấp nhận nội quy nghiêm khắc nhất, chỉ cần nó thấy được sự công bằng. Ai cũng được đối xử như ai!

Trả lời các loại câu hỏi với nội dung chính: “người giáo viên tác động gì đến học sinh?”, thầy bảo đối với thầy, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh là điều quan trọng nhất. Người thầy đối xử với học trò bằng tình yêu thương, học trò sẽ nỗ lực đáp lại bằng tình yêu thương với người thầy.

Những tháng ngày đi dạy ngắn ngủi của mình, có những lúc thật khó khăn, mình tự nhủ trong lòng, chừng nào mình còn yêu thương những đứa trẻ, ngày đó mình còn có thể vào lớp dạy bọn chúng, cho dù có vỡ trận, cho dù có sự bất đồng với những người lớn, chỉ cần trong lòng mình còn yêu thương và thấy việc mình làm còn có ích cho chúng, mình còn tiếp tục.
Những ngày này, mỗi lần thầy cho cả lớp hát bài Behold the day, mà mình đã dạy cho các bạn lớp 5 hát, mình lại rưng rưng. Mình nhớ cái thời khắc lắng nghe tiếng các bạn hát, hay khi mình ngồi ở bàn một bạn đang lên bảng viết bài, và lắng nghe cái bầu không khí “sôi nhè nhẹ của sự tập trung, của ngòi bút đi trên giấy, của những tiếng thì thầm khe khẽ” và nắng chiều chiếu xiên khoai vài tia qua màn cửa, và mình thấy mình đang có những giờ đáng sống.

Mình sẽ chẳng bao giờ viết lại được hết, những gì thầy Greg, hay bất cứ thầy cô nào đã cho mình, bởi vì chúng, là những điều cao quý chẳng bao giờ đo đếm được. Chỉ biết lòng tràn đầy biết ơn, và thấy mình may mắn!

Chú thích hình: lũ học trò ngồi vẽ, và được thầy hát cho nghe. Thầy sáng tác truyện và kể thần sầu đi, câu chuyện có đan xen những bài thơ, bài hát mà chính thầy sáng tác, rồi sẽ cho lũ học trò chuyển động, múa hát, diễn kịch theo nữa. Ta nói… học mà về ba mẹ hỏi “học gì?”, toàn bảo “có học gì đâu!” là bởi thế này đây!

THẦY PAUL

28.04.2020

Mình được may mắn học thầy chỉ vài buổi thôi. Và lại là bài giảng đầu tiên, con người 4 thể. Thầy là người giảng bài này, đối với mình, sâu sắc nhất, toàn diện nhất và cũng giản dị, dễ hiểu nhất. Thầy là một người tận tụy, cái kiểu người sẵn sàng nhận tất cả phần khó về mình, sẵn sàng làm thay cho tất thảy ấy. Ở bên thầy, cứ như ở bên một ông tiên hiền hòa, bao dung và minh triết. Rồi thì có đứa hấp háy rằng “thầy Waldorf giảng là dễ hiểu thế đấy!” vì chả là thầy đã có thời gian là thầy giáo tiểu học Waldorf trước khi thầy đi dạy người lớn những vấn đề triết lý này mà. Nhưng quả là bài giảng của thầy cực kỳ lớp lang, nó lớp lang đến mức bài giảng ngày hôm sau, hôm sau nữa, nếu tinh ý sẽ nhận thấy nó đã được đặt nền móng từ bữa đầu tiên, kiểu vậy.

Thế rồi thầy bị ù tai, khi mình ngỏ ý giúp thầy bằng hand of light, mình có cảm nhận mơ hồ về một khối u trong não, nhưng mình không dám nói và càng không dám chắc. Mình hy vọng điên cuồng rằng mình sai. Thế rồi, đúng cái buổi trưa mà mình bay vào TP. HCM để dịch cho khóa học tiếp theo, thì mình nhận điện thoại là thầy vào bệnh viện. Tóm lại sau đó thầy đã về lại Canada và chúng mình vẫn luôn mong thầy sẽ đi qua những ngày sắp tới bình an và vui vẻ nhất!

Quay lại vấn đề chính nha, khi đọc bài phỏng vấn của thầy, một lần nữa lại nhớ thầy vô cùng. Và thầm cảm ơn cuộc đời đã cho mình dịp để gặp những tấm gương như thầy, để thấy rằng “cho đi là nhận lại”, để thấy rằng những gì mình được nhận là quá quý báu để mà mình dặn lòng lại tiếp tục học cho đi!

Bài phỏng vấn này thầy kể về việc ngày xưa thầy đã bỏ học thế nào, rồi qua Canada để đi đào vàng, rồi vào IBM làm cái thời IBM như là đế vương công nghệ. Thế nhưng thầy lại nghỉ IBM vì cảm thấy tâm hồn mình đang bị hủy hoại (ôi đọc cái này mà thấy tự pity mình thế!). Rồi 3 câu hỏi về việc học cho con, về Christ (Chúa), về cách làm cho nghệ thuật có ý nghĩa, đã đưa thầy đến việc chọn 3 quyền sách về giáo dục, về Christ, về nghệ thuật cùng của Rudolf Steiner. Và bìa cuối các cuốn sách có nói rằng, nếu chưa đọc 5 cuốn cơ bản của Steiner, thì xin đừng nhận xét gì cả. Rồi những câu hỏi đã đưa thầy đến công việc thầy đã làm như thế nào. Tất cả, tất cả những gì thầy chia sẻ đều đụng đến tâm can của mình theo một cách nào đó! Nhưng trên hết là cảm giác, khi gặp một ai đó mà mình cảm thấy gần gũi và yêu thương ngay lập tức, thì rõ ràng đó là một người sẽ rất ‘giống’ mình (ở đây không hề có ý giống là mình bằng họ nha, ý là có khi họ ở cách mình hàng chục level cao hơn, song đó là sẽ nơi mình phấn đấu đi tới).

CÔ HELEN

13.08.2018

Ngày đầu tiên của Module ở Hà Nội, cô nói đến ba lần: “Thật may là con ở đây!” Mình chỉ muốn trả lời cô rằng: “Con ở đây vì cô ạ!” Càng ngày càng yêu quý cô hơn!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *