Steiner – Những đứa trẻ bị bỏ lại bên lề

Thứ bảy vừa rồi là ngày họp phụ huynh mầm non Tre Xanh, Chủ nhật là ngày họp phụ huynh tiểu học Tre Xanh. Sau đó, facebook của bạn bè mình có nhiều chia sẻ hình ảnh và cảm nhận, mình đi like dạo vì mình thích lắm!

Chuyện vui như trường mầm non Tre Xanh đã làm xong, cây mới trồng nở hoa đẹp lắm, lớp học rộng rãi thoáng mát lắm, đồ chơi đã đời luôn … thì mọi người chia sẻ rồi. Mình sẽ nói những chuyện bên lề nhé!

Thôi, đầu tiên cứ nói chuyện vui trước đi. Vui như là khi chạy vào trường mầm non, thấy có một anh đang tưới cây, nhìn kỹ là biết ông ba (phụ huynh) của trẻ đó nha! Rồi đi vòng vòng lúc mọi người đã về hết, thấy có ông thợ nào chăm quá, vẫn đang lui hui sửa vòi nước. Đi lại gần hoá ra là ông chồng của cô quản lý trường. Vậy á, cái trường Steiner nó “độc lạ” ở chỗ đó đó. Sang trường tiểu học cũng vậy, phụ huynh góp đậu, rau cho bữa ăn, góp lá, cột làm nhà, có người mới xung phong chụm củi cho bữa nấu bánh chưng bánh tét nữa kìa. Họp phụ huynh thì ngoài chuyện hỏi han về học cái gì, học ra sao, cần hỗ trợ gì giữa giáo viên và phụ huynh, thì phần lớn là tám chuyện, các bạn về nhà kể chuyện trường lớp ra sao, kể về các bạn trên lớp thế nào, thêm chuyện đòi sang nhà bạn chơi “3 ngày 3 đêm”, kiểu vậy. Rồi kể cho nhau nghe mới biết thêm mấy chuyện, chẳng hạn như là tóc tai bạn K lởm chởm vì được anh P. tạo mẫu cho, áo K cũng lại được đục lỗ vì Táo nhà mình rủ thử nghiệm cái đục lỗ giấy của cô giáo.

Giờ nói chuyện có thể gọi là hơi buồn chút ha. Đầu tiên, có một số bạn đã chọn vào Tre Xanh vì không thể học trường công, con đường nhiều người vẫn cho là độc đạo cần phải đi. Cái nỗi niềm khi con bị chê chậm, dốt, không thể học được, ngu lâu khó đào tạo … là nỗi đau khó xoá nhoà trong lòng phụ huynh, và điều ít được nhận ra, trong lòng chính các bé. Việc một đứa trẻ ngồi học mà viết một chữ, nhìn lên trời mơ mộng một đống … hay giải toán không theo mẫu, viết văn không theo tuồng, là đã khó chấp nhận lắm rồi. Việc nó lên lớp 2 mà viết chưa thạo, toán chưa thông, thì “ngu” là chắc chắn. Thầy giáo trong video cuối bài kết thúc bài chia sẻ là: “Chúng ta đang dạy và đánh gía con trẻ theo chỉ 50% bộ não, là não trái. Hãy để ý đến 50% bị bỏ lại.”, tôi ứa nước mắt, vì hiện tại bao nhiêu đứa trẻ ở Việt Nam đang bị bỏ lại, bởi chính những đấng sinh thành, chưa kể là thầy cô giáo dưới áp lực thành tích.

Việc cha mẹ chửi mắng con vì con điểm kém, thất vọng não nề vì con không được như mình nghĩ hay tin (theo tiêu chuẩn nào đó), tức giận khi con làm điều mình không thể nghĩ con được phép hay nên làm, là chuyện thường ngày ở bất kỳ ai (kể cả tôi, người đang viết đây). Chúng ta có để dành chỗ cho con được sống theo đúng điều con thích, con muốn, con cần? Ngay cả những ước mơ thơ trẻ của chúng ta, có khi lại là gánh nặng hay trách nhiệm quàng lên vai con trẻ của mình (bởi vì ước mơ, nên được là những điều riêng tư nhất). Suy cho cùng, điều khó nhất lại là điều tưởng chừng dễ nhất, chấp nhận mọi điều như nó là.

Tôi may mắn đã có thể cho Táo theo học tiểu họcTre Xanh Steiner Inspired School nơi mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ, tôi càng thấy niềm vui to lớn. Nhím giờ đang lớp 8 rồi, tôi chưa đủ sức để tự dạy cho con (đang mơ mộng kiếm được anh yêu lo dùm phần đó), nên tôi vẫn được chứng kiến những điều ở trường công, và hai mẹ con chỉ có thể tìm cách “sống chung với lũ”. Ngay cạnh nhà tôi có trường cấp 1, có những lần gặp các bạn còn nhỏ tí, vai đã vác cái cặp to đùng. Chân đi còn bước thấp bước cao, đầu óc còn mơ mộng trên trời, tôi nhìn mà thương quá, nghĩ vào lớp 1 trường công, bao nhiêu thứ sẽ bị tàn phá, để có thể nhanh và chóng hoà nhập vào guồng máy, đáp ứng khuôn mẫu thành công, thành tích. Thương không để đâu cho hết.

Nhím hồi năm lớp 7, cô CN nghĩ ra mô hình hay ho là cho 1 bạn giỏi kèm 1 bạn kém (dò bài, chỉ bài, song nhiều nhất là ghi chép lỗi lầm, mách cô để cô mách mẹ). Khỏi nói Nhím gồng mình như thế nào (vì Nhím không biết làm cách nào cho bạn học bài, và không hề muốn bạn bị cô la mẹ đánh). Tôi khi đi họp phụ huynh, đã trân mình chịu đựng khi nghe cô giáo báo cáo thành tích, cũng những lời như là nếu kết quả kém, cô sẽ gọi cho phụ huynh, và phụ huynh có trách nhiệm đôn đốc để bạn học tốt. Mà sao có phụ huynh sau khi báo vài lần, con vẫn học kém như vậy. Cô có nhắc về chuyện đôi bạn cùng tiến đó. Tôi thấy đôi mắt của người mẹ ngồi bên toé lửa, tôi đã lo lắng đứa trẻ về sẽ lãnh đủ cho nỗi khổ nhục mẹ nó đang phải mang ở đây. Tôi xấu hổ vì Nhím là người kèm bạn (tôi không hề muốn chị ấy phải cảm thấy con chị thua kém Nhím dù chỉ một chút gì, và nhất là chị không thua kém tôi một chút gì). Tôi hoàn toàn đau khổ và xấu hổ cái trò này. Nhưng tôi chẳng dám nói một câu nào, vì thấy nói gì cũng dở, sợ chị lại hiểu lầm và đau lòng hơn. Sau này, bạn nói với Nhím “kệ đi, không sao đâu” vì thấy Nhím khổ tâm quá. Bạn bảo bị đánh cũng chả sao. Nhím ngạc nhiên vì sao bạn không học, làm cách nào cũng không học. Tôi trả lời sau khi ngẫm nghĩ: “Chắc là bạn không thấy thích học nữa rồi con ạ”. Lớp của Nhím là lớp cá biệt của khối, nơi đầy những người bạn như thế. Những bạn cực vui, vào giờ nghỉ làm cả lớp cười rần rần, mà Nhím nói, thấy cái bạn riết, coi hài thấy cũng bình thường hà. Các bạn có nhớ có niềm tin rằng, khi ra trường, chính những đứa học hành tèng tèng trong lớp mới là đứa thành đạt trong đời, từ nghề kinh doanh cho đến nghệ sĩ, không? Tôi trò chuyện với con, và Nhím luôn biết rằng, mỗi người bạn đều đặc biệt và giỏi theo cách của họ. Hai mẹ con chỉ buồn, khi bạn bị mẹ đánh, bị cô la. Tôi suy nghĩ, liệu những đứa trẻ như vậy, có sống sót đến khi ra trường và được tự do làm điều mình muốn hay không, trước khi các em bị tước đi đến hết những cá tính và niềm tin vào bản thân mình?

Trở lại vai trò của phụ huynh, chính bản thân tôi rất nhiều khi vẫn kỳ vọng và thất vọng, thậm chí tức giận rồi la mắng con, vì con không đạt theo tiêu chuẩn của tôi đặt ra. Vấn đề là, khi con cái đi học, không đạt được danh hiệu giỏi, thậm chí giỏi toàn diện, thì phụ huynh lại tức giận với cả giáo viên phải không nhỉ? Khi không muốn con bị nghiền nát trong trường công, phụ huynh cho con đi học trường tư, song lại vẫn muốn giáo viên làm gì thì làm, không được để con tôi khổ, nhưng phải làm cho con tôi giỏi, có không nhỉ? Khi con không học được ở nhiều nơi, thì cho con vào nơi con được nhận, song kỳ vọng về tiêu chuẩn chung xã hội, thì vẫn còn nguyên, thế có bất công không nhỉ? Tôi biết chuyện buồn như việc trẻ gọi là tự kỷ đi học, có giáo viên có tâm, nhưng dùng phương pháp la và phạt, để trẻ hoàn thành bài tập, đi kịp lộ trình điều trị? Phụ huynh quay qua trách giáo viên, song thử hỏi phụ huynh có yêu cầu kết quả thấy được sau một khoảng thời gian hay không? Thôi thì, tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Còn đứa trẻ thì sao?

Thôi thì, chúng ta đang sống trong một xã hội nơi có đầy tiêu chuẩn, thang điểm, cách đánh giá này kia. Khi chúng ta sống chỉ nhìn vào bên trong, chỉ tin vào bản thân mình, chúng ta đôi khi phải loay hoay làm sao cho hòa hợp với số đông. Song tôi luôn tin, “đi thì sẽ thành đường, tin thì sẽ làm được”. Hãy tin yêu bản thân, và tin yêu vào chính con mình.

Nếu có lỡ mà la mắng con vì tiêu chuẩn của chính mình, hay tiêu chuẩn xã hội, chỉ cần bạn có thể quay lại, ôm con và nói với con rằng “mẹ yêu con, dù thế nào đi nữa”. Thì ngày mai trời lại sáng. Nói cho cùng, chỉ cần tình yêu thôi, chuyện gì cũng làm được tất.

https://www.youtube.com/watch?v=imaW-TabxOE&app=desktop

6 thoughts on “Steiner – Những đứa trẻ bị bỏ lại bên lề”

  1. Cám ơn bài viết của bạn, chạm đúng nỗi niềm của mình. Mình cũng có hai cô con gái, cũng lo sợ môi trường học tập hiên nay lấy mất sự vô tư, niềm vui và con người thật của các bé. Thật buồn nhỉ!

  2. Em có 2 đứa con trai, 1 bé lớn đang 3 tuổi rưỡi, nói chưa rành nguyên câu dài, đôi lúc pha lẫn tiếng Việt và tiếng Anh. Bé thích chạy nhảy, làm theo ý mình và dễ bị kích động nếu như có việc gì không đúng ý mình. Bản thân em là người làm mẹ, em cũng đang thật sự lo lắng nên tìm hướng đi nào đúng đắn cho bé, cũng lo sợ khi bé không thể hòa nhập vào môi trường tiểu học công lập với đủ thứ quy tắc và áp lực từ thầy cô, xã hội.. Em đang phân vân đến việc cho bé học chậm 1 năm lớp 1 nếu đến lúc đó bé vẫn chưa thể diễn đạt rõ ý những gì muốn nói. Khi đọc được những chia sẻ của chị, có khi nào đây là nơi mình muốn tìm kiếm bấy lâu hay không..

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *