Steiner – Chuyện cổ tích cho ngày sinh nhật (sách của Joan Almon)

Trích từ Sách của Joan Almon – Phan Lê Minh dịch

Trong nhà trẻ theo phương pháp Wardorf, khi chúng tôi nghĩ đến sự phát triển của trẻ, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng cách đi ngược về thời điểm trẻ được sinh ra và tất cả những điều đã có xung quanh đứa trẻ vào lúc đó. Rudolf Steiner, người sáng lập nền giáo dục Wardorf, đã nói rằng một trong những quy tắc dẫn dắt của nền giáo dục này, là đón nhận đứa trẻ trong sự tôn trọng. Điều này nghĩa là chúng ta cảm thấy tôn trọng từ trái tim mình, tôn trọng thế giới cội nguồn của trẻ cũng như thế giới vật chất mà trẻ đã đến đây. Chúng ta không nói một cách trực tiếp cho trẻ thơ về hành trình vĩ đại mà trẻ đã thực hiện để đến với trái đất. Chúng ta thể hiện nó thường trong các dạng truyện kể, chẳng hạn như câu chuyện kể vào ngày sinh của trẻ.
Mỗi khi tổ chức sinh nhật cho một bé trong nhà trẻ, chúng tôi thường kể một câu chuyện đơn giản và có thể là sẽ bắt đầu như thế này:
Ngày xửa ngày xưa có một đứa trẻ sống trong một ngôi nhà bằng vàng trong một đồng cỏ thần thánh ở một nơi rất xa trên trời. Bao quanh vườn cây đó là một bức tường bằng vàng và trên tường có một cái lỗ nhỏ xíu. Đứa trẻ thích nhìn qua cái lỗ và ngắm nhìn những vườn cây ở trên trái đất. Đứa trẻ ước ao rằng mình có thể chơi đùa trong một vườn cây như thế với những đứa trẻ khác. Cô bé ước ao rằng vào buổi tối cô có thể trở về nhà nơi có một gia đình sẽ chờ đón cô. Có thể là thiên thần của đứa trẻ đã nghe thấy lời cầu nguyện đó và đã nắm lấy tay cô, dẫn cô đi khắp trái đất để tìm ra một gia đình phù hợp nhất với cô. Thiên thần thì thầm với người mẹ “Một người con đang đến”. Người mẹ và người cha đã chuẩn bị mọi điều cho đứa trẻ.
Mặt trăng tròn lên rồi lại mảnh đi, cứ 10 lần như thế, trong lúc mọi người chờ đợi đứa trẻ đến. Rồi thiên thần bỏ vài hạt giống rất đặc biệt vào bàn tay của đứa trẻ – những hạt mầm cho tương lai của cô bé, cho công việc đặc biệt mà cô bé sẽ mang đến trái đất. Khi mọi thứ đã sẵn sàng thiên thần mở cánh cửa vĩ đại của sự sinh ra và mang đứa trẻ đến cho mẹ và cha của cô bé, những người đang rất hạnh phúc để đón nhận cô. Món quà đầu tiên mà họ trao tặng cho cô bé là tên của cô.
Nếu lớp học ở trường mẫu giáo có 20 bé, thì 20 lần trong năm, cô giáo sẽ kể câu chuyện này vào ngày sinh nhật. Và mỗi lần như thế, những đứa trẻ sẽ ngồi im thin thít nghe kể chuyện, như thể các con muốn nói rằng: “Đúng rồi, đó chính là cách mà con đã đến thế giới này.” Đôi khi có đứa trẻ có một điều ước đặc biệt trong trái tim về điều mà con muốn làm trên trái đất. Chẳng hạn năm ngoái cậu bé 6 tuổi đã nói với tôi: “Con biết con yêu trái đất này, Con yêu những hòn đá, con yêu những cái cây và đặc biệt con yêu những con thú. Con chỉ yêu những con thú.” Sau đó cậu nói them, bằng giọng nói của một đứa trẻ: “Khi con lớn lên, con sẽ làm việc trong một sở thú.”
Cũng rất thường xuyên, trong những câu chuyện về việc sinh ra, có thể là truyền thuyết hay huyền thoại sẽ đi kèm với hình ảnh của cầu vồng. Mặc dù trẻ em có thể không thật sự biết về cầu vồng khi còn nhỏ, chúng thường nói về cầu vồng trong mối lien quan với sự sinh ra. Chẳng hạn, có một bé trai 4 tuổi, khi ngắm nhìn cầu vồng trên trời với mẹ đã nói: “Ồ, mẹ ơi, nhìn kìa! Một cái cầu vồng! Một đứa trẻ đang được sinh ra”. Hay một đứa trẻ khác sống ở Tây Ban Nha, nơi khí hậu rất khô và có rất ít cầu vồng, một ngày đã nói với mẹ: “Mẹ ơi, trẻ con ở Tây Ban Nha được sinh ra thế nào? Ở đây không có cầu vồng.” Cũng rất thường xuyên trẻ nhỏ vẽ cầu vồng, không phải vì ai đó bảo các con hay thậm chí qua câu chuyện mà chúng ta kể cho các con nghe, mà chỉ bởi vì hình ảnh cầu vồng quá sống động trong các con.
(Trích dịch từ sách Toward creativity and humanity của Joan Almon)

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *