LÀ và LÀM (Being and doing)

Bản chất của sống là LÀ (being): Ta LÀ ABC, Ta (LÀ) đang khỏe mạnh, ta đang vui vẻ, hạnh phúc, hay ta đang yếu mệt, ta đang buồn, ta đang cô đơn. Ngay cả từ sinh vật, trong đó có con người, tiếng Anh cũng chính là “being”.

Tuy nhiên xã hội hiện đại lại chú trọng LÀM (doing). Chúng ta phải đang làm gì đó: đang làm việc, đang học tập, đang nỗ lực, đang đấu tranh, đang vật lộn, hay là đang nấu ăn, đang lau dọn nhà cửa. Một con người ngồi yên và không LÀM gì cả sẽ có thể bị gọi là lười biếng, sống không có ích, không hiệu quả. 

Rồi chúng ta cứ hối hả, bận rộn, tranh đấu, vất vả ở bên nhau như vậy mà không hề thật sự LÀ ai, LÀ như thế nào, có LÀ chính mình hay không. Và bởi vì chúng ta không dành thời gian để tìm hiểu ta đang LÀ ai, LÀ như thế nào, chúng ta có thể ở bên nhau mà không hề nhận biết sự hiện diện của nhau, không hề biết người bên kia LÀ ai và đang LÀ như thế nào. Bản thân ta còn không biết chính ta thì làm sao ta nhận ra điều đó ở người bên cạnh ta.

Điều này sẽ trở nên rất đau lòng khi nhìn nó trong mối quan hệ mẹ – con, vợ – chồng, con cái – cha mẹ, hay mở rộng ra bất kỳ mối quan hệ nào khác. Có lẽ hiếm hoi khi mới bắt đầu một mối quan hệ, chúng ta có chút quan tâm người kia LÀ ai, đang LÀ như thế nào? Một khi mối quan hệ trở nên quen thuộc và đi vào lối mòn, ta lại hối hả LÀM và quên LÀ. Chúng ta bận rộn LÀM mọi thứ ở kế cận nhau, song song với nhau, mà hầu như không nhận ra bản thể của nhau đang LÀ. Chúng ta giống như những cỗ máy bận rộn, chúng ta đã mất đi tính con người của mình.

Một cách để xem lại bạn có đang LÀ, đang hiện diện, đang nhận biết mình và người thân yêu của mình đang LÀ, đang hiện diện?, hãy thử nghĩ lại quá khứ. Trong quá khứ đó, bạn có nhớ được người thân yêu của bạn, ví dụ như con bạn, vào thời điểm đó (ví dụ 3 tuổi, và nhất là từ khi đi học – lớp 1, lớp 3, lớp 5, lớp 7, lớp 9…) con có hạnh phúc không, con có vui không? Bạn đã cùng con ngồi bên nhau, trò chuyện tào lao lúc nào, bạn có nhớ cảm giác khi đó không? Bạn và con đã cùng có giây phút cùng chiêm ngưỡng hoàng hôn/ban mai/hay một cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ đẹp đến sững sờ? Bạn có cùng con cười đến chảy nước mắt, hay cùng lạc đường và phải cố gắng tìm lại đường đi không? Hay bạn chỉ có thể nhớ con học gì, làm gì, đạt được thành tựu (vật chất) như thứ hạng, bằng cấp gì vào thời điểm đó?

Bạn có thật sự cảm nhận việc bạn LÀ mẹ của con không?

(Mình thật sự mong các bạn hãy tham gia lớp chữa lành tiểu sử, ít nhất là từ sinh ra đến 7 tuổi, để chữa lành cho chính mình, và không mắc sai lầm hoặc đã mắc sai lầm thì chữa lành cho đứa con yêu dấu của mình nhé!)

Hình này là bầu trời vài hôm trước, mà mình và con (T) nằm dài ra trên bãi biển nhìn ngắm cùng nhau. Là giây phút mình cùng ở bên nhau và không làm gì cả!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *