Ký sự Thành Đô – Những người thông ngôn (phiên dịch) cho Waldorf

Đang ngồi dịch tự nhiên nhớ các bạn đồng nghiệp bên trời Trung Hoa quá nên ngồi viết về các bạn trước tiên.

Cũng như cộng đồng phát triển rực rỡ, số lượng trường (đồng nghĩa với số lượng học sinh, giáo viên, phụ huynh, những người chung tay khác từ tình nguyện viên tổ chức, chụp hình…) đáng kinh ngạc, số lượng người thông ngôn cho Waldorf chỉ riêng trong hội thảo Giáo viên Waldorf Châu Á (ATWC) 2017 tổ chức tại Chengdu (Thành Đô), Trung Quốc đông đáng nể phục. Và lại tiếp tục không chỉ đông, chất lượng công việc của các bạn cũng thật đáng ngả mũ cúi đầu. Thật sự mà nói, mình đã hiểu câu nói của T một cách sâu sắc “chuyến đi làm thay đổi rất nhiều thành kiến về TQ trước đây của bản thân”. Người TQ, theo cảm nhận ban đầu của mình, có tính dân tộc, đoàn kết, vượt khó, làm đâu ra đó (thậm chí là làm over) quá cao. ATWC 2017 là hội thảo đầu tiên có số người tham dự, số lượng hội thảo, các buổi biểu diễn, nói chung là các hoạt động đông nhất từ trước đến nay. Đông đến mức BTC bắt đầu nghĩ chắc các lần sau sẽ tổ chức riêng từng khu vực chứ thế này thì không phải nước nào cũng làm được, rồi chi phí cao thì rất nhiều người không thể đến tham dự được.

Đông như thế, nhưng mỗi hoạt động đều có người thông dịch. Từ người chuyên nghiệp, ngồi cabin dịch liên tục cho buổi giảng Anthroposophy buổi sáng (mình nghe trực tiếp còn “nhức não”, tưởng tượng người ngồi cabin dịch thì tinh thần thép đến thế nào?), cho đến những người dịch cho riêng từng buổi hội thảo (các bạn thường dịch cả hội thảo sáng lẫn chiều), cho đến dịch các buổi biểu diễn, và cho đến cả những người dịch ngay lập tức (nghĩa là cần dịch thì có bạn biết tiếng Anh lên sân khấu ứng tác luôn). Chính điều đó mang lại một sự đa dạng vô cùng trong phong cách, ngôn ngữ của người phiên dịch.

Tất cả đều tốt về chất lượng lẫn số lượng, thái độ tận tâm, hết lòng song phong thái vẫn khác biệt (AQ là vì Waldorf tôn trọng sự khác biệt đi hehe). Nếu như ngoài đường, bạn có thể phát khổ sở lên vì kiếm nguyên phố không ra một người hiểu bạn đang hỏi cái gì, thì trong hội thảo, bạn cảm giác như được sống lại vì nếu có một bạn thông dịch ở bên, đời bạn đã được cứu rỗi (kiểu kiểu vậy). Quan sát điều này cực kỳ thú vị, nhất là đứa trong nghề như mình. Mặc dù dĩ nhiên mình chẳng hiểu mô tê gì dù một chữ tiếng Hoa, song nghe giọng điệu, cách diễn đạt, biểu cảm nét mặt, mỗi bạn một khác, nó cực kỳ hay ho. Ngoài một sự trùng hợp kỳ lạ khi hầu như người dịch sẽ chung phong cách với người dạy trong các buổi hội thảo, thì nhất là trong các buổi biểu diễn buổi tối, đặc sắc trong mỗi tiết mục báo cáo lớp học khác nhau, những người thông ngôn, có thể chỉ là một học viên trong lớp, lại cho mình một sự vui sướng kỳ lạ. Từ giọng nói (có một bạn chỉ riêng giọng mình nghĩ đã đủ hay cho một lớp kịch nghệ), đến phong thái diễn đạt (cực kỳ dễ thương luôn), cho đến sự trôi chảy của ngôn ngữ (có khi việc không hiểu các bạn nói gì lại là lợi thế để mình quan tâm đến những điều mới nói ra đây).

Rồi cũng ngạc nhiên xen lẫn ngưỡng mộ không kém, khi vô tình phát hiện ra (vì các bạn ở đâu còn lâu mới nói), các bạn thông ngôn đó, phần lớn (vì số lượng đông đến thế cơ mà) chính là các giảng viên trường Waldorf. Bạn phiên dịch cho lớp của cô Ruth, khi cô Ruth vì việc gia đình phải về sớm 3 ngày, mình hỏi 3 ngày này bạn được nghỉ hả? Bạn nói không có, bạn tham gia hội thảo về dạy học lớp 8. Mình tròn mắt lên, bạn nói bạn sẽ là giáo viên lớp 8 năm sau mà. Mình nói, mình nhớ cô Ruth quá. Ngay lập tức, mắt bạn sáng lên lấp lánh, ừ, sao mà không nhớ được, cô nồng ấm thế, cô tận tuỵ thế. Mình rất muốn nói với bạn là, bạn cũng y như cô vậy, bạn có biết không? Dĩ nhiên cũng không thể không có thái cực khác, như cô gái chịu trách nhiệm cho sân khấu. Cô ấy trẻ măng, nếu như mình nhớ không lầm là nghệ sỹ thổi sáo, nhìn cô chẳng khác một cô gái học nhạc viện từ nhỏ (mình chưa bỏ được thói dán nhãn kiểu này). Cô là đặc trưng của tính nữ, với những chiếc váy đúng kiểu cái tùng múa ba lê. Hôm nào không mặc kiểu váy loè xoè (phần dưới thôi, phần trên dĩ nhiên bó, người cô ấy cực chuẩn đẹp), thì chiếc váy bình thường cũng được cột thêm một chiếc khăn thướt tha rất xì tai không đụng hàng. Bông tai dài lướt thướt, vòng lượt thượt, tóc xoã thướt tha. Ơ, song như thế không có nghĩa là cô ấy không làm việc như điên, có mặt bên sân khấu tất cả các buổi biểu diễn, nói tiếng Anh vừa chuẩn vừa kiêu kỳ, khi cần thì làm thông dịch lẫn MC nha. Hay là làm việc như trâu bò mà cô ấy vẫn đẹp như tiên sa mọi giây phút nên mình ngưỡng mộ ghia thôi!

Điều này thì mình rất muốn kể với các bạn mình đang làm thông dịch viên ở nhà (bạn mình thì toàn giỏi hơn mình hihi), rằng không biết còn nơi nào khác ngoài hội thảo giáo dục Waldorf, có xảy ra những chuyện thế này. Kiểu như các thầy đang giảng bài, trong vô vàn câu nói đùa khiến mọi người cười rần rần (thường sau vài nhịp thì các bạn TQ cười rần rần tiếp, chứng tỏ trình độ dịch cabin của bạn ngồi cabin tốt cực), thầy quay luôn qua nói câu chẳng hạn như: “Ừ, nghề giáo viên xem ra bạc bẽo nhất, đến người dịch cabin còn có phòng riêng, hộp riêng để ngồi, chứ giáo viên thì có cái gì đâu”. Bạn dịch cabin vẫn ngồi dịch để cho mọi người cười, không có a ma tơ như mình dám ngồi cười haha quên dịch lắm nha! Rồi có hôm các bạn bị gọi lên sân khấu trước buổi giảng, các bạn ngơ ngác cầm ngay micro theo, chắc tưởng bị kêu dịch trực tiếp trên sân khấu. Thì hoá ra thầy cô và cô Nana (trưởng ban tổ chức) “lôi” các bạn ra khỏi cabin để mọi người có thể xem mặt nhớ tên (xin lỗi trình nhớ tên của mình là kém nhất để có thể để bất kỳ cái tên của người dịch nào vào bài mà kể cho các bạn nghe), và để thầy cô cảm ơn, cũng như mọi người ngồi dưới vỗ tay cảm ơn các bạn. Buổi tổng kết hội thảo, cũng như vậy, các bạn “bị lôi” khỏi cabin (vì các bạn vẫn đang cắm cúi dịch và dịch) để lên sân khấu, và để được cảm ơn. Lúc đó mình xúc động kinh khủng, mình cảm nhận cái sự được trân trọng, được biết ơn, được cảm phục giữa con người và con người thực sự (sáo rỗng hay hình thức hay không cảm nhận được mà ha?), và mình nghĩ đến các bạn dịch ở nhà. Nếu được như thế này, chắc chẳng bao giờ phải up hình, đăng stt, nhắc và tự chúc nhau các ngày kỷ niệm nghề thông ngôn đâu nhỉ (đây là thiển ý của cá nhân mình thôi nha)?

Khi vào thư viện trường Chengdu Waldorf, mình vừa tủi vừa buồn. Tài liệu gốc tiếng Anh chỉ chiếm 1/4 cái thư viện và đã lưu lạc nhiều nơi. Lý do, phần lớn sách Waldorf đã được chuyển ngữ sang tiếng Hoa và được xuất bản thành sách đẹp đẽ, đàng hoàng. Câu hỏi: “Bao giờ ta làm được như thế?”

Ai đó bảo mình thế này thế kia mình chịu (vì những gì kể ra sau đây bản thân mình cũng chưa làm được): Mình chê bai dân tộc người ta, song mình có đoàn kết để làm nên phố Việt ở mỗi quốc gia, giúp nhau từng miếng cơm manh áo cho người mới tới hay chia sẻ ngay thông tin học bổng khi mình mới có được, thay vì kèn cựa kéo đứa khác xuống vì sợ nó giỏi hơn mình, giấu vì sợ chỉ mình làm đứa khác chờ hưởng, như từng củ khoai tây rời rạc nhau ra? Điều gì làm nên tính đấy của dân tộc Việt nhỉ? Túm quần lại, lòng mình hừng hực lửa hận mỗi khi biên giới Việt – Trung bị lấn chiếm, khi mỗi vùng đất Việt bị chôn hoá chất, yểm huyệt đạo. Song mình càng thấy rõ, cả dân tộc Trung Hoa không phải ai cũng làm điều đó, và những gì mình tai nghe mắt thấy trong chuyến đi Hạ Môn – Nga Mi – Thành Đô vừa rồi để lại trong mình một sự cảm phục lớn lao. Thêm một điều cứ làm mình buồn cười là ở nhà thấy made in TQ là tránh xa ngay, đi TQ rồi thì ăn uống, xài hàng chính hãng TQ luôn chứ tránh đâu? Lúc nghĩ đến việc mua quà về lại càng buồn cười, sẵn ít tiền nên né mua luôn haha.

Ghi chú: các bài về hội thảo Waldorf sẽ rất ít hình minh hoạ, vì phần lớn các hoạt động của Waldorf tránh tối đa dùng các thiết bị điện tử cho dù là máy ảnh, điện thoại quay phim, chụp hình. Mình chả có tấm nào chụp riêng các bạn phiên dịch cho các bạn chiêm ngưỡng hết.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *