Về việc học tiểu học ở trường Tre Xanh

Gửi các bạn thân mến của mình,
Các bạn muốn cho con học ở trường tiểu học Tre Xanh, trường chúng mình luôn mở rộng cửa, từ các thầy cô đến các bạn học sinh. Chương trình học ngày càng hoàn thiện và phong phú hơn (so với lứa học sinh tiên phong). Tuy nhiên, có một số vấn đề không thể không nghĩ tới. Chẳng hạn, xây trường 🙂 và học bạ :). Tất cả các ngôi trường, đặc biệt với Waldorf Steiner, ngôi trường không điểm số, thi cử, thưởng phạt, bắt đầu đều đầy gian nan. Chúng mình biết điều đó, và chúng mình vẫn làm, vì con cháu của mình, và vì chính mình. Cảm giác làm con người tự do, nó đặc biệt lắm!
 
Chính vì điều đặc biệt đó, về cả ưu điểm và khuyết điểm, cái được và cái vẫn còn phải vượt qua, cha mẹ cho con đi học trường Waldorf Steiner đầu tiên này, chắc chắn phải hiểu thế thì Waldorf Steiner là cái gì, học ở đây thì sẽ thế nào, môi trường thật sự các con sẽ học như thế nào, hoàn cảnh hiện tại ra làm sao? Có “thông” thì mới mong góp sức, chung tay, đồng lòng với trường được. Các trường Waldorf Steiner đều thành lập và hoạt động trên cơ sở phi lợi nhuận, xây dựng cộng đồng mà các bên đều chung tay vào (mới quá phải không, ngay cả chúng mình cũng đang hàng ngày phải xây và dựng nên nó).
 
Vì thế, nếu các bạn có dự định cho con học tiểu học Tre Xanh, chắc chắn phải đến xem trường, trò chuyện cụ thể với cô quản lý Thao Nguyen và thầy cô giáo sẽ trực tiếp dạy con mình. (Xem có chọn mặt gửi vàng được không? Nhất là chuyện học của con mình, chắc chắn phải thế). Các bạn nhắn xin hẹn gặp bạn Thảo nhé. Trong tháng 5 này nếu không được, có lẽ các bạn phải đợi đến tháng 7 học hè. Vì tháng 6 trường nghỉ hè và các cô đi học khoá đào tạo giáo viên tiểu học.
 
Một điều các bạn mình hay viện dẫn làm lý do không chọn là: nếu học ở đây trẻ “sướng” quá, “màu hồng” quá, thì lỡ sau này không thể tiếp tục theo nữa (dù vì cả trường hay vì gia đình), ra ngoài “khổ”, “màu xám” thì trẻ có chịu nổi không? Câu trả lời của mình là: “Vì sao không mong cho con sướng, mà cứ phải cho con khổ đã?” Mình đã bỏ khái niệm “Khổ trước, sướng sau”, nhất là với con, rồi. Đã biết con đường màu hồng (dù còn nhiều gai) thì sao không đi nhỉ? Thay vì phê bình, thậm chí chửi bới nền giáo dục con đang phải chịu đựng, vì sao không cùng xây dựng lên điều mình muốn?
 
Theo Steiner, thế giới của đứa trẻ cần có Chân – Thiện – Mỹ, mà đầu tiên bắt đầu bằng Thiện (0-7 tuổi), thế giới là nơi tốt, mọi thứ đều tốt. Sau đó từ 7 đến 14 tuổi là Mỹ, thế giới thật đẹp. Và từ 14 – 21 tuổi là Chân, thế giới là sự thật. Nếu bạn nói với mình, phải cho trẻ biết sự thật, thì như cô Glenys từng nói với phụ huynh của cô khi trước: Cái gì thật hơn, cuộc sống của trẻ trong trường học, ở nhà tốt đẹp, hay toà tháp đôi ở nước Mỹ xa xôi bị đổ sập xuống?
 
Mình cứ thắc mắc vì sao mọi người nghĩ Waldorf Steiner là nơi chỉ tập trung vào nghệ thuật, cái đẹp, vẽ vời, hồng với mây. Phải chăng vì cái vẻ ngoài quá đẹp này là cái đầu tiên đập vào mắt người ngoài nhìn vào, theo kiểu màu hồng hồng của trường mầm non ấy? Hoặc chương trình hay ho mọi người dễ thấy là những hình vẽ bảng và vẽ form drawing của cấp tiểu học, nơi chủ yếu trẻ được dạy tập trung qua cách truyền đạt của Mỹ? Xin thưa, nếu tìm hiểu kỹ hơn, thì nội dung chương trình học cực kỳ rộng và sâu, đi tìm tài liệu và đi dịch đã đủ cực, chưa nói đến thầy cô giáo dạy sao cho trẻ học trong hứng thú. Vào cấp 2 và cấp 3 thì học sinh Steiner Waldorf đã học với tất cả các loại phòng thí nghiệm (lý, hoá, sinh…), các xưởng nghề (mộc, rèn, tiện, điêu khắc …). Theo lý thuyết, phải đến 14 tuổi, trẻ Waldorf Steiner mới tiếp xúc với công nghệ, song từ đây đã có giáo trình công nghệ (information technology) dày cộp rồi ạ.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *