GIẢNG DẠY LỊCH SỬ TRONG CÁC TRƯỜNG WALDORF

(bài chép lại bài nói chuyện của Charles Kovacs với phụ huynh – lời mở đầu trong cuốn Ancient Rome)

Mục đích của việc dạy lịch sử cho trẻ em là gì? Việc dạy lịch sử được thực hiện trong tất cả các trường học, nhưng hầu như không có câu trả lời. Điều đó chỉ có nghĩa là việc giảng dạy lịch sử là một quy tắc đã được thiết lập nhưng chúng ta phải xem liệu truyền thống này có còn giá trị không.
Vào thời của tôi, tôi đã thấy những ví dụ về việc giảng dạy lịch sử quốc gia với mục đích gieo lòng yêu nước vào trái tim của những bạn trẻ. Điều này có thể đạt được, nếu bạn đưa việc giảng dạy của bạn đi theo quan điểm đó. Nhưng việc giảng dạy lịch sử theo quan điểm này đã được sử dụng (và vẫn đang được sử dụng tại một số nơi trên thế giới) là để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tuyên truyền những định kiến quốc gia. Nếu điều này là mục đích duy nhất của việc dạy lịch sử, tôi tin rằng sẽ tốt hơn cho trẻ nếu được lớn lên không biết về lịch sử quốc gia của mình.
Một câu trả lời khác là kiến thức về lịch sử là cần thiết cho sự hiểu biết về thế giới ngày nay. Với câu trả lời này chúng ta ở trên một nền tảng vững chắc hơn. Nhưng khi đó thì chừng nào còn liên quan đến việc giảng dạy cho giới trẻ – xin hãy lưu ý điều kiện này – lịch sử chỉ quan trọng chừng nào nó còn có liên quan đến hiện tại theo bất kỳ cách nào đó. Và, theo hướng tiếp cận này, thì không phải tất cả các vị vua cổ xưa của Scotland hay Anh, không phải tất cả các trận đánh của họ, các cuộc chiến hay hiệp ước của họ, là có liên quan.
Đây là hướng tiếp cận của chúng tôi trong việc giảng dạy lịch sử tại các trường Waldorf. Đây là một trong những cách để chuẩn bị cho người trẻ cho cuộc sống trong thời đại ngày nay. Dạy các em quá khứ là chuẩn bị cho các em ở đây và bây giờ.
Nhưng khi được xem xét trong ánh sáng này, lịch sử trở thành một môn học cực kỳ quan trọng. Trong những trường hợp của chứng mất trí nhớ, một người có thể đột ngột mất đi trí nhớ của mình do một cú sốc hay do căng thẳng thần kinh. Họ bị mất kết nối với quá khứ của cá nhân mình, họ không thể nhận ra những người thân và bạn bè gần nhất của mình – tất cả đều là người lạ. Chúng ta không chỉ là những cá thể tách rời, mà còn là thành viên của một cộng đồng, một quốc gia, của nhân loại như một thể thống nhất. Và ở vai trò là những thực thể xã hội chúng ta cần lịch sử, cũng như chúng ta cần có trí nhớ cá nhân khi là một cá thể. Một con người không có kiến thức và cảm giác về lịch sử sẽ phải chịu chứng mất trí nhớ xã hội. Họ gặp đồng loại của mình như những người lạ, họ giao lưu xã hội mà không có quá khứ. Hành vi chống đối xã hội của một số người trẻ, sự phá hoại bừa bãi của họ, có thể khiến một người phải tự hỏi rằng các bạn ấy được dạy lịch sử ở trường (nếu có) theo kiểu nào.
Bởi vì vấn đề không chỉ là việc truyền đạt một chuỗi các sự kiện lịch sử – mà quan trọng hơn nhiều là làm việc đó như thế nào. Ví dụ, một trong những thách thức của việc giảng dạy lịch sử trong các trường học của chúng ta là mang đến cho trẻ một cảm giác về thời gian. Không có nghĩa gì khi chúng ta nói với một đứa trẻ lên mười rằng Charlemagne đã sống cách đây một ngàn năm. Với một đứa trẻ, con số một nghìn năm có rất ít ý nghĩa cũng không khác gì con số hàng triệu năm ánh sáng trong thiên văn học đối với một người không chuyên. Đây là một con số lớn, nhưng bạn chưa cho trẻ một cảm nhận về thời gian với con số đó. Một loại biểu đồ trên bảng đen đòi hỏi một mức độ tư duy trừu tượng mà, trên thực tế, một đứa trẻ chưa có cho đến khi gần tuổi dậy thì.
Theo một gợi ý của Rudolf Steiner, tôi đã làm việc sau đây trong lớp của tôi với trẻ mười và mười một tuổi. Tôi nói một bạn học sinh nắm tay bạn bên cạnh và nói: “Bạn bên cạnh của tôi bây giờ là ba của tôi khi ông ấy còn là một đứa trẻ.”
Làm như vậy, chắc chắn là sẽ có một trận cười nghiêng ngả trong lớp. Sau đó tôi nói với bạn bên cạnh: “Con nắm tay bạn gái kế bên: bạn đó bây giờ là bà của bạn đầu tiên.”
Và một đứa trẻ khác tham gia vào chuỗi nắm tay nhau, làm ông cố. Bây giờ tôi nói: “Con thấy đó, chúng ta giờ đã đi ngược thời gian khoảng 100 năm.”
Bằng cách này, dĩ nhiên, tất cả các học sinh ai cũng muốn tham gia vào chuỗi làm thành các ông cố ông sơ ông tổ … Và khi cả lớp đã nắm tay nhau chúng tôi đã đi ngược lại khoảng 500 năm, và những đứa trẻ nhận ra rằng chúng tôi sẽ cần một lớp khác cùng sĩ số để có thể trở về thời của Charlemagne.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng cách tiếp cận thời gian này chứa đựng một yếu tố xã hội. Khoảng thời gian của quá khứ này, khi đó, không phải là việc có đến bao nhiêu số không, mà là đứa trẻ cảm giác được kết nối với quá khứ bằng những người bạn học đại diện cho những tổ tiên của mình. Đây chỉ là một chi tiết nhỏ, cụ thể từ công việc (giảng dạy lịch sử) của chúng tôi.
Từ “lịch sử” (history) và từ “câu chuyện” (story) là như nhau. Trong tiếng Đức cũng vậy, từ “Geschichte” vừa có nghĩa là lịch sử vừa có nghĩa là một câu chuyện. Và trong thực tế khi việc viết sử bắt đầu, vào thời Hy Lạp cổ đại, nó không là gì khác hơn việc thu thập những câu chuyện của những người vĩ đại.
Cho đến khi trẻ được mười bốn tuổi, môn lịch sử vẫn phải là như vậy – một tập hợp các câu chuyện. Khi nói đến “câu chuyện”, tôi có ý nói đến một chuyện kể mà nói chuyện được với những cảm xúc của trẻ, một chuyện kể mà khơi dậy được sự đồng cảm hay ác cảm, niềm vui thích hay lòng thương cảm. Tôi không biết liệu có một thứ gọi là lịch sử “khách quan” hay không, nhưng nếu có, đó không phải là loại lịch sử mà sẽ để lại bất kỳ ấn tượng nào cho một đứa trẻ. Những sự kiện và ngày tháng trần trụi và khô khan chỉ khiến những đứa trẻ nhàm chán, điều đó còn tệ hơn là không dạy lịch sử cho trẻ.
Và vì vậy, trong các lớp nhỏ hơn, chúng tôi nỗ lực giới thiệu lịch sử bằng những hình ảnh sống động. Chúng tôi nỗ lực làm những vị anh hùng và những kẻ phản diện trong lịch sử trở nên cụ thể, chân thật nhất có thể. Không gì là phần thưởng cho người giáo viên của trẻ từ mười một đến mười bốn tuổi lớn hơn là việc nhìn thấy một lớp học tỏa đầy nhiệt huyết vì một chiến công vĩ đại, hay nhìn thấy một cơn bão phẫn nộ về đạo đức vào một dịp khác.
Theo cách này lịch sử trở thành một nguồn lực đạo đức. Một người có thể cố gắng và thuyết giảng những lời giáo huấn đạo đức cho trẻ, nhưng chúng tôi tin rằng những lời hô hào và khuyên răn lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ tạo ra sự đạo đức giả, một đạo đức sai lầm không xuất phát từ trái tim. Nó cũng có thể gây ra sự đối kháng hoàn toàn chống lại tất cả các thẩm quyền đạo đức. Nhưng nếu bạn có thể khiến trẻ phản hồi với những cảm xúc mạnh mẽ với điều tốt và xấu mà xuất hiện trong các câu chuyện lịch sử, thì bạn đã đặt những nền móng cho một ý thức đạo đức đúng đắn trong cuộc sống.
Sau đó, giữa tuổi mười hai và mười bốn, đứa trẻ đã cần nhiều hơn một câu chuyện dẫn nhập. Cần cho thấy những mối liên hệ giữa các sự kiện, mặc dù không bằng cách áp đặt những mô hình giả thiết vào lịch sử. Đó không phải là một khuôn mẫu của suy nghĩ hay giả thuyết nào đó, nếu tôi chỉ ra cho trẻ thấy rằng sự thay đổi trạng thái tâm lý được tìm thấy biểu lộ trong nghệ thuật thời Phục hưng cũng mở ra vào Thời đại Khám phá và phát triển rực rỡ trong Phong trào Cải cách.
Điều này đưa tôi đến một điểm khác và khá thiết yếu trong việc giảng dạy lịch sử của chúng tôi. Hoàn toàn có thể kể cho một đứa trẻ mười tuổi câu chuyện tìm ra châu Mỹ. Không có khó khăn trong việc kể câu chuyện này theo những thuật ngữ mà một đứa trẻ lên mười có thể nắm bắt. Nhưng với đứa trẻ lên mười, câu chuyện về Columbus sẽ không khác với câu chuyện về Odysseus – đứa trẻ trong bất kỳ cảm quan nào cũng không thật sự có khả năng cảm nhận bất kỳ mối liên hệ bên ngoài hay bên trong với hoàn cảnh lịch sử của Columbus.
Điều này rất khác với trẻ giữa mười hai đến mười ba tuổi. Vào thời điểm này những ràng buộc cảm xúc với cha mẹ, thầy cô, với toàn bộ môi trường đã lỏng lẻo đi đáng kể. Trẻ trải nghiệm khả năng của suy nghĩ độc lập, các em háo hức tự mình khám phá. Trẻ trở nên có ý thức về những toàn cảnh rộng lớn mở ra trước chúng, một viễn cảnh vừa hấp dẫn vừa rộng lớn đáng sợ, và các em cảm thấy, lần đầu tiên, cú chạm của sự đơn độc đến từ sự nới lỏng các mối quan hệ tuổi thơ.
Và, ở giai đoạn này, tình huống bên ngoài mà Columbus tìm thấy – rời bỏ những thẩm quyền đã biết được công nhận trong thời đại của ông, mạo hiểm đi vào điều không biết, những con tàu đơn độc trên đại dương rộng lớn, chưa từng được khám phá – tình trạng bên ngoài này tương thích với tình trạng bên trong của đứa trẻ giữa mười hai và mười ba tuổi. Và nếu tôi kể cho trẻ ở độ tuổi này câu chuyện về Columbus (thậm chí cả khi trẻ đã được nghe nó trước đây) thì câu chuyện này vô cùng thu hút và đi sâu vào bên trong. Nó là một liệu pháp cho những vấn đề của độ tuổi này.
Những nghiên cứu đơn độc của Leonardo, dự đoán trước tương lai, Galileo trước Tòa án Dị giáo, Luther thách thức Giáo hội và những quyền lực thế tục, đó là những người anh hùng mà với họ, trẻ mười hai – mười ba tuổi cảm thấy một mối liên hệ tinh thần giống nhau sâu sắc. Và vì thế lịch sử trở thành một liệu pháp chữa lành. Đứa trẻ đang lớn lên gặp được những vấn đề của chính mình, chúng gặp chính mình trong giai đoạn này của lịch sử.
Chúng ta hãy đi đến một giai đoạn xa hơn. Năm tiếp theo, độ tuổi từ mười ba lên mười bốn, thường được gọi là một độ tuổi “khó khăn”. Ở đây có tất cả các vấn đề của tuổi dậy thì, tuổi thanh thiếu niên xuất hiện cùng với tất cả các đặc tính không mấy thiện cảm của cô ấy hay cậu ấy. Nhưng các đặc tính đó là gì? Con người trẻ tuổi đó giờ đây đòi hỏi sự độc lập của mình, chúng cực kỳ phê phán những người lớn của mình, nhưng lại không tử tế nhận lấy những lời phê bình dành cho chúng. Đó là một mặt. Một đặc tính khác là chúng không muốn bị đối xử như trẻ con nữa: chúng muốn và mong đợi được đối xử ngang bằng với những người trưởng thành. Vào thời điểm này chúng tạo thành những vòng tròn khép kín với nhau: các cậu con trai dành thời gian cho nhau, các cô gái tạo ra những nhóm nhỏ. Đây là độ tuổi của những tình bạn sâu sắc, thời điểm của sự tụ tập lại với nhau.
Vào tuổi này những đứa trẻ trong các trường Waldorf của chúng ta đến thời kỳ của Cách mạng Pháp trong lịch sử. Các em được nghe về cách mà những lý tưởng vĩ đại được tuyên bố, những lý tưởng về tự do, bình đẳng, tình anh em (bác ái). Nhưng những lý tưởng này lại một lần nữa là phần tương ứng – một phần tương ứng mang tính lịch sử trên quy mô lớn – của các nguồn lực hoạt động bên trong chính các bạn trẻ. Mong muốn độc lập của các em vọng lại từ lời kêu gọi tự do. Ước nguyện được đối xử “ngang bằng” của các em tương xứng với đòi hỏi những quyền bình đẳng trong cuộc Cách mạng. Việc “tụ tập cùng nhau” của chúng là phần tương ứng với tiếng gọi cho một tình anh em toàn cầu.
Trong thực tế, cả những lý tưởng và sức tàn phá của Cách mạng Pháp đều có phần tương ứng của chúng trong tình trạng tâm lý của tuổi thanh thiếu niên, bao gồm cả việc tự hủy hoại bản thân được minh họa bởi sự thăng trầm của Napoleon. Và như vậy người thiếu niên bắt gặp trong lịch sử thời kỳ này những khát vọng của riêng mình và sức phá hoại tiềm tàng của chính mình, được diễn trên sân khấu rộng lớn của lịch sử. Và một lần nữa việc gặp gỡ với chính các vấn đề của bản thân dưới vỏ bọc của lịch sử mang một giá trị trị liệu, có một tác dụng chữa lành. Tất nhiên, điều này không loại bỏ những vấn đề và khủng hoảng của tuổi dậy thì, nhưng nó thật sự tạo ra một lối đi tương đối dễ dàng qua giai đoạn rắc rối này.
Và sau đó các bài học lịch sử đưa cả lớp đến thế kỷ 19. Ở đây các khát vọng, lý tưởng về tự do, bình đẳng, tình huynh đệ, nảy sinh trong một hình thức mới. Tôi kể cho các em về Garibaldi, nhà thám hiểm không hề sợ hãi và người chiến đấu gan dạ cho tự do của nước Ý. Tôi kể cho các em nghe về Abraham Lincoln, người dâng hiến cuộc đời mình cho việc bãi bỏ chế độ nô lệ và khẳng định sự bình đẳng, đòi quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Và tôi kể cho các em nghe về Henri Dunant, người sáng lập Hội Chữ Thập Đỏ, người đã được truyền cảm hứng, và có thể truyền cảm hứng cho những người khác, một cảm giác về tình anh em cho tất cả mọi người.
Và bằng cách này những lý tưởng về tự do, bình đẳng, tình anh em, giờ nổi lên và mới mẻ trở lại, nhưng không theo hình thức các phong trào quần chúng hay các khẩu hiệu, mà được truyền tải bởi các nhân vật kiệt xuất và làm cho sống động bằng những hi sinh và dâng hiến của những con người nổi tiếng.
Thông qua Cách mạng Công nghiệp và những khía cạnh cực đoan của Chủ nghĩa Tư bản mà nhân danh tự do đã vi phạm cảm giác nền tảng về tình anh em của nhân loại. Điều này đến lượt nó đã dẫn đến sự nổi lên một thái cực khác, Chủ nghĩa Cộng sản nhân danh tình anh em kìm nén sự tự do. Và như vậy đứa trẻ được dẫn dắt qua từng giai đoạn đến ngày hôm nay.
Tại mọi thời điểm và mọi khía cạnh, giảng dạy lịch sử không bao giờ là việc truyền đạt thông tin, của việc giao tiếp kiến thức chỉ vì lợi ích của kiến thức. Lịch sử được coi là một chủ đề có tầm quan trọng đạo đức và xã hội to lớn, nhưng cũng là một liệu pháp, như là một yếu tố chữa lành cho những căng thẳng và những vấn đề ở từng bước trong quá trình lớn lên của trẻ.
Tôi không thích để lại ấn tượng rằng chúng tôi chỉ phụ thuộc vào môn lịch sử cho các tác động về đạo đức và trị liệu. Chúng tôi cố gắng trong mỗi môn học, thậm chí trong cả môn số học hay khoa học, để gặp được những nhu cầu sâu hơn của trẻ, ở đây tôi chỉ lấy lịch sử như một ví dụ cụ thể để cho mục tiêu của việc giáo dục của chúng ta.
(Charles Kovacs, Người dịch: Nguyễn Ngọc)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *