Đi với Steiner hay không?

Chào em,

Đầu tiên là cảm ơn em vì em đã tin tưởng tâm sự với chị. Thiệt ra thì chị cũng bận thật, và khi đi làm cái này rồi thì càng ngại quảng giao (chị kém quảng giao từ xưa rồi) và ngại nói chuyện nhiều. Chị thấy em là bạn của anh … Em có thể hỏi anh ấy, cả năm rồi chị không hề gặp anh ấy luôn, vì gặp chỉ để nói chuyện hỏi thăm thì thấy không có thời gian ấy. Nhưng khi em hỏi việc này, chị hy vọng có thể giúp điều gì đó cho em.

Tên chị, công việc của chị, và trong stt đó, chị cũng bổ sung lại rồi đó. Chị là Phan Lê Minh.

Chị hiện tại đang làm cho trường Tre Xanh (hồi xưa là Thỏ Trắng), công việc chủ yếu của chị là dịch thuật (dịch các khoá đào tạo giáo viên và dịch tài liệu). Vì đặc thù công việc, có thể nói là về lý thuyết của Steiner, chị tiếp xúc nhiều và đủ thể loại. Song về thực hành thì chắc là chị thua các cô giáo phải làm hàng ngày. Tuy nhiên, chắc làm quân sư quạt mo để nói với em Giáo dục Waldorf Steiner là cái gì, như thế nào, thì chắc cũng được ha 🙂.

Đọc thư của em, chị cảm nhận được khao khát và sự đang không biết đi con đường nào rõ ràng để thực hiện khao khát ấy 🙂. Cái này chị cũng đã từng, và chắc là giờ cũng còn, trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Điều mình thực sự muốn làm, mình có thể sống chết với nó, thì chỉ chính em mới có thể tìm ra. Và khi em đã xác định em muốn và sẽ sống chết làm điều gì, chị đảm bảo là em có thể làm được, dù nó có là theo giáo dục Steiner hay làm điều gì khác.

Chị yêu Steiner bởi sự sâu rộng của nó, mang Chân – Thiện – Mỹ nhất mà chị từng biết, và hoà hợp với chân lý rộng khắp nhất mà chị từng học. Nếu em muốn đọc về Waldorf Steiner, em chỉ cần lên mạng và tìm từ khoá này, em sẽ gặp rất nhiều bài để đọc. Và hãy xem nó có phù hợp với em không? Thông thường thì những ai chọn Steiner là tự dưng thấy yêu thôi, nghĩa là chọn bằng tim. Thật ra trái tim nó đúng hơn cái đầu nhiều lắm, em cứ thử nhìn lại những quyết định của cuộc đời từng có và tự nghiệm xem. Tuy nhiên, sau khi yêu bằng tim, thì phải luận bằng đầu và làm bằng chân tay thử xem mình có sống chết với cái gọi là Steiner này được hay không. Và sống chết bằng cách vào trong nó mà dạy, mà làm, hay chỉ chiêm ngưỡng nó từ bên ngoài thôi? Cách nào cũng tốt cả, dĩ nhiên. Vì ai cũng nghỉ các việc khác mà đi làm giáo viên Steiner cả thì xã hội này loạn à 🙂.

Để làm giáo viên Steiner hiện nay ở Việt Nam chị nghĩ là dễ nhất trên thế giới. Chỉ cần em muốn làm, em chịu cực được, em yêu trẻ thật sự và yêu chính mình, là em sẽ được nhận. Hiện tại có vài trường theo triết lý Steiner ở Việt Nam, vài trường mẫu giáo và trường tiểu học thì hiện tại mới có Tre Xanh, nhưng sẽ có thêm nhiều trường nữa. Và các trường mà chị biết đều chấp nhận em vừa làm vừa học, nghĩa là em trả tiền học phí bằng việc làm ở trường. Ngày xưa khi chị mới đi học việc mà có cơ hội thế này thì chắc chị ôm ngay người cho cơ hội mà hôn thắm thiết, thề luôn!

Và nếu em đủ khả năng, em sẽ ở lại trường làm tiếp. Mà một khi em đã bước vào và đủ khả năng để trụ lại, thì chắc sẽ không bỏ ra đi đâu nữa đâu. Nghĩa là một khi đã chọn Steiner, thì cả đời sẽ sống và làm việc theo Steiner, kiểu kiểu thế. Nói chính xác hơn là, như mục tiêu của giáo dục Steiner, tạo ra những con người tự do trong quyết định của mình và phụng sự cho xã hội, em sẽ trở thành con người như thế.

À quên, chuyện với những người đã chọn Steiner thì không quan trọng nữa, nhưng thực ra phải quan tâm, là về thu nhập, thù lao hay tiền bạc. Hiện tại triết lý này còn mới ở Việt Nam, trường lớp còn non trẻ, hầu như chỉ cố gắng thu đủ bù chi. Mà thật ra trường Steiner trên thế giới toàn là không lợi nhuận, xây trường bằng sự chung tay của cả cộng đồng không hà. Ở Việt Nam hiện tại, các trường đều nỗ lực để các cô giáo sống được để cống hiến cho học sinh, tiến tới là có chính sách ưu đãi học phí để con các cô có thể vào học ở trường. Phi lợi nhuận nên bao nhiêu tiền sẽ đầu tư lại vào trẻ và trường (mà trường thì giờ chưa có xây), tiền dư cũng chưa có, lớp học sinh thành công để quay lại gây quỹ cho trường cũng chưa. Nên chẳng hạn tiền bồi dưỡng cho tình nguyện viên dịch thuật như chị mới rao nhờ vả là chưa có (có nhiêu khai nhiêu hihi).

Còn nếu nửa đường em cảm thấy thôi yêu Steiner bằng cách làm giáo viên thế này đủ rồi, và em sẽ đi làm cái khác, chị vẫn tin là nếu em tận dụng đúng cách và không lãng phí thời gian và tâm sức của mình, em sẽ học được nhiều lắm. Bởi Steiner không chỉ là một triết lý giáo dục, đó là một triết lý sống, cho cả phần ý chí (tay chân), lý trí (đầu) và tình yêu (tim), Hand – Head – Heart. Sư tổ của triết lý này, Rudolf Steiner đã nghĩ ra cái sườn cho đủ thứ, từ giáo dục, đến nông nghiệp, đến chăm sóc sức khoẻ, nghệ thuật … Điều hay ho của ông (cũng như nhiều vị “chân sư” khác) là chỉ ra con đường cho em đi đến mục tiêu cuộc đời của chính em, chứ không phải là toàn bộ cái khung cụ thể để cầm tù em. Nói vào một chi tiết cụ thể hơn, thì sau khi học và hiểu được Steiner, em sẽ có đủ khả năng, niềm tin và đam mê để tự viết nên giáo trình, phương pháp, đường lối để em dạy cái em thích, hoặc làm cái em muốn. Đơn giản mà hiệu quả phải không?

Dĩ nhiên, chị không hề quảng cáo cho cái gì ở đây cả. Chị cũng khẳng định chị không nói em bước vào làm ở trường TX hay học một khoá đào tạo giáo viên là em trở thành người tài giỏi hay triệu phú gì đó. Mà em sẽ chỉ có được một hay vài hạt mầm, và nếu em quyết tâm, em sẽ trồng được cái cây cho chính mình. Bí mật của may mắn, của thành công, và hạnh phúc, chính là EM thôi. Triết lý Steiner hiện tại chỉ là một khu vườn ươm cây giống rộng nhất chị từng biết để em chọn cây giống cho riêng mình.

Còn để bước được vào khu vườn đó, dĩ nhiên là phải quyết tâm xông thẳng vào nó mà hỏi nhỉ? Cụ thể hơn là em đến văn phòng trường TX chẳng hạn (hay các trường khác của Steiner), hỏi chị Thảo và chị Dung (nếu là ở TX), về điều kiện khoá đào tạo giáo viên, điều kiện để được nhận làm tình nguyện viên, thực tập, và làm ở trường. Tranh thủ nhìn ngó xung quanh xem mình có thích làm ở đây không. (Màu hồng này có hợp với iem không chẳng hạn, câu này là chị đùa thôi!).

Hy vọng là câu trả lời của chị giúp được cho em!

Chúc em luôn vui và tin vào chính mình!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *