YÊU VÌ YÊU THÔI

KHỔ SỞ LÀ DO AI?

Người chép: Tiểu Ngư, tựa PLM đặt

(Timeline healing 1, chữa tình cảm – mối quan hệ mẹ và con gái)

Một cô bé khoảng 8-9 tuổi mặc áo sơ mi màu trắng, cổ áo có xếp bèo (giống một chiếc áo mình có hồi bé, mình thấy nó rất đẹp – hồi bé ấn tượng lắm) đang ngồi chơi bi ở sân trường vắng lặng, xung quanh không có ai. Cô bé không vui, cứ chơi bi không có nhiều cảm nhận (lúc thiền mình không nhận ra, nhưng giờ thì mình thấy đó chính là cảm giác “vô cảm, vô nghĩ” mà mình cũng hay dùng để trốn tránh – khi gặp vấn đề gì đó mà mình không biết phải làm sao – và cũng là mình hiện tại mỗi khi lướt điện thoại để tạm quên đi các mối ưu tư trong lòng không giải quyết được. Đời này hồi bé mình không chơi bi nhưng hay nhìn các bạn nam chơi mà thèm thuồng từ xa.)

Trở lại tiền kiếp, nhìn kỹ hơn thì thấy cô bé đang ở Việt Nam những năm 60-70 gì đó. 

Mình tự hỏi tại sao lại ở đây một mình vậy và trường không thấy ai mà lại mặc quần áo chỉnh tề vậy. Thì thấy là cô bé bị phạt, vì xé sách của bạn. Cô bé xé sách bạn vì cảm thấy bị bạn trêu. Cô giáo của cô bé (là con gái của mình ở đời hiện tại) có mái tóc dài, kẹp tóc một nửa đầu – mặc áo dài trắng thướt tha, dáng rất xinh đẹp, dịu dàng, tốt bụng. Cô bé mắc lỗi nhiều lần rồi, đến lần này thì bị phạt. 

Hết giờ phạt, cô giáo đến bên cạnh, đưa mình vào lớp và nói chuyện với mình. Mình chỉ im lặng, cúi gằm mặt xuống, thái độ không tiếp thu, cũng không thấy có lỗi (giờ nghĩ lại thấy giống con gái mình khi bị mọi người khác – ngoài người trong nhà mắng. Con gái hay bảo con không thanh minh, không cãi vì cảm giác như thế là mách lẻo kiểu con gái!) 

Sau đó cô giáo đưa cô bé về nhà, nói chuyện với phụ huynh, phụ huynh rất tức giận. 

Nên về sau cô bé bỏ học đi làm ruộng. Khi ở trên ruộng thấy rất vất vả và lại thấy giận cô giáo khi nghĩ rằng vì cô giáo mà mình phải như vậy. Sau đó lớn lên, không có chồng con mà cứ lủi thủi như vậy. Gương mặt trông rất kinh khủng, đáng sợ. Lúc chết thì chết trong cô đơn. 

Quay lại thời thơ ấu thấy mình sinh ra trong gia đình có bố mẹ, lúc sinh ra không được xinh đẹp nên không được yêu, không cảm nhận được tình thương, hay lủi thủi một mình. 

Mình chữa lành lại cảnh ngồi cô đơn ở sân trường thì thấy cô giáo đến bên cạnh, đưa mình vào lớp và nói mình có đôi tay đẹp, viết chữ đẹp, và khích lệ mình. Từ đó mình ham viết hơn. Được cô và bạn bè khen chữ đẹp, viết báo tường, được một vài bạn quý mến, việc đi học thấy vui hơn. 

Mình bắt đầu khen mọi người, và mọi người bắt đầu yêu mến mình hơn. 

Chữa lành cảnh đi làm ruộng: thấy làm việc vui hơn, không còn thấy cay đang uất hận như trước. Khi thấy cay đắng thì ngồi xuống tĩnh tâm quan sát chính mình. Mình nhìn vào tiền kiếp thì thấy lại cả cảnh mình đang chọc nát bức hình cô giáo, sau khi chữa lành thì chuyển thành mình ngồi tĩnh tâm. 

Về già có mấy đứa cháu bên cạnh, là con của một đứa trẻ mình nhận nuôi. Đứa trẻ đó vì bị trêu khi có mẹ là mình nên rồi cũng không vui, sau đó đi thoát ly. 

Người hướng dẫn nói cô bé sinh ra đâu có xấu, nhưng tâm sinh tướng nên lúc lớn mới vậy. Bố mẹ có yêu cô bé nhưng tự mình cứ cô lập mình như vậy. Chính thái độ khó chịu của cô bé làm cho mọi người lánh xa mình, nhưng cô bé lại đổ lỗi cho vẻ bề ngoài. Học cách khen mọi người một cách chân thành rất quan trọng. Đây là bài khó. Thực ra cô giáo cũng đâu có ghét cô bé. 

Mình hỏi thêm đúng là trước kia mình có suy nghĩ như vậy, nhưng gần đây mình đã không còn ghét vẻ bề ngoài của mình nữa, người hướng dẫn nói đôi khi mình nghĩ mình đã chữa được, nhưng chưa chắc đã chữa được đâu. 

Con gái là phiên  bản thu nhỏ của mình, con gái cũng gặp vấn đề về việc luôn tìm cách khiến người khác phải thích mình, và thái độ của con gái cũng khó chịu như là mình vậy. Giờ muốn con gái ổn thì chính mình phải ổn đã. Nhiều khi mình cũng không biết cách nhận lời khen (khi được khen nhất định sẽ tìm cách chối, trong khi có thể vui vẻ đón nhận và đơn giản là nói lời cảm ơn). 

Người hướng dẫn nói tinh thần chung của buổi thiền là cảm giác uất hận. 

Mình có phần cảm thấy khó chịu vì sao trong chuyện này toàn là lỗi sai của mình vậy? (Về việc thái độ của mình xấu quá khiến mọi người không ưa, trong khi các kiếp ít nhất thấy mình có lý, mọi người khác cũng có lỗi). Người hướng dẫn nói mình hãy thiền thêm để tự giải đáp và cởi bỏ điều này cho bản thân.

YÊU VÌ YÊU THÔI

Người chép: Tiểu Ngư, tựa PLM đặt

(Timeline healing 2, chữa tình cảm – mối quan hệ với con gái)

Cô gái tầm tuổi cập kê đang ngồi trên bãi cát lòng nặng trĩu. 

Cô gái mặc váy trắng đơn giản, màu trắng bình thường không quá sáng, quá trắng. Cô có mái tóc dài màu đen hơi xoăn nhẹ. Nguyên nhân cô gái buồn là vì mẹ cô bắt cô phải lấy một người đàn ông mà cô không muốn –  một người mặt dài khắc khổ, cao gầy tóc nâu đen xoăn tít, mặc áo đuôi tôm đen quần trắng. Cô đã có một người khác cô thích là một người làm công trong nhà – dáng nhỏ nhắn, tóc mềm mại mượt mà vuốt thành nếp óng ả, gương mặt trẻ trung mềm mại. Rồi cô bỏ đi cùng người cô yêu, đến khu đô thị đông đúc chật chội. Hai người sống khốn khó, dưới gầm cầu, đi làm thuê mướn. Cô phải làm rửa bát, phục vụ trong quán ăn. Người chồng thì làm nghề dọn dẹp vệ sinh tay chân. 

Lao động vất vả, cô gái già đi nhanh chóng. Nhưng không có đường để lùi nữa rồi phải đi tiếp thôi. Rồi cô có bầu, bụng to vượt mặt mà vẫn làm việc hùng hục. Khi sinh đứa con gái đầu thì bị mất con, cô đã đau khổ rất nhiều nhưng vẫn phải sống tiếp như vậy. 

Rồi cô có bầu lần hai và sinh được một bé trai. Con trai ớn lên nhem nhuốc bẩn thỉu, sống trên hè phố nhiều hơn là trong nhà, rồi phải kiếm sống bằng cách ăn cắp vặt trên phố. Khi nhìn thấy điều đó, người mẹ cảm thấy rất đau lòng, thấy mình đã không mang lại cho con được điều kiện sống tốt, cảm giác rất cay đắng.

Thời gian trôi qua, đến lúc người chồng bị ốm, không đi làm được nữa. Người vợ may mắn tìm được một chỗ làm tốt hơn cho một gia đình nhà giàu, trong một căn biệt thự màu trắng. Người chủ không quá thân thiện, khá nghiêm khắc những không đến nỗi khắc nghiệt. Người vợ làm việc lau chùi, dọn dẹp, bếp núc rửa bát trong nhà. Con trai cô chạy qua lại giữa việc chăm bố ốm ở nhà và đến một gia đình khác làm người làm vườn. Người con trai trông khá giống người bố thời còn trẻ. 

Tiếp theo một thời gian, người mẹ trở thành một phụ nữ trung niên béo, hay mặc đồ màu đen trắng (của người phục vụ), người bố qua đời, người con muốn thoát ra khỏi cuộc sống này nên đã bỏ đi. Người mẹ mong chờ tin của con, mà không thấy nên đã héo mòn, tiều tụy, đổ bệnh và qua đời. Khi qua đời, ở trong căn nhà tồi tàn của gia đình, linh hồn bay lên từ bụng, mình thấy bụng và cổ họng của mình cũng nghẹn lại. 

Mình hỏi bài học cuộc đời là gì? Câu trả lời là mình không thể cho con mình cái mình không có, nếu mình nghèo thì mình không nên cứ đau khổ về việc mình không cho con được sống sung sướng. Cái mình có thể làm đó là yêu thương con, thay vì để sự cay đắng, tự trách, áy náy lấp đầy tâm hồn và không còn chỗ cho tình yêu nữa. Cũng một phần vì thế mà hai mẹ con không có nhiều thời gian bên nhau. 

Sau đó quay lại thời thơ ấu, mình thấy cô gái này sinh ra trong một gia đình có nhiều con, chỉ có một con trai và nhiều con gái. Con gái chỉ có thể gả đi sớm, lại có nhiều con gái nên lúc nhỏ con gái không được quan tâm, cưng chiều nhiều, nên cô gái đã dành nhiều thời gian chơi với bạn nhỏ người làm kia, vì vậy mà đã yêu người đó rất nhiều. 

-Xin chữa lành: 

1. Khi đứa con đầu qua đời, cô gái đã khóc rất nhiều. Khi chữa lành thấy mình lại tiếp tục khóc, và còn có ý nghĩ thôi con không ở với mình thì con cũng đỡ khổ. Người chồng đến bên cạnh, ôm vào lòng và nói với mình rằng việc xảy ra như vậy vì cần xảy ra, con về với Thượng đế là hạnh phúc cho con mà (nhưng mình vẫn cảm thấy buồn lắm, hụt hẫng và đau lòng giống như khi bố mình qua đời – giờ khi chép thì nghĩ là đây vẫn là một bài học khó mà mình chưa qua được). Rồi cũng phải chấp nhận và chờ đợi thời gian làm nguôi ngoai thôi. 

2. Khi nhìn đứa con thứ hai sống nhem nhuốc, và phải lang bạt trên đường phố, chữa lành thì mình không nghĩ nữa, và chỉ đơn giản là ôm con vào lòng, nói chuyện với con, thỉnh thoảng tắm rửa cho con, nấu cho con ăn, tối ngủ thì vừa ôm con vừa kể chuyện. Vậy là cũng rất hạnh phúc rồi. Mình thấy tình cảm mẹ con cũng cải thiện hơn, gắn bó hơn. 

Đoạn này người hướng dẫn bổ sung thêm là: nhiều khi mình cứ lo hộ con, cứ nghĩ con thấy thế là khổ, nhưng chưa chắc. Cái mình nghĩ là tốt cho con, chưa chắc con đã cần, mà đối với con có thể cái khác quan trọng hơn. Ví dụ tình yêu thương từ cha mẹ thì quan trọng hơn tiền bạc.

3. Cảnh chờ tin của con mà héo hon: khi chữa lành rồi thì mình có một niềm tin mãnh liệt là con sẽ tự sống tốt cuộc đời của con; và mình cần phải sống tốt, khỏe mạnh để chờ con về. Vì thế mình sống tốt, khỏe mạnh, và rồi cũng đến ngày con mình về. Con đã đi theo tàu ra biển lớn, làm nhiều việc, nhìn thấy nhiều thứ, vất vả nhưng phóng khoáng, rồi tích lũy được tiền, ít gửi tin được về nhà. Về sau con mua đất, xây ngôi nhà nhỏ, lấy vợ, sinh hai đứa con. Tuổi già của mình sống cùng con cháu, nấu nướng chăm sóc nhà cửa khi hai con ra ngoài làm việc. Mình ngồi trên ghế thư giãn ngoài hiên, nhìn hai đứa cháu rồi hạnh phúc mỉm cười ra đi. 

Bài học mình rút ra là: 1. Niềm tin vào việc con mình sẽ làm được, con sẽ sống tốt cuộc đời của con, tin là con sẽ về. 2. Tự mình phải sống tốt thì mới có thể giúp cho người khác. 

Đoạn này người hướng dẫn nhắc bài học cao hơn là tự mình hãy sống tốt cuộc đời của mình, là vì mình chứ không phải là vì người khác. Ví dụ ở đây là mình cần sống tốt cuộc đời của mình là vì đó là điều cần cho mình, chứ không phải vì để chờ tin của con hay là vì con. Vì nếu là vì người khác, lấy lý do là vì người khác thì thế thì sẽ tạo thành gánh nặng cho người kia, chẳng hạn khi mình nghĩ mình hi sinh vì con thì đó sẽ là gánh nặng đè lên con, con sẽ không hạnh phúc, bị ngột ngạt và đè nén. 

BUÔNG – YÊU KHÔNG MONG CẦU

Người chép: Tiểu Ngư, tựa PLM đặt

(Timeline 3, chữa tình cảm – mối quan hệ với con gái)

16.08.2023

Một em bé nhỏ hiện ra, tóc ngang lưng, váy xinh xắn điệu đà, nơ thắt trên tóc và trên eo. Em bé chạy đi tìm mẹ, mếu máo. Chạy mãi rồi cũng thấy người mẹ. Người mẹ nhìn thấy con thì mỉm cười, ôm con vào lòng. Ra là hai mẹ con đang chơi trốn tìm, người con đi tìm mẹ, mà vườn rộng không thấy nên sợ. Người mẹ mỉm cười ôm con vào lòng, nói chuyện với con, mẹ đây rồi mẹ đây rồi. Con không phải sợ đâu.

Mẹ dắt tay con đi về phía ngôi nhà. Ngôi nhà nhỏ bé, ấm áp, quần áo thì có vẻ đẹp kiểu quý tộc mà sao ngôi nhà lại nhỏ vậy nhỉ? Nhà 1 tầng, kiểu ngày xưa chứ không phải cao tầng. Người mẹ về lấy bánh cho con ăn. Hai mẹ con nhìn nhau cười. Người chồng xuất hiện, gia đình rất hạnh phúc.

Thời gian cứ thế trôi qua, khi cô gái trở nên rất lớn, người mẹ cũng trung niên, thì cô gái bị bệnh gì đó mà không tìm ra nguyên nhân. Người mẹ đi tìm thầy thuốc chạy chữa cho con nhưng không khỏi. Cô gái thường nằm trên giường trông mệt mỏi tiều tụy. Người mẹ lo lắng, ngồi bên cạnh, không hiểu tại sao lại thế, cảm giác bất lực, thương con. Mẹ ngồi nói chuyện với con, nắm tay con, kể cho con nghe những điều tốt đẹp bên ngoài phòng bệnh. Oán trách ông trời tại sao lại để con mình bị ốm như vậy, cảm giác rất buồn bực khó chịu, lẽ ra tuổi trẻ phải được sung sướng, tại sao lại để con mình phải khó chịu như vậy. Người mẹ đưa con ra ngoài thiên nhiên hít thở không khí. Người mẹ cố dành cho con những điều tốt, nhưng thường khóc sau đó, rất buồn. Người con gái thương mẹ, nói mẹ đừng buồn nhé. Nhưng người mẹ vẫn rất buồn.

Người con sau đó cứ ốm yếu như vậy, mệt mỏi không có sức lực, lúc nào cũng phải có người căm sóc. Người cha cũng thấy buồn thương nhưng cũng không làm gì nhiều, thấy chán nên thường đi ra ngoài không ở nhà. Người mẹ ở nhà trông con. Con không có yêu đương, kết hôn. Người mẹ lo lắng, muốn tìm cho con một người nương tựa nhỡ khi mình già yếu, nhưng người mẹ thấy không ai đủ tốt, đủ tin cậy để làm việc đó. Cứ trăn trở như vậy, sống triền miên trong sự lo lắng, không cam tâm, oán trách số phận ông trời.

Rồi bà cũng tìm được một người phụ nữ trẻ trung khỏe mạnh giúp chăm sóc con, rồi bà già đi đi, tóc bạc trắng (hoặc vì lo nghĩ nhiều mà tóc bạc), người con gái chết. Bà đưa tiễn con trong đám tang, đã có sự chấp nhận số phận, bình thản đón nhận. Sau đó thì bà sống một mình trong bình yên một thời gian, rồi. Lúc chết, hồn bay ra từ ngực.

Hỏi bài học cuộc đời này là gì? Trả lời: yêu thương con, dù con mình như thế nào, khỏe hay ốm. Hiểu ra là mọi thứ xảy ra là cần thiết, kể cả những điều không may. Chấp nhận mọi thứ đến với mình, hay với con mình – đều là diều mình phải trải qua. Nhưng cách mình phản ứng và đón nhận như thế nào là lựa chọn của mình, và mình được lựa chọn. Oánh trách chẳng giải quyết được điều gì cả, không cần như vậy.

Sau đó người hướng dẫn hỗ trợ thì mình có thấy có bài học “sống cuộc đời của mình đi, đâu phải sống phụ thuộc vào cuộc đời của người khác. Sống trọn vẹn và vui vẻ cuộc đời của mình. Cởi trói cho mình, là cởi trói cho người xung quanh. Tình yêu không điều kiện, không cho, không trả nợ cho ai hết. Tận hưởng cái mình đang có. Như khi ngắm con ăn thấy hạnh phúc thì chỉ thấy vậy. Nỗi khổ của mình từ việc làm việc gì, hay yêu gì đều có điều kiện. (Kiểu ở tiền kiếp này là mình khổ vì không chấp nhận được tại sao mình đã chăm con mà con lại ốm => mình kỳ vọng nhiều quá.

Câu hỏi từ bài thiền trước: Mọi việc xảy ra đều có hai mặt. Nếu mẹ mất khi sinh ra mình thì mình phải xứng đáng với sự hi sinh đó. Cùng một sự việc xảy ra, nghĩ là lời nguyền hay ơn phước thì do mình chọn.

Sống tỏa sáng, không khoác lên vai những áp lực, nhưng quan niệm của xã hội.

Khi mình xin chữa lành, những sự việc xảy ra vẫn như cũ, chỉ có thái độ của của hai mẹ con khác đi. Bà mẹ thấy mình đã nỗ lực hết sức, nhưng kết quả như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều thứ khác. Việc mình làm cho con là vì mình muốn làm, và mình tận hưởng điều đó. Không mong cầu con phải theo ý mình, điều kiện của mình. Mình trao rồi, còn con nhận ra sao đó là quyền của họ. Kể ra họ chọn con đường vất vả cũng là quyền của họ. Tin họ là họ đang làm những việc tốt.

Buông: vẫn làm những điều mà mình có thể cho họ, nhưng không mong cầu họ phải theo ý mình.

– Trân trọng những điều yên bình mình đang có.

– Điều tốt nhất mà mình có thể làm cho con, đó là sống tốt cuộc đời của mình, mình hãy hạnh phúc và vui vẻ, sống rực rỡ, và những năng lượng đó sẽ là nền tảng tốt nhất cho con.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *