Về Mỹ Sơn

29.05.2022

Mãi rồi mới đi được, vì thời tiết (sợ mưa dông trong cái mùa thời tiết thất thường này), vì bận, vì sức khỏe. Sáng nay nhất quyết đi dù lên đường khá muộn, mẹ lo lắng đến nơi hai mẹ con sẽ thành Táo/má một nắng gì đó mất thôi.

Trên đường đi bỗng nghe một mùi thơm ngát, hóa ra là mùi sen, thơm không thể tả, đẹp cũng không thể tả.

Quay lại thấy con trai đang ngồi trông xe cho xuống chụp ảnh, thật cảm động làm sao!

Dừng ăn sáng, rồi dừng uống nước mía, phải 9g hơn, khi ánh nắng đã đủ nướng khô các thể loại thì mẹ con mình mới tới nơi. Ơ mà lạ, lúc mua vé, cô bán vé cứ nhất quyết định bán vé người nước ngoài cho mẹ (chắc thấy mẹ giống HDV DL ơ ơ), phải nói là không, mua cho 2 mẹ con người Việt mà. Vé người Việt (lớn) là 100k, trẻ em Việt là 30k. Vé người nước ngoài là 250k.

Vội vã rảo bước tránh các đoàn nói (chê) nhiều, ngắm ít, chụp ảnh check – in rộn ràng là chính để mong có phút tĩnh lặng ngắm nhìn di tích này.

Trong lòng mẹ gợn lên cảm giác rất rất lạ. Thật ra chọn đến nơi này chắc chắn vì cần đến. Còn hiện tại mẹ cảm thấy hình ảnh của 16 năm trước, khi mẹ cùng ba T đi thăm quan khu di tích Ấn Độ cổ xưa, nơi những tòa tháp như thế này nhưng bằng đá xanh, to lớn, nguy nga, đẹp vô cùng với rất nhiều hình điêu khắc khác nhau trên mỗi cây cột trụ, trải rộng trên khắp một thung lũng vĩ đại. Khi đó, ba T đã nhăn nhó sau một lúc lang thang cùng mẹ, rồi ngồi bệt xuống một tảng đá lớn: “Không hiểu vì sao phải đi mãi thế, có gì khác nhau đâu! Cũng là một ngôi đền Ấn, có một cái linga vĩ đại ở ngoài?” MM vội vã nói: “Không đâu, những hình điêu khắc đều khác nhau mà, nhìn này, nhìn này…” rồi vội mở máy ảnh lên chỉ cho ba T xem những hình mM đã chụp. Ba T vẫn chán nản lắc đầu không chịu đi nữa, mặc mM lang thang khắp suốt từng ngôi đền vắng vẻ. Mà hôm đó, có lẽ chỉ có mỗi mM đi khắp nơi như thế, cả thung lũng tuyệt chẳng gặp ai khác! Hôm đấy, nắng cũng gắt như thế này, không gian cũng bàng bạc một điều gì vĩ đại đã mất như thế này. Chỉ khác là người đi cùng, song tính tình cũng thế. Mẹ phải vội vã ngắm, vội vã bước đi, vì lo có người sốt ruột vì chờ đợi. Khi mẹ vui vẻ chia sẻ lại những gì mẹ nghe lóm được từ các hướng dẫn viên thì có người thả câu gọn lỏn “không quan tâm”! Ơ!

Có người hái rồi tặng “hoa” cho mẹ này:

Có người chụp mặt đẹp ghê lắm, mà không cho đăng hình, đăng hình sau lưng vậy. Hôm nay đầu gối bị thương (do hôm trước có chú đi lạng lách đâm vào làm té xe) nên “chân nai tơ chân thấp chân cao”, chụp ra tự thấy là “đâm như là làm dáng” thế này:

Mẹ đố ảnh biết những cái côt nằm dài trên đất là gì không? Lắc đầu. – “Là linga đấy!” – Ảnh trề môi: “Linga mà lại phải gồ ghề thế này a?” – “Ơ kìa!”

Đi vào trong, mẹ lại chỉ: “Còn đây là yoni, con thấy không, linga ngã đổ cả rồi, còn yoni mãi trường tồn.” Thế là có người quay phắt ra, đưa ngay lại cái ba lô của mẹ mà ảnh đang đeo dùm: “Thế thì trả này!” – “Ơ, ơ, mẹ xin lỗi, người đàn ông tuyệt vời mà!”.

Rồi mẹ chỉ cho ảnh xem vỏ bom đạn, hố bom sâu, những mảnh tường vụn vỡ mà nếu không đổ xuống, trước kia có thể là những căn phòng, những kiến trúc đẹp đến thế nào? Mẹ kể cho ảnh nghe về những di tích bên Ấn Độ, nơi giờ chỉ là những cái nền gạch khổng lồ, trước kia trên đó là những lâu đài bằng gỗ quý, mà đã cháy rụi khi chiến tranh tràn qua. Kể cả ngôi đền Taj Mahal bây giờ vẫn tuyệt đẹp, ngày xưa còn lộng lẫy gấp ngàn lần khi nạm ngọc thếp vàng khắp nơi, mà đã bị những quân xâm lược từ khắp nơi cạy gỡ đi hết! Mẹ bảo ảnh hãy tưởng tượng xem xưa kia nơi đây được dùng làm gì, và ảnh bảo người xưa đã giỏi tính toán như thế nào để tính hết mọi thứ để xây dựng được thế này.

Mẹ nhìn thấy một ngôi đền còn nguyên vẹn nhất, trong lòng dâng lên một cảm giác ngưỡng mộ vô cùng. Hóa ra nó là cái thư viện. Ơ hóa ra mình giữ sách xuyên đời nhỉ, hèn chi thấy thư viện là thấy đẹp a?

Tại sao 3 cái cột lại khác nhau nhỉ? Vì đó là tượng trưng cho 3 vị thần khác nhau của Hindu giáo: Brahma là đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ, còn Shiva là đấng hủy diệt.

Trở về khu E & F, là khu nhỏ và còn ít di tích, phần bị đổ nát, ném bom, phần do các di tích chính hầu như đã được dời về các bảo tàng (nghe mà buồn), thì T đã bỏ ra ngoài ngồi chờ, lại chỉ còn mẹ lang thang ngắm nghía.

Một hố bom lớn thay chỗ ngôi đền nguy nga ngày xưa, nhìn thật đau lòng. Mẹ nói “chiến tranh mà, như bom đạn của Nga hiện tại cũng có tha những nhà thờ, kiến trúc cả trăm năm của Ukraina đâu!”
Nhìn con bò mà thương quá! Mẹ xoa đầu con bò, có người nhắc “Cấm sờ vào hiện vật, ơ hay!”

Đi cũng vẫn hơi phải vội vã, để kịp về ca 2 chương trình biểu diễn nghệ thuật (từ 10g45 – 11g). Nghe tiếng nhạc Chăm vang lên, có người bảo “hoài niệm vãi!” Mẹ cũng thế, 2 năm ở Ấn với bao thăng trầm, trải nghiệm. Kịp về nghe tiếng kèn Chăm, người thổi kèn trẻ mà tài thế. Anh ấy từ từ lôi cuốn người nghe vào một cảm giác thăng hoa khó diễn tả, khi mọi người phải vỗ tay đều nhịp theo tiếng kèn ngân dài đến như không thể, khi dòng máu nóng tự dưng sôi dần lên theo tiếng kèn. MM thích ngồi xem những đứa trẻ, nhìn thấy chân các bạn nhịp theo tiếng kèn. Văn hóa là nơi này chứ đâu, chứ đâu nằm ở những vị đầu 2 thứ tóc với những lời phê bình vô duyên, xôi thịt.

Và với tiết mục múa Apsara, mM nhận ra những tư thế mở ra, xòe cụp của đôi bàn tay thể hiện tính nữ như thế nào.

Thế rồi mình đi về, có chàng trai tập chở mẹ đi!

Lần đầu chở mẹ, yêu ơi là yêu!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *