(Note nhanh trong quá trình dịch thuật, học hành, trải nghiệm kể chuyện cho trẻ của Phan Lê Minh)
20.05.2016
Theo hướng dẫn trong bài Truyện cổ tích theo lứa tuổi của trẻ, mình đi tìm nốt những truyện trong danh sách cho trẻ cuối lứa tuổi mầm non. Có vài truyện thật lạ và dịch ra sao buồn dữ thần vậy. Chẳng hạn như truyện The Flaming Castle hay The Snow Maiden mà mình đã nhờ bạn Nguyen Thu Trang dịch và bạn dịch rất hay.
Thiệt là, từ tuổi mầm non bọn trẻ Steiner chúng nó được kể cho nghe những câu chuyện cổ xưa đầy trí tuệ nhân gian, đã bao hàm sự sống và cái chết của thế giới tinh thần vĩ đại rồi ấy. Cho nên mới đến lớp 2 chúng nó đã đọc truyện những con người cao cả và chuyện ngụ ngôn. Lớp 3 đọc truyện về những nhà thông thái. Lớp 4 đọc truyện hài hước nhiều ý nghĩa ẩn tàng… nói chung đến lớp 5, 6 đã đọc mấy cái chuyện mà giờ mình còn không muốn đọc vì sợ bị nhức đầu. Đi với tụi này đau tim quá!
22.05.2016
Ở lớp hai, những con vật nên được mô tả bởi tính cách đặc trưng của chúng. Thí dụ, điều gì khiến cho cáo trông thật giống cáo? Cáo thì ranh mãnh, tinh lanh, láu lỉnh và kiêu kỳ. Những đặc tính này nên được mô tả trong bức tranh minh họa. Nếu như ở lớp bốn, các con vật thường được vẽ gần giống hơn trong thực tế, thì lớp hai lại đặt tầm quan trọng trong việc mô tả tính cách và bản chất của con vật. Đó là điều mà học sinh lớp hai sẽ có khả năng liên tưởng tới nhiều nhất.
Tôi không thể bao giờ quên buổi tối mà tôi lái xe về nhà cùng các con gái. Một chú cáo rảo bước qua đường, và tôi thốt lên: “Ồ nhìn kìa, một chú cáo!”. Một cô con gái của tôi kêu lên: “À đúng rồi, mẹ biết Ngài Cáo mà; ông ấy có thể đang định làm điều gì tinh ranh đấy”. Đây là một thí dụ điển hình về cách đứa trẻ ở lứa tuổi này liên tưởng tới thế giới loài vật. Trong mắt trẻ, những con vật có thể làm tất cả những gì mà con người chúng ta có thể làm: chơi đùa, ăn uống, kiếm chỗ nương thân, nuôi nấng con cái, cũng như chuyện trò và quan hệ với các con thú khác!
(Trích tài liệu vẽ bảng – Trần Đỗ Quyên dịch)
Theo mình hiểu thì với truyện loài vật, các em lớp 2 (lớp 1, 2, 3) sẽ đọc và hiểu về những con vật với những tính cách con người.
Song bắt đầu từ lớp 4, khi chương trình học chính các em được học về Con người và Loài vật (Man and Animal), các em bắt đầu khám phá loài vật với những đặc điểm sinh học (và cả tinh thần) của chủng loài đó.
Truyện Việt Nam, theo những gì mình đã biết (bởi có thể còn nhiều thứ mình chưa biết, chưa tìm được) thì rất hiếm chuyện loài vật, hay chuyện thiên nhiên (nature story nói chung). Một số truyện loài vật chẳng hạn như Dế mèn phiêu lưu ký, mình thật sự chưa biết nên cho trẻ độ tuổi nào đọc. Nếu cho trẻ lớp 1, 2, 3 đọc vì Dế mèn và các bạn của dế mèn mang tình cảm con người, thì liệu những tình cảm của dế mèn có quá lớn với các em? Hồi tuổi đó mình đọc Dế mèn phiêu lưu ký chưa hiểu gì hết và còn thấy quá nặng đâm không thích (hay mình chậm lớn nhỉ?). Truyện Cái tết của Mèo con thì mình thích, song không phải không làm mình sợ khi mình còn bé. Những tình cảm con người trong truyện loài vật Việt Nam có quá “nặng nề” chăng? Còn từ lớp 4 trở lên, truyện loài vật của Việt Nam có bao nhiêu truyện thực sự kể về loài vật với đặc tính thực sự của chúng, như truyện Người thợ săn và con sói lửa???
Hôm qua đọc comment của một anh nói rằng chỉ cần mua tài liệu nước ngoài về rồi thêm thắt chút Việt Nam vào là xong. Ngày xưa mình cũng nghĩ vậy, khi nhào vô làm mới hiểu là mọi chuyện nó gian nan thế nào? Làm thế nào mang tinh thần toàn cầu (universal) cùng với bản sắc của dân tộc (cultural identity) mình, hự hự. Phải hiểu đến tận gốc tinh thần đó là gì, cũng như bản sắc dân tộc mình là gì nhỉ?
03.10.2016
Những truyện kể được chọn lọc trong các trường Waldorf Steiner đều là những truyện hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, sự cao cả. Tính anh hùng ca, không phải là anh hùng cá nhân nổi trội, chiến thắng tất cả những người khác, mà là chiến thắng chính bản thân mình. Nổi bật sự giản dị bao trùm lấy cốt lõi anh hùng, tốt đẹp bên trong.
Đặc biệt, nếu truyện kể lớp 1 vẫn là thế giới tươi hồng, mơ màng của cổ tích, song truyện dài hơn, nhiều chi tiết hơn, thì từ lớp 2, truyện kể có sự chuyển biến ngày càng rõ nét.
Chuyện kể lớp 2 nhấn mạnh vào hành trình của mỗi con người. Như hình ảnh mặt trời toả nắng. Từ một tâm ở giữa, có những con đường toả đi khắp hướng. Ba anh em sẽ chia tay ở một ngã ba, rồi mỗi người đi một hướng. Mỗi người sẽ có cuộc phiêu lưu của riêng mình, chiến thắng rồng, kẻ khổng lồ, cứu được công chúa, lấy được vương quốc cùng những kho báu vô giá.
Đến lớp 3, truyện bắt đầu có màu sắc buồn, khi bắt đầu đề cập đến cái ác, cái xấu trực diện và rõ ràng hơn. Cái chết của nhân vật chính bắt đầu xuất hiện. Tuổi lên 9 là con người đi vào cái threshold đầu tiên, khi con người bắt đầu nhận ra mình tách biệt với thế giới xung quanh. Trẻ bắt đầu có thể nghĩ đến cái chết. Và khi trẻ hiểu là thân xác vật lý của mình có thể tan đi, trẻ nhận biết thế giới không chỉ là sự nối dài các giác quan của chính mình, mà sẽ nhận biết bằng thứ có thể toả rộng hơn, chính là tình cảm của con tim. Và trẻ nhận biết thế giới qua tình cảm, qua vẻ đẹp. Phải, thế giới có tồn tại cái xấu, cái ác, cái chết, song con người, bằng nỗ lực của mình, sẽ vượt qua mặt tối của tầng sâu, để vươn lên ánh sáng của sự sáng tạo.
Về truyện đọc cho các con, trong quá trình đọc và dịch mM thấy thế này. Đúng là truyện cho trẻ cần có nhiều hành động. Trẻ càng nhỏ thì những phân đoạn tả cảnh, tả cảm xúc chỉ khiến trẻ lơ đãng (không tập trung, không lắng nghe) mà thôi.
Nếu như chúng ta muốn đọc cho trẻ lớp lớn những truyện mà các bạn chưa học Steiner chưa được nghe, chẳng hạn con đã học lớp 3 rồi mới bắt đầu đọc truyện cổ tích, huyền thoại, thần thoại cho con nghe, thì mM nghĩ mình cũng nên làm theo trình tự của độ tuổi. Có thể đọc từ những truyện cổ tích dài luôn (nếu sợ trẻ chán). Tuy nhiên, kinh nghiệm kể chuyện cho Minh thấy là, quan trọng là chính người kể chuyện có thích, có thấy chuyện đó hay không? Trướ tiên mình có thấy hay, người kể mới thấy hay được.
Nghĩa là hãy đọc truyện cổ Grimm, rồi truyện cổ Nga (bắt đầu tả nhiều hơn, đặc biệt là truyện Bashtchelik – Người Thép), rồi hãy qua Huyền thoại Rồng Celtic (các cụm từ tả được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần). Nếu như các hình ảnh trong truyện cổ Nga tả cảnh đẹp và theo trình tự tăng tiến, thì các hình ảnh trong Rồng Celtic có sự tương phản lớn lao, nó như 1 bức tranh thuỷ mặc đầy tính thiền trong đó vậy. Điều tuyệt vời của các câu chuyện này là mỗi cuộc phiêu lưu, mỗi con đường, mỗi hành trình của mỗi người anh hùng, đều có tính chất hoàn toàn khác nhau.
Tuy nhiên, cả 2 truyện này đều hoà quyện tuyệt vời giữa tả cảnh và hành động, cho nên nó vẫn vô cùng hấp dẫn (mình còn thích nói gì con nít), nghĩa là tính hành động rất cao.
Đang nghĩ về ai đó có kinh nghiệm và thời gian làm về xuất bản sách (mua bản quyền, các thủ tục ra sách), thì chúng ta có thể xuất bản sách này ở Việt Nam cho các phụ huynh đọc cho con, hoặc con tự đọc, nhỉ?
23.11.2016
Truyện kể cho lứa tuổi cấp 1 Steiner
(viết nhanh trong quá trình dịch – tiếp theo)
Mình đang dịch đến các thần thoại cho Lớp 5. Ở lớp 5, thật sự là một quá tải cho người dịch như mình, khi trẻ học thần thoại từ Ấn Độ, Ba Tư, Lưỡng Hà, đến Ai Cập, rồi Hy Lạp. Chỉ riêng Ấn Độ, hay chỉ riêng Ai Cập … đã là một hệ thống những vị thần, tín ngưỡng, quan niệm khổng lồ. Chưa nói đến Hy Lạp, những vị thần và những hình ảnh biểu tượng ngồn ngộn trong đó, song bên cạnh là nền văn hóa, cuộc sống thời xưa giàu có về phong tục, cách hành xử khác biệt. Rất may là người thầy đáng quý sang đào tạo cho khóa đào tạo giáo viên đã cho mình cái nhìn toàn cảnh, cái lý do xuyên suốt các thời kỳ lịch sử tại sao lại cho trẻ đọc và học nhiều nền văn hóa như vậy trong một cấp lớp. Đó là vì trẻ lớp 5 đang ở giai đoạn “thiền định” của thời thơ ấu, một khoảng lặng quý giá sau khi trẻ văng mạnh giữa hai cực lên – xuống, hiền ngoan – quậy phá của lớp 4 và trước khi trẻ bước vào phần đầu của tuổi dậy thì đầy biến động. Đó là khoảng thời gian trẻ lớp 5 xác định “tôi đang ở thời gian nào?” (when am I?). Trẻ học lịch sử tiến hóa của loài người, cũng là để hiểu một thời kỳ lịch sử cũng chỉ là một giai đoạn trên một con sông lịch sử của cả nhân loại, mỗi đời người cũng chỉ là một mảnh ghép của nhiều cuộc đời, của chính mình, của cả loài người. Song trẻ cũng hiểu rằng một cuộc đời, như của mình là nhỏ bé, nếu so với toàn cảnh, song là một mảnh ghép nhỏ có ý nghĩa, góp phần vào bức tranh chung.
Thật sự biết ơn những bạn cộng tác viên đã miệt mài phụ dịch với mình (dù chẳng có thù lao gì cả), nó khiến cho những đêm cố căng mắt lên dịch bài của mình bớt nặng nề và cô đơn hehe. Và cũng khiến mình cảm thấy ý nghĩa nếu những gì mình cảm, được đồng cảm với vài người, thậm chí với nhiều người. Mà chỉ vì ít người nói ra, viết ra, nên mình sẽ viết ra đây phần cảm nhận của mình.
Hôm trước mình đã viết sơ qua cảm nhận của mình khi dịch truyện từ lớp 1 đến lớp 3, đó đã là một sự phát triển và thay đổi mạnh mẽ từ sự mơ màng, đầy tính tinh thần của truyện cổ tích của lớp 1; đến triết lý và suy ngẫm của truyện ngụ ngôn, truyện các Thánh và thần thoại Rồng Celtic, cũng như câu truyện mà đối với mình như là “ông tổ” của các truyện cổ tích – Con trai Vua Ireland của lớp 2; cho đến những câu truyện của kinh Cựu Ước, của niềm tin vào một Thượng đế duy nhất, chỉ có một vị thần cao nhất. Đến lớp 4, với thần thoại Bắc Âu, xuất hiện chế độ đa thần và những câu truyện đã bộc lộ tính hoang dại, hung dữ, bạo lực của tính “con” mạnh mẽ, và thậm chí những vị thần cũng bắt đầu thể hiện tính xấu của mình. Rõ ràng hơn là quá trình chuyển biến từ tốt – xấu lẫn lộn sang trạng thái cực xấu của nhân vật Loki. Song kết cục thì luôn luôn, cái xấu bị trừng phạt, thậm chí là toàn bộ thế giới cũ đổ sụp, và một thế giới mới tốt đẹp hơn ra đời. Dịch truyện lớp 4 – thần thoại Bắc Âu, trong lúc vẫn tiếp tục sống trong thế giới mầm non và phần đầu tiểu học (lớp 1, 2, 3…) vì đặc thù công việc mình vẫn dịch nhiều tài liệu cùng một lúc, đối với mình đã là một cơn sốc vì lớp 4 quá hoang dại và bạo lực (với những chi tiết như “máu chảy ra vết thương đến cạn khô, thân thể của anh chỉ còn màu trắng nhợt, và máu chảy ra được hứng vào chiếc bình để làm rượu mật ong). Bên mình chọn dịch cuốn Thần thoại Bắc Âu của tác giả Kevin Crossley-Holland và cố gắng trung thành với giọng kể lẫn cách kể của ông. Rất tiếc là bên mình vẫn chưa tìm được cách liên hệ với tác giả để xin bản quyền xuất bản bản dịch tiếng Việt. Đến giờ thì đã nhiều bản dịch của Thần thoại Bắc Âu xuất hiện nhưng bản thân mình không thích một số đoạn dẫn giải (giải thích ra, khổ, sao giờ người ta coi người đọc thiếu i ốt đến thế) mà dẫn giải ra khiến nó “nghèo, rẻ” nội dung tinh thần (tâm linh) của truyện gốc. Có phụ huynh đã e dè chi tiết các anh Odin lấy máu của cha mình làm biển cả khi tạo thành Trái đất khiến con chị không dám đi tắm biển nữa. Song thật sự thì nếu kể chuyện và đọc truyện không kèm dẫn giải và sống trong không khí của truyện, bạn sẽ cảm nhận máu không phải là máu đỏ đang chảy trong huyết quản vật lý mà nó mang ý nghĩa tinh thần khác (cũng giống như câu chuyện máu của nhà thơ vĩ đại nhất được lấy làm rượu của thơ ca mình mới kể ở trên). Biết là có ý nghĩa tinh thần như vậy nhưng một số chi tiết vẫn khiến mình “nhức não” khi dịch.
Và hiện tại, lớp 5, với Gilgamesh, câu chuyện viết tay đầu tiên của loài người (hiện đại mà chúng ta biết được), thần thoại Ấn Độ, Ba Tư… với những cuộc chiến tranh liên miên, cũng không thiếu những thiên tai khủng khiếp xóa sạch cả một nền văn hóa. Bên mình đã chọn những cuốn sách của Charles Kovacs, một giáo viên Waldorf sau khi soạn bài để dạy, đã chịu khó (mình không tưởng tượng được ông viết những cuốn sách vào lúc nào, thật sự) viết lại những nội dung dạy thành những cuốn sách. Lớp 5 của ông có Ancient Myths (các truyền thuyết của các thời cổ Ấn Độ, Ba Tư, Lưỡng Hà, Ai Cập) và Greece (thần thoại Hy Lạp). Các câu chuyện được ông tổng hợp, viết lại vừa đủ thành từng câu chuyện nhỏ kể cho từng ngày học.
Mình đang hiệu đính cuốn Greece (cảm ơn các bạn dịch hiện tại đã rất chắc tay, giúp công việc của mình ít hơn hẳn), thời gian làm giờ phải thường là buổi tối. Và buổi tối dù khá buồn ngủ, vẫn khiến mình phát tỉnh hẳn hay nổi da gà với những câu chuyện quá bạo liệt như về các trừng phạt của Theseus với những kẻ xấu (bằng chính hình phạt chúng thường dành cho nạn nhân) hay câu chuyện của người Sparta (chắc các bạn giờ đã quen thuộc, nhất là sau bộ phim 300 và các phim sau đó về họ). Những sự hà khắc quá mạnh mẽ, dữ dội với thể xác và tình cảm, dẫu có ý nghĩa tinh thần vẫn làm mình choáng ngợp. Lúc đó, mình nghĩ về các bạn lớp 5, và cảm giác của các bạn, sẽ như thế nào khi nghe những câu chuyện này (được kể và được cảm theo đúng – ờ mà cũng làm sao biết được thế nào là đúng nhỉ – chắc ta chỉ có thể cố gắng khách quan nhất có thể). Mình có thoáng rùng mình khi nghĩ về tiến trình phát triển của lịch sử – văn hóa – ý thức của nhân loại, thể hiện trong sự phát triển của một đời người. Thế nhưng, cái đời người của thời hiện đại, nó đang phát triển thế nào dưới cơn lốc của công nghệ, của sự can thiệp thô bạo từ bên ngoài (trẻ nhỏ thì phải học sớm, thức sớm; trẻ giữa chừng thì thiếu thốn văn hóa, triết lý; trẻ thanh thiếu niên thì thiếu lý tưởng, niềm tin; người trưởng thành thì thiếu trưởng thành về mọi mặt). Ơ thì, mình cũng thế thôi nhỉ, giờ đến vòng thứ mấy của sự phát triển rồi mới bắt đầu nhìn lại tuổi ấu thơ (song phải cảm ơn tuổi ấu thơ của mình đã được ngập chìm trong sách, những cuốn sách đẹp đẽ thời bao cấp và hậu bao cấp). Thôi thì, các bạn lớp 5 hiện tại, sẽ và đang tiếp tục được nghe những câu chuyện, như những hạt mầm gieo vào đất. Hạt – đất – môi trường … có thể tốt hay xấu, hoàn thiện hay còn thiếu thốn, thì ta vẫn tiếp tục cùng gom hạt mà thôi!
Nghĩ đi nghĩ lại, hồi đó mình đọc sách tùm lum tà la, vớ được cuốn nào đọc cuốn đó. Song nhớ lại thì đúng là có những cuốn bản thân mình đọc sớm quá, hay đọc muộn quá, thì chưa hay không còn thấy hay, thấy thích nữa. Mỗi câu chuyện đúng là nó sẽ thích hợp với một giai đoạn nào đó của cuộc đời đa số, và khác chút nữa với mỗi người.
THẦN THOẠI BẮC ÂU HAY TÂM THỨC TRẺ LỚP 4
18.08.2017
Thần thoại Bắc Âu, cuốn chúng mình dự định sẽ làm cuốn đầu tiên được xuất bản. Vì nghĩ rằng Thần thoại Bắc Âu đã có một số lượng độc giả hâm mộ không ít, có thể đa phần nhờ số lượng truyện, phim về người Vikings khá nhiều hiện nay. Các vị thần Bắc Âu là các vị thần của người Vikings ạ. Bên cạnh đó, bản dịch đẹp của nó thì mình đi tìm ở Việt Nam chưa có. Nói thiệt thà là có thì mừng lắm, lấy dạy cho trẻ luôn, đỡ phải dịch, đỡ biết bao nhiêu. Bản mới ra của NXB Kim Đồng, hẫng hụt vì sao nó “trần trụi” theo kiểu thông tin và còn tàn nhẫn về mưu mô, thủ đoạn quá. Còn bản truyện tranh vẫn được up và có thể download trên mạng được vẽ lại theo kiểu truyện tranh thì phóng tác ghê quá.
Vậy là đi tìm bản đẹp để dịch cho lớp 4. Khi tìm trên các trang bán sách, một loạt sách hiện ra. Ngay cả trong các blog home schooling ở nước ngoài, người này người kia cũng dùng các sách khác nhau (vừa phục vừa ghen với họ, ở nước ngoài chỉ đơn giản là ra tiệm chọn và lượm sách về dạy, ôi, ước ao). Ở nhà mà chỉ nhìn cái bìa, đọc sơ qua vài dòng giới thiệu thì chịu, không biết chọn cái nào đâu? Thậm chí mình có thêm quyết tâm đi Trung Quốc, là để tìm sách trong thư viện, để mở ra, để đọc sơ cho rõ ngọn ngành, Thế nhưng ở Trung Quốc, Thần thoại Bắc Âu đã được dịch. Tìm mãi mới ra một bản có tranh nằm trong thư viện dành cho học sinh. Vậy là lại trông chờ Module IV đào tạo giáo viên tiểu học, nội dung là dạy lớp 4, để cô chỉ cho cần dùng sách nào. Thư qua thư lại, để giải thích rõ với cô là ở nơi đây chưa có gì đâu có, như hoang mạc còn trần sỏi đá, thế là cô đã mang qua cho 2 cuốn của tác giả Kevin Crossley-Holland, mà qua kinh nghiệm dạy mấy chục năm của cô, là cuốn tốt nhất.
Nhào vào dịch rôi biết đá biết vàng, cả một thế giới mới, với rất nhiều từ mới (trong đó có vài từ dò từ điển không thấy luôn trời quơi), thuật ngữ mới, và quan trọng hơn, niềm tin mới, cách nghĩ mới.
Truyện đầu tiên – Sáng tạo ra trời đất – bạn Nguyễn Đỗ Quyên dịch, mình hiệu đính, gửi cho cô Nguyễn Linh xem, háo hức lắm, cái cô Linh hỏi lại từng câu. Tá hoả kiểu, ủa mình dịch khó hiểu dữ vậy hả, mà là đã diễn giải nhiều so với bản gốc rồi đó. Thế là lại ngồi đọc lại bản dịch để coi chỗ nào có thể viết cho dễ hiểu hơn không?
Khó ghê, diễn giải nhiều thì sợ mất tinh thần bản gốc, mà dịch sát quá độc giả không hiểu cũng như không. Vậy đó, mỗi bản dịch, xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần. Và bản thân mình muốn nhiều người đọc lại, để nó được thấu hiểu rồi sửa đổi theo nhiều góc nhìn khác nhau.
Thôi thì, cứ dịch đi, rồi sách cũng xong thôi mà!
17.08.2017
Nếu như truyện kể ở lứa tuổi mầm non chủ yếu là hành động, tránh các đoạn tả cảnh dễ khiến trẻ chán, xao lãng, thì từ lớp 2, các tính từ miêu tả bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, ở lớp 2 và lớp 3, các đoạn miêu tả dẫu khắc họa nên bức tranh rõ ràng, đầy ý nghĩa vẫn tràn đầy hành động. Còn giờ đây, ở lớp 4, với Thần thoại Bắc Âu, những đoạn miêu tả, từ ngôi nhà, đến bề ngoài (trang phục, cử động, việc làm …) của các nhân vật càng tỉ mỉ đến từng chi tiết. Dẫu vậy, mỗi chi tiết đều được chọn lọc, để dẫn đến, những chi tiết và cả câu chuyện vĩ đại nằm đằng sau nó.
Người dịch càng trăn trở với mỗi từ mình dùng, bởi trong bản gốc tiếng Anh, có rất nhiều từ mới (có từ dò từ điển không thấy), cũng như các từ nhiều ý nghĩa, chẳng hạn như 1 chữ blue hour thôi mà diễn giải cả đoạn vầy nè, bạn Nguyễn Đỗ Quyên tìm nè:
“walk up to the door in the blue hour, just as the light was fading”
The blue hour (from French l’heure bleue) is the period of twilight early in the dawn each morning and late in the dusk each evening, during the nautical twilight phase, when the Sun is at a significant depth below the horizon and when the residual, indirect sunlight takes on a predominantly blue shade.
21.08.2017
(Chép từ bài giảng của cô Pauline, và cô Susan trong khóa đào tạo GV tiểu học, Module IV, lớp 4)
Trẻ lớp 4, đã bắt đầu mạnh mẽ trong sự tự lập, biết mình là một cá thể riêng biệt với thế giới bên ngoài. Đã lập được hàng rào mạnh mẽ giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Trẻ muốn thách thức cả uy quyền (authority) của người giáo viên trong tất cả những lĩnh vực mà trẻ đang khám phá. Chẳng hạn ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu tìm hiểu sức mạnh của ngôn từ, phát ngôn (speech), trẻ sẽ ngắm nghía xem giáo viên của mình nói năng, sử dụng ngôn từ ra sao. Nếu như ngày trước trẻ yêu thầy cô vô điều kiện, thì nay trẻ bắt đầu nghiêng ngó coi thầy cô ăn thế nào, đi đứng ra sao, kiến thức đến đâu, xem “họ” (bắt đầu đứng bên kia cái ranh giới giữa trẻ và “họ”, không còn là nhất thể nữa rồi) có được như những gì “họ” nói hay không?
Vì thế, Thần thoại Bắc Âu mà trẻ được đọc và học ở độ tuổi này, với những thỏa thuận (cách đặt ra thỏa thuận, điều đình, đạt và cả khéo léo hủy thỏa thuận bằng cách dùng ngôn từ), cả những cuộc chiến (bằng tay hay bằng miệng), cả sự tàn bạo (dùng thẳng từ “savage” (man rợ), “grim” (tàn nhẫn)), hoặc cả sự châm biếm đến cùng, mới đọc không thể không sốc. Như đoạn tả các thần mất đi quả táo trường sinh, bắt đầu già đi, da dẻ nhăn nheo, đầu óc lú lẫn, tay chân chậm chạp, thậm chí là không kiểm soát được bàng quang … có thể khiến cho trẻ cười vô cùng thích chí.
Dịch truyện 2 chạy ngược lên truyện 1, rồi truyện 3 chạy ngược lên sửa lại truyện 1 & 2, và cứ thế … là bình thường. Song dần dần như thế, dường như ta đã sống lại cái thời bắt đầu nổi loạn, khi ta hiểu, ta là cá thể duy nhất; khi ta biết ta có thể làm điều tốt và cả điều xấu, vậy thử điều xấu thì ra sao nhỉ? Có vẻ như đứa trẻ nào phát triển tự nhiên cũng từng muốn được phá tổ chim, được đánh chó mèo, được cãi lại người lớn. Có lẽ không hư làm sao biết ngoan, không tự do phá phách thì làm sao biết tự do có trách nhiệm xã hội?
Chào học sinh lớp 4!!!
22.08.2017 – Tài nghệ của văn chương trong sử dụng các loại từ
Nếu như ở cấp mầm non, những truyện cổ tích bản gốc đầy màu sắc, hình ảnh, mộng tưởng (fantasy) – những hình ảnh tinh thần và huyền ảo, chỉ hoàn toàn được dựng lên bằng hàng loạt những động từ = những hành động, thì lên tiểu học, những loại từ khác đã xuất hiện dần theo từng cấp lớp.
Không phải tự nhiên mà ngữ pháp bắt đầu chính thức được dạy (trong giáo dục Waldorf) từ năm lớp 3. Đương nhiên, từ lớp 1, trẻ đã được kể những câu chuyện về các loại từ một cách khéo léo. Song việc chính thức dạy trẻ về cái gọi là ngữ-pháp-là-gì chỉ thật sự bắt đầu từ lớp 3 (đồng thời với việc trẻ được học văn qua câu chuyện của Kinh Sáng thế, với những điều luật như là 10 điều răn của Chúa).
Văn học trẻ được làm quen, từ lớp 1 vẫn chủ yếu là truyện cổ tích, chen lẫn nhiều hơn truyện thiên nhiên (nature story) – nghĩa chính xác là truyện về thiên nhiên/cuộc sống quanh trẻ. Lớp 2 bắt đầu học về Myth (huyền thoại). Lớp 3 truyện về Sáng tạo trời đất, về loài vật (phần thú), về các con người cao cả (phần người cao hơn). Điều đặc biệt là những phiên bản cổ của các loại truyện này, hoặc các truyện được viết lại theo phong cách phù hợp giáo dục Waldorf, rất khéo léo sử dụng các loại từ ngữ theo đúng sự phát triển của độ tuổi. Từ lớp 1, các loại từ khác ngoài động từ được đưa vào nhiều dần lên để xây dựng hình ảnh, bối cảnh trong câu chuyện. Tình tiết cũng bắt đầu dần nghiêng về miêu tả. Song phải thán phục sự tài tình của việc miêu tả bằng động từ, rồi đến trạng từ (adverb) hay nói chính xác hơn là từ để phụ trợ động từ, rồi đến các danh từ (noun) và tính từ.
Bắt đầu từ thần thoại Bắc Âu, mới bắt đầu thấy trong câu chuyện, diện mạo, vẻ ngoài (trang phục), từng cử chỉ được miêu tả cụ thể, để từ đó toát lên tính cách và dần dần dựng nên cả số phận của nhân vật. Những nhân vật chính, chẳng hạn như kẻ – xấu – hấp – dẫn – nổi -tiếng, Loki, với đầy đủ sự phân cực trong vẻ ngoài lẫn tính cách, vừa đẹp trai vừa thông minh vừa khôn ngoan, vừa xấu xa vừa độc ác vừa đen tối, vừa giúp vừa cứu, vừa phá vừa hại, thì có sự chuyển biến dần dần từ nửa sáng nửa tối đến nửa tối nửa sáng và cuối cùng là tối đen đến mức không thể còn dung thứ được. Đi kèm với quá trính chuyển đổi tâm lý và tính cách nhân vật, từ ngữ đi kèm (tiếng Việt huhu, cũng phải đau đầu si nghĩ dùng “anh” hay “thần” hay chuyển sang “hắn”, “kẻ”).
05.09. 2017
Khi sức mạnh bộc lộ ra
Ôi, nhớ cái hồi một cô giáo đọc thấy từ “nát bét” trong truyện Thỏ Peter, cô đã hoảng hồn lũ nhỏ sao đọc cái này được? Bây giờ Thần thoại Bắc Âu í, cố lắm, tránh lắm, mà xem ra, truyện càng về sau, độ đậm đặc của sức mạnh và ngôn từ càng cao.
Gì mà: “Đó là Gjalp và Greip, hai con gái của Geirrod. Chúng đã nấp dưới ghế Thor ngồi và cố nghiền nát ông đến chết. Nhưng chúng phải chịu số phận mà chúng đã định dành cho Thần Sấm: xương sườn của chúng vỡ vụn, lưng chúng gãy nát và chúng chết trong đau đớn tột cùng.”
Và:
“Rồi Thor nâng tay phải lên; quả bóng đã bắt đầu bốc khói. Ông bước một chân lên trước và ném mạnh nó xuống bên kia sảnh.
Quả bóng thụi thủng một lỗ xuyên qua cột chống sắt; rồi nó phóng xuyên qua phần cơ hoành của người khổng lồ Geirrod; nó đâm thủng cả bức tường cuối sảnh và mắc lại ở chỗ đất dốc bên ngoài.
Geirrod ngã ngửa ra sau. Hắn rít lên như thể tất cả nọc độc chứa trong hắn đang thoát cả ra ngoài. Rồi bất thình lình hắn giật mạnh một cái, máu chảy ồng ộc và lăn ra chết.
Thor nhặt cây gậy của Grid lên và bắt đầu hướng nó ra xung quanh mình. Khi Loki nắm lấy cơ hội để lẻn ra ngoài sảnh mà không ai trông thấy, Thần Sấm nghiền nát sọ của tất cả những kẻ đần độn đang trông đợi Geirrod và hai con gái của hắn.”
Tớ chịu đấy! Ơ mà kể ra, tớ nghĩ kiểu như con tớ mà nghe các đoạn này vào năm sau thì hẳn là hắn thích lắm đấy nhỉ ?
12.09. 2017
Cái ác và trừng phạt
Loki, nhân vật phản diện hầu như ai cũng thích. Ban đầu hắn đẹp trai thế, thông minh, tháo vát thế. Song là con người thích sự rối loạn, vấn đề, yên bình không chịu được. Hắn ngày càng “đen” đi, xấu đi, đến mức hắn đã tìm mọi cách để giết Balder, văn mình hay dịch là Thần Ánh Quang á, người vừa đẹp vừa tốt nhất. Và dĩ nhiên hắn phải bị trừng phạt.
Lớp 4, trẻ được học Thần thoại Bắc Âu, để biết về cái xấu, cái ác, nó đi từ lòng tham, lòng ganh tị, sự đùa giỡn ác ý như thế nào. Cái quá trình chuyển biến từ từ mà nguy hiểm. Và, như một số người hay nói đùa, xem phim giết người hàng loạt hay Zombie í, đã bắt được kẻ ác là phải giết đi, nếu mà nhân từ không đúng chỗ, thả nó ra, nó vùng lên lại thì hối không kịp. Cũng như việc Tấm phải giết Cám làm mắm rồi gửi cho dì ghẻ, ôi chao mà ác thế, cứ như Lọ Lem sống hạnh phúc mãi mãi về sau sau khi cưới được hoàng tử là được rồi mà! Người nay đòi sửa đoạn kết, cho tới hồi thích thì tìm, thử xủ quẻ Kinh Dịch thì thấy phải đến lúc Tấm “xử” Cám như thế quẻ mới tròn, mới là thấu đáo và hết được. Từ lúc trẻ được nghe kể chuyện cổ tích tuổi mẫu giáo, những đứa trẻ đặc biệt là con trai, tính tình mạnh mẽ, sẽ hỏi ngay, “thế mụ phù thuỷ có bị trừng trị không?”.
Loki bị trừng phạt, đương nhiên, song cái đầu tiên là sự trừng phạt trong chính tâm trí mình. Đó là điều ghê gớm nhất. Và đó là điều mà truyện của tác giả Kevin Crossley Holland khắc hoạ tuyệt vời, như mọi câu chuyện khác.
“Loki biết rằng những ngày của hắn ở Asgard đã đi đến hồi kết thúc. Hắn biết nỗi khổ đau sẽ mau chóng mở đường cho lòng tức giận và chắc chắn rằng các vị thần sẽ trả thù cho cái chết và sự giam cầm của Balder ở Hel.
Hắn bỏ chạy. Hắn tìm đến một vùng hoang vắng của Midgard, một nơi xa xôi trên những ngọn núi nằm trên đầu một thung lũng dốc đứng có đầu kia của thung lũng đổ xuống biển cả. Hắn tìm thấy một lỗ hổng gần những Thác nước Franang và dùng đá cùng sỏi đặt xung quanh nó, xây nên một ngôi nhà thấp lè tè mà không ai có thể trông thấy cho tới tận khi vấp chân vào nó. Nó có bốn cánh cửa để Loki có thể luôn trông chừng ra mọi hướng.
Ngay cả như thế, hắn vẫn cảm thấy không an toàn. Khi một con chim mòng biển chao liệng và kêu rít lên, hay những hòn đá nhỏ lăn xuống vách núi, hay khi gió hú qua những bức tường nhà hắn, Kẻ Lừa Gạt đều nhảy dựng lên hoảng hốt, tin chắc là hắn đã bị lần ra dấu vết. Ngay cả khi nhiều ngày trôi đi chẳng có ai ghé đến, sự lo lắng của Loki ngày càng lớn lên thêm; hắn không thể trốn thoát khỏi sự mục ruỗng của chính mình.
Hắn nghĩ hắn sẽ đỡ hơn nếu đi ra khỏi nhà và đội lốt khác. Thế là vào buổi hoàng hôn, Kẻ Thay Hình Đổi Dạng thường biến hình thành một con cá hồi và nhảy vào trong cái bể nước sục sôi ở cuối những Thác nước Franang. Những dòng nước ngược xuôi cuộn xoáy quanh hắn, sấm gầm vang phía trên hắn, song con cá hồi vẫn cảm thấy bất an.
Trong tâm trí của Loki không phải là câu hỏi liệu những vị thần sẽ bắt được hắn hay không, mà là câu hỏi khi nào họ sẽ bắt được hắn. Nhưng cho dù hắn sợ bị săn đuổi đến thế nào và khi ẩn nấp đến ra sao, hắn vẫn sợ sự trả thù hơn nữa, và thề là hắn sẽ giữ được tự do hết sức trí óc hắn có thể làm được. “
Phải dạy cho trẻ biết thế nào là tội ác, thế nào là sự trừng phạt, và cả việc, rồi một ngày nào đó, tất cả sẽ đảo lộn, sẽ kết thúc (như câu chuyện cuối của Thần thoại Bắc Âu) và tất cả sẽ bắt đầu lại từ đầu, như tự nhiên là thế!
13.09.2019
Trận chiến cuối cùng
Ôi, lớp 4 đây sao, dịch sao cho “thoát”! Thôi đành “nhắm mắt mà đưa tay gõ”:
TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG
Một thời của búa, một thời của gươm, những cái khiên sẽ bị rạch nát; sẽ có một thời của gió và một thời của sói trước khi thế giới này sụp đổ.
Đầu tiên Midgard sẽ đau đớn khổ sở và tiêu tán bởi chiến tranh suốt ba mùa đông. Cha sẽ tàn sát con; anh em sẽ uống máu nhau. Mẹ sẽ ruồng bỏ cánh đàn ông của mình và quyến rũ chính con đẻ của họ; anh trai sẽ ngủ với em gái.
Rồi Fimbulvetr, mùa đông của những mùa đông, sẽ kìm kẹp và bóp nghẹt Midgard. Những đám mây tuyết trôi giạt sẽ hội tụ về từ cả đông tây nam bắc. Sẽ có sương giá lạnh căm, gió châm chích; mặt trời chói sáng cũng không giúp ích được gì. Ba mùa đông như thế sẽ kéo liền nhau mà không có mùa hè nào ở giữa.
Thế là cái kết thúc sẽ bắt đầu. Rồi những đứa trẻ của bà khổng lồ già trong Rừng Sắt sẽ có cái mà chúng được tiên đoán: con chó sói Skoll sẽ nghiến lấy mặt trời giữa hai hàm răng nó và nuốt chửng – nó sẽ làm cho máu của cô ta tung tóe khắp Asgard; và em trai nó Hati sẽ bắt được mặt trăng cắn nát anh ta. Các vì sao sẽ biến mất khỏi bầu trời.
Rồi trái đất sẽ bắt đầu rung chuyển. Những cái cây vĩ đại sẽ lắc lư và đổ nhào, những ngọn núi sẽ rung lắc và rùng rùng chuyển động và sẽ đổ sụp, và mọi dây buộc và gông cùm sẽ vỡ tan. Fenrir sẽ tự do.”
22.09.2017
NHỮNG ĐOẠN TẢ CẢNH
Như đã kể trong các phần trước, có vẻ như chỉ từ lớp 4, trẻ mới đọc các câu chuyện có những đoạn tả cảnh nhiều và rõ ràng hơn. Các đoạn tả cảnh trong Thần thoại Bắc Âu của Kevin Crossley – Holland lúc nào cũng VỪA và ĐỦ. Ngôn từ súc tích mà gợi thật nhiều. Những từ ngữ gợi trí tưởng tượng bay bổng, và để thể hiện ra những bức vẽ mang sắc thái riêng của từng đứa trẻ.
Buổi sáng có một đoạn văn mà “yêu” biết bao nhiêu:
“Bỗng một cơn bão tuyết muộn màng bất ngờ tấn công những người du hành: những bông tuyết dày ướt đẫm tung lên, nhảy múa và xoay vòng và bay khắp mọi hướng cho tới khi cuộc tấn công dữ dội này kết thúc cũng đột ngột như khi nó bắt đầu; mặt trời chiếu sáng qua những tầng mây hình dạng không rõ ràng, phủ đầy chúng với ánh sáng vàng rực; rồi sau đó chỉ còn lại một hình cầu mặt trời, khoảng không hàng mẫu rộng mở của bầu trời màu xanh lam nhạt, và tầng tầng lớp lớp những mảng xanh dương và xanh lá của vùng Midgard rộng lớn.”
28.08.2019
Lớp 4 – Thần thoại Bắc Âu
Một tuần qua, chúng mình được sống trong không khí Thần thoại Bắc Âu, với những bài hát mà người Bắc Âu xưa từng hát bên đống lửa, trước khi kể câu chuyện, về những vị thần, những người khổng lồ, người lùn, các vị tiên, và những con người ở Midgard (trung giới). Những bài hát đó đưa mình vào một cảm giác một cõi nào rất khác. Khác hẳn thế giới của lớp 1, lớp 2 hay lớp 3. Rõ ràng, mỗi cấp lớp, mỗi độ tuổi, các con lại sống trong một thế giới hoàn toàn khác, bởi sự thay đổi trong mọi cơ thể của mình, nhất là về tâm thức.
Lên lớp 4, trẻ 9 – 10 tuổi hầu hết đã, đang, chỉ hiếm trẻ sắp, bước qua ngưỡng của sự thay đổi lớn của độ tuổi này. Trước 9 – 10 tuổi, trẻ là một với thế giới xung quanh. Sau sự thay đổi tuổi 9 – 10, trẻ nhận ra ta là một cá thể độc lập, riêng biệt với thế giới. Phần lớn trẻ có thể cảm giác vô cùng cô đơn, có trẻ thậm chí lên cơn hờn mát: “Ở ngoài kia chắc mới có gia đình của con, nơi yêu thương và không la mắng con, hơn ở gia đình này.” Trẻ bắt đầu nghĩ đến cái chết. Các bạn có thể cảm nhận sự “nổi loạn” này ở truyện Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer chẳng hạn. Cho dù trẻ không gặp nhiều buồn đau đến thế này, cũng thường có những thay đổi khác biệt so với trước kia, cần thầy cô, và cha mẹ thông hiểu và giúp đỡ trẻ bước qua giai đoạn khủng hoảng này. Ở mỗi giai đoạn khủng hoảng, nếu được hỗ trợ đúng cách, trẻ mới có khả năng lớn lên và trưởng thành là con người cân bằng, độc lập, tự do và có trách nhiệm với xã hội.
Trẻ độ tuổi này có rất nhiều năng lượng để xả. Giờ nghỉ giải lao có khi thầy cô phải cẩn trọng. Vì sau lời thông báo giải lao, lũ học trò có thể lao ra ngoài sân chơi, va vào làm đau thầy cô đấy. Trẻ thật sự thích đuổi bắt, vớ lấy và vật nhau, thậm chí là đánh nhau thật sự.
Bắt đầu từ độ tuổi này, cái gọi là “lương tâm” của trẻ thức giấc. Trẻ thích khám phá và thực hành nói dối. Có thể phân biệt sự nói không đúng sự thật ở các cấp lớp bé hơn là nói khoác, nói quá. Còn từ lớp 4, trẻ biết mình nói dối, thậm chí đi kèm với cảm giác không thoải mái trong tâm thức (lương tâm), song trẻ vẫn làm để biết nó như thế nào. Chửi thề cũng là hoạt động không hiếm ở độ tuổi này. Vì thế, người giáo viên có thể cho trẻ trò chơi, nơi có một nhân vật tưởng tượng như con sói độc ác, gã khổng lồ ngu độn, để trẻ tạo thành vòng tròn và thực hiện “insult” (tạm dịch sỉ nhục).
Một bạn mới vào học có sự quan ngại liệu cho trẻ chơi sỉ nhục để xả năng lượng (không quay qua sỉ nhục nhau) thì có đúng không? Mình đã suy nghĩ khá nhiều về vấn đề này, và đây là quan điểm của mình. Liệu có hay không một thế giới toàn màu hồng, nơi bất kỳ ai cũng nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, lịch sự, đẹp đẽ và đầy trong sáng. Dĩ nhiên là có, nhưng đó là kết quả của sự tiến hóa và hành trình trải nghiệm lâu dài. Con người ta sinh ra đã là Phật, là tiên, chắc chỉ hãn hữu chọn thiết kế cuộc đời như thế. Con người, bản thân chọn sống cuộc đời này, cho những trải nghiệm. Và chỉ toàn trải nghiệm màu hồng, thì là hay hay là chán ốm? Quay lại việc là một đứa trẻ, dù quan niệm “nhân chi sơ tính bản thiện” hay “nhân chi sơ tính bản ác”, chắc đều phiến diện một mặt của vấn đề. Rudolf Steiner thì nói rằng, trẻ sinh ra chưa biết về moral (đạo đức), chưa biết đúng – sai, tốt – xấu… Và chính người lớn xung quanh trẻ là người làm gương trong giai đoạn đầu để trẻ nhận biết cách sống đúng đắn, biết ranh giới và biết về uy quyền của người lớn. Uy quyền của người lớn thể hiện không phải bằng trừng phạt, đòn roi. Uy quyền tỏa ra từ bên trong, từ cái tôi mạnh mẽ, bản thể vững vàng của người lớn, để yêu thương, để làm gương, để đưa ra ranh giới, hướng dẫn con trẻ làm điều đúng vào thời điểm đúng theo cách đúng. Trong hành trình vươn đến con người tự do, một cá thể cần được trải nghiệm sự tiến hóa qua các quá trình thử nghiệm và trải nghiệm. Người giáo viên Waldorf Steiner cần hiểu rõ sự phát triển của con người (cũng chính là sự phát triển của xã hội, của nhân loại), liên tục quan sát trẻ, giáo dục chính mình và giáo dục trẻ, để chuẩn bị cho cả cuộc đời trẻ, chứ không phải chỉ cấp lớp này, điểm thi của kỳ này hay của năm này (giáo dục Waldorf không có kỳ thi nào hết cả, kỳ thi thật sự là cách sống cả cuộc đời). Cá nhân mình, qua trải nghiệm với chính mình và với trẻ, thấy rằng, việc liên tục chỉnh sửa cho các con trẻ sống đúng, sống đẹp, thực chất chỉ là sự đè nén từ bên ngoài, vuốt kem, tô hồng cho vẻ ngoài. Còn những mâu thuẫn, dằng xé bên trong mà bị ép hết vào trong, thì chỉ chực chờ ngày bùng nổ. Thay vào đó, hay cho chúng được xả ra, theo cách đúng đắn, theo cách nó được nên làm thế. Sỉ nhục, có thể theo cách rất văn nho, thâm thuý kiểu ông bà ta xưa, kẻ bị sỉ nhục lúc đó thì cười, về nhà mới tức hộc máu ra (nghe kinh nhỉ, có khi thế thì chửi trước mặt cho tức đùng đùng có khi lại hay hơn không). Sỉ nhục kiểu thông minh, hài hước, theo kiểu: “Nếu cậu mà có thêm bộ não thứ hai, thì chắc là nó cô đơn ghê lắm!”. Sỉ nhục theo kiểu đàn ông háu đá của 2 nhân vật chính trong Fast & Furiuous 7, 2 anh chàng sỉ nhục nhau liên tục đến lúc cả 2 cũng phải phì cười vì những câu sỉ nhục vô đối của mình. Ấy vậy mà chính từ đó thì 2 thằng đâm mến nhau (vì tài năng xứng tầm chăng?) sau đó.
Trẻ cũng được tập những bài tập Speech (ngôn từ) mạnh mẽ, dữ dội nhiều hơn. Để trẻ học được sức mạnh của ngôn từ và cách phát ngôn, có thể chữa lành người khác, mà cũng có thể xúc phạm, làm đau.
Vì sao trẻ được học Thần thoại Bắc Âu ở lớp 4? Nếu như ở lớp 3, trẻ học về sự sáng tạo ra Trời Đất, về câu chuyện con người “rơi khỏi vườn địa đàng” (Fall from Heaven), và xuống đất phải tự làm ăn, sinh sống, nuôi sống bản thân. Thì ở lớp 4, trẻ bắt đầu học về các vị thần, không còn là một vị thần duy nhất (Đấng sáng thế), với những tính cách riêng biệt và dễ nhận rõ hơn. Trẻ càng hiểu thêm về điều tốt – điều xấu, thậm chí là điều tốt và cả điều xấu trong một con người. Nhân vật Loki, với vẻ ngoài điển trai, thông minh, nhanh nhẹn, ở phần đầu của loạt truyện rất hấp dẫn, vui vẻ, gây chuyện nhiều mà cứu nguy cũng nhiều. Rồi càng về sau, nhân vật này càng chuyển “đen” hơn, xấu xa hơn, và trẻ sẽ nhận thấy rõ điều đó. Cho đến lúc Loki làm chuyện không thể dung thứ và bị trừng phạt. Trẻ sẽ biết mình cần làm gì?
Phải chăng cần những câu chuyện như thế, hơn là câu chuyện màu hồng của cô bé ngoan, ngồi trong lồng kính, và những cái kết hạnh phúc mãi mãi về sau? Nhất là cho lứa tuổi đã biết về cái chết, về sự cô đơn, về cái tốt và cái xấu trong một con người, và trong cả chính mình.
Với phần bài học chính (Main lesson) là Thần thoại Bắc Âu, người giáo viên hoàn toàn có thể ứng dụng để dạy toán, địa lý – lịch sử, học viết, học ngữ pháp, học kể chuyện, và tập kịch.
Những câu chuyện được thầy cô kể, và trí tưởng tượng của trẻ hoạt động mạnh mẽ. Để trẻ có thể thể hiện hình ảnh mình “thấy” được, bằng tranh vẽ vào vở, trên giấy (vẽ màu nước, màu sáp, chì màu), và cả thêu chúng thành tranh. Chính bởi hình ảnh vẽ trong đầu mình, có chăng chỉ thêm bức vẽ bằng phấn của người giáo viên trên bảng đen, mà mỗi tác phẩm của mỗi học sinh Waldorf Steiner, dù trong cùng một lớp, đều thể hiện hoàn toàn khác nhau, và có “hồn” trong đó.
Thần thoại Bắc Âu dĩ nhiên còn đi vào cả việc học vẽ nét (form drawing), thắt dây, làm dụng cụ của người Bắc Âu, và nếu có thời gian, học cả chữ viết cổ Rune của họ nữa (vì thời gian này trẻ học về lịch sử của chữ viết).
Chúng mình được sinh hoạt vòng tròn, làm những động tác của người Viking, với khiên, với gươm (là đôi tay mình), Những hoạt động, cử chỉ, di chuyển mạnh mẽ và đầy năng lượng. Tất cả không khí đó, đi thẳng vào trong đầu, trong tim, trong tay chân, và biến cả người lớn chúng mình, thành những người rất khác. Mong mỏi và ngước lên những điều cao cả hơn.
Nhớ lúc chúng mình đưa chia nhóm và thảo luận làm thế nào chỉ qua một đoạn bước đi, thể hiện tính cách nhân vật vị thần mình được nhận. Khi nhìn thấy từng nhóm “biểu diễn”, da gà da vịt của mình nổi lên hết. Mình cảm nhận được điều đó, cái hồn của từng nhân vật. Người lớn đã diễn thế, trẻ còn “diễn sâu” đến mức độ nào?