Nói chuyện với con – Về tính dục (sex)

GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
03.09.2019

Đây là điều không ít người hỏi, kiểu như là trong giáo dục Waldorf thì giáo dục giới tính như thế nào?

Phải, liệu giáo dục Waldorf có đang chậm, đang bỏ mặc, đang tránh né “giáo dục giới tính” hay không? Khi mà tuổi mẩm non (0 – 7 tuổi) là khi thế giới là nơi tốt đẹp – Thiện, thì làm sao dạy các con rằng thế giới ngoài kia có những người xấu, các con cần phải biết dè chừng, né tránh, cũng như cần biết các quy tắc vùng riêng tư, ai có thể chạm vào vùng riêng tư? Khi mà lần đầu tiên mình dịch câu hỏi các bạn hỏi việc “sex education” (tạm dịch giáo dục giới tính) cho cô H, cô sốc thật sự. Cô bảo lớp 1, 2 mà sao lại đã dạy điều này? Cho nên về sau khi dịch mình phải tìm từ để giải thích rõ với các thầy cô điều các bạn muốn và cần hỏi? Càng về sau này, bản thân mình càng cảm thấy cay đắng và vô duyên khi nói về việc dạy trẻ mầm non biết tự bảo vệ mình? Mình xin hỏi, cho dù các bạn dạy các con thật kỹ về vùng riêng tư, về các hành vi có nguy cơ các con bị xâm hại, thì một đứa trẻ dưới 7 tuổi có khả năng tự bảo vệ mình trước một người (lớn) xấu hay không? Việc mình, ở vai trò người lớn, làm cha mẹ, mà đặt để trách nhiệm bảo vệ bản thân lên đứa trẻ mà mình có trách nhiệm bảo bọc thì có đúng không? Chưa kể, việc vội sớm gieo vào đầu trẻ về việc thế giới này có người xấu, việc xấu, rồi mong mỏi lớn lên các con (thế hệ trẻ) sẽ xây dựng một thế giới tốt đẹp, có là quá khó không?

Mình biết, nói thế này, rất dễ lãnh gạch đá lẫn sự bất bình của nhiều người, chưa kể việc nâng lên thành quan điểm là giáo dục Waldorf thế nọ thế chai, là hồng hồng tuyết tuyết, tu tiên, xa rời hiện thực. Mình có thể chưa đủ kiến thức và bản lĩnh, cũng như không nên viết một bài quá dài sẽ chẳng mấy ai đọc nổi, song mình khẳng định, giáo dục Waldorf làm gì cũng đều có lý do rõ ràng, sự thật chung (không phải sự thật của mình hay của bạn, hay của bất kỳ cá nhân, tôn giáo, thể chế … nào) đằng sau đó. Từ nền tảng chân lý đấy (chẳng hạn như sự phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ), mà người lớn chúng ta có cách hành xử hay giáo dục khác nhau.

Mỗi lần các thầy cô trả lời câu hỏi này, lại là một lần bản thân mình, và mình tin là các bạn khác, đều cảm thấy vô cùng cảm động, bởi sự tôn trọng, tính nhân văn, lòng yêu thương và sự thấu hiểu trong cách cư xử của người lớn đối với trẻ. Mình gần đây không còn thời gian để chép lại những chia sẻ của thầy cô. Nhân hôm nay có bài chép của bạn Nguyễn Đỗ Quyên mà mình có thể đăng lên cho các bạn đọc.

Trước đó, thầy Joachim đã có lần giảng cho chúng mình nghe về cách thầy “xử lý” một bạn nam đá vào bụng một bạn nữ trong lớp. Thầy đã dành cả một buổi học để nói chuyện với cả lớp về phái nữ họ sẽ là những người mẹ, và việc đá hay cười cợt (ví dụ bộ ngực đang nhú lên của các bạn nữ trong lớp) là tệ đến thế nào?

Mình nhớ trong một cuốn sách (dạy trẻ từ lớp 1) của giáo dục Waldorf mà mình cũng chưa có cả cuốn sách, lần đó chỉ có được vài chương đầu, hiện tại cũng chưa có thời gian tìm lại, ở từng chương (tương đương từng cấp lớp) là một nội dung để các bạn nhỏ ý thức về bản thân mình và về người khác. Ví dụ như ở lớp 3, một vấn đề là các bạn có ý thức về mùi cơ thể, từ đó giữ vệ sinh thân thể của mình.

Sau đây là câu trả lời của thầy Wolfgang cho câu hỏi về Giáo dục giới tính (các bạn lưu ý đây chỉ là một câu trả lời cho một câu hỏi cuối giờ cho các học viên đã học cả khóa đào tạo giáo viên nhé. Còn thầy đã nói buổi workshop cho phụ huynh về đề tài này thì phải vài ngày).

Câu hỏi: Chuyện giáo dục giới tính trong giáo dục Steiner như thế nào?

Trả lời: Đây là một câu hỏi lớn và tôi trình bày vấn đề này trong cả một workshop và khó trả lời ngắn gọn. Và để trả lời bạn thì đầu tiên câu hỏi này sai rồi. Chúng ta không nói về giáo dục giới tính (cơ thể hoạt động ra sao) mà là giáo dục về tính nam, tính nữ và mối quan hệ giữa nam và nữ. Sẽ là vô nghĩa khi nói về tình dục khi trước đó chúng ta không nói về việc con người hình thành mối quan hệ như thế nào. Việc này được thực hiện từng chút mỗi qua mỗi cấp lớp, mỗi cấp lớp mở ra một cánh cửa sổ. Ví dụ như qua những câu chuyện: Odyssey lênh đênh trên biển 20 năm và khi đó người vợ chờ chồng, nhiều kẻ đến nhà và muốn có nàng. Giáo viên cần kể sao cho trẻ hiểu mối quan hệ vợ chồng đặc biệt, quan trọng như thế nào? Câu chuyện Aneas và Dido có tình yêu đẹp nhưng có điều gì sai đi (gossip – tám chuyện, tin đồn). Chúng ta muốn đi xa bao nhiêu khi kể chuyện Cleopatra, chuyện gì xảy ra khi nàng ra khỏi tấm thảm gặp Ceasar (khi nàng đang không mặc quần áo).

Cho nên trong lớp người giáo viên phải cảm nhận lớp của mình và mình sẽ kể bao nhiêu, đến mức nào? Và tùy vào độ phát triển của lớp mình có thể từ lớp 5, trễ nhất là lớp 6, theo ý tôi nên tách riêng các bạn nam và nữ, nói chuyện với các bạn nữ về kinh nguyệt, các vấn đề phát triển trong cơ thể, và với các bạn nam cũng nói về sự phát triển cơ thể và cũng đề cập với các bạn nam bây giờ các bạn nữ có sự phát triển như thế nào để có thể hiểu nếu nhìn thấy và đối xử đúng với các bạn nữ. Ở lớp 8 có bài học chính về sức khỏe (hygiene). Trong chủ đề của bài học chính đó rất chi tiết: 1) cho bản thân: nhìn vào bên trong cơ thể và xem để có sức khoẻ mình cần làm gì về ăn uống, vệ sinh … 2) cho mối quan hệ với người khác: phải làm sao giữ cho mối quan hệ với nhau được lành mạnh, cách ứng xử lịch thiệp, lòng tốt, sự tử tế, mối quan hệ về tính dục … sử dụng những từ ngữ đúng để các bạn nam hiểu các bạn nữ và các bạn nữ biết hơn về bạn nam. Khi làm vậy trẻ sẽ hiểu quan hệ tình dục là kết quả của một mối quan hệ, mối quan hệ là cái có trước. 3) cho hành tinh: Nếu còn thời gian, chúng ta nói tới việc làm sao chúng ta giữ cho hành tinh này khoẻ mạnh. Trong bài học chính này ở lớp 8 sẽ học kỹ về hệ thống sinh dục của nam và nữ hoạt động như thế nào.

Và tùy vào mức độ trưởng thành của các bạn, từ lớp 8 hoặc lớp 9 chúng ta sẽ dạy trẻ bảo vệ bản thân hoặc bạn bè, người khác khỏi những trải nghiệm không lành mạnh, không thoải mái (ví dụ như quan hệ tình dục, đi bar, hút thuốc, uống rượu …)

Đó là cả một quá trình và phải thực hiện phù hợp với độ tuổi và theo từng bước. Sexuality thực sự là về mối quan hệ, điều đem chúng ta lại với nhau.

Nếu năm sau có thể tổ chức module 7 thì đây sẽ là một nội dung lớn trong chương trình. Nhưng có một khía cạnh khiến tôi thấy không thoải mái, khi phụ huynh đến và liên tục hỏi khi nào mới giáo dục giới tính cho trẻ. Và chúng ta có thể hỏi lại phụ huynh: “Vậy điều thực sự anh/chị muốn con mình học là gì?” Đôi khi họ không thực sự biết. Thỉnh thoảng tôi trả lời: “Việc giáo dục giới tính là chuyện riêng tư và mẹ sẽ dạy con gái nên tôi không liên quan lắm. Chị là phụ nữ và là mẹ cháu, chị hãy dạy con mình.” Xã hội hiện nay đưa ra lý thuyết, công thức, nguyên tắc phải dạy, trong khi đây là chuyện riêng tư và điều quan trọng là cách tạo ra mối quan hệ, tình cảm với nhau.

Trên báo chí, ti vi tràn ngập chuyện sex, con người không còn ngại ngùng, xấu hổ về việc này. Trẻ có thể nhìn thấy khắp mọi nơi. Chúng ta sẽ phải trả lời như thế nào? Điều này vượt quá vấn đề giáo dục về tính dục và trở thành vấn đề của xã hội. Phụ huynh cần bảo vệ trẻ khỏi những thông tin không phù hợp, và trả lời được cho con? Thay vì giải thích cho con, hãy tìm cách bảo vệ con khỏi những điều này.

Tôi nghĩ vấn đề không phải là bảo vệ trẻ mà là bảo vệ thời thơ ấu của trẻ, để giữ sự hồn nhiên, trẻ phát triển đúng lứa tuổi. 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *