TLH – Kon Tum cuối tháng 7. 2017

 

  1. Diệt yêu nhện:

 

Ở một ngôi làng châu Á thời xa xưa, trong khu rừng sâu có một con yêu nhện. Nó thường đi bắt đàn bà con gái về, rồi tiêm nọc cho tê liệt, cuộn tơ nhện bao quanh rồi để ở một góc cái mạng nhện to đùng trong hang của nó. Các cô gái nạn nhân của nó lúc vào thiền có Chim Sâu, Cà Rốt, Chanh Leo (CL). Con yêu nhện (đực) là NAT đời này.

 

Cà Rốt khi bị bắt đã có hai con trai ở nhà là CC và Heg, nên rất thương nhớ con. Thường tức tưởi nghĩ mình chết thì ai lo cho con (chồng đã mất từ lâu). Có khi vì nỗi đau tức đó mà cô có vẻ tỉnh hơn những cô còn lại.

 

Còn CL thì tỉnh hơn theo cách khác. Cô ta cứ mắt la mày liếm với con yêu nhện. Đến một lúc thì con yêu nhện thích cô và bắt đầu chích cho cô một loại nọc khác, khiến cô ta dần dần cũng có màu đen, chân tay dài và mọc thêm ra, thành một con yêu nhện cái, và được thả ra đi theo sau yêu nhện đực. Mỗi ngày, hai yêu nhện lại hút một chút chất từ nạn nhân được lựa chọn cho đến khi nạn nhân đó khô đét lại và chết. Chúng sẽ đi tìm thêm nạn nhân để dành ăn tiếp.

 

Khi Cà Rốt được chọn làm nạn nhân bị hút máu tiếp theo thì may mắn là có một dũng sĩ (Cướp Biển) đến diệt yêu nhện. Dũng sĩ này tấn công vào động, dùng kiếm đánh nhau về con yêu đực. Con yêu cái đứng phụ trợ đằng sau. Cuộc chiến rất khốc liệt. Cà Rốt vừa được yêu nhện mở bớt tơ quấn để hút máu, nên vùng vẫy dần thoát ra được. Dũng sĩ cũng tranh thủ lâu lâu chặt một nhát đứt dọc cái kén quấn các nạn nhân để họ tự thoát ra.

 

Đến cuối cùng, dũng sĩ đè được con yêu nhện đực xuống, đâm kiếm vào ngực nó. Có một cô tiên màu trắng (Đá Lăn) là tinh thần của khu rừng đi theo phụ giúp anh. Chính cô tiên dẫn đường cho dũng sĩ đến đây, và chỉ cách để giết yêu nhện (không còn tái sinh) là phải đâm kiếm xuyên tim và sau đó đốt cháy hết xác. Thanh kiếm của dũng sĩ đã chạm gần đến tim thì con yêu nhện cái đâm mũi nọc độc vào từ sau lưng cũng gần chạm đến tim anh. Tình thế nguy ngập thì Cà Rốt lao đến kéo nhện cái ra. Con yêu nhện cái ngã ra và dũng sĩ quay lại chém đứt nọc độc của nó rồi đâm kiếm xuyên tim nó. Chưa kịp rút kiếm ra cho con nhện đực đâm nọc độc vào tim của anh qua vết đâm cũ của con nhện cái. Anh lảo đảo gục xuống. Chim Sâu lại lao đến chụp lấy thanh kiếm của dũng sĩ và chặt đứt nọc độc của yêu nhện đực. Dũng sĩ vùng lên lần cuối, cầm lấy kiếm đâm vào tim yêu nhện đực. Rồi anh cố nói, hãy đốt xác ta luôn cùng với xác hai con quái này, nếu không, ta sẽ biến thành yêu nhện và chuyện này không bao giờ chấm dứt.

 

Các cô gái chất củi lên, đốt xác 2 con yêu nhện cùng xác anh dũng sĩ, và phóng hoả luôn cái động của con yêu, sau đó dìu nhau đi về nhà. Khi đốt, linh hồn của dũng sĩ bay lên, được cô tiên mang lên cao, đi khuất.

 

  1. Người thượng cổ săn voi ma mút:

 

Thời xa xưa lắm trên Trái Đất, khi con người còn sống trong hang động. Một bộ tộc sống nơi khí hậu khắc nghiệt, mùa đông kéo dài và không còn cỏ cây để hái lượm, thì những người đàn ông bắt buộc phải đi săn voi để có thịt ăn mà sống còn. Tuyết rơi mù mịt, trắng xoá, khắp nơi toàn màu trắng xám lạnh lẽo. Họ đi cùng nhau chăng bẫy trong nhiều ngày bằng dây rừng, rồi sau đó cùng đi đuổi làm sao cho một con voi chạy lạc bầy, vào đường chăng dây đến cuối thì sẽ kéo dây cho con voi ngã xuống và giết. Việc săn voi tốn rất nhiều công sức và hiểm nguy. Đòi hỏi mọi người phải đoàn kết làm việc cùng nhau. Khi giết được voi, những người phụ nữ sẽ đến cùng xẻ thịt, uớp vào băng tuyết để dùng dần. Trong những người đàn ông có CB, GEN, CC và Heg. Trong đám phụ nữ có Cà Rốt, Chim Sâu và CL.

 

Một ngày trong những ngày dài đằng đẵng ngồi bó gối trong hang khi tuyết rơi không ngớt bên ngoài, Cà Rốt nghĩ ra việc khâu những miếng lông thú thành kiểu áo mặc gọn, tiện, ấm và đẹp hơn (kim bằng xương, chỉ bằng gân voi ma mút). Chiếc áo đầu tiên Cà Rốt mặc rất đẹp. CL thích và cứ lằng nhằng đi theo xin. Cà Rốt thương tình nhường cho và làm cho mình cái khác. Nhưng cứ xong một cái (cái sau đẹp hơn cái trước), CL lại quẳng cái mình đang mặc đi mà xin cái mới, Cà Rốt lại lấy cái cũ mặc và đưa cái mới cho CL. CL không chỉ đi xin áo, mà thường chả làm gì, chỉ vào ăn cùng, ở cùng thôi. Cho đến một ngày, Cà Rốt cảm thấy không thể tiếp tục như thế nữa, không cho nữa, từ chối, CL đâm hậm hực và ghét Cà Rốt. Điều đó tạo ra cảm giác khó chịu, không vui cho cả bầy người.

 

Khi xin chữa lành, thấy Cà Rốt bắt đầu chỉ cho những người phụ nữ khác cách làm áo, cả cách chế biến thịt và cất giữ cho tốt hơn. CL dần trở nên như người thừa, vẫn không chịu tham gia, sau bỏ đi nơi khác.

 

  1. Người lính tốt bụng:

 

Chiến tranh chống Pháp ở Việt Nam, ở một trong những trận cuối cùng, một người lính đang đỡ trên tay một người lính khác hấp hối. Người lính hấp hối van xin người lính kia về thay mình phụng dưỡng cha mẹ. Mặc dù người lính đang hấp hối (CL) vốn là một kẻ lười biếng, hèn nhát, trốn cả việc thường lẫn việc quân, và thường người lính tốt (anh GEN) phải làm hộ, song trong cảnh đáng thương này, anh GEN nhận lời.

 

Anh chôn cất CL cẩn thận, giữ theo những kỷ vật của CL. Chiến tranh kết thúc, anh giải ngũ, thay vì về quê mình, anh lặn lội tìm về quê của CL. Gặp cha mẹ CL, nói lại lời trối trăng và xin ở lại làm con phụng dưỡng cho ông bà. Cha mẹ CL hóa ra giống tính con mình, vốn cũng lười biếng, trong làng chả ai ưa, lập tức bám lấy lời anh, đổ hết việc lên vai anh, suốt ngày chỉ ăn chơi làm biếng. Anh cứ còng lưng ra làm, giúp trả hết nợ cho ông bà. Được một thời gian, ông bà lại bắt đầu mắng nhiếc anh, bắt anh làm lụng quá mức để ông bà ăn xài nhiều hơn. Dân làng cám cảnh, bảo anh sao lại phải thế. Hỏi ra biết anh còn cha mẹ ở quê, họ mắng anh, bảo anh phải về quê, ít nhất cho cha mẹ mình biết anh còn sống chứ.

 

Nói mãi rồi anh cũng tỉnh ra. Một đêm nọ, sau khi vun vén lương thực, tiền của cho ông bà kia sống đâu cũng được vài năm nữa. Anh bỏ nhà trốn về quê mình.

 

Về đến quê, anh biết được cha mẹ anh quá đau buồn, nghĩ anh chắc chết mất thây ở nơi nào đó. Ba năm rồi vẫn chưa thấy về. Mẹ anh (CR) khóc gần lòa cả mắt. Anh vào ôm cha mẹ, lòng hối hận vô cùng. Cha mẹ thấy anh về mừng như chết đi sống lại. Họ không trách anh một lời, chỉ mừng vui khôn tả.

 

Một thời gian sau, nhà anh vui vẻ và khấm khá. Cha mẹ anh làm mai cho anh cưới vợ. Anh kể cho vợ nghe chuyện ngày trước, vợ khuyên anh những con người như thế nên tránh xa là hơn, càng giúp họ chỉ càng sai lầm, đổ đốn. Từ đó anh không liên lạc gì nhà kia nữa.

 

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *