Steiner – Domestic Art – Nghệ thuật Xây tổ ấm

 
 
(PLM chép từ bài giảng của cô Thanh Cherry )
 
 
Rudolf Steiner từng nói rằng, chính những người làm những nghề thường bị coi là hạ tiện nhất là những người cao quý nhất, vì họ đã hi sinh làm những việc đó cho xã hội, cho người khác. Ông là người gọi những công việc nội trợ là một nghệ thuật.
 
Chính những việc lau dọn, giặt giũ, là ủi, nấu nướng, sơn sửa, vá may … là để tạo ra mái ấm cho một gia đình, tạo nên một không gian ấm cúng, đón chào, ôm ấp, dưỡng nuôi. Một căn nhà sạch sẽ, gọn gàng, ấm áp đem lại cảm giác an bình, vui vẻ, khỏe khoắn và ngược lại. Sự bẩn bừa trong môi trường xung quanh ảnh hưởng đến sức sống của con người ở đó. Một người mà nhà cửa bừa bộn, bẩn thỉu, có thể bị bừa bẩn ngay cả trong tâm hồn mình. Một người ngày hôm nay nghĩ ngày mai rảnh rồi lau chùi nhà, tháng sau không bận rồi dọn dẹp nhà hay để khi nào con nó lớn, đi lập gia đình riêng rồi trang hoàng nhà cho đẹp đẽ … hẳn phải có vấn đề từ bên trong. Có thể là việc không có đủ ý chí để nhận thấy vấn đề, ra quyết định và hành động.
 
Trường mầm non Steiner Waldorf được tạo dựng như mái ấm thứ hai của đứa trẻ. Người giáo viên mầm non vì thế sẽ làm mọi việc chăm sóc cho lớp học, như một mái ấm, cùng trẻ và bên cạnh trẻ (trong giờ trẻ chơi tự do). Cô giáo sẽ quét dọn, lau chùi, sắp xếp lớp, thậm chí giặt giũ, là ủi (khăn ăn, tạp dề, vải chơi của các em), nấu nướng, rửa chén bát, đan lát, vá may (đồ chơi). Tình yêu thương của người giáo viên không thể hiện qua câu “Cô yêu con lắm” hay hôn con chụt chịt. Tình yêu thể hiện qua việc làm, cử chỉ, sự chăm sóc, quan tâm, đến từng chi tiết nhỏ nhặt chung quanh các em, sao cho sạch gọn, đẹp tươi, ấm áp. Những việc người giáo viên làm hàng ngày, từ nhịp điệu lặp đi lặp lại, đến cử chỉ thực hiện (sao cho đẹp đẽ, an yên), và quan trọng là cái tâm, cái tình cô đặt vào trong đó, sẽ nuôi dưỡng cho các em, tự thể chất, đến sức sống, đến cả tâm hồn. Việc một đứa trẻ bắt chước cô quét nhà, lau dọn, đến sắp xếp giỏ vá may của cô thật tỉ mẩn (theo kiểu của em, mà có khi khiến cô tìm đồ của cô lại không ra), thật sự giúp em học được rất nhiều, so với những bài giảng giáo điều, khô cứng. Như giờ dọn dẹp, việc cô giáo vừa hát bài ca dọn dẹp vừa vui vẻ dọn dẹp, có tác dụng hơn nhiều việc cô hò la “con dọn đi!” hay “con phải sắp xếp cho gọn gàng!”.
 
Thủ công
 
(PLM chép từ bài giảng của cô Abhisiree, cô Helen, cô Shirley, cô Pauline, thầy Joachim)
 
Còn về những việc thủ công, như đan lát, vá may? Liệu trường mầm non Steiner hồng hồng với những việc con gái có làm nữ tính hóa đi không? Thật ra việc quay tơ là của phụ nữ, còn may vá là của đàn ông khi những việc này mới xuất hiện. Và đan là sáng kiến của những thủy thủ (dĩ nhiên là nam) khi họ lênh đênh buồn chán trên biển.
 
Nhanh tay thì nhanh trí, những công việc thủ công giúp trẻ phát triển cái vẫn được gọi là vận động tinh cũng như những giác quan của mình. Đứa trẻ học phát triển phần ý chí, khi trẻ tập trung và làm cho đến khi hoàn thành, thành công một tác phẩm. Có hẳn một cuốn sách về Educating the Will (Giáo dục Ý chí). Điều đặc biệt của giáo dục Waldorf Steiner là trẻ, từ bài thủ công đầu tiên đến mọi công việc thủ công sau này, luôn tạo ra những sản phẩm hữu ích, sử dụng được, từ sợi dây để chơi, cho đến túi đựng sáo, cho đến bình gốm, nhà để dụng cụ … Những sản phẩm thủ công trong trường học Steiner luôn cần đầy đủ Chân – Thiện – Mỹ, bắt đầu từ những gì người giáo viên làm cho các em (để chơi, để trang hoàng lớp học, để dạy học…), từ màu sắc, đến tỷ lệ, kích thước, dáng vẻ, sự mềm – cứng từ vật liệu tự nhiên.
 
Cô Pauline chia sẻ trong khóa đào tạo GV tiểu học Module IV, trong một cuốn sách phỏng vấn những người thành công đã học trường Waldorf, một doanh nhân lớn đã nói rằng: “Vào cái ngày tôi đan được đôi tất đầu tiên, tôi tin là tôi có thể làm bất kỳ điều gì trên cuộc đời này.”
 
Thầy Joachim (khóa đào tạo GV tiểu học Module III) nói rằng thời nay, một người cha bỏ thời gian ra dạy con thắt nút dây giày là việc làm vĩ đại. Và việc một đứa trẻ được chỉ dạy, cũng như được cho thời gian để học được thành thục việc tự buộc dây giày, sẽ giúp cho trẻ rất nhiều cho cuộc đời sau này.
 
Trong bài giảng của của Abhisiree ngày hôm nay, cô dạy chúng tôi, những người lớn làm cha mẹ, giáo viên, biết cách sắp xếp, bảo quản, làm mới đồ dùng, đồ chơi. Đừng để lỗ rách trên vải, vết vẽ trên tường, trên đồ chơi, vì trẻ cần những thứ lành lặn, sạch đẹp. Đến giờ chơi tự do, hãy để các em được thở ra thật tự do, thoải mái chơi đùa, bày cho đầy lớp nếu các em thích. Nhưng hãy cho các em hít vào, bằng giờ dọn dẹp sau đó, để mọi đồ chơi, vật dụng được quay về “mái nhà” của chúng. Đừng mắng trẻ sao vẽ “bậy” lên tường, lên đồ chơi. Hãy lau sạch vết vẽ không đúng chỗ trước mặt các em, và cho các em làm cùng, hãy làm đúng để các em làm theo và tự hiểu ra. Hãy cho các em các hoạt động thủ công phù hợp lứa tuổi.
 
 

LAU DỌN VÀ QUAN TÂM

 

images (21)

(Tác giả: Linda Thomas – Người dịch: Phan Lê Minh)
Khi nói đến việc nhà, các khái niệm về mất trật tự và hỗn loạn thường bị lẫn lộn với nhau. Trong nhà của chúng ta, trật tự thường được xem là liên quan đến sự đều đặn và rõ ràng nhất định. Tôi gọi một căn phòng là gọn gàng trật tự, khi mọi thứ đều ở đúng chỗ của nó và tôi có thể dễ dàng định hướng cho mình và làm tốt việc của mình ở trong đó mà không gặp chút phiền phức nào. Tuy nhiên, ngay khi tôi bắt đầu làm việc trong căn phòng đó, hay những đứa con bắt đầu chơi đùa quanh phòng, trật tự này sẽ rất sớm trở thành mất trật tự. Trật tự có vẻ có giá trị đặc biệt để biến thành mất trật tự thật dễ dàng, trong khi điều ngược lại thì không bao giờ xảy ra. Tôi phải can thiệp đầy ý thức để tái thiết lập lại trật tự đã bị mất.
Trong cuốn Kabbalah, câu chuyện của Sự sáng tạo cho chúng ta biết rằng Thượng đế tự mình rời đi, vì vậy tạo nên một sự trống rỗng. Sự hỗn loạn nổi lên từ sự trống rỗng đó tạo nên chất liệu mà từ đó thế giới này được tạo ra.
Trong nhà của chúng ta, chúng ta thường phải đối mặt với sự hỗn loạn. Thực tế đơn thuần là chúng ta có vô số các cách thức và phương tiện, mà từ đó chúng ta có thể lập trật tự cho cuộc sống hàng ngày, giúp chúng ta mặt đối mặt với sự hỗn loạn. Chúng ta có cơ hội để tái lập trật tự và cấu trúc có mục đích để thay thế cho những nơi mà sự mất trật tự và bừa bãi chiếm giữ.
Khi tôi lau dọn, tôi không chỉ đơn giản muốn loại bỏ bụi bẩn, tôi cố gắng đầy ý thức để tạo nên không gian cho một thứ gì mới. Loại bỏ bụi và bẩn, kết quả là tạo nên khoảng không – khoảng không này tôi dành hoàn toàn cho các thực thể tâm linh có liên quan đến khoảng không mà tôi đang làm sạch, để một thứ gì đó mới và tích cực có thể đến đó.
Khoảng mười bốn năm trước, tôi gầy dựng công ty làm sạch sinh thái, để có thể đóng tiền học trường Waldorf cho các con tôi. Vào lúc mới bắt đầu, tôi không chỉ là “bà chủ”, tôi là nhân viên và là người học việc duy nhất. Tôi có quá nhiều thứ để học, không chỉ về thiết bị và các chất tẩy rửa đúng; mà còn rất quan trọng phải học cách để giữ gìn sức khỏe của mình, cách để bảo vệ bản thân, và trên tất cả, tôi muốn học làm thế nào để tôn trọng không gian của những người khác.
Thái độ mà chúng ta có, trong việc mà chúng ta làm, là điều quan trọng tối ưu. Nếu chúng ta có thể dẫn đến cuộc sống tâm linh thiền định mà chúng ta ao ước có thể có, chúng ta có thể cố gắng tìm thấy một thái độ tâm linh đối với mọi thứ chúng ta làm trong cuộc sống hàng ngày của mình. Nói cách khác, nếu bạn không thể làm điều bạn thích, thì nên cố thích điều bạn làm. Những thứ lặp đi lặp lại liên tục hoặc là biến thành thói quen, có thể vì thế mà giảm đi tầm quan trọng; hoặc bạn có thể cố làm một bài tập của sự nhận thức từ công việc tầm thường nhất, và thế là bạn đã bắt đầu trên con đường tâm linh của mình.
Tôi tìm thấy một giai thoại tôi đã nghe từ thời gian dài trước đây, rất hữu ích để nói về điều này. Trong một tu viện, có một thầy tu rất giản dị và tất cả những công việc tầm thường đều được đưa cho ông ta, như rửa chén, quét và chà sàn nhà và những việc kiểu như vậy. Ông ấy không hề ngại những việc này, làm chúng đầy yêu thương trong khi luôn nói những lời cầu nguyện trong khi làm việc: “Lạy Chúa, khi con rửa sạch chiếc dĩa này, làm ơn gửi cho con một trong những thiên thần của người để giúp rửa sạch trái tim con và làm cho nó thanh khiết” hoặc “Lạy Chúa, khi con chùi rửa sàn nhà này, làm ơn gửi cho con một trong những thiên thần của người để giúp con, để mỗi người bước trên sàn nhà này, có thể được chạm đến bởi sự có mặt của thiên thần đó.” Mỗi công việc, ông ấy đều có một lời cầu nguyện và tiếp tục làm việc như vậy rất nhiều năm. Truyền thuyết nói rằng một buổi sáng khi ông thức dậy, ông đã giác ngộ và mọi người từ rất xa cũng tìm đến ông để lắng nghe sự thông thái mà ông có.
Rất nhiều ký ức mà ba và mẹ tôi từng nói với tôi đã trở lại. Chúng tôi có bảy anh chị, và một anh trai của tôi thường ra bàn ăn sáng với tâm trạng rất khó chịu. Ba tôi thường hỏi: “Con lại ra khỏi giường bằng chân trái à?” Rất nhiều năm sau, tôi đã biến lời nhận xét đó thành một bài tập. Khi tôi thức giấc vào buổi sáng, tôi cố ngồi thẳng dậy ngay lập tức và sau đó rất tỉnh thức, tôi luôn cố đặt chân phải ra trước khi tôi ra khỏi giường, vì vậy tôi làm một điều tích cực để bắt đầu ngày của mình.
Tôi bắt đầu làm mọi thứ theo cách này, và sau một khoảng thời gian, tôi đã phát hiện ra một điều rất quan trọng. Có tồn tại một sự khác biệt to lớn giữa việc lau dọn và quan tâm. Khi chúng ta lau dọn, chúng ta làm sạch bụi nhơ, và kết quả của việc lau dọn đôi khi không tồn tại được đến năm phút. Tại Goetheanum (đại sảnh đường của Hiệp hội Anthroposophical – ngành Khoa học về Con người của Rudolf Steiner), bạn chỉ mới lau qua hành lang và đã có ai đó bước lên trên, để lại dấu chân khắp nơi. Điều tương tự sẽ xảy ra với ba mẹ có con nhỏ. Và vì lý do này, nhiều người thấy việc lau dọn là việc rất bực bội và không được coi trọng, chỉ là một điều cần phải làm đầy phiền hà.
Tuy nhiên, chúng ta cần cố gắng làm việc này với sự nhận thức hoàn toàn, với toàn bộ tình yêu thương. Một khi chúng ta học cách để thâm nhập vào mỗi mỗi góc nhỏ đầy nhận thức với các đầu ngón tay của mình, sau đó việc lau dọn sẽ có một thái độ dưỡng nuôi và trở thành sự quan tâm. Và điều là sự tuyệt vời của nó, chính là kết quả của sự quan tâm, sẽ còn lại lâu dài hơn kết quả của việc chỉ đơn thuần là lau chùi bụi bẩn! Khi chúng ta đã quan tâm đặc biệt đến một căn phòng, thì cho dù một chút bụi mới có bị mang vào đó, thì chỉ hơi khó chịu thôi, mọi người có thể sống ổn với nó. Rung động của nó hoàn toàn khác với những nơi mà hàng lớp bụi và bẩn chất chồng lên … Gần đây có một nền văn hóa lau dọn mới đang cố thành hình, mà chúng ta nên thật sự cố để ngăn nó xảy ra. Nền văn hóa này có ý định là xịt một cái cho mọi thứ – bạn xịt rồi bạn lau đi – không cần nhiều nước để lau dọn! Một việc thật sự chỉ lau dọn một lượng nhỏ bụi dơ, nhưng thay vì quan tâm đến một bề mặt, bạn lại để lại một lớp hóa chất đằng sau, kèm trong nó là hàng đống mớ các chất bẩn bị hòa tan trong nó.
Khi quan tâm đến một căn phòng, chúng ta không chỉ tiến đến việc liên hệ với thế giới vật lý. Cả một không gian thay đổi, căn phòng ngập tràn ánh sáng. Trẻ con đặc biệt phản ứng mạnh mẽ với sự chuyển đổi này và chúng cũng có vẻ tiếp nhận sự thay đổi trực tiếp. Có một lần vào mùa xuân, chúng tôi lau dọn rất cẩn thận cho một căn nhà lớn ở xung quanh. Khi trở về trường sau kỳ nghỉ, một bé trai mười tuổi lập tức muốn biết liệu các bức tường của căn nhà đó có được sơn lại không, vì căn nhà có vẻ quá sáng sủa và bóng nhoáng.
Chỉ có chúng ta có thể tự quyết định việc nhận lãnh nghề này (lau dọn) nghiêm túc đến mức nào. Đối với tôi, quan tâm đến một bề mặt là việc rất quan trọng. Mỗi sinh vật sống đều sẽ phát triển mạnh mẽ khi được quan tâm, cho dù là một đứa trẻ, một cái cây, hay một “sinh vật sống” như tòa nhà Goetheanum, một ngôi trường, căn nhà riêng của chúng ta và rất quan trọng, những mối quan hệ của chúng ta. Sau một buổi hội thảo, một trong những người tham gia đã kể với tôi về trải nghiệm của cô trong việc quan tâm có ý thức đến căn nhà có thể có tác dụng chữa lành như thế nào. Cô đã lập gia đình được mười lăm năm và đâu đó giữa quãng đường này mối quan hệ đã phai nhạt. Căn nhà của họ mua được khoảng năm năm đã bị bỏ quên ngay cả khi nó chưa được trang bị đủ đồ đạc. Không lâu sau khi cô bắt đầu thực hiện những điều được học trong khóa của mình, chồng cô cũng bắt đầu hoàn tất việc trang bị những đồ đạc trong nhà. Sau đó chồng đã nói với cô, là ngay khi cô bắt đầu quan tâm đến tổ ấm trở lại, chồng cô không chỉ cảm thấy được tôn trọng mà anh ấy cũng cảm thấy rằng cô đã lại “nhìn thấy” anh.
Quan tâm có ý thức đến mái ấm nâng cao ý thức về nhận thức của chúng ta và đó là điều để chúng ta có thể trao tự do cho các phi nhân (các thiên thần nguyên tố, tinh linh thiên nhiên), từ đó tạo ra khoảng không cho điều gì đó mới. Chúng ta liên tục được bao quanh và có liên hệ với các phi nhân cũng như vô số các thực thể vô hình khác. Chúng ta trao tự do cho các phi nhân bằng cách nhận thức tỉnh thức những gì ở quanh mình – khi chúng ta dọn rửa đi bụi bẩn, gội sạch tóc, làm thông thoáng căn phòng hay thắp sáng một ngọn nến. Một không gian hoàn toàn khác được tạo ra khi chúng ta dọn bỏ nồi cháo cháy bị bỏ qua đêm trên bếp, hay khi chúng ta chọn lờ đi những vết ố của kem còn lại trên tường sau khi lau chúng đi.
Chúng ta trao tự do cho các phi nhân thông qua sự siêng năng và niềm vui, thông qua sự mãn nguyện và bình an.
Không phải mọi phi nhân đều có thể được đối xử cùng một cách. Trong một ngôi trường mà chúng tôi nhận làm sạch, có một căn phòng có mùi cực kỳ khó chịu. Tôi đã thử mọi thứ để dọn sạch mùi này: dùng các chất làm sạch sinh thái của tôi, các chất làm sạch hóa học, với máy lau dọn bằng hơi nước tôi đã cố làm sạch thậm chí cả những kẽ hở nhỏ nhất. Không thứ gì hiệu quả, mùi đó vẫn còn. Với sự quan tâm đầy yêu thương, tôi làm lại toàn bộ quá trình trên, thậm chí ca hát trong lúc lau dọn. Vì vẫn không có chút cải thiện nào, tôi chấp nhận việc tôi có thể phải chịu đựng chuyện này. Vài tuần sau tôi trở lại trường lúc cảm thấy nóng nực và mệt mỏi, khi tôi mở cửa vào căn phòng đó, thứ mùi đó quá nồng nặc và có vẻ quá khiêu khích đến nỗi tôi trở nên tức giận vô cùng. Tôi kéo cửa sổ mở toang, giậm chân trên sàn, hét lên: “Tôi chịu đủ chuyện này rồi nhé. TÔI Ở ĐÂY, và chỗ này không có đủ chỗ cho tất cả chúng ta – hãy đi ra!” Và như một cơn lốc giận dữ, tôi đi xuyên qua phòng, lau chùi dữ dội từ trần đến sàn. Cái mùi đó đã biến mất! Vài tháng sau, một đồng nghiệp của tôi nhận công việc này và sau khi giải thích thái độ cần có với các phi nhân trong phòng đó, cô ấy cũng có thể đảm đương để giữ cho chúng đi ra.
Ngược lại với sự quan tâm là bỏ bê. Tôi cảm nhận thái độ bỏ bê như một thứ gì đó bò leo từ từ. Nó bắt đầu trong tất cả các góc nhỏ mà chúng ta không để tâm đến. Nó bắt đầu bò vào từ phía sau các tủ kệ, từ dưới gầm giường và từ đằng sau các rèm cửa nơi chúng ta tìm thấy mạng nhện chăng đầy.
Sau đó hầu hết các căn nhà đều có một số ngăn kéo … Có những ngăn trong lò, lỗ thông hơi trên bếp, các bậu cửa sổ nơi chúng ta để bộ sưu tập những hòn đá và cây nhỏ. Và cứ từ từ nó có vẻ như chiếm lĩnh cho đến khi chúng ta không còn có thể chịu nổi nó nữa. Sau đó, giống như một tia chớp, chúng ta lao khắp nhà với nỗ lực để mọi thứ trở lại trật tự của nó.
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy choáng ngợp và chịu áp lực trong việc giữ cho ngôi nhà gọn gàng và sạch sẽ. Một bà mẹ trẻ từng nói với tôi: “Tôi đã làm việc vất vả cả ngày, và trước khi tôi cuối cùng cũng đã dọn sạch bếp sau bữa tối, mọi thứ có vẻ đã được hoàn tất. Chúng tôi cố xem lại hết ngày hôm đó, và những gì xảy ra giống như sau: Cô ấy định lau dọn phòng tắm của cha mẹ ở trên lầu. Ngay khi cô ấy muốn bắt đầu lau dọn, cô nhớ ra là cô đã dùng chất tẩy rửa để làm sạch bồn trong phòng giặt giũ trong hầm ba ngày trước. Vì thế cô đi xuống tầng hầm, chỉ để lại thấy một cái hộp đựng phân mèo rất hôi ở bên cạnh máy giặt. Tất nhiên là cái hộp đó cần phải dọn rửa và đổ cát sạch vào lại ngay lập tức. Cô ấy cột miệng cái bao đựng cát bẩn để mang đến ga ra xe. Ở đó cô lại thấy hàng đống báo và giấy cũ, cần phải dồn lại để tái chế giấy cho ngay ngày hôm sau. Sau khi mất một chút thời gian đi tìm sợi dây (để cột chồng báo và giấy cũ – ND), cô nhớ ra rằng con trai và các bạn của con đã dùng dây để xây một cái xe cáp treo trên gác mái. Đi ngược lên thang, cô may mắn tìm ra cái áo thun đã mất tích vài ngày qua, bên cạnh sợi dây… Và trước lúc cô dồn đống giấy, thì đã đến lúc bắt đầu chuẩn bị bữa trưa. Sau đó là đến một buổi hẹn gặp nha sĩ và các giờ học nhạc. Tối hôm đó, khi cô đã đứng trong phòng tắm để chải răng, cô mới nhớ ra là nước tẩy rửa vẫn còn để ở trong phòng giặt.”

Vậy đó, thường không phải là công việc chúng ta đã làm khiến chúng ta mệt mỏi, mà chỉ đơn thuần việc nghĩ về những gì mà ta vẫn còn phải làm mới thật sự làm ta kiệt sức.
Tôi biết rằng không phải lúc nào cũng có thể lên kế hoạch mọi việc trước, bởi vì luôn có những thứ không nhìn thấy trước được xảy ra. Nhưng điều này có thể giúp ích rất nhiều, một khi chúng ta đã quyết định làm điều gì đó cụ thể, để chuẩn bị từ đêm hôm trước mọi thứ chúng ta sẽ cần để làm công việc đó. Ý chí sẽ được kích hoạt theo một cách hoàn toàn khác hẳn một khi chúng ta đã chuẩn bị tâm trí để làm việc gì đó rồi ngủ qua đêm với nó. Việc nhà không nên là một sự ép buộc. Đàn ông hay phụ nữ cũng nên là chủ của nhà mình chứ không phải là một kiểu khác đi. Nhưng cũng quan trọng là chúng ta không cố tự đánh lừa mình. Cách hoàn thành một công việc sẽ phân biệt giữa một người hầu với một nàng công chúa. Hình ảnh một tam giác đều giúp tôi rất nhiều khi tôi cần đến sự cân bằng. Đó là cân bằng giữa lý trí, tình cảm và ý chí; bạn, người chồng, con cái; thời gian cho công việc, gia đình và bản thân. Người duy nhất biết tam giác đó sẽ trông như thế nào là chính bạn.
Chúng ta thường nói: “Tôi phải làm chuyện này, tôi phải làm chuyện kia, điều đó thật sự cần phải được thực hiện…” Ai nói điều đó? Bạn nói và tôi nói. Chúng ta là những người tự đặt lên vai mình quá nhiều các kỳ vọng và đòi hỏi mà tự mình đặt ra. Một lý do khác để cảm thấy choáng ngợp với việc nhà là vì chúng ta không có đủ lòng tin rằng có những người hỗ trợ vô hình đang ở quanh mình. Có những thiên thần, các phi nhân (thiên thần nguyên tố), các tinh thần của những tổ ấm của chúng ta … Khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng và chào đón ngày mới, không có gì ngăn cản chúng ta nguyện cầu các thiên thần giúp mình ít nhất là có thể trải qua một phần của ngày trong hòa hợp. (Có thể là cho tới 8 giờ sáng, chỉ để bảo đảm điều ta cầu ước thành hiện thực). Khi tôi còn học ở trường ngày Chủ Nhật, cha xứ đã nói với chúng tôi là các thiên thần ở trên cao kia, nơi thiên đường đang vô cùng chán bởi họ không có đủ việc mà làm. Vì có quá nhiều yêu cầu được gửi đến mà họ không được phép trả lời. Rồi đột nhiên có một đứa trẻ, hay là trong trường hợp mà chúng ta ngỏ lời, thì là một người lớn đứng ở cửa sổ và cầu nguyện có sự giúp đỡ của thiên thần để có sự hòa hợp cho tổ ấm của mình. CUỐI CÙNG! Các thiên thần thốt lên, chúng ta đã có điều gì đó để làm và sẽ đổ xô đến để giúp chúng ta! (“Yêu cầu được gửi đến mà họ không được phép trả lời” là bởi con người có quyền tự do ý chí. Chỉ khi chúng ta nói rõ là chúng ta mong được các thiên thần giúp đỡ thì thiên thần mới được phép giúp chúng ta. Còn nếu chúng ta chỉ “ước gì nhà sạch sẽ” thì thiên thần cũng không thể giúp – ND)
Trước khi tôi bắt đầu làm người coi sóc chính (bảo mẫu) ở đại sảnh đường Goetheanum, tôi đã từng thường xuyên xung phong làm người chịu trách nhiệm lau dọn toilet. Tôi đã từng bắt đầu từ 6 giờ sáng, dọn rửa 64 cái toilet mỗi ngày, và thường ca hát để giúp cho công việc dễ dàng hơn. Để làm sạch bồn cầu, tôi có phương pháp riêng. Để làm sạch một cái toilet, sẽ có việc làm sạch mà ta phải làm hàng ngày, và thêm vào việc làm sạch kỹ hơn cần làm một lần một tuần, hay khi cần là hai lần mỗi tuần. Sau đó toilet sẽ được làm sạch từ trần đến sàn, toàn bộ. Việc này đòi hỏi thêm chút thời gian. Khi việc phải cúi người xuống, lau dọn, quay qua, rồi lại cúi xuống khiến tôi khá chóng mặt, tôi đã quyết định sẽ làm sạch toilet ở tư thế quỳ gối xuống. Một khi bạn quỳ xuống trước một cái bồn cầu, một điều gì đó đổi thay. Nó khá tinh tế, có một sự thay đổi trong thái độ, cái cách một người tiếp nhận nó, cái cách mà bạn làm công việc, việc tiếp xúc với các phi nhân. Một khi đã hoàn tất công việc, tôi lại phải đứng lên… Tôi cũng thử thay đổi việc đứng lên thành một bài tập có ý thức của việc đặt bản thân vào vị trí đứng thẳng. Trải nghiệm này cũng thật phong phú và đầy ý nghĩa, đến nỗi ngay cả hôm nay, nếu tôi được chọn lựa, tôi cũng thích làm sạch 20 cái toilet hơn là hút bụi một tấm thảm. Tôi cũng thích công việc này bởi vì tôi luôn xem đây là một món quà đặc biệt khi tôi có thể sử dụng một cái toilet sạch sẽ và được quan tâm thật tốt.
Năm ngoái tôi ở Na Uy để tổ chức các buổi hội thảo về lau dọn. Các lớp buổi sáng trao đổi bằng tiếng Anh và buổi chiều thì nhắc lại bằng tiếng Đức. Buổi chiều đầu tiên có một người phụ nữ đến gặp và hỏi tôi liệu cô có thể tham gia không khi cô chưa kịp đăng ký lớp học. Cô có nói rằng cô thực sự thấy khá là lạ lùng khi có ai đó phải đến từ tận Dornach để nói với họ về cách lau dọn. Nhưng khi chồng cô trở về sau buổi học và thông báo là với cô là cô phải chờ rửa chén sau đi vì anh ấy muốn trước tiên là lau dọn toilet đã. Cô thấy là phải đến và xem ai đã tạo ra được điều kỳ diệu như vậy. Trước đây chồng cô chưa bao giờ lau dọn toilet dù chỉ một lần.
Một khi tôi bắt đầu nói về việc lau dọn, tôi có thể nói liên tu bất tận hàng giờ liền. Và nó thật sự là một chủ đề không bao giờ dứt. Chúng ta lau dọn như thế nào? Chúng ta lau dọn với cái gì? Làm cách nào chúng ta có thể học để khám phá ra ý nghĩa sâu sắc hơn của việc lau dọn và học cách yêu thích việc này? Làm cách nào chúng ta có thể dạy cho con cái chúng ta (và đôi khi là chồng chúng ta!) để chú ý đến những thứ nhỏ nhặt và có thể thực hiện một hành động cho đến khi hoàn tất? Thí dụ, làm thế nào chúng ta có thể dạy chồng con rằng, sau khi lau bàn cho sạch, cái khăn lau cần được giặt, vắt ráo và treo lên cho khô, hơn là chỉ thảy nó thành một đống trong bồn rửa, vẫn còn dính đầy vụn bánh mì và bơ.
Điều này nhắc tôi nhớ đến một giai thoại khác nữa. Vài năm trước đây tôi được yêu cầu đến giảng một bài về công việc của tôi ở đây trong đại sảnh đường Goetheanum. Cái ngày trước buổi giảng, một quý ông đứng tuổi đã gọi điện thoại cho tôi để nói với tôi rằng ông đã hạnh phúc biết bao khi ông ấy nghe thấy rằng tôi sẽ nói về một thứ thực tế như việc lau dọn. Cá nhân ông biết Henny Geck (là người đã giúp Rudolf Steiner khắc bức tượng Representative of Man (Đại diện Con người)) và bà đã kể cho ông nghe về câu chuyện này: Bất cứ khi nào Rudolf Steiner được gọi đi khi ông đang khắc tượng, ông sẽ luôn quét dọn tất cả các mảnh gỗ vụn và mảnh bào còn đang nằm trên sàn để bỏ chúng vào thùng rác. Mặc dù bà đã thường đề nghị để bà làm việc này, ông luôn khăng khăng để ông tự làm. Một ngày nọ bà hỏi ông tại sao ông lại phải mất công quét mọi thứ ngay cả khi ông rời đi chỉ vài phút thôi. Câu trả lời của ông như thế này: “Khi tôi làm việc, mọi thứ tôi làm cũng là một phần của các vật liệu làm việc của tôi và tôi là chủ của tình huống đó. Ngay khi tôi ngừng làm việc và rời xưởng, mọi thứ nằm trên sàn sẽ là rác và vì thế thuộc về thùng rác, bởi vì những thực thể cảm thấy trong thùng rác là nhà, thì không cùng loại với những thực thể mà chúng ta muốn được ở xung quanh khi đang làm việc đầy nghệ thuật.”
Cuối cùng, tôi muốn kể cho bạn nghe về một trải nghiệm mà đã cho tôi thấy, chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc quan tâm đầy yêu thương đến môi trường xung quanh mình, và cơ hội điều này có thể cho chúng ta là tạo ra không gian cho một thứ gì đó mới. Đây là những khoảnh khắc quý giá có thể giúp chúng ta đóng góp xây dựng cho hòa bình và sự đổi mới. Tôi đã được yêu cầu đến lau dọn triệt để một mái ấm dành cho tội phạm vị thành niên vì họ đang lập kế hoạch cho một ngày mở cửa mái ấm. Và tôi đã sốc khi thấy tình trạng căn nhà bị bỏ mặc hoàn toàn và cực kỳ bẩn thỉu. Tôi muốn biết người nào chịu trách nhiệm coi sóc nơi này. Người quản giáo trả lời: “Lũ trẻ”. “Nhưng ai dạy chúng cách làm?” “Những người quản giáo dạy chúng.” Lúc đó tôi muốn biết liệu có một khu vực nào được lau dọn bởi những người quản giáo không, và ông ấy đã chỉ cho tôi thấy những khu còn lại dành cho những người phụ trách ca đêm. Dĩ nhiên nơi này cũng chả khá khẩm hơn gì và tôi nói cho ông ấy biết như thế. Chuyện này hơi làm ông ta bực và ông ta muốn biết là tôi có muốn nhận công việc này hay không. Tôi nói rằng tôi rất sẵn lòng làm việc này, nhưng không phải làm với những nhân viên của mình. Tôi đề nghị sẽ đến đây làm với toàn bộ dụng cụ và vật liệu của tôi, nhưng để lau dọn với bọn trẻ và các người quản giáo, và điều này trở thành điều đáng ngạc nhiên. Và bởi chưa bao giờ có việc này, ông ấy phải xin ý kiến hội đồng trước. Tôi đã tình cờ đề cập đến chuyện giá dịch vụ sẽ là 3000 Fr nếu tôi đến làm với nhân viên của mình và sẽ là 500 Fr nếu tôi đến một mình. Yêu cầu đã được chấp thuận nhưng sau đó tôi lại có một điều kiện khác. Bởi vì tôi chưa bao giờ làm việc với lũ trẻ trước đây và tôi cũng không phải là một nhà giáo dục hay nhà sư phạm, tôi tin là tôi sẽ cần đến sự hỗ trợ của các thiên thần giám hộ. Vì vậy tôi muốn gặp lũ trẻ và biết tên chúng trước khi làm việc cùng với chúng. Tôi muốn được mời đến ăn sáng với chúng.
Có 10 bạn trai trẻ tuổi từ 13 đến 18 đang sống trong căn nhà đó, và 5 bạn trong số đó về nghỉ cuối tuần với gia đình. Công việc được dự tính sẽ thực hiện trong hai tuần. Căn nhà có ba tầng và toàn bộ phần cầu thang được sơn vẽ với các bức tranh vẽ quỷ sứ kinh dị bằng mực đen và các màu sáng chói.
Công việc của chúng tôi là làm sạch các cửa sổ, các máy sưởi, cửa ra vào, sàn nhà, phòng tắm và nhà vệ sinh. Nhưng khi lũ trẻ bắt đầu, chúng muốn làm sạch tất cả mọi thứ. Chúng bắt đầu dời các tấm áp phích và tấm dán sticker khỏi các bức tường và tủ quần áo của mình. Một cậu bé thậm chí còn tháo dỡ toàn bộ giường của cậu ra và trong quá trình đó tìm thấy cả một đống quần áo bị lạc mất. Một cậu bé khác muốn tôi chỉ cho cậu cách cậu làm sạch bộ hi-fi của mình “một cách sinh thái” … Dĩ nhiên chúng không thể làm việc mà không có nhạc, và một số nhạc của chúng thì …! Với tôi loại nhạc đó nghe giống như sự kết hợp của một đoàn tàu siêu tốc và một khẩu súng máy. Cậu trai chọn loại nhạc đó thật ra đã bảo tôi rằng nó nạp đầy năng lượng cho cậu, mặc dù tôi chả thấy có tí dấu hiệu nào như thế. Cậu ấy muốn biết tôi thích nghe cái gì và tôi bảo cậu rằng tôi vẫn thích nghe loại nhạc giống như nhạc cũ thời những năm 60 mà tôi đã từng nghe hồi tôi trạc tuổi cậu bây giờ. Và đột ngột tôi đã nghe thấy bài “Morning has broken” (Buổi sáng bừng lên) của Cat Stevens và bài này đã nghe như một bản hòa tấu tuyệt diệu nếu so với “tiếng ồn” trước đó. Tôi thậm chí còn có thể thuyết phục cậu rằng sẽ dễ lau sạch một cánh cửa sổ với nhịp điệu của bài “Morning has broken” hơn là cái âm thanh “tu-dum, tu-dum, tu-dum” mà chúng tôi đã nghe trước đó.
Đã có một môi trường làm việc tuyệt vời và chúng tôi đã xoay xở để làm được rất nhiều việc.
Trước khi tôi trở lại vào ngày thứ bảy tiếp theo, đã có một sự bất ngờ tuyệt vời nhất chờ đón tôi. Năm cậu con trai đã làm vệ sinh cùng tôi, đã xin phép được nghỉ ngày thứ hai và bằng tiền riêng của mình, chúng mua sơn và sơn lại khu cầu thang từ trên xuống dưới, hoàn toàn che phủ các bức tường với sơn trắng. Nhưng chúng đã không chỉ làm như thế. Toàn bộ bề mặt mới sơn trắng lại được bao phủ bằng những bức tranh thơ ngây hồn nhiên – những ngôi nhà với các cánh cửa màu xanh lá, rèm màu hồng và các ống khói nhả khói. Các cây xanh phủ đầy táo và cherry đỏ. Có những bông hoa cúc và tulip và trẻ em thả diều dưới mặt trời tỏa nắng. Thậm chí có cả chim, bướm và những chú sên nhỏ xíu xiu bò trên cỏ. Những thanh niên “thô lỗ”, bị xã hội làm tổn thương sâu sắc đã cảm thấy nhu cầu tạo ra một thế giới của vẻ đẹp và hòa hợp trên những bức tường đó, để lấp đầy khoảng không, không gian được tạo nên bằng chính nỗ lực của mình.
Kindling, Tạp chí của Nhóm Giáo dục Sớm, Hội Bằng hữu các trường Steiner
3 Church Lane, Balsham
Cambridge CB1 6DS
Số ĐT/Fax: 01223 890988
E mail: JanniSteinerEY@aol.com

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *