The Norse Myths – Thần thoại Bắc Âu

18.08.2017

Thần thoại Bắc Âu, cuốn chúng mình dự định sẽ làm cuốn đầu tiên được xuất bản. Vì nghĩ rằng Thần thoại Bắc Âu đã có một số lượng độc giả hâm mộ không ít, có thể đa phần nhờ số lượng truyện, phim về người Vikings khá nhiều hiện nay. Các vị thần Bắc Âu là các vị thần của người Vikings ạ. Bên cạnh đó, bản dịch đẹp của nó thì mình đi tìm ở Việt Nam chưa có. Nói thiệt thà là có thì mừng lắm, lấy dạy cho trẻ luôn, đỡ phải dịch, đỡ biết bao nhiêu. Bản mới ra của NXB Kim Đồng, hẫng hụt vì sao nó “trần trụi” theo kiểu thông tin và còn tàn nhẫn về mưu mô, thủ đoạn quá. Còn bản truyện tranh vẫn được up và có thể download trên mạng được vẽ lại theo kiểu truyện tranh thì phóng tác ghê quá.

Vậy là đi tìm bản đẹp để dịch cho lớp 4. Khi tìm trên các trang bán sách, một loạt sách hiện ra. Ngay cả trong các blog home schooling ở nước ngoài, người này người kia cũng dùng các sách khác nhau (vừa phục vừa ghen với họ, ở nước ngoài chỉ đơn giản là ra tiệm chọn và lượm sách về dạy, ôi, ước ao). Ở nhà mà chỉ nhìn cái bìa, đọc sơ qua vài dòng giới thiệu thì chịu, không biết chọn cái nào đâu? Thậm chí mình có thêm quyết tâm đi Trung Quốc, là để tìm sách trong thư viện, để mở ra, để đọc sơ cho rõ ngọn ngành, Thế nhưng ở Trung Quốc, Thần thoại Bắc Âu đã được dịch. Tìm mãi mới ra một bản có tranh nằm trong thư viện dành cho học sinh. Vậy là lại trông chờ Module IV đào tạo giáo viên tiểu học, nội dung là dạy lớp 4, để cô chỉ cho cần dùng sách nào. Thư qua thư lại, để giải thích rõ với cô là ở nơi đây chưa có gì đâu có, như hoang mạc còn trần sỏi đá, thế là cô đã mang qua cho 2 cuốn của tác giả Kevin Crossley-Holland, mà qua kinh nghiệm dạy mấy chục năm của cô, là cuốn tốt nhất.
Mới đây, thêm vài cuốn mà bạn Thao Nguyen đã đặt cũng về đến nơi, song thời gian gấp rút chả kịp xem qua luôn. Cứ dịch cuốn của Kevin trước đã.
Nhào vào dịch rôi biết đá biết vàng, cả một thế giới mới, với rất nhiều từ mới (trong đó có vài từ dò từ điển không thấy luôn trời quơi), thuật ngữ mới, và quan trọng hơn, niềm tin mới, cách nghĩ mới.
Truyện đầu tiên – Sáng tạo ra trời đất – bạn Nguyễn Đỗ Quyêndịch, mình hiệu đính, gửi cho cô Nguyen Linhxem, háo hức lắm, cái cô Linh hỏi lại từng câu. Tá hoả kiểu, ủa mình dịch khó hiểu dữ vậy hả, mà là đã diễn giải nhiều so với bản gốc rồi đó. Thế là lại ngồi đọc lại bản dịch để coi chỗ nào có thể viết cho dễ hiểu hơn không?
Khó ghê, diễn giải nhiều thì sợ mất tinh thần bản gốc, mà dịch sát quá độc giả không hiểu cũng như không. Vậy đó, mỗi bản dịch, xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần. Và bản thân mình muốn nhiều người đọc lại, để nó được thấu hiểu rồi sửa đổi theo nhiều góc nhìn khác nhau.
Thôi thì, cứ dịch đi, rồi sách cũng xong thôi mà!

“Nhá hàng” các bạn đọc qua thử nha, đến đoạn cuối là có thấy hơi rối rồi không 🙂?

SỰ TẠO THÀNH (THẾ GIỚI)

Băng nóng bỏng, lửa nhức nhối; đó là cách cuộc sống bắt đầu.

Ở phía nam có một cõi gọi là Muspell. Ở nơi đó lập lòe những ngọn lửa nhảy múa. Nó sôi sục và sáng chói. Không ai có thể chịu đựng được nó trừ những người sinh ra ở đó. Áo Choàng Đen ở nơi đó; hắn ngồi ở góc xa nhất của nơi đó, khua khoắng một thanh gươm sáng bóng; hắn đang chờ đến phút cuối cùng khi hắn nâng gươm lên và tấn công những vị thần và dìm cả thế giới trong ngọn lửa.

Ở phía bắc là cõi gọi là Nilfheim. Nơi đó đầy băng và được bao phủ bởi bao nhiêu là tuyết. Ở chính giữa nơi này có con suối Hvergelmir và từ đó bắt nguồn mười một con sông được gọi tên là Elivagar.

Giữa hai cõi này đã từng trải ra một khoảng không to lớn và trống rỗng; đó là Ginnungagap. Những con sông từ Elivagar chảy vào khoảng trống không này. Sự độc địa sủi men của chúng đặc dần và đông lại như xỉ và những con sông hoá thành băng. Sự độc địa đó cũng bay lên thành mưa bụi –xấu xí tối tăm, mà ngay khi tạo thành, hóa thành sương muối. Và cứ tiếp tục như thế cho tới khi tất cả khu phía bắc của Ginnungagap nặng trĩu với những lớp băng đá và sương muối, một vùng hoang vắng rú rít với gió giật và gió lốc.

Ngay khi phần phía bắc vừa đóng băng, phần phía nam bị nấu chảy và nóng rực. Nhưng phần chính giữa Ginnungagap vẫn ôn hoà như không khí của một đêm hè. Ở đó, những làn khí ấm áp bay lên từ Muspell gặp sương muối từ Nilfheim; chúng gặp nhau và chơi đùa với nhau, và băng bắt đầu tan và chảy thành giọt. Cuộc sống sinh sôi nhanh chóng lên trong những giọt này, và tạo nên hình hài một người khổng lồ. Người đó tên là Ymir.

Ymir là một người khổng lồ băng; hắn là kẻ xấu xa ngay từ đầu tiên. Trong khi ngủ, hắn bắt đầu đổ mồ hôi. Một người đàn ông và một người đàn bà lớn lên từ mồ hôi dưới nách trái của hắn. Một chân của Ymir nảy ra một người, người này là bố của người con trai nảy ra từ chân bên kia của hắn. Ymir là tổ tiên của tất cả người khổng lồ băng.

2 thoughts on “The Norse Myths – Thần thoại Bắc Âu”

    1. 🙂 Cảm ơn bạn nhiều! Bên mình đang dịch, hy vọng cuối tháng này xong cuốn sách. Và hy vọng tiếp NXB sẽ nhận và nhanh chóng ra mắt sách. Mình sẽ thông báo ngay khi có thông tin mới!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *