Steiner – Tìm “vàng” trong truyện cổ tích Việt Nam

Mình định để tiêu đề là “Gian nan tìm vàng trong truyện cổ tích Việt” 🙂

Notes này chép từ các lời giảng của cô Thanh Cherry trong Module III – Khoá đào tạo giáo viên mầm non.

Trong truyện cổ tích có cái gọi là archetype, tạm dịch là nguyên mẫu, hoặc hình mẫu nguyên thuỷ. Mỗi nguyên mẫu như hoàng tử, công chúa, bà tiên, mụ phù thuỷ, ông vua, cho tới anh thợ may, anh lính, bác thợ giày, ông chủ cối xay, cho đến màu vàng, màu đỏ, màu xanh, hoặc khu rừng, con suối, nước, con quạ, con cóc, các con số như 3 thử thách, 3 đứa con … đều có ý nghĩa riêng của nó.

Một số ý nghĩa của một số nguyên mẫu (chỉ là các ý nghĩa chung thường gặp nhất, không phải trong bất cứ truyện nào cũng cứ thế mà đánh dấu cộp cộp thế này nha các bạn). Các hình mẫu nói riêng đã có ở trong bài giảng về truyện cổ tích của cô Kathy. Ở đây mình chép các hình mẫu mở rộng theo bài giảng của cô Thanh Cherry nhé.

Các hình mẫu nguyên thuỷ (archetype):
Hoàng tử (vị vua trẻ): cái tôi (ego), bản ngã hay đại diện cho tinh thần, nam tính
Ông vua (già): trí thông thái cổ xưa
Vị vua vừa có ý nghĩa là thiên tử (con trời): là cầu nối, người trung gian giữa thế giới tinh thần và thế giới vật chất. Cái này ở châu Á rất rõ nè, vua thường lập đàn tế trời đất, rồi nhận thông điệp của đất trời ban xuống cho dân, ví dụ như cấy lúa ngày nào, năm nay trồng cây lương thực gì …
Công chúa: tâm hồn (soul), hay tính nữ
Công chúa bị câm là hình ảnh của sự mất cái gọi là speech (khả năng diễn đạt), đây là một sự thể hiện mạnh mẽ của cái tôi. Do đó, phải đợi một anh nhà nghèo có cái tôi mạnh mẽ bằng hành động (action) để khiến cô công chúa nói được. Mô tuýp này có trong rất nhiều truyện cổ tích nha, cả ta lẫn Tây heng.
Hoàng hậu: sự khôn ngoan của trực giác (intuition)
Một bà mẹ có thể vừa là một bà mẹ ruột thương yêu con, sẵn sàng hi sinh mạng sống vì con, vừa có thể là một bà mẹ ghẻ độc ác, sẵn sàng hi sinh con vì mình hehe.

Ý nghĩa các con số:
3 – 3 thử thách, 3 hoàng tử, 3 đứa con gái. Bạn có thể liên tưởng đến hình ảnh 3 fold flame, hay trinity – số 3 thần thánh, của mặt trời – mặt trăng – trái đất …
7 – 7 hành tinh
12 – 12 cung hoàng đạo

Hoàng tử út, hay đứa con út thường là hoàng tử ngốc, thằng khờ, về sâu xa đó chính là biểu hiện của cái tôi (I), hoặc cái phần tinh thần (spirit), thường đến sau cùng, xuất hiện sau rốt, phần mới nhất của con người, còn non nớt, khờ khạo. Do đó, cuối truyện, thường đứa út mới được chiến thắng, lên làm vua, là nói về cái sự chiến thắng trong hành trình tiến hoá của con người vậy.

Anh khờ, chàng ngốc: cũng là hình tượng của người nhiều tình cảm, còn giữ được sức mạnh bên trong của tâm hồn, của tinh thần.

Hoàng tử ếch hay Nàng tiên cóc, hay con gấu trong truyện Bạch Tuyết – Hồng Hoa, cũng giống như Quái vật trong Người đẹp và Quái Vật, là hình ảnh của sự bị ếm bùa (enchanted), một sự phù phép mà chỉ có tình yêu thật sự (true love) mới hoá giải lời nguyền.
Hình ảnh trái táo (ví dụ trong truyện Bạch Tuyết) có ý nghĩa như là kiến thức (bên trong ruột trái táo khi cắt đôi có hình ngôi sao), nó tương tự như trái khế của mình vậy (star fruit).

Không phải tự nhiên mà có chuyện Ăn khế trả vàng, chứ không phải là Ăn chuối trả vàng, đúng hem?

Các nghề:
Xay bột: như một sự tiêu hoá, ngũ cốc được xay ra thành bột để dễ ăn, dễ tiêu hơn
Người thợ may: sự khéo léo của tay chân
Người thợ giày: việc làm ra giày dép để con người không còn đi đất, như là sự phát triển đến giai đoạn mới của con người. Phần nào giúp mình hiểu vì sao Tấm hay Lọ Lem cứ phải thử giày heng (cái này mình tự suy diễn).
Anh lính, người thợ săn: thường tượng trưng cho hành động, sự dũng cảm, ngay thẳng

Kết thúc có hậu của chuyện cổ tích thật sự thường là: hoàng tử lấy công chúa, và họ trị vì vương quốc an bình, yên vui. Họ sống hạnh phúc đời đời.

Một đám cưới hoàng gia (royal wedding) mà rượu chảy tràn 3 ngày 3 đêm, cả vương quốc đều ăn mừng rộn rã … là một điều cần có. Nó là sự vinh danh của cái gọi là hạnh phúc thực sự, sự enlightment của toàn thể con người từ body (thể chất vật chất) đến tinh thần (soul) và cao hơn cả là tinh thần, hay linh hồn (spirit).

Bởi vì thế nên cho dù là anh nhà nghèo, hay nàng Lọ Lem, ở cuối truyện, trước khi được lấy công chúa hay hoàng tử, anh ấy hay cô ấy cần được tẩy bỏ mọi sự nhọ nhem, cần mặc quần áo đẹp. Và khi mặc quần áo đẹp vào thì anh ấy hay cô ấy trở nên xinh đẹp y như một hoàng tử hay công chúa, và đám cưới tưng bừng mới diễn ra.

Lại một lần nữa, hãy nghĩ đến hoàng tử, công chúa, hay vẻ đẹp, theo ý nghĩa của nguyên mẫu. Đừng để trí óc phán xét của thế giới vật chất xen vô, theo kiểu: “tại sao phải lấy hoàng tử hay công chúa mới được?”, “tại sao chỉ có hoàng tử hay công chúa mới đẹp, là cô gái nhà nghèo đẹp người đẹp nết vẫn đẹp chứ sao?” … Bỏ qua, bỏ qua nha bà con! Nói tự đáy lòng mình, tui cũng muốn được làm công chúa xinh đẹp hơn là cô nhà nghèo đẹp nết, thề!!!

Sau đám cưới thì có thể có thêm đoạn: “Sau khi lấy công chúa, anh nhà nghèo trở thành hoàng tử. Và khi nhà vua mất, anh lên làm vua, và trị vì vương quốc.” (dĩ nhiên rồi). Kết thúc chuyện cổ tích là chiến thắng oanh liệt của con người, thì nó phải như thế.

Màu sắc:
Màu vàng, để mình kể cho các bạn nghe, mình vốn rất ghét màu vàng, thế mới khộ. Hôm học Module I – Khoá Đào tạo Giáo viên Tiểu học, bọn mình kết thúc bằng vở kịch cả lớp diễn truyện Bạch Tuyết. Bạch Tuyết được cô cho quàng cái khăn lụa màu vàng là mình không thích rồi. Vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của nó mà. Rồi trong truyện cổ tích toàn là vàng, từ tìm ra vàng, rìu vàng là quý nhất, rồi con chim vàng… Vì sao lại phải là vàng? Bởi vì vàng là biểu tượng của sự thức tỉnh (enlightment – cái từ này tiếng Anh nó vẫn hay hơn tiếng Việt, tiếng Việt dịch chưa thoát ý được nè). Ví dụ như chuyện Chiếc rìu vàng, cuối cùng bác tiều phu thật thà được ông thần sông tặng cả rìu vàng (thức tỉnh – phần tinh thần spirit), rìu bạc (tâm hồn – soul), và rìu sắt cũ của bác (cơ thể vật chất – body).

Cho nên mình mới đặt tựa đề note này là Đi tìm vàng trong truyện cổ tích Việt Nam, hôm đó khi cả lớp cùng làm bài tập, mình thật sự cảm thấy như thế. Chúng mình đi tìm vàng, những câu chuyện cổ tích thật sự của dân tộc mình, những câu chuyện có được những hình ảnh nguyên mẫu của một chuyện cổ tích thật sự. Không phải là chuyện dân gian (chuyện dân kể cho nhau nghe), chuyện ngụ ngôn, chuyện sự tích, chuyện truyền thuyết, thần thoại… Một nỗi buồn không hề nhẹ là vì sao truyện cổ tích thật sự, chuyện thần tiên của chúng ta lại hiếm hoi như thế!

“Vàng” trong truyện cổ tích Việt Nam:

Cây tre trăm đốt: Đây là một chuyện cổ tích hiếm hoi, đơn giản, vui tươi có thể kể cho các em nhỏ từ 3 – 5 tuổi.
Cây tre có tới trăm đốt, biểu hiện cho nguồn lực sống (etheric, life force) mạnh mẽ, trù phú, dồi dào.

Thạch Sanh – Lý Thông:
Thạch Sanh: anh ấy thật cường tráng, mạnh khoẻ, nhưng mà thật thà quá đúng không, bị lừa hết lần này đến lần khác. Cho đến khi anh ấy tìm được cung tên vàng, cây đàn tích tịch tình tang…
Ta có nồi cơm nấu ăn hoài không hết: nguồn lực sống dồi dào
Công chúa khi bị bắt về cũng không nói được, cho đến khi nghe được tiếng đàn

Sọ Dừa:
Một chi tiết hay gặp trong truyện cổ tích là một vợ chồng (có thể dân thường, có thể vua, thậm chí là một bà goá) có sự mang thai kỳ lạ. Việc một đôi vợ chồng già, đã qua tuổi về vật chất bình thường có thể sinh con, mà lại mang thai, nhất là theo cách kỳ lạ, là biểu tượng của việc họ sẽ sinh ra một đứa con có sự phát triển về tinh thần (spirit).
Nước (water of life): là biểu hiện của sự sống, đặc biệt là nước thần, nước trường sinh. Trong truyện này là bà lão uống nước trong sọ người/sọ dừa sinh ra đứa con đặc biệt. Nghe tình tiết “uống nước trong sọ người”, người lớn chúng ta, đặc biệt là người kể chuyện (cô/mẹ) mà í ẹ, thì con trẻ nó mới ẹ í. Chứ mình hiểu ý nghĩa cái sọ nơi chứa đầu người là cái gì, mà ta kể bình thường như nó là, thì con trẻ nó sẽ không hề thắc mắc gì đâu nha. Song nếu cô hay mẹ vẫn thấy “ghê”, thì tốt hơn không kể, cứ kể trại đi là uống nước trong sọ dừa, cho nó lành nhé!
3 chị em, và chỉ có cô út ngoan hiền, lấy được Sọ Dừa.
Sọ Dừa sau khi có được tình yêu chân thật thì trở lại thành người.
Con gà trống báo hiệu Sọ Dừa trở về là hình ảnh biểu tượng của sự báo tin, báo thức. (Giống con gà trong truyện Mẹ Holle.)

Lọ nước thần:
Con chim mang lọ nước thần đến cho anh nhà nghèo.
Khi cô vợ tắm bằng lọ nước thần thì trở nên xinh đẹp và cô ấy cũng thông minh ra (bạn à, xinh đẹp là một phẩm chất đáng quý ớ).
Con quạ làm điều xấu: mang hình vẽ cô vợ thả vào cung vua để trả thù.
Anh chồng gánh hành đi tìm vợ biểu trưng cho hành động.
Khi hai vợ chồng đuổi được tên vua tham lam ra khỏi cung thì thay hắn lên làm vua (làm vua là một chuyện cần đạt tới hihi).

Tấm Cám:
Trong truyện Tấm Cám có rất nhiều vàng nhé, từ con chim vàng anh, đến quả thị vàng.
Riêng quả thị thôi, là có hình tròn như hình ảnh của vũ trụ, màu vàng như mặt trời – sự nóng ấm, sức sống, thơm – cảm giác, tượng trưng cho phần tâm hồn (soul).
Các bạn suy ngẫm thêm và tìm thêm giúp truyện cổ tích Việt Nam cũng như cùng giải nghĩa giúp nha.

Ghi chú: các truyện sau rất tiếc không phải là chuyện cổ tích:
Các chuyện sự tích như Sự tích Chú cuội cung trăng, Sự tích hạt lúa (có thể dùng như chuyện thiên nhiên – nature story để kể trong dịp lễ hội).
Chuyện Cóc kiện trời là chuyện loài vật.

1 thought on “Steiner – Tìm “vàng” trong truyện cổ tích Việt Nam”

  1. Chị ơi! em nhớ có đọc một bài phân tích về việc tấm giết cám trong blog của chị, mà tìm lại không thấy, bài có bọ remove không ạ?

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *