“Nếu bạn bắt một con cá leo cây, cả đời nó sẽ nghĩ nó là đồ vô dụng”, câu này nhiều Học viện, trường phái ngày nay có trích dẫn, nhưng khi vào lớp thì vẫn 1 kiểu dạy cho cả lớp.
Người bác sĩ có thể khiến cho trái tim một bệnh nhân đập lại, nhưng người giáo viên là người chạm vào trái tim học sinh và khiến cho nó sống.
Giáo dục Waldorf Steiner khác biệt thế nào?
Thứ nhất, cái này thật sự mM tự nhận thấy các trường nước ngoài đều có, giáo viên sẽ dạy theo các hướng dẫn khung, còn tự sáng tạo giáo án tuỳ theo trình độ và tính cách của các em học sinh trong lớp mình.
Thứ hai, người giáo viên áp dụng phương pháp dạy “3 cửa sổ”, tức là mỗi lớp thông thường sẽ có ba trình độ học: nhóm học vượt trội, nhóm học mức bình thường, nhóm hơi chậm hơn. Người giáo viên với nội dung cốt lõi chung, ví dụ bảng nhân 3 trong giờ Toán, song sẽ cho mỗi nhóm bài tập theo trình độ. Ví dụ, nhóm học trội sẽ được viết tiếp bảng nhân 3 sau khi đã làm xong bài tập chung, có thể đến 300 hay 3000 gì đấy, tới khi hết giờ thì thôi (có bạn ham quá làm suốt trong giờ nghỉ giải lao, cô phải nhẹ nhàng yêu cầu bạn chuyển qua giờ học kế tiếp í). Nhóm học bình thường thì theo trình bình thường. Nhóm học chậm hơn sẽ được cô kèm kỹ hơn, có thể là một kèm một. Đây là ví dụ sơ đẳng nhất, còn các bài tập thực hành cho học sinh thì muôn hình vạn trạng qua các trò chơi, các giờ sinh hoạt vòng tròn, các câu chuyện kể, các bài hát. Với chương trình học đa dạng rất nhiều môn trên nhiều lĩnh vực và dưới nhiều hình thức, mỗi học sinh sẽ nhận ra, mình có thể nhanh hơn trong môn này nhưng lại chậm hơn trong môn khác. Các bạn nhanh hơn có thể dành thời gian giúp các bạn chậm hơn hiểu ra vấn đề khi đã học xong bài mình mà vẫn còn thời gian. Đặc biệt, không bao giờ có khái niệm “giỏi hơn, dở hơn, chậm hơn, nhanh hơn” trong lớp. “3 cửa sổ” chỉ mình cô giáo hiểu, các học sinh sẽ không bao giờ thấy đó là vấn đề. Cho nên, mỗi cách nói chuyện, đề nghị, cử chỉ, cư xử của cô giáo đều phải tinh tế và tôn trọng sâu sắc các em học sinh.
Học sinh học Steiner đích thực, không bao giờ có câu: “Con học giỏi nhất lớp đó mẹ!”, hay “Bạn A học dở lắm!”. Tất cả đều khác biệt, duy nhất và tài giỏi theo cách riêng của mình.