Steiner – Lũ học trò nó thích học

Một trong những điều khác biệt nhất của những đứa học Steiner, đó là: chúng nó THÍCH HỌC.
Khi nói về một nền giáo dục không có chấm điểm, không tưởng thưởng, không trừng phạt. Lẽ dĩ ngẫu ai cũng phải buột miệng mà hỏi rằng: “vậy làm sao để bắt chúng nó học.” Ừ thì, chúng nó học vì chúng nó thích học? Nghe thiệt là khó tin! Làm sao mà bắt chúng nó thích học được!
Nghe thật ngược đời, nhưng nếu chúng ta đi ngược lại cội nguồn của mọi thứ. Thì … vì sao chúng ta học? Học để biết, học để phát triển, học để trải nghiệm, học vì chính bản thân chúng ta. Đúng không ạ? Khi mới sinh ra, đứa con nít bản năng là hào hứng học ăn, học nói, học đứng, học đi … Dĩ nhiên là nếu để chúng nó tự nhiên, đừng có ép nó ăn, đừng có tập cho nó nói, hay đi đứng khi nó chưa sẵn sàng. Nếu không ép, không la mắng, không vỗ tay vô duyên (chuyện đương nhiên mà, ai cần vỗ tay để thành phản xạ có điều kiện chớ!), thì đứa con nít có té lên té xuống, nó cũng sẽ tập cho đến khi nó có được điều nó muốn trong đời.
Thôi quay về chuyện cụ thể, mình cũng đã từng ngồi ngẫm nghĩ làm sao để đứa học sinh Steiner nó thích học, trong cái xã hội hầu như ai cũng sợ, chán, ghét, kinh hoàng sự học? Rồi thì, từ từ, thấy rằng, người giáo viên Steiner, trong lớp làm từng việc một, từ lau cái bàn, ủi cái khăn, quét cái nhà, hết sức conscious (đặt để trọn vẹn tâm thức vào việc mình làm) … không phải để cho học sinh nó thấy, nó học theo, mà làm vì chính bản thân mình. Khi người giáo viên làm mọi điều với niềm vui ban sơ, thuần khiết từ thởu ban đầu, làm vì mình thích làm điều cần làm, đứa trẻ sẽ cảm nhận điều thật thà giản dị đó. Giáo viên thích, mắc gì nó không thấy hay mà bắt chước. Cô giáo làm toàn tâm toàn ý, now and here, mắc chi nó không đòi làm theo cho bằng được. Từ chuyện nhỏ xíu mỗi ngày, rồi dần dần đến chuyện to tát hơn, như chuyện làm việc nhà, chuyện học để biết làm việc, học để biết đọc, biết làm toán… ôi thật là vui sướng và mê say.
Đó là còn chưa nói đến rất nhiều điều khác, như cha đẻ của nền giáo dục Steiner đã đưa ra những giai đoạn phát triển của trẻ, rất cụ thể và rất có lý. Có thể một số cái những người vô thần (như tui ngày xưa, thiện tai) sẽ cắc cớ “bằng chứng khoa học đâu?” Dạ thưa các bạn, có phải là rất nhiều điều, khoa học ngày nay mới bắt đầu lý giải được hay không, chẳng hạn việc chúng ta đi đâu sau khi chết, hay tế bào ung thư sợ nhất tình yêu thương? Người giáo viên thực hiện theo đúng sự phát triển của trẻ, right thing at the right time (làm điều đúng vào thời điểm đúng), và age appropriate (phù hợp lứa tuổi trẻ) … cùng rất nhiều điều khác, thì đứa trẻ học trong trường Steiner, cũng tự nhiên như việc thở, việc ăn, lấy gì không thích nhỉ?
Một đứa trẻ đã học trường Steiner, sẽ luôn nhìn mọi điều, mọi thứ với một cái tâm rộng mở, một niềm say mê khám phá vô bờ bến, một niềm vui được tìm hiểu, học hành, vận động … cho đến cuối cuộc đời. Hầu hết những người giáo viên, những bà tiên đối với mình, khi trả lời câu hỏi “cô nghĩ nền giáo dục Steiner cho cô điều gì quan trọng nhất?” – “cho tôi tin tưởng vào chính mình, rằng tôi có thể làm được mọi điều mà tôi thích.”
Ví dụ cụ thể từ bạn Táo nhà mình nhé, một điều rất nhỏ bé thôi! Hôm nay học làm thủ công, mặc dù với trình dạy của cô, thì chúng mình đứa nào cũng hí hoáy làm, đến quên giờ nghỉ, và ăn trưa vội vàng để vào làm tiếp (mặc dù cô không thích đâu, sinh hoạt phải đúng nhịp điệu mới tốt được), song có bạn vẫn còn lo ngại “lũ trẻ có chịu làm không, nhất là con trai!” Đây, trai đúng là trai, một bạn Táo quậy như giặc, khó mà ngồi yên, giờ ngồi đan mê mải làm hoa làm quần áo cho búp bê cho em gái. Cũng may có các cô ở trường dạy ảnh, chứ mM chưa có làm được (học thì chậm, lộn tùng phèo phương hướng, mà không có thời gian ngồi tập tành). Tối nay mM về ngồi lụi hụi làm sai miết, Táo thương tình ngồi đan giúp. Rồi anh Nhím, 13 tuổi nhé, chưa từng học nữ công gia chánh, thò cái đầu vô hỏi: “Dạy Nhím làm được không? Để Nhím làm mỗi lúc chán, không có việc gì làm! Ước gì ở trường Nhím dạy mấy cái có ích này, Nhím mong mãi mà giờ toàn học thuộc lòng!” Vâng, hoàn toàn tự nhiên, hoàn toàn tự động. Bạn Táo còn tự dưng bảo “mình phải tập trung, đan mới không sai heng!” Vì bạn của anh Nhím lên nhà, ngồi mê mải coi Táo đan rồi hỏi chuyện nên Táo trả lời và đan lộn mũi. Bạn anh Nhím cũng là con trai, vào thấy Táo ngồi đan hỏi làm gì đó, rồi mê mải ngồi ngắm. Có lẽ người duy nhất tỏ vẻ kỳ lạ, có chút phê phán là một cô nhìn thấy mM và Táo cầm len, cầm ruy băng đi vào thang máy chung cư lúc về nhà mà thôi. Vâng, ví dụ vô cùng nhỏ nhoi và đơn giản, xin hết ạ!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *