Steiner – Kể chuyện cho các con nghe

31/08/2016

Các con rất ngoan.

Đi chơi ở cạnh các con cả ngày, dĩ nhiên đủ chuyện hỉ nộ ái ố xảy ra. Nhưng tịnh tâm thì thấy, các con đều rất ngoan. Đến mức mình nghĩ, hư đúng là do người lớn.

Các con rất mở, rất tự nhiên, ngây thơ và trong sáng. Các con chỉ đơn giản là ngấm, nhận, thu … mọi thứ từ môi trường bên ngoài. Dĩ nhiên, có vài thứ không biết từ đâu ra, thì đành đổ tại định mệnh, tiền kiếp gì đó, song rất ít.

Các con quả thực rất cần nhịp điệu. Đi chơi thì nhịp điệu khó mà giữ như mọi ngày ở nhà, thế là các con có biểu hiện mệt buổi sáng (do ngủ chưa đủ), cẳn nhẳn trong ngày (do tới giờ ăn ở trường, thường rất sớm, mà đi chơi thì chưa tới giờ ăn), và cực kỳ cáu bẳn lúc chiều muộn (do quá mệt). Cho nên, các con có lỡ hư đều có lý do cả. Còn lại, dĩ nhiên là vui nổ trời, vui vui lắm lắm!

Nhịp điệu thể hiện càng rõ ở bé nhỏ. Đơn cử như việc kể chuyện. mM kể chuyện cho bạn Zoom 3 tuổi, bạn Cỏ 5 tuổi, bạn Táo 7 tuổi, và có cả Nhím chầu rìa 13 tuổi. Ngày đầu tiên, bạn Zoom còn loi nhoi, mM ôm luôn bạn trong lòng. Bắt đầu bằng bài hát kể chuyện của Thỏ Trắng:

“Giờ kể chuyện đã đến rồi, em ngồi yên nghe nhé.
Câu chuyện ngày xa xưa, giấc mơ đẹp như thơ.”

Đến ngày thứ hai, Zoom hát theo. Ngày thứ ba, Zoom hát cùng. Ngày thứ tư, Zoom sang phòng và hát để nhắc mM kể chuyện. Ngày thứ năm, Zoom ngồi vào chỗ là hát nguyên bài. Yêu gì đâu!

Ngay cả chỗ để kể chuyện cũng vậy. Tối hôm qua, vì có việc, mM chuyển sang phòng của Zoom để kể chuyện. Zoom ngồi mãi bên phòng mM chờ, vì nghĩ rằng kể chuyện phải là ngồi ở đây cơ mà, thương thế!

Tiếp đến, điều quan trọng nhất, câu chuyện, khi đi học giáo viên, hầu hết đều nghi ngại khi cô nói kể chuyện cho các con mẫu giáo, càng nhỏ thì kể một chuyện càng lâu, có thể là 2 – 3 tuần, thậm chí cả tháng trời. Chúng tôi đã nghĩ, vậy thì trẻ chán lắm. Cô giáo bảo, vấn đề của xã hội ngày nay là tính giải trí và tiêu dùng, cứ thêm cái mới, nhiều hơn, nhanh hơn. Trong khi trẻ cần nhịp điệu và sự lặp đi lặp lại, để cảm thấy bình yên, an ổn, để những điều tốt đẹp (như truyện cổ tích), có thể đi vào sâu bên trong, nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm của các con.

mM đã kể câu chuyện Cáo và Gà trống. Ngày đầu tiên, Zoom còn nhoi lắm, đến khoảng 1/3 truyện là muốn nhảy ra khỏi lòng của mM để loi choi. mM phải dừng lại, nhắc, và kể chậm lại, nói chung là phải nỗ lực để “ôm” được bạn trong 1 câu chuyện. Dĩ nhiên, chuyện này vẫn còn khá “lớn” cho bạn vì bạn còn dưới 3 tuổi. Bởi vì có các anh chị lớn ở bên cạnh để giúp “giữ” cho bạn theo mạch truyện nên mM mới kể chuyện này.

Ngày thứ hai, Zoom ngồi yên (không ở trong lòng mM) nghe đầy đủ câu chuyện, bắt đầu mở tròn to đôi mắt.

Ngày thứ ba, mM nghĩ chắc các con cũng chán, thôi ở nhà, mM “vượt rào” kể chuyện khác, Nồi cháo ngọt. Zoom ngồi yên lặng nghe. Nhưng ngay khi mẹ dứt lời kể, Zoom nói rất tự nhiên: “Cáo và Gà Trống”. Vậy là hiểu, mặc dù quy tắc là chỉ kể 1 lần 1 chuyện, mM coi như xé nháp vụ truyện Nồi cháo ngọt, và kể cho Zoom nghe lại chuyện Cáo và Gà Trống. Khỏi nói là Zoom vui đến thế nào, ngồi ngoan ngoãn nghe từ đầu đến cuối, mắt mở to đen như hạt nhãn chăm chú nhìn vào mắt mM.

Ngày thứ tư, dĩ nhiên Zoom sang là hỏi chuyện “Cáo và Gà Trống”. mM coi lại truyện nguyên bản, thấy mM kể sai câu “mùa hè đến, nhà Cáo tan thành nước”, nên sửa lại cho đúng “mùa xuân đến..”. Ngay lập tức, Zoom, Cỏ và dĩ nhiên, Táo sửa ngay: “mùa hè đến…”. Ôi thôi, đành phải tiếp tục kể phiên bản lỗi của mM chứ biết làm sao! Và dĩ nhiên, bất kỳ câu nào, tình tiết nào mà mM lỡ quên, lỡ nói lộn, là các anh chị ấy sửa ngay không cần thắc mắc.
Ngày thứ năm, Zoom phấn khích khi nghe tới những chi tiết quen thuộc, bạn vung tay, nhăn trán, mỉm cười … phụ hoạ theo câu chuyện. Đến đoạn cuối, bạn thở phào, vui vẻ gật đầu theo, một cách rất hài lòng và thoả mãn.

Hơn bao giờ hết, mM thấy mình mới là người được tặng quà. Và thấy rằng, những gì cô giáo dạy, những gì Rudolf Steiner giảng đã 100 năm qua, hiển hiện rõ rành và sống động.

Với bạn Cỏ 5 tuổi, cũng tương tự, bạn rụt rè xin mẹ kể lại chuyện Sếu và Cò đến ngày thứ ba, mãi khi anh Táo xin nghe chuyện Công chúa Lốm Đốm thì bạn mới tạm quên chuyện Sếu và Cò. Dù trong lòng mM hơi ngại các bạn thấy chuyện Sếu và Cò khá đơn giản. Anh Nhím thì tự thấy và nhận xét, tại sao không có lúc nào có con nào dẹp được tự ái để nhận lời nhau vậy. Bạn Táo còn “chua” thêm, đến khi 2 con già lọm khọm, vẫn còn lụm cụm đi sang xin cưới nhau. Rồi đến khi thành ma, thì bóng ma cũng bay qua bay lại trên đầm lầy hỏi nhau đấy ặc ặc.

Và khi các em đã về nhà ngủ, Nhím và Táo còn nghĩ ra việc lần lượt kể chuyện cho nhau nghe. Vậy là Táo kể chuyện, những chuyện con đã được nghe. Nhím kể lại truyện trong cuốn Nói trạng con đang đọc. Rồi khi nghe các con kể chuyện, lòng mẹ lại reo ca. Vì nhận ra tính cách của các con, điều mà các con nhớ qua câu chuyện thật lạ lùng, cả cách kể tuyệt hay của các con nữa.

Vậy nên, kể chuyện là một liệu pháp chữa lành tuyệt diệu, dĩ nhiên, là cả một nghệ thuật. Vì vậy, xin đừng lãng quên.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *