Steiner – Healing stories (câu chuyện chữa lành)

Healing story (tạm dịch câu chuyện chữa lành). Từ “chữa lành” chuyển ngữ cho healing chưa phải là từ dịch đúng và đẹp, vì “chữa” nghe vẫn giống như việc phải sửa đổi, cắt bỏ, diệt trừ …, trong khi healing, theo đúng từ nghĩa gốc của nó là việc “làm cho trở về thể toàn vẹn hoặc cân bằng”.
(Lưu ý, note này mình viết ra theo phần hiểu của mình từ bài giảng của cô Kathy dạy khoá đào tạo giáo viên mẫu giáo Steiner, Module 3, cộng thêm cả cảm nhận của riêng mình nhé, phần cảm nhận của mình viết chữ in nghiêng nha. Note cũng còn có nhiều từ tiếng Anh, lý do không phải mình khoe, dĩ nhiên, ai ngu khoe lộ liễu zị, mà vì từ mình dịch nhiều khi chưa bao hàm hết ý, mình viết tiếng Anh cho các bạn dễ tham khảo hơn nha).
Nếu đã nắm vững quy luật vũ trụ, bạn hiểu là không có đúng hay sai, đó chỉ là một khái niệm của chủ nghĩa phân cực. Còn trong một thời khắc nào đó trong vũ trụ này, có thể có một hành động chưa phù hợp với thời điểm nào đó, nơi chốn nào đó. Chẳng hạn, nếu các con chạy giỡn rần rần vào giờ nghỉ trưa, đó là một hành động không phù hợp thời điểm (hoặc cả nơi chốn, nếu các cô đưa ra ranh giới là không được chạy giỡn trong lớp).
Một phần nhỏ vừa liên quan đến việc kể chuyện (story telling), vừa liên quan đến kỷ luật sáng tạo (creative discipline) của nền giáo dục Steiner, đó là những câu chuyện healing. Ngoài những câu chuyện tuyệt hay có tính chất healing trong kho tàng truyện cổ tích (fairy tales), cô giáo có thể tự sáng tác nên những câu chuyện healing để transform (chuyển hoá) challenging behaviours (những hành vi chưa phù hợp/chưa cân bằng). Cô giáo phải luôn tâm niệm rằng không có đứa trẻ hư hay đứa trẻ ngoan, mà chỉ có hành vi chưa phù hợp hay chưa cân bằng.
Việc sáng tác healing story để có thể thực sự chữa lành còn phải tránh xa không chỉ việc giảng đạo, dạy đời, mà còn tránh luôn cả kiểu chuyện nguyên nhân – kết quả, chẳng hạn “nếu con không nắm chặt tay mẹ, con sẽ bị lạc và sẽ bị bắt cóc”. Chúng ta người lớn còn chả muốn làm theo điều người khác bắt chúng ta làm, dù che đậy khéo léo dưới bất kỳ danh nghĩa nào đi nữa. Vậy thì đừng đánh giá thấp trẻ con, càng nhỏ trẻ càng nhạy cảm với cảm giác của người lớn, với mọi hành vi muốn cải tạo, thúc ép, cưỡng chế hay tương tự như thế.
Và luôn luôn, như trong bất kỳ hoạt động nào của Steiner, phải do right thing at the right time (làm đúng việc vào đúng lúc) và phải lưu ý bảo đảm age appropriate (đúng độ tuổi). Việc trẻ ở độ tuổi nào, phát triển như thế nào (về cả tâm sinh lý và cả tình cảm, linh hồn), thì Steiner có đưa ra vô cùng cụ thể (sẽ tóm lược trong note khác nha, tránh loãng đề tài).
Tương tự, bạn không tập trung vào cái không cân bằng, không phù hợp, mà phải tập trung và điều tích cực (cân bằng, phù hợp, cái mà bạn muốn trẻ làm).
Câu chuyện của bạn chỉ miêu tả chính xác những gì đang xảy ra, sau đó tiếp tục phản ánh bằng hình ảnh điều bạn muốn trẻ trở thành. (Quên hết việc giảng “mo – ran”, giảng giải, kể lể … các thể loại nha – các bà mẹ nói nhiều như tui).
Có thể đưa ra một công thức sơ lược để giúp bạn dễ dàng hơn trong việc viết câu chuyện chữa lành, chẳng hạn như ở hình phía trên. Bạn cần 4 thành tố chính sau đây:
Vấn đề (chẳng hạn hành vi không phù hợp – nhút nhát, hay lo sợ cho đến bắt nạt, nói dối…, khi gia đình có chuyện như ba mẹ li dị, có người thân mất …)
Phép ẩn dụ (thường dùng nhất là hình ảnh ẩn dụ, hình ảnh phải là hình ảnh tưởng tượng)
Câu chuyện/Chuyến phiêu lưu
Giải pháp (đây là yếu tố chính của giáo dục Steiner, bạn phải nêu ra biện pháp thay thế cho hành vi bạn cho là không phù hợp).
Ví dụ: vấn đề là “không chia sẻ”, chuyện cổ tích có Ông lão đánh cá và con cá vàng (bà vợ ích kỷ, tham lam), một bạn trong lớp thì nghĩ ra câu chuyện về một đám mây không muốn cho đi những giọt mưa mát lành cho đến khi nó nặng nề không thể bay đi nổi (phép ẩn dụ, hình ảnh ẩn dụ). Hình ảnh ẩn dụ nên chọn những thực vật, động vật mang cá tính tiêu biểu cho vấn đề đó, chẳng hạn kể về cô bé hay cấu nhéo, có thể chọn con cua, về cô bé hay sợ hãi – bông hoa violet, về người bà mới mất – con bướm (chuyển hoá con sâu để thành con bướm). Về câu chuyện, chuyến phiêu lưu, tuổi càng nhỏ, phần này càng cần đơn giản, không phức tạp. Giải pháp luôn là hình ảnh ẩn dụ, cần bỏ ngay và luôn các câu theo kiểu “và kẻ ác đã bị trừng phạt”, hoặc “thế là đáng đời tên tham lam” …
Bạn tham khảo Healing story for challenging behaviour, tác giả Susan Perrow (một chuyên gia, cô giáo Steiner), NXB Hawthorn Press, early years series .

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *