Bài này để giãi bày ý kiến hoàn toàn cá nhân của mM, ở tư cách phụ huynh Steiner (mình chưa vào làm ở trường nha các bạn).
Đây, sự thực về Táo, mình không giờ muốn “sống ảo”! Táo là một bạn rất dễ bị gắn mác “bạo lực”. Bạn nóng tính, có xu hướng giải quyết xung đột bằng nắm đấm, cái đá. Bạn cá tính, luôn muốn mọi việc theo ý mình, nếu người lớn góp ý bạn phải thế này thế kia, bạn có vẻ kiểu “ủa, mắc chi, đó đâu phải là điều tôi muốn!”
mM đã viết nhiều trong notes Thuần hoá chính mẹ, rằng mM đã phải thay đổi rất nhiều, và giúp Táo thay đổi rất nhiều, kết quả đã có rất nhiều, và tiếp tục còn rất nhiều điều để tiếp tục thay đổi. Nó cũng giống như Chuyện cổ tích không bao giờ kết thúc, đó là một hành trình không bao giờ kết thúc của mẹ và con. Vụ này riết rồi cũng quen nên bớt nản, cứ chữa được 1 lớp này thì 1 lớp sâu hơn sẽ nổi lên. Mà bạn Táo thì, đôi khi kể ra nhiều quá, mẹ và cô, hoặc mẹ và những người khác trong nhà, sẽ phải thốt lên: “Sao mà nhiều thế, xử lý cái nào trước đây?” Trung bình 3 tuần cho một hành vi (với 3 tháng để thay đổi nó) lận cơ mà.
Notes này chắc chắn vẫn chưa nói hết được, sẽ chỉ đề cập một khía cạnh thôi. Cố gắng nói làm sao ngắn và vẫn đủ phần nào đó.
Ngày Táo mới vào học ở trường Thỏ Trắng (học vài tháng hè để sau đó vào lớp 1), mM đã thở phào và nghĩ “thế là ổn, đã tìm được chỗ cho con hạnh phúc” (kiểu kiểu thế). Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, thì liên tiếp những tin tức không vui ập đến. Nào là cánh tay của cô giáo Thao Nguyen đã đầy vết cắn, vết cào của Táo (vì biện pháp của các cô là sẽ ôm lấy bạn nào mất bình tĩnh để giúp bạn có tình yêu và bình tĩnh lại). Nào là Táo đánh bạn đến nỗi các bạn còn lại trong lớp đều có lúc về nhà nói với ba mẹ hoặc ba mẹ tận mắt nhìn thấy và “tỏ ra quan ngại” rằng không muốn môi trường học tập của con mình có một bạn bạo lực như vậy, sợ con bị ảnh hưởng. Nào là Táo không chịu nghe lời cô (vụ này có từ thời bé thơ, sổ liên lạc mẫu giáo có lần mM post lên đã nhận được lời bình “anh ấy chống đối trên mọi mặt trận”) … Nhiều lắm nhớ không hết.
Lúc đó, mM cảm thấy thế nào? Cảm thấy muốn bệnh! Lý do, nghĩ ngợi chẳng lẽ mình đã chọn sai cho con. Vì sao điều mình nghĩ là tốt nhất lại dẫn đến kết quả như vậy. Mình trò chuyện nhiều với cô, và dĩ nhiên ban đầu cái sự tự ái nó dễ dẫn đến rất nhiều khó khăn cho cả 2 bên. mM không thể hiểu vì sao trước đó, Táo học mẫu giáo ở một trường tư khác, mọi việc không hề tệ hại đến như thế. Mặc dù cô giáo rất hiền, rất dễ thương, không đánh mắng Táo bao giờ, không kỷ luật hà khắc, tuy là cô vẫn rất nghiêm và đã “trị” được Táo. Không có chuyện đánh bạn, đánh cắn cô như thế.
Ngày đầu vào Thỏ Trắng, Táo ngoài chuyện đánh nhau với một vài bạn trai đồng lứa (đánh nhau đến mức đập đầu, bóp cổ … kiểu thế), còn quất luôn cả bạn gái, và dớt luôn em nhỏ. Ôi chao, nghe mà ba máu sáu cơn của mẹ mìn nổi lên. mM không chấp nhận, một là nói dối, hai là làm đau người khác. Đã có những lúc mM thấy Táo đánh người khác, mM đã xách cổ Táo lên (đúng kiểu người ta xách gáy con mèo) hoặc đè Táo xuống cứng ngắc cho đến khi Táo hiểu việc bị đàn áp là như thế nào (nghĩ lại kinh dị thật!). Các cô trong trường mà ôm Táo, chỉ có vài cô là ôm nổi, vì Táo rất khoẻ, tay chân nặng và chắc. Táo có khi giãy mà cô té luôn. Đã có lúc có cô quá bức xúc mà phải nói chắc mM rước Táo về nhà cho Táo bình tĩnh lại đi (tách khỏi các bạn khác, để chính Táo được lợi).
mM đã suy nghĩ rất lung, vì sao lại thế? Phải chăng vì vào Thỏ Trắng, môi trường Steiner, tất cả là tình yêu thương, như một môi trường nước quá trong, thì mọi thói xấu sẽ hiện rõ mồn một. Khi tất cả mọi thứ đã có thể lắng lại, thì đá sẽ hiện ra? Khi một tầng được chữa lành, bóc ra, thì tầng khác từ sâu bên trong sẽ bộc lộ? mM đã không muốn Táo bị bẻ gãy ý chí, đồng hoá hoặc ngược lại, được cưng (vì đẹp trai và thông minh, cái này phải công nhận) thì càng nổ nòi thói xấu nếu vào trường công. Song khi vào Steiner, một chiến binh cầm gươm giáo lao vào một ngôi làng chỉ có hoa và bướm, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bà con táo tác chạy loạn, con trẻ học đòi theo bạo lực, trật tự đảo lộn, thế giới đổ nát? Những đứa trẻ khác học theo tính bạo lực để sinh tồn, hay bị tên bạo lực bạo hành liên tục? Nếu cô giáo không xử lý được tên bạo lực, thì đuổi cổ hắn ra khỏi trường? Hay vì tình yêu thương phải giữ lại để giúp hắn, thì những đứa trẻ khác hoặc phải chịu đựng, hoặc bị ảnh hưởng, hoặc phải bỏ trường mà đi?
Thật sự, mM trước khi quyết cho Táo vào lớp 1 Steiner, có nghe bạn phản ánh là trên mạng cũng có rất nhiều bài anti (chửi) Steiner ghê lắm, thì đã tìm đọc thử. Hầu hết các bài mM đọc rồi cười, vì mM đã hiểu và vượt qua những cái đó trước khi chọn Steiner. Tuy nhiên, có 1 bài mM đọc rồi bị ám ảnh. Bài của một cô giáo đã vào dạy trường Steiner rồi sau đó ở trọ chung với 2 mẹ con (mẹ là giáo viên, con là học sinh) Steiner. Cô ấy nói sau hơn mười năm, cô ta vẫn không tiêu hoá nổi Steiner. Nào là giáo viên bảo vệ trẻ khỏi công nghệ đến mức nói với trẻ máy photo là do có một thần lùn ngồi ở trong để giúp sao chép giấy tờ, nào là cho trẻ chơi tự do không coi sóc với lý do bảo rằng thiên thần đang trông nom chúng… Song ám ảnh mM nhất là cô ấy kể một câu chuyện về một đứa trẻ chuyên bắt nạt những trẻ khác trong trường, song các cô cứ để tự nhiên. Đứa trẻ đó đặc biệt bắt nạt một đứa trong lớp, đến nỗi đứa bị bắt nạt bị rối loạn tâm lý và ba mẹ sau nhiều lần nói chuyện không được, đành chuyển trường cho con. Rồi lập tức thằng bắt nạt lại tìm được một nạn nhân khác trong lớp. Nghe quá kinh khủng đúng không?
Quay trở lại chuyện bạn Táo, mM đã xử lý chuyện của Táo như thế nào? Steiner thật sự đã thay đổi cả gia đình mM, không chỉ Táo. mM thay đổi con người mình, thay đổi sinh hoạt gia đình (cả nhà đi ngủ sớm hơn), bỏ TV ra khỏi nhà, có thời gian đã cắt internet ở nhà (bây giờ ở nhà làm việc rồi nên phải mắc lại), đọc truyện cho con nghe mỗi đêm (bây giờ đang chuyển qua kể chuyện), ăn thức ăn sạch, tìm hiểu về tinh thần, tâm linh một cách triệt để. Hơn bao giờ hết, mM hiểu mọi việc phải bắt đầu từ bản thân mình. mM phải làm việc cùng Táo để giúp Táo cân bằng và hoàn thiện. mM phải tìm cách làm việc được với cô giáo, với các phụ huynh khác, với một tình yêu chân thành, sự cảm thông sâu sắc và lòng biết ơn vô bờ bến (còn gì, khi con mình đánh con người ta như đánh bị gạo!!!). Dẹp bỏ mọi tự ái (kiểu phải có lý do gì thì Táo mới điên lên mà đánh chứ, trách Táo chứ đã trách con mình chưa v.v…).
Nói cho cùng, rất may mắn, bạn Táo thật sự là người tình cảm, cực kỳ tình cảm, biết lý lẽ và rất thông minh, và có lẽ ai cũng thế, là luôn hướng đến cái thiện. Trả lời vì sao bạn bạo lực, nguồn gốc bạo lực đến từ đâu? Đồng ý là rất nhiều nguồn cơn bạo lực đến từ mẹ (mẹ là Thiên thượng hoả, màu cam chiến binh, là chiến binh xuyên nhiều đời). Tuy nhiên, có rất nhiều hành vi của bạn không biết đến từ đâu, một số kiểu đánh đấm vô tội vạ, vào chỗ hiểm chẳng hạn… thôi thì đổ thừa tiền kiếp vại hehe. Bạn Táo cũng có nhiều ký ức bạo lực từ tiền kiếp (thiền timeline thấy thế, và mM cũng đã xin chữa miệt mài theo khả năng), cô giáo coi chiêm tinh cũng thấy nội dung gần như thế. Dĩ nhiên câu trả lời gần như huề vốn, theo kiểu hên xui, trúng đâu thì trúng. Có một số thứ ta thấy được bằng mắt thường, và một số thứ ta chả hiểu vì sao?
Vậy là có trình bày đôi nét về nguyên nhân, triệu chứng, giờ đến biện pháp và phòng ngừa. Xin thưa, biện pháp thì mẹ “tu tập” cho bản thân, rồi hợp tác hết mức với cô giáo, với phụ huynh khác với tinh thần cầu tiến hết mức có thể, rồi tiếp tục “có đâu xử lý đó” với mọi cách đã học được (ví dụ hiện tại là câu chuyện chữa lành, kỷ luật sáng tạo của Steiner). Phòng ngừa thì cũng vậy, môi trường trong lành, nhất quán, không bạo lực tại nhà, mẹ hiền lành, duyên dáng hết sức có thể.
Giờ trả lời câu hỏi, vậy nếu đứng ở vị thế của những phụ huynh khác có con hiền lành bị một thằng bạo lực vào bắt nạt hoặc làm hư con mình (vì khiến con mình học theo tính bạo lực) thì sao? mM chắc đã từng có chút ít cảm giác này, vì Nhím, anh của Táo thì ngược lại, cực kỳ hiền lành, tốt bụng, bao dung đến có khi nhút nhát. mM đã dạy Nhím theo khả năng của mình các kỹ năng tự bảo vệ tình cảm cho bản thân, làm sao để có lòng tự tin, không cho phép người khác làm đau mình. Và đương nhiên, việc gì thì mẹ cũng phải làm gương trước. Ví thử Nhím bị bạo hành liên tục hay bắt đầu có hành vi xấu vì người bạn không phù hợp đó, chắc mM thôi thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào” xin thầy cô đổi chỗ cho con ngồi xa bạn đó ra (song chuyện này chưa từng xảy ra).
Đi thẳng vào câu hỏi, vậy nếu đó là một lớp Steiner chỉ có vài bạn, và con mình đã bị ảnh hưởng mất rồi, mình thì vừa thương Steiner, vừa thích trường, mến cô (chỉ không biết làm sao với mỗi thằng bạo lực kia) thì sao? mM nghĩ đó sẽ là lựa chọn của mỗi bà mẹ vì cách dạy con đúng nhất chính là cách của mình, luôn luôn.
Không có gì là hoàn hảo, kể cả khi triết lý giáo dục Steiner là hoàn hảo, thì khi thực hành, thực hiện cũng không thể nào hoàn hảo. Câu chuyện mà cô giáo kia chia sẻ, về việc trường Steiner đó đã không làm gì cả, mM xin đưa ý kiến của bản thân. Chia sẻ của cô giáo đó là từ cảm giác cá nhân, cũng có thể là có phần sự thật về một vài cô giáo áp dụng máy móc và cực đoan, hình thức mà không bản chất của giáo dục Steiner. Xin thưa, trường Steiner không phải là cái chợ, nơi đứa trẻ muốn làm gì thì làm. Hoàn toàn không! Kỷ luật của Steiner là kỷ luật sáng tạo, mM sẽ tranh thủ thời gian viết notes về đề tài tuyệt vời này. Một đứa trẻ học Steiner được đúng kiểu, sẽ phát triển ý chí và kỷ luật mạnh mẽ, cứng rắn như kim cương, và từ trong bản thân con người. Một trường Steiner đúng mực là nơi mọi cá nhân, mọi đứa trẻ được bảo vệ an toàn, đối xử công bằng trong tình yêu thương. Cô giáo có nhiệm vụ bảo đảm cho điều đó được thực hiện.
Cô Kathy khi dạy lớp đào tạo giáo viên Steiner đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn sau gần 30 năm dạy mẫu giáo của mình. Một hành vi cần 3 tháng để thay đổi, chỉ sau 3 tháng, đứa trẻ đó có lẽ cần được gặp chuyên gia chuyên sâu hơn. Và trong 3 tháng đó, những đứa trẻ khác trong lớp, có lẽ sẽ phải cùng đồng hành trong một bài học chung để cùng học với đứa trẻ được gọi là bạo lực chẳng hạn, và dĩ nhiên là cả các phụ huynh. Trong trường hợp (và tiếc thay hầu hết), những đứa trẻ bạo lực khó thay đổi là vì môi trường ở nhà không được có tinh thần như ở trường (Steiner chẳng hạn). Các cô giáo kỳ cựu như cô Kathy, cô Helen, có thể một mình quản một lớp vài mươi bé, có khi có bé hơi rối loạn hành vi, tự kỷ nhẹ nữa. Tuy nhiên, nếu như cô giáo chưa tự tin, trường lớp mới thành lập, thì việc có thêm một đứa trẻ có khiếm khuyết nào đó, sẽ là gánh nặng cho cả cô và các bé khác.
Vậy nên, ở vị trí là phụ huynh của đứa con gây vấn đề, mM chỉ có thể hết sức nỗ lực để giúp con hoàn thiện, để bài học dù có phải học cùng thì “bà con” cũng chịu nổi để mà “học” cùng, không từ chối quay lưng.
Nếu sau này mM thực hiện được ước mơ là chung tay cho giáo dục trẻ em, cụ thể như góp sức cho giáo dục Steiner hay cụ thể hơn nữa là cho Thỏ Trắng, luôn luôn, đối xử công bằng cho mọi cá nhân là mục tiêu hàng đầu. Mọi thứ đều có tính tương đối, thêm bớt thiệt hơn cho vừa, điều chỉnh cứng mềm cho cân, nó phụ thuộc rất nhiều vào cảm tính mỗi người. Chỉ mong cho tình yêu và minh triết đưa đường dẫn lối được cho mình mà thôi.
P.S.: hiện tại bạn Táo bắt đầu có lúc bạn chuyển sang thái cực đối nghịch, bạn khóc khi bạn biết mẹ nghiêm và bạn không thể nào lấn qua ranh giới (hoặc là nức nở không kiềm nổi hoặc là nước mắt lã chã rồi phải vội quẹt qua quẹt lại cho hết đi). Mẹ và cô bạn đã trò chuyện để cùng có những biện pháp đặt ra ranh giới và đưa thuốc (healing story chẳng hạn) cho bạn. Mẹ cũng trò chuyện với những người thân khác trong gia đình để trị bạn. Yêu thương và nghiêm khắc phải đi cùng với nhau (gia giảm thì mẹ cũng đang phải học).
Bạn đang có đợt “linh tinh” (không đến mức “khủng hoảng”) mới. Tối nay bạn đi học về, vừa mệt vừa buồn, mẹ cảm nhận được thế. Lúc đầu bạn chỉ than thở và kèo nhèo, lúc về gần đến nhà, ăn no bụng rồi, bạn mới bắt đầu kể rằng hôm nay bạn vừa buồn vừa giận. Rằng các bạn trên lớp bo xì, không chịu chơi với bạn (mM biết tỏng lý do ra rồi, nhưng bạn cứ bảo không có lý do nên mM tạm bảo để đấy, không đôi co vụ này nữa). Rằng trong giờ Anh văn, thầy phải bế bạn vào lớp và bạn đã cắn thầy. Sau đó bạn khóc rất to đến mức 2 bạn gái trong lớp cũng khóc theo. Bạn đã xin lỗi thầy lúc bạn cắn, nhưng thầy nói không sao. Song khi vào lớp, bạn S. trong lớp làm gì đó, và lần đầu tiên bạn thấy thầy khóc… Bạn im lặng rồi nói “Bây giờ kể lại mà Táo cũng muốn khóc!” rồi đôi mắt to của bạn nó buồn không thể tả, đỏ ửng lên và rưng rưng. Mẹ chia sẻ cùng bạn rồi cùng bàn rằng, thứ hai vào trường con lại xin lỗi và giúp thầy không buồn nữa nhé! Nói chung là một câu chuyện đẫm nước mắt, có mM không khóc ra nước mắt mà khóc ở bên trong.