Các bạn yêu dấu của mình, có một số bạn hỏi về khoá mình đang học. Hiện tại mình dịch cho lớp, lâu rồi không nói nhiều, giờ lại nói liên tục và với niềm sung sướng quá nên cổ họng đang sưng to. Nên mình sẽ viết ra đây để các bạn tiện bề tham khảo nhé! Mình viết theo cảm nhận cá nhân mình, sẽ không đúng mực và chính xác được như lời của các cô hay như cô Thanh giảng sơ ngày hôm qua nha!
Thứ nhất, học khoá này để làm gì?
Dĩ nhiên, đầu tiên là để trở thành giáo viên Steiner. Dưng mà làm giáo viên Steiner cũng khó lắm. Vậy thì trước mắt học để biết mình, biết trẻ, để dạy con, mà chưa có con thì để dạy chính mình. Với mình giờ nghiệm ra được thế này, cách tu thân tốt nhất là đi trồng cây (hẻm phải đi tu nha, đi tu mà muốn tốt thì cũng phải kèm với trồng cây nữa) hoặc trồng người. Cứ quyết tâm đi làm một người giáo viên Steiner thì cuối đời không khác đi mới lạ.
Thứ hai, vậy học làm giáo viên Steiner là học cái gì?
Lý do chính khiến giáo dục Steiner không phát triển rầm rộ như những nền giáo dục khác (lý do vật chất dễ nhìn thấy nhất), là bởi vì người giáo viên Steiner khó đào tạo lắm. Không phải cứ đi học, thi đậu, là thành giáo viên tốt được. Người giáo viên Steiner ngoài việc học (như khoá căn bản ở Úc là 4 năm liên tục, ở Việt Nam chúng mình còn khó khăn nên chỉ mới học có 6 Module, mỗi Module 2 tuần, chia làm 2 Module/năm), hiểu triết lý đồ sộ và toàn diện của Steiner, còn liên tục học và thực hành mỗi ngày cho chính bản thân, và cho từng đứa trẻ trong nhóm trẻ mình dạy. Giáo trình của Steiner không có sẵn bộ sách giáo khoa, bài giảng mẫu, ồ không. Chỉ có một cái sườn và triết lý, còn lại, mỗi năm người giáo viên phải lại làm việc miệt mài để có một chương trình dạy riêng, phù hợp với mỗi học trò của mình vào năm đó, tiến bộ theo sự phát triển cá nhân của mình vào thời điểm đó, và hoà hợp với sự phát triển của cộng đồng, xã hội vào thời gian đó. Ít nhất là ở lớp 1, học sinh không có vở kẻ ô li, giáo viên không có sách. Tất cả được viết, vẽ phóng khoáng trên giấy bản. Đến cuối năm, những tờ giấy bản đó mới được may, đóng lại bằng tay trở thành sách, vở. Nghe có ố ỳe hem?
Ờ, cho nên, vào khoá đào tạo giáo viên chúng ta được học gì? Đầu tiên là khá nhức nhối với các bài giảng về triết lý đằng sau nền giáo dục Steiner, nó gồm những gì? Ờ thì có gì đâu, là sự thật mang tầm vũ trụ, đúng ý nghĩa đó luôn, nghĩa là chúng ta học về vũ trụ này hình thành như thế nào, các hành tinh xoay vần ra làm sao, rồi con người ta hoài thai từ đâu, sinh ra để làm gì, phát triển theo các thời kỳ, giai đoạn cuộc đời như thế nào. Học chi nhiều vại? Ờ thì để hiểu chính mình chứ làm chi, hiểu từng đứa trẻ, nó cần học để làm gì? Học để phát triển chính con người mình, hiểu để giúp phát triển cho trẻ con, cho toàn nhân loại này (bằng cách không phải đi dạy đời ai hết, mà chỉ hỗ trợ, giúp đỡ cho những đứa trẻ, rồi cái đẹp nó sẽ lan rộng, đừng xoắn).
Hôm qua cô Thanh chia sẻ, vào cái bài giảng đầu tiên cho những người giáo viên đầu tiên, cha đẻ của nền giáo dục này, ông Rudolf Steiner, đã nói “Giáo dục là dạy cho trẻ biết cách thở”. Ờ thở thôi mà, hít vào rồi thở ra. Ờ, có chuyện thở thôi mà giờ mình phải học lại, học thiền, học thở. Mỗi bài học, mỗi ngày học trong trường Steiner phải có hít vào rồi thở ra, học hành rồi vận động, ngồi thật yên lặng nuốt từng lời cô giáo rồi chạy nhảy tưng bừng, ở trong lớp rồi ra ngoài thiên nhiên … Nhưng đâu chỉ có thế, là hơi thở tinh thần. Thở sao cho tim mình mở rộng, cho tâm hồn mình hướng lên cao, cho con người mình trở về trong bản thân mình, cũng chính là trở về với Cha Trời, Mẹ Đất, và hoà vào vũ trụ.
Trong khoá học chúng mình được học về sự phát triển của trẻ, tâm lý của trẻ từng độ tuổi, rồi hiểu rõ 12 giác quan (12 lận nha, không có viết lộn đâu). Tiếp đó chúng mình học vẽ (vẽ màu sáp, vẽ màu nước, vẽ chì, và đặc biệt là vẽ phấn trên bảng, cô giáo vẽ bằng phấn trên bảng). Các bạn đã nghe về việc vẽ là thiền phải không? Khi cảm nhận việc vẽ được chuẩn bị nửa tiếng, để vẽ 5 phút, rồi dọn dẹp cũng đâu nửa tiếng, nó phê lắm! Nhất là khi bạn cảm nhận tâm hồn mình đang vẽ, cô giáo hướng dẫn các con về màu vàng vui vẻ tung tăng, ôm lấy màu xanh dương đang buồn thế nào (cô kể chuyện nha, tuyệt đối không có giảng blah blah nha)… Và tất cả từng hành động, từng cử chỉ, từng chi tiết, đều hướng tới tất cả các phần của con người (body – thể chất, soul – tâm hồn, spirit – linh hồn, là tạm dịch như thế, hiểu đúng thì nó còn mênh mông lém).
Học thủ công: đan, học móc, học làm các búp bê, con thú bằng nỉ, dạ. Tất cả phải từ vật liệu thiên nhiên (lụa tơ tằm, vải bông, len từ lông cừu…), nhuộm màu tự nhiên. Những búp bê, con vật phải làm bằng tay, chưa hoàn thiện (chưa rõ mắt mũi, để chừa tự do cho con thoả sức tưởng tượng, vẽ hồn cho nó chớ). Thầy giáo cũng học luôn, rồi trong lớp bé trai cũng học luôn. Bạn có biết ngày xưa việc đan móc là của đàn ông không? Mà thời buổi này rồi, học lọ mọ đan móc chi vại? Ờ, bạn có biết khi đan móc, não mình sẽ kết nối nơ ron tốt hơn, sáng suốt hơn, tinh nhạy hơn, kiên nhẫn, cẩn thận hơn. Ờ, như con Minh nói như bắn súng, nghĩ nhanh như điện, tới hồi học form drawing làm xấu ỉnh, đan lộn hoài nút này nút kia, tự mình phát hiện ra mình phát triển lệch lạc kinh hồn. Zị á! Bạn Táo giờ bạn đan móc tùm lum hoa hoè, chăn gối tặng mẹ, tăng em, hào sảng vứt lung tung khắp, mà bạn bớt hung hăng, bản chịu khó hơn hẳn. Nói chung là nhiều khi đừng phân tích nhiều, cứ làm đi rồi biết. Hãy cảm nhận bằng con tim, rồi hiểu tính sau đi. Nên xã hội hiện đại giờ nó lộn xộn, vì nó cứ phải dồn thông tin đầy ắp, chưa kịp hiểu chứ nói gì kịp yêu, con người rốt cục trở nên bấn loạn, mất phương hướng, cô đơn và lạc lõng!
Học thổi sáo, thổi tiêu, chơi đàn lia, đàn hạc, đàn violon, đàn piano … trời, nghe thiệt là quý tộc đó mà. Học chi nhiều vậy, mà sang cả lắm, mỗi cấp độ tuổi chuyển qua một loại đàn mới học heng. Piano cấp II mới học nha. Lớp 1, lớp 2 học thổi sáo. Lớp 3 học đàn violon … Đến cỡ cấp II, tụi học sinh nó cùng nhau tổ chức, chuẩn bị làm hết được cho một buổi hoà nhạc rồi (thì biết may đồ, biết viết nhạc, mỗi đứa chơi 1 nhạc cụ, cần chi ai nữa). Mà học nhiều loại nhạc cụ, vào độ tuổi nhất định, là vì vào thời điểm đó, cái tay nó cần bấm lỗ sáo, hay cái tay nó cần gảy đàn lia, là cho cái thân, cái tâm nó được hỗ trợ phù hợp nhất cho giai đoạn phát triển đó.
Học kể chuyện, kể chuyện chứ không phải đọc truyện nha. Vì sao? Thì thử xíu biết liền chứ gì, tối nay mẹ đừng cầm sách đọc cho con nghe, hãy cố nhớ và bắt đầu nhìn vào mắt con mà kể nguyên câu chuyện ấy. Khó hem? Khó ít hay nhiều thì cũng thấy việc kể chuyện sinh động hẳn và yêu con, thương thân (cực hơn mà) nhiều phải không? Có việc kể chuyện thôi mà chúng tớ học mấy buổi rồi, bao nhiêu vấn đề cô nói không hết được? Kể chuyện gì, thể loại nào phù hợp với độ tuổi nào, kể ra làm sao, khung cảnh kể chuyện thế nào, lại còn phải biết cách sáng tác truyện (cấp tốc để giữ yên lũ quậy), hay để giúp chuyển hoá một hành vi chưa cân bằng của trẻ v.v… Mà tin mình đi, ngồi nghe cao nhân kể chuyện, già đầu như mình còn muốn ứa nước mắt, vì nó hay quá, nó đẹp quá, nó chạm và mở con tim mình ra quá! Thôi xong, nghĩ mình mà kể chuyện hay thế này, chắc tán trai nó cũng đổ (ủa, hơi lạc đề, xin lỗi bà con). Thôi để tán trai nhỏ ở nhà trước, trai lớn tính sau đi ha!
Học Eurythmy, nó là cái gì ha? Vừa là một nghệ thuật, vừa là một môn dạy và học trong trường Steiner, vừa là một phương pháp trị liệu. Bạn ưng thì tìm trên mạng cũng ra, lúc đầu nhìn thấy cũng đứng, đi qua đi lại, đưa tay lên đưa tay xuống. Nhưng nếu bạn nhìn bằng trái tim, tâm hồn, khi tiếng đàn piano trầm bổng đưa lên, và cả người vũ công trở thành một nhạc cụ, khi mỗi chuyển động là một âm thanh, một trạng thái thiền, một cử chỉ là một thể hiện của tâm hồn. Ờ, khó tả lắm, được học cùng cao nhân thì cứ thổn thức thôi. Riêng cái môn này phải học 4 năm riêng mới đi dạy được. Bọn mình chỉ cưỡi ngựa xem hoa, chi vậy, ừ thì ít nhất để đi cho nó khoan thai, cầm tách trà cho nó điệu hạnh, trang trí lớp cho nó chào đón đứa trẻ đến lớp. Giáo viên mầm non là hình mẫu cho trẻ bắt chước, nên phải đẹp, đẹp từ trong tâm hồn đẹp ra phong thái. Xấu quá tội mình, tội cho luôn tụi nhỏ, thiện tai!
Thiệt ra thì nhiều lắm, nhiều kể không bao giờ hết, giống chuyện cổ tích không bao giờ kết thúc á, thiệt! Nói chung là vô đây, bạn được nghe kể chuyện vũ trụ, con người, rồi bạn học hát, học múa, học vẽ, học đan móc, học kể chuyện, học chơi đùa, nói chuyện với CON, với CHÍNH MÌNH, với THA NHÂN … Cứ mỗi buổi học rồi bạn hơi khác một chút, chắc chắn cuối khoá có người bạn thân lâu ngày gặp sẽ hỏi “Mày ĐƯỢC thế này lâu chưa?” Mà cần gì ai hỏi, bạn biết bạn khác là được rồi.
Thứ ba, học ở đâu, đóng tiền thế nào, liên hệ ai?
Nãy giờ mình bay quá, giờ trụ lại xuống đất nè! Hiện tại ở Việt Nam, cụ thể là ở thành phố có 2 khoá, 1 cho mẫu giáo và 1 cho tiểu học. Các bạn vào trang Steiner Việt Nam để có thông tin cập nhật về khoá học, hoặc liên hệ trực tiếp với cô Dung Cao Dung để biết chi tiết cụ thể nha.
Giáo viên dạy các lớp này đến từ nước ngoài, vì giáo viên dạy giáo viên phải là cao nhân thật sự, có hơn 20 năm kinh nghiệm dạy và thực hành giáo dục Steiner. Các cao nhân đối với mình như các bà tiên (vẫn hồn nhiên lắm nha) trong đời thật vậy.
Hiện tại, việc dạy và học ở Việt Nam, vẫn được các cô giáo hỗ trợ rất nhiều, phần lớn nhờ cô Thanh Cherry. Học phí hiện tại là 10 triệu/1 Module. Có bạn thốt lên “sao mắc vậy?” Ừ, mình đi làm lương tháng có 5 – 9 triệu hà. Mà mình không dám nói vậy là mắc đâu. So với các khoá đào tạo kỹ năng gì đó, cũng 1 – 2 triệu/ngày. Số tiền nói trên chắc vừa đủ trang trải chi phí máy bay, ăn ở, đâu đó nếu học đông thì đủ cho địa điểm, học cụ. Những người làm giáo dục Steiner, luôn đầu tiên là chí hướng, lý tưởng vì con người, cần lắm cái đầu money wise để trang trải chi phí và phát triển. Bạn nào có những tố chất này thì cùng góp tay nha.
Mình cũng đã nghĩ đến việc có thể tổ chức 1 – 2 buổi hội thảo, mỗi khi có cao nhân qua giảng cho khoá giáo viên, để các bà mẹ có thể biết thông tin về nuôi dạy con. 1 – 2 buổi thì dễ tham gia hơn ha? Nhưng mà mình thì không biết tổ chức cho lắm, ai có cao kiến thì phụ giúp nha!
Một ngôi trường Steiner thực sự, có đàn cho các con học, có giáo viên dạy ngoại ngữ là người bản xứ, ngay từ lớp 1 là 2 ngoại ngữ, có vườn rộng cho các con chơi hàng ngày, có xưởng thủ công cho các con nặn đất, khắc gỗ. Có từ nhỏ xíu đến tận lớp 12. Ngôi trường trong mơ phải không ạ? Bây giờ ở thành phố, trường mẫu giáo mới có Thỏ Trắng, Warm Nest mới mở. Mới có lớp 1 (bạn Táo là lứa đầu tiên, sang năm lên lớp 2). Tháng 9 này sẽ cố gắng có trường tiểu học (lớp 1, 2, và 3). Những người làm Thỏ Trắng là các bà mẹ, vì muốn con có trường lớp để học nên nỗ lực học và làm. Cứ đi sẽ đến, phải đi mới có đường. Mong là sẽ có nhiều bậc cha mẹ khác cùng góp sức và cùng chung tay nha.
Các bạn tìm hiểu thêm thông tin cứ tìm trên mạng nhé (hình ảnh thực tế của các trường Steiner trên toàn thế giới ít, vì trường không chụp hình, không quảng bá, người tự nhiên nó vại, khổ). Trong các notes của mình cũng có một số bài mình ghi nhận lại sau quá trình đi dự hội thảo, đi học. Có một số bài copy từ cô giáo của Táo. Các bạn có thể vào trang Tho Trang Kindergarten để đọc một số bài dịch nhé (web trường còn đang hoàn thiện, bạn nào rành website có thể giúp thì xin lên tiếng nha).