Sống vẹn toàn hơn là chỉ sống sạch? – Chuyện ăn

Mình có ý định viết lâu rồi, những sợ bị “ném đá” không ít. Mà thôi, giờ không sợ nữa, cứ yêu thương. Vì những điều mình nêu ra ở đây, lối suy nghĩ cũ, bản thân mình cũng đã từng, và thậm chí bây giờ cũng còn chưa bỏ được.

Hôm nay, khi thiền để kết nối với Trái Đất. Mọi người đều rúng động về việc cá chết, ở khắp nơi, không chỉ biển miền Trung. Câu hỏi đau đáu là, chúng ta, mỗi cá nhân, cần làm gì?

Chính chúng ta kìa, không phải là kêu gọi ai kia, ai đó, dù là ở vị trí nào. Mình thấy một hình ảnh: nếu mình vẫn tiếp tục đổ dung dịch giặt (hoá chất) vào máy giặt, thì nước thải ra, theo đúng nguyên lý “nước là kết nối”, cũng sẽ theo vòng tuần hoàn trở lại là nước của mình uống thôi. Dĩ nhiên, đó chỉ là hình ảnh biểu tượng, và tin hay không hoàn toàn là quyền tự do của mình. Song, việc mình, cứ ăn thực phẩm sạch, uống nước sạch, dùng nguyên liệu thiên nhiên, song vẫn thải những bao nylon đựng rau sạch, chai nhựa đựng nước sạch, không quan tâm đến lượng rác thải đổ ra môi trường để sản xuất nguyên liệu thiên nhiên cho mình dùng, thì đã sạch chưa? Chưa kể việc vẫn có những cái phải tặc lưỡi cho qua như dùng hoá chất giặt quần áo, tắm gội, rồi dùng nước sạch, nước muối tráng lại cho cơ thể mình sạch, còn hoá chất và lượng nước dùng tốn thêm thì “chịu thôi”???

Tất cả, là một vòng tuần hoàn.

Mình “bần tiện” từ nhỏ: ngay cả nước rửa, mình cũng mở nhỏ nhỏ, vì sợ tốn nước. Tốn nước không phải vì sợ tốn tiền nước, mình nghĩ là nó sẽ tốn cho nguồn nước nói chung. Nhiều cái khác cũng tiết kiệm, rửa rau thì ráng vớt rau cho hết, lặt rau hay gọt vỏ trái cây thì bỏ cho thiệt nhỏ, thiệt mỏng, cũng cùng chung ý nghĩ ấy. Nhớ hồi trước có xin được cuốn truyện cổ Eskimo (giờ bị lạc đâu mất rồi, tiếc lắm), có những câu chuyện có cùng chủ đề. Chẳng hạn “năm da may một áo”, nghĩa là năm bộ da của 5 con thú đã đủ may 1 cái áo rồi, cho nên một ngày đừng săn hơn 5 con thú. Về việc nếu săn được một con thú, hãy sử dụng cho hết nó, từ thịt, máu, da, xương, thậm chí chút mỡ dính hay chút thịt bám xương cũng phải cạo cho sạch. Đã săn thì phải dùng cho hết, không được phí phạm mạng sống, cho dù là của một con thú săn. Bên cạnh đó, người thợ săn phải trân trọng con thú săn được, chẳng hạn không bỏ thân xác nó vào chậu đựng dơ dáy, để lên xe mang về không được để đầu nó bị kéo lết phết ở dưới đất. Mình đã đọc được những truyện này vào hồi cấp 1, và nó đã tạo những ấn tượng sâu đậm cho mình đến tận bây giờ, quan trọng nhất là thái độ tôn trọng Mẹ Thiên Nhiên, Mẹ Trái Đất.

Có một lần, đi chùa cùng các chị. Các chị nói: “Hôm nay ngày rằm nè, em có ăn chay không?” Mình ớ người ra, rồi trả lời: “Dạ, em chỉ ăn sạch, em không ăn chay ạ.” Thấy mình có vẻ ngớ ngẩn với các chị quá. Mà cũng không biết giải thích thế nào? Đến lúc có bạn hỏi mình: “Chỉ có theo thực dưỡng không?” Thì mình lại cũng trả lời: “Ừ, ăn cho khoẻ thôi, không rành và không tuân được đúng theo nguyên tắc thực dưỡng nào đâu!”. Không phải không có lúc mình đã ngại ngần ra chợ chỉ dám mua cá chết, không muốn uống sữa vì thương cho con bê, không nỡ chọc tiết con gà, giết chết con lươn. Dần dần, trên con đường mình đã đi và trải nghiệm, có những bài học rất nhỏ nhưng dạy cho mình thật nhiều, mà có khi sau một thời gian mình mới hiểu ra.

Về việc ăn chay, xin kể những câu chuyện mà mình ấn tượng. Thứ nhất, trong thời gian ở trang trại Happy Healing Home, đã có lúc mình muốn phát cáu với người bạn đi cùng, khi cứ nhắc nhở mình: “Ăn như vầy không tốt cho sức khoẻ đâu!” Chẳng hạn: “Đừng nghĩ bạn mệt mà ăn thịt là khoẻ nha! Những thứ rau này còn nhiều đạm, nhiều sắt hơn thịt đó!” rồi “Ăn đường như vầy sẽ hại cho máu.” Con mình cũng trở nên cảnh giác mỗi khi anh muốn nói điều gì đó. Vẫn biết anh làm vì quan tâm, nhưng nó trở thành một điều gì đó thật như gánh nặng. Cho nên, hiện tại, nhiều khi mình cũng rất ngại nói gì về chuyện ăn uống với người khác, mình sợ cũng tạo gánh nặng cho họ.

Thứ hai, vợ của người chủ trang trại, trong lúc nói chuyện, đã chia sẻ rất thật lòng khi chúng mình hỏi. Có một lần chia sẻ thế này: “Đối với tôi, ăn chay là ăn sao cho thuận với môi trường. Ngày trước tôi cũng toàn ăn rau, nếu có ai đó ăn thịt trước mắt tôi, tôi sẽ cảm thấy khó chịu giống như là sao họ không tôn trọng tôi vậy. Tuy nhiên, sau này, tôi nhận ra, ăn gì không quan trọng, quan trọng là cái tâm của mình khi ăn cái đó. Cho nên, nếu ai đó có ăn thịt hay ăn món gì tôi không thích trước mắt tôi, thì tôi cũng vẫn vui vẻ. Bản thân tôi bây giờ lâu lâu cũng ăn thịt heo, thịt gà, mỗi khi chúng tôi có thịt và nấu thịt để ăn.” Ở trang trại này, chúng tôi lâu lâu có ăn thịt heo, và cũng thi thoảng ăn thịt gà (gà chọi ông chủ trang trại nuôi, con nào đá xong thua trận thì hóa kiếp luôn cho nó). Phần lớn thời gian ở trang trại chỉ ăn rau, nên lần đầu tiên ăn gà chọi bị thua, nhất là trước đó nhìn thấy cô nước ngoài học làm gà máu me ngay trước mắt, mình đã không thể ăn vì muốn ói. Tuy nhiên, đến lần thứ hai, thứ ba, mình lại ăn bình thường, sau khi cảm nhận điều mà vợ người chủ trang trại nói.

Thứ ba, khi dịch cuốn Khu vườn Findhorn, cũng chính vợ người chủ trang trại kể về câu chuyện độc đáo của bà mà chồng bà hay đem ra làm chuyện cười cho mọi người, về chế độ ăn kiêng độc đáo của bà “thịt bò và rượu whiskey” sau trận ốm nặng của mình. Bà cũng chia sẻ về tinh thần cây đã nói với bà, đại ý, thà rằng bà ăn cái gì đó khác ngoài rau mà hoan hỉ, còn hơn bà cứ phải cứng nhắc với rau củ với tâm trạng chán ngán tận cổ.

Hiện tại, nhà mình vẫn “ăn mặn”, chủ yếu chỉ cố gắng ăn thực phẩm sạch. Cố gắng vì túi tiền không cho phép do rau sạch có giá mắc gấp 2, gấp 3 rau bình thường. Rau sạch nhà mình mua ở những người bạn có trang trại trồng trọt. Mình thậm chí dị ứng với rau thuỷ canh.

Thậm chí có một lần nghe người bạn cũ nói về công nghệ mới bên nước ngoài, với chiếc tủ như tủ lạnh, và trồng rau đủ thứ loại trong đó, với các dung dịch dinh dưỡng cũng do hãng đó cung cấp, mình cảm thấy kinh hãi. Mình thì tin vào việc, rau sạch nghĩa là rau sống trên đồng, trên đất, hút dinh dưỡng từ đất, sạch ở chỗ không có một thứ hoá chất nào từ phân bón, thuốc trừ sâu, đến giống và nước tưới. Chứ không phải loại rau được tưới nước lọc sạch hoàn toàn.

Vì túi tiền và thời gian không cho phép, nên nhà mình cũng vẫn ăn sạch nửa vời, chỉ chọn cái tốt nhất trong khả năng, chứ không phải là bảo đảm 100% theo tiêu chuẩn nào đó. Có một điều, một khi đã ăn gạo sạch, rau sạch, thì rất khó quay lại ăn như trước kia. Bản thân con của mình, gần đây khi nó vét nồi cơm và gặm muỗng xới cơm (việc nhằm tiết kiệm mà trước kia nó rất ghét vì tốn thời gian), nó tự nói: “Gạo này sao thơm và ngọt thế, ăn không cũng ngon!” Cảm giác ngồi nhai hạt gạo sạch, cảm thấy có phước vô cùng, thật!

Rau sạch, mỗi khi không mua được rau sạch với giá cao từ vườn nhà bạn, mình chỉ đi mua rau ngoài chợ, rau bán bên đường mà biết được hái từ vườn. Cầm bó rau xanh tươi vừa hái, lâu lâu lặt rau đụng trúng con sâu, mà cảm giác vui vẻ như gặp được bạn hiền. Chúng ta giờ thật tội nghiệp nhỉ?

Và dĩ nhiên, được ăn cá đồng, thịt heo sạch, nó cũng hoàn toàn khác hẳn. Con mình sau lần được ăn thịt heo sạch, nó hỏi giọng cực kỳ tha thiết: “Khi nào thì lại được ăn thịt này nữa ạ?” Chẳng lẽ nói chờ đến khi nào heo nó lại lớn, hay là mẹ nó lại có tiền mua hehe.

Dầu ăn, nhà mình ăn dầu đậu phộng, lại phải làm phiền bạn của má từ quê gửi cho. Đường, muối cũng xin mua từ quê. Đôi khi, nghĩ, đâu là khái niệm giữa sạch và bẩn, ngay cả khi nói chuyện với con. Miếng đường thô nó đen, có khi còn lẫn bã mía. Miếng muối thô có khi còn lẫn đất cát. Bỏ vào nồi nấu làm cho lớp nước dưới cùng cũng có chút đất cát. Vậy mà cái đất cát đó lại khiến mình trân quý, cảm giác món ăn của mình nó đậm đà hơn.

Và có một cái lợi của việc dùng đồ sạch, dù khá châm biếm, là khi giá nó mắc, nhất là do nó hiếm, thì càng tiết kiệm ghê lắm, từ một hạt gạo, một lá rau …

Việc ăn sạch nhà mình vẫn nửa vời, do vẫn sống chơi vơi trên căn nhà chung cư trong lòng thành phố, chẳng tự tay mà nuôi trồng tự cung tự cấp, tiền thì không nhiều để mua thực phẩm sạch chính hiệu. Thế nhưng, có những chuyện thì mình vẫn thấy không thể nào thoả hiệp.

Đầu tiên, đó là thức ăn nhanh. Dĩ nhiên, đã có thời, như hồi còn sinh viên đi học ở Ấn, lâu lâu xoã 1 bữa là vào K.. mua một xô gà chiên ăn cho đã thèm. Tuy vậy, khi đó mình đã cảm thấy, thà vào nhà hàng Ấn, mấy anh phục vụ bàn tay đen thui, nghi cũng có bốc bốc, còn hơn vào K.. trắng loáng lạnh lẽo này. Thà là có cái bồn rửa tay ở mỗi quán, và lá chuối cuộn đồ ăn ven đường, còn hơn hộp nhựa sau đó nằm mãi trên đất không tan được đi đâu. Khi có con, theo trào lưu, con đòi ăn K.., thì lâu lâu cũng chiều con một lần. Cho đến cái lần, một thầy dạy tâm linh từ nước ngoài nói với chúng mình rằng, các bạn có biết gà nuôi làm thịt cho K.. là gà biến đổi gien, chỉ có một mắt và không biết đi. Điều này chấn động mình khủng khiếp, không phải vì mình tin hoàn toàn vào hình ảnh thầy nói. Mà mình như bị gõ một cú vào đầu cho tỉnh những thoả hiệp.

Ví dụ tiếp theo là mì tôm. Con nít đứa nào chả thích mì tôm. Thậm chí những gói gia vị, dầu sa tế, còn được các bà các mẹ tận dụng lại kho cá, nấu ăn. Câu chuyện đầu tiên về mì tôm là có một lần mình phỏng vấn để viết bài về một bác đã thoát khỏi án tử của căn bệnh ung thư ruột giai đoạn muộn (gần cuối). Mình vốn nhiều chuyện, mình hỏi bác đủ điều, chắc đủ viết luôn cuốn sách trăm trang về bác chứ không chỉ một bài báo 700 chữ. Mình hỏi kỹ bác về chế độ ăn uống, sinh hoạt, để hiểu vì sao bác lại đột ngột bị ung thư, mà phát hiện ra đã là giai đoạn muộn. Bác là người xưa nay hiếm, mỗi ngày vẫn đều đặn tập Suối nguồn tươi trẻ 1 giờ, khí công 1 giờ, sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng, văn thơ sôi nổi. Hỏi mãi, cuối cùng chỉ có một điều thôi, bác ăn sáng bằng gì? Bác nói: “Vì buổi sáng quá bận, nên bác chỉ có thể ăn mì tôm. Bao năm rồi đều đặn, mỗi buổi sáng bác đổ một bát mì tôm để ăn”. Vâng, chỉ vậy thôi! Sau buổi phỏng vấn đó, mình về nói ba mình đừng ăn mì tôm nữa. Nếu không thể bỏ mì tôm, như ba mình và các con mình, thì phải bỏ gói gia vị mì tôm, và trụng nước sôi trước khi lấy mì đó để ăn. Khỏi phải nói con mình đã chống đối thế nào khi bắt đầu ăn mì tôm theo cách đó, lý do là không còn ngon lành gì nữa. Tuy nhiên, sau một thời gian thì con cũng đành chịu. Chỉ sau 1 tháng, nhìn lại những gói gia vị mì tôm mình bỏ lại, mình rùng mình nghĩ nếu 1 tháng qua vẫn ăn, thì chừng này đã đi vào cơ thể. Tuy nhiên, cô giáo tâm linh của mình đã mắng: “Làm thế thì có khác gì là vẫn ăn mì tôm”. Vâng, mình cáu chứ, phải đến cái hôm thiền về cơ thể, mình nhìn thấy các bạn tế bào trong cơ thể phải mặc áo giáp vũ trang, nghiến răng bảo vệ cơ thể như thế nào, thậm chí là chết như ngả rạ trước những gì chúng ta nạp vào cơ thể như mì tôm, nước ngọt… ta mới biết thương cơ thể của mình. Chưa kể là hoá chất không tan được, không xử lý được, cứ đóng cặn trong cơ thể, và cơ thể chúng ta kiệt sức để giải quyết những gì ta hồn nhiên nạp vào.

Cho nên, chúng ta có thể chửi bới sếp, chính quyền, Thượng đế vô tâm, bỏ mặc, đối xử bất công và tàn nhẫn với chúng ta? Vậy chúng ta có biết, chúng ta đang là sếp, chính quyền và Thượng đế tàn tệ nhất với chính cơ thể của mình hay không? Tất cả đều là kết nối. Nếu ta giận giữ khi nhà máy thải hoá chất ra sông ra biển, thì nước thải của gia đình chúng ta có bao nhiêu loại hoá chất trong đó? Mỗi ngày, ta ăn bao nhiêu thực phẩm cần thiết cho cơ thể, bao nhiêu là hoang phí chỉ cho ngon, cho hiếm? Mỗi ngày, ta thải ra bao nhiêu bao nylon, bao nhiêu ống hút, ly nhựa chén nhựa vào môi trường?

1 thought on “Sống vẹn toàn hơn là chỉ sống sạch? – Chuyện ăn”

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *