RỒI CÁC CON SẼ LỚN LÊN (BỘI PHẢN phần II)


Ông lão kể chuyện mệt mỏi dựa lưng vào gốc cây, rồi nhẹ nhàng nhắm mắt lại. Lũ trẻ nhìn nhau, bấm tay nhau rồi nhón chân đi thật nhẹ ra khỏi đó. Một lát sau, khi không gian trước mặt đã yên ắng trở lại, ông lão mở bừng mắt, rồi vùng dậy đi thật nhanh vào rừng.


Lát sau nữa, ông lão trở ra, lần này nai nịt gọn gàng. Ông đưa tay lên miệng huýt sáo, con ngựa đen từ đâu chạy đến, ông nhảy lên lưng ngựa rồi phóng vọt đi. Mãi hai tuần sau, lũ trẻ mới thấy ông lão trở lại.


Một tuần đầu đi vắng, ông lão theo một đoàn xe chở hàng, làm đội trưởng đội bảo tiêu cho một chuyến hàng quý. Không chỉ bảo vệ hàng tốt đẹp, ông còn rất chịu khó nói chuyện, vui vẻ với đại diện chủ hàng đi theo. Vì thế, về đến nơi, người đại diện nói lại với ông chủ, ông còn được thưởng thêm khá hậu. Ông lão vui cười ra mặt, lập tức cầm tiền lên ngựa chạy về.


Song ông không về nơi ông đang trú ngụ, mà rẽ ngựa chạy ra phía khu chợ của làng. Đến gần khu chợ, ông thả con ngựa chạy đi, rồi đi bộ về phía mấy căn phố phía sau chợ. Ở đó, có một tòa nhà nhỏ, có tầng lầu nhỏ vừa được xây thêm, văng vẳng tiếng cười nói của mấy đứa trẻ.
Ông lão dừng lại, hít một hơi thật sâu, nở một nụ cười thật rộng cho những nếp nhăn trên mặt giãn ra, rồi mới từ tốn cúi đầu bước qua cánh cổng mà ông chỉ đẩy ra một khoảng hẹp, bước vào sân. Trong sân, có vài đứa nhỏ tuổi mười mấy, đang ngồi vừa tết dây thừng, vừa nói cười rổn rảng. Ông bước đến một người phụ nữ trẻ, mặt tròn, thân người mập mạp, nhìn thật thà và hồn hậu. Cô vui mừng nói lớn: “Ô, ông lão đã về, ông đã ăn cơm chưa, con vào hâm nóng lại cơm canh còn cho ông nhé!” Ông lão xua xua tay: “Thôi không cần đâu!”


“Ôi dào, ông lúc nào cũng nói thế, nhưng con đoan chắc ông lại vội đi từ đâu về, chả kịp ăn miếng nào đâu. Ông vào bếp uống miếng canh cho ấm bụng, ăn hay không thì tính sau.” Nói đoạn, cô cứ thế lôi khuỷu tay ông mà xăng xái đi vào bếp. Ông lão cũng đành đi theo.


Vào đến bếp, ông lão dúi ngay cho cô gái một cái túi dày cộm: “Này, con cầm chút tiền lo cho tụi nhỏ!”


Cô gái tự dưng ứa nước mắt: “Con cảm ơn ông. Nhưng dạo này cô Hồng ở chợ đã kiếm được nhiều chỗ cho tụi nhỏ đi làm, kiếm cơm ăn hàng ngày, có đứa còn mang cơm, thậm chí mang tiền công về phụ nuôi mấy đứa nhỏ hơn ở nhà. Rồi có nhiều cửa hàng, nhà buôn nhận nuôi hay góp tiền hàng tháng nuôi vài đứa. Tiền bạc giờ không còn phải lo nhiều nữa. Ông không cần làm để đưa tiền về nữa đâu!”


Mắt ông lão ánh lên tia sáng như sao, miệng nở nụ cười lớn: “Thật sao, tốt vậy sao. Nhưng không cho lão già này góp công góp của, thì thành ra lão vô dụng rồi sao!”


“À, không, sao ông lại nói thế? Chí ít là ông đừng nhận những việc quá nguy hiểm hay quá nặng nhọc nữa. Hay là ông về đây ở với tụi nhỏ đi, dạy tụi nó võ nghệ hay làm lụng nhé. Rồi sau này ông già, còn chăm lo được cho ông chứ!”


“Được, được, khi nào ta mỏi gối chồn chân đã, chứ bây giờ mà đã bắt ta nghỉ là ta sẽ buồn đến chết mất thôi.”


“Dạ, tùy ông thôi mà, giờ ông uống bát canh, ăn miếng cơm cho ấm bụng đã. Rồi ông vào ngủ với bọn con trai lớn nhé, chúng nó mong ông quay lại kể chuyện cho chúng nó nghe lắm đấy.”


Dọn mâm cơm đã hâm nghi ngút khói lên rồi cô gái lại quày quả đi ra, lùa tụi nhỏ trong sân đi ngủ. Ông nghe cô nói loáng thoáng với lũ trẻ: “Nhanh nhanh chuẩn bị đi ngủ, rồi nghe ông lão kể chuyện, nghen.” Lũ nhỏ vui mừng dạ rân mà ông lão thấy trong bụng vui không thể tả.
Thật ra, những chuyện cô gái nói, ông biết chứ. Chẳng phải chính cô Hồng là người ngày xưa đã nói cho ông biết, mấy tửu điếm mọc lên như nấm ven sông ở chợ này là của Vô Phương sao? Chính cô Hồng là người dẫn ông đi, chỉ cho ông tận mắt nhìn Vô Phương vào tửu điếm, tay cặp kè với hết cô ả này đến cô ả khác, để cho ông tin hay không? Làm sao ông quên được cái vẻ mặt dữ tợn của cô Hồng, tóc búi sơ sài, cắm cây đũa giữ lại: “Tui á hả, gì chứ ai ăn chặn của tụi nhỏ là tui không bỏ qua được đâu nha. Ông tính làm gì thì làm, chứ tui là tui chúa ghét cái thứ giả nhân giả nghĩa nha!”


Rồi cô gái này đây, cái ngày mà ông đã bóp chết Vô Phương, ông đã đến dúi cho cô hết số tiền mà ông đang có, rồi đau khổ ra đi, trong lòng chỉ nghĩ làm sao kiếm được tiền mà nuôi mấy đứa nhỏ mồ côi. Cô gái là người duy nhất còn ở lại, tiếp tục chăm cho tụi nhỏ sau khi môn phái gặp chuyện chủ phái mất tích, nội bộ môn phái xào xáo, tụi nhỏ bị bỏ mặc, đã đói rét càng tuyệt vọng hơn. Số tiền ông lão đưa cho chỉ xài chưa hết tháng là đã hết. Tụi nhỏ kêu khóc như ri, cô gái khi đó còn quá trẻ, mặt mày thất thần, chạy ngược chạy xuôi chả biết phải làm sao.


Thì cô Hồng cũng là người đầu tiên tới, thò đầu vào căn nhà khi đó đã sắp sập: “Trời, thôi ra quán của tui mà ăn đi. Hôm nay còn bao nhiêu tui cho ăn bấy nhiêu. Để rồi tui tính coi mà phụ một tay chứ sao mà để vầy được trời!”


Ngày hôm sau, tự dưng có một anh chàng râu rậm, mắt hơi trợn to đi ngang qua, nghe tiếng khóc cũng ghé vào. “Trời, vụ gì đây, sao đâu ra đám con nít nheo nhóc khóc lóc này.” Cô gái ngửng lên, kêu: “Tụi nhỏ này mồ côi anh ơi, giờ không biết sao mà nuôi tụi nó đây!”


Anh chàng giang hồ đứng ngẩn ra, tay vân vê đám râu dưới cằm một lúc, rồi bỗng như tức giận, la to: “Thôi, lên hết xe đây, tui hốt hết, rồi tui phụ nuôi cho!” Cứ thế anh ta vào nhà, đôi bàn tay to hết kéo, rồi đẩy tụi nhỏ ra ngoài sân, đẩy lên cái xe thổ mộ của anh, rồi chở tụi nhỏ ra phía sau khu chợ. Anh ngó nghiêng thấy một căn nhà treo biển “cho thuê”. Anh nhào vào, móc túi lấy tiền ra trả tiền thuê. Đẩy tụi nhỏ vào nhà, sau vài đợt quay qua quay lại chở, anh chở luôn cô gái về căn nhà mới. Còn bao nhiêu tiền anh lại đi mua gạo, mắm, muối, than, dầu … về. Anh chỉ cô gái:

“Nấu cháo ăn trước đi, rồi tui dẫn cô vào tụi nhỏ vào rừng đào thêm khoai, sắn mà ăn độn vào. Chịu khó đi rồi từ từ mới no đủ được.” Nói vậy, rồi người không biết từ đâu đến, mà anh ở lại luôn đó, cùng cô gái chăm tụi nhỏ.


Nhờ cô Hồng vận động, mà rồi dần dà cả khu chợ người ta mỗi người một tay chăm tụi nhỏ. Chưa kể cô gái hay nhận được tiền từ ông lão, có khi là những khoản tiền lớn, ông lão chỉ mỉm cười bảo “mấy mạnh thường quân từ ngày xưa, ta vận động họ lại để có tiền cho tụi nhỏ đấy.” Một số nhân công của môn phái ngày xưa cũng quay lại giúp đỡ, dù có người họ đi làm công, có người trong số họ lập gia đình sống cuộc sống riêng.
Cứ như thế, căn nhà nhỏ bắt đầu được cơi nới thêm, giờ có thêm tầng lầu nữa. Những đứa nhỏ mồ côi đã cứng cáp dần, có đứa đã có thể đi làm kiếm tiền tự nuôi thân và mang về phụ nuôi mấy đứa nhỏ. Ờ mà tháng sau đó, cái cô gái kia sẽ cưới cái cậu giang hồ kia.


Ông lão lại thoáng đượm buồn, ông nhớ lại những chiến hữu. Người đã chết không toàn thây vì bị tra tấn, với tội danh “phản bội chủ trại, phản bội môn phái”. Đứa con của người đó giờ cũng đã thành thiếu nữ rồi, cứ mỗi khi có dịp ông lại mua quà cho nó, khi là mảnh lụa, khi món đồ trang sức, cho nó để dành sau này mà lấy chồng. Người mất tích không rõ nguyên do, mà sau này ông biết đã bị đẩy vào nhà chứa, rồi bị một tên quan ô lại bức chết. Người thì bị đuổi đi với nỗi ô nhục, mà đã phải bỏ xứ đi, ông cũng có ý đi tìm mãi mà chưa gặp. Người này, người kia nữa, đã chết trong những trận chiến. Ông lão lại lắc đầu, chuyện cũ đã qua rồi, giờ lũ trẻ khỏe mạnh, lớn khôn, họ sẽ ngậm cười nơi chín suối. Còn tối nay, ta sẽ kể cho lũ trẻ nghe, câu chuyện về con chim phượng hoàng lửa, sau khi cháy rụi trong tro tàn, nó sẽ lại hồi sinh mạnh mẽ. Các con cũng vậy, như cỏ cây tốt lành, sẽ lớn lên trưởng thành, dù trên vùng đất đã từng cháy xém.

Link phần 1: https://phanleminh.com/boi-phan-phan-i/

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *