Nói “chuyện ấy” với Nhím

18.09.2013 (khi Nhím 10 tuổi, lớp 4, bắt đầu học về tuổi dậy thì ở trường)

Muộn nên viết thật ngắn gọn, cuộc trò chuyện dài và chi tiết hơn.

“Câu chuyện sau đây có liên quan nhiều đến giới tính, tình dục, bộ phận sinh dục. Vì thế, xin cân nhắc kỹ trước khi xem!”

Tối nay, đường về mưa lất phất, Nhím chồm lên hỏi: “Bộ phận sinh dục dơ lắm hả mM?”

mM: “Không con à, bộ phận nào trên người mình cũng sạch như nhau. Nếu bộ phận sinh dục mà con rửa ráy, giữ vệ sinh sạch sẽ thì nó cũng sạch chẳng khác bộ phận nào trên cơ thể hết, như mắt, như miệng. Còn nếu mình để dơ, chẳng hạn như cái miệng, ăn xong không súc miệng hay đánh răng sạch, thì thức ăn bị vi khuẩn tấn công, đâm dơ chẳng thua chỗ nào đâu. Bộ phận sinh dục con không rửa, không tắm, thì nó sẽ dơ và hôi, vì vi khuẩn …”

Nhím chen vào ngay: “Nhím rửa chim hàng ngày mà!”

mM: “À, là mẹ ví dụ thế thôi mà! Bộ phận sinh dục cũng có chức năng của nó, như các bộ phận khác. Và nó cũng không có gì xấu xa hay kỳ dị gì cả! Mình phải che nó lại chỉ vì nó là bộ phận riêng tư, cần được giữ gìn cho bản thân mình, không để người khác thấy và đụng chạm linh tinh!”

(và mM vẫn còn áy náy vì bữa giờ chưa có dịp nào nói chuyện vì sao tinh trùng và trứng gặp nhau)

mM: “Bộ phận nào trên cơ thể cũng như nhau hết! Con nhớ câu chuyện mắt, mũi, tay, chân, đầu … ghen với cái miệng không làm gì chỉ có ăn không? Thực ra cái miệng có ăn thì mấy bộ phận khác mới có năng lượng mà làm việc đúng không? Ăn là chức năng của cái miệng! Thế con biết chim để làm gì không?”

Nhím: “Chim để xả ạ!”

mM: “Đúng rồi, chim để tè! Và khi con lớn lên, trưởng thành, thì nó sẽ có thêm chức năng sinh sản, là khi con có thể xuất tinh. Tinh trùng gặp trứng, tạo thành hợp tử, bào thai, và thành em bé đó!”

Nhím (ngay lập tức): “Vậy thì làm sao mà tinh trùng trúng vào người người khác được ạ?”

mM (cố nín cười): “À, khi mà con phóng tinh, tức là xuất tinh ra, nó giống như súng nước phun nước của con á! Nó sẽ phóng ra, nhưng dĩ nhiên bộ phận sinh dục của con phải kết hợp với bộ phận sinh dục của nữ thì tinh trùng và trứng mới gặp nhau được! Cái đó, từ khoa học gọi là giao hợp, còn mình gọi nôm na là “yêu nhau”! Nhưng con biết để “yêu nhau” thì cần phải có điều kiện gì không? Thứ nhất, con phải trưởng thành đã!”

Nhím: “Phải 18 tuổi ạ!”

mM: “Chà, hay quá! Sao con biết?”

Nhím: “Dạ, thầy nói ạ!”

mM (biết ơn thầy quá!): “Đúng rồi, 18 tuổi là đủ tuổi theo pháp luật thôi! Còn nữa, điều kiện thứ 2 là gì con biết không? Gọi là yêu nhau thì 2 người cần phải yêu thương nhau thật nhiều nữa, đủ để làm chuyện đó!”

Nhím: “Như cW và cô Vân phải không ạ?”

mM: “Ừ, đúng rồi!” (haha, đoạn này mM không dám bình luận gì nha!) “Còn nữa, điều kiện thứ 3, khi hai người “yêu nhau”, thì chuyện gì xảy ra nè?”

Nhím: “Có em bé phải không ạ?”

mM: “Ừ, chính xác. 18 tuổi mà có em bé thì con nghĩ con có nuôi nổi không?”

Nhím: “Dạ không!”

mM: “Không nuôi nổi thì sao?”

Nhím: “Em bé chết ạ?”

mM: “Ừm, chưa tới mức đó! Nhưng đầu tiên là em bé sẽ khổ, con cũng sẽ rất khổ! Con có muốn điều đó không?”

Nhím: “Dạ không!”

mM: “Còn nữa, nếu bộ phận sinh dục dơ, thì sẽ có nguy cơ có bệnh. Quan hệ với nhau thì sẽ lây bệnh luôn!”

Nhím (im lặng)

mM: “Vì thế, mình phải có biện pháp, gọi là tình dục an toàn! Tức là khi yêu nhau, phải giữ gìn để không bị bệnh, và không có em bé khi chưa thể nuôi em bé! Con nhớ bao cao su không?”

Nhím: “Dạ có!”

mM: “Con nhớ bao cao su thổi lên có hình gì không?”

Nhím: “Có ạ!”

mM: “Bao cao su là dùng để bao bộ phận sinh dục của con lại, để bảo vệ cho của con và của người ta không đụng trực tiếp, không lây bệnh, một số bệnh thôi nha! Ngoài ra, bao sẽ giữ lại tinh trùng, để tinh trùng không vào gặp trứng, và sẽ không có con. Vì thế bao cao su còn gọi là dụng cụ cho tình dục an toàn, và dụng cụ phòng tránh thai!”

Tình hình là trong suốt cuộc nói chuyện, anh Táo liên tục chen vào, và đến đây thì quá uất ức: “Sao lâu quá vậy, dài quá vậy! Bực quá, không cho Táo nói!”

Nhím thì la lại ngay: “Vậy là Táo giành cái miệng đó, đang nói chưa xong mà!”

Lúc này thì cũng đã về đến nhà, câu chuyện đến đây đành tạm dừng.

 

04.10.2017

Nhím: “Kinh nguyệt là gì ạ?”

mM: “À, để chuẩn bị cho hợp tử có chỗ ở, thì thành của tử cung sẽ dày lên, chuẩn bị sẵn máu là chất dinh dưỡng để nuôi cho hợp tử lớn thành em bé. Song khi trứng không gặp tinh trùng, thì những phần chuẩn bị sẽ bong ra, trôi ra ngoài, và được gọi là kinh nguyệt.”

Nhím (khá hoảng): “Thế mất máu nhiều thì sẽ yếu đi ạ?”

mM (hơi bất ngờ): “Không yếu lắm đâu! Nói chung lượng máu mất đi vừa đủ thôi con ạ!”

(tranh thủ tuyên truyền nhỉ) “À, có trường hợp bị ra nhiều thì sẽ mệt! Nói chung bạn gái vào ngày này có thể sẽ mệt mỏi, khó chịu, dễ cáu giận. Nhiều khi mẹ cũng vậy! Nên con phải thông cảm, phụ giúp nữa nha!”

Nhím: “Thế xuất tinh nhiều thì có mệt không ạ?”

mM (choáng tiếp! Định xổ ra nguyên bài luôn mà kịp hãm lại, thôi từ từ đã!): “Thì cũng như vậy! Nếu vừa phải thì không mệt! Khi con mới lớn lên, có khi sinh tinh ra nhiều quá, thì nó tự xuất ra, không mệt gì đâu! Còn khi phải xuất ra nhiều quá thì cũng mệt!”

.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *