Một đời nỗ lực

Chuyện tiền kiếp nên không sủng, không dị năng, không cẩu huyết, chỉ có thật thôi.

Văn án:

Cha ta rất yêu ta, ngay cả ăn ông cũng muốn đút.

Đút đến mức ta béo phì.

Ông lại chán ghét ta.

Ông thuê gia sư về dạy ta, gia sư trân trọng ta, cho ta tấm chân tình. Ông giết gia sư.

Ta chỉ còn con đường giảm béo trở nên xinh đẹp.

Thuận lợi một đường để ông gả ta cho tướng quân.

Tướng quân hơn ta 15 tuổi, lại bạo hành ta. Cha ta lại chẳng dám nói gì.

Phần 1:

Từ khi ta có ký ức, ta đã không thấy mẹ ta đâu. Chỉ có ta cùng cha. Cha khá cưng chiều ta. Trong phủ có mỗi ta béo tròn, trắng nõn, xinh xắn, nhìn là muốn cưng nựng. Cha ta chăm ta như búp bê, thích nhất là đút cho ta ăn. Khi ăn, cha bế ta lên đùi, ngồi quay mặt ta sát vào bàn. Ta bị kẹp giữa cha và bàn ăn, xoay trở cũng không được. Rồi cha cứ đút cho ta, ông không nhìn rõ, ta cứ phải nhướn người để lấy thức ăn trong muỗng mà cha đút. Thật sự chỉ thấy mỏi và mệt. Món ăn cha đút lúc toàn thịt, lúc toàn nước, không ngon chút nào. Vậy mà cha ta cứ thích như vậy. Chưa kể có lúc thức ăn còn bị rơi vãi lên áo ta, cả tay áo lẫn vạt, cổ áo. Cha ta là cười to, sai người hầu đến lau lau, quệt quệt, rồi lại đút. Nên chỉ sau một lúc là ta đã ướt và nhếch nhác. Dần dần ta không muốn ăn nữa, bắt đầu cự tuyệt muỗng cha đút vào. Cha ta đành để ta ngồi ghế riêng. Ngay khi được ngồi nghế riêng, ta có thể vươn tay tự gắp thức ăn, tự sảng khoái đút vào mồm miếng lớn hay nhỏ, vừa nước vừa cái ngon miệng. Thế nhưng, ăn mê mải một hồi, nhìn sang, lại thấy cha ta có vẻ bực bội. Ông lườm ta ghét bỏ, hừ một tiếng, đứng dậy phủi áo bỏ đi. Ta ngơ ngác không hiểu gì.

Ngay cả chuyện ăn uống mà cũng không được thoải mái, tôn trọng như thế. Ta đâm ra bị rối loạn ăn uống. Cho đến một ngày, cứ thấy đồ ăn là ta ăn, ăn cho quên sẩu quên thất vọng vậy. Ta cứ vậy mà trở nên béo phì dư cân gấp đôi người ta. Đến tuổi cập kê, hầu như chả ai muốn lấy ta cả. Đúng hơn là những người cha ta vừa mắt đều từ chối không muốn lấy nàng béo như ta.

Thấy con gái nuôi tốn cơm gạo, lại không gả đi lấy về được lợi ích gì, cha ta nổi giận. Ông ta quyết định thuê gia sư về dạy dỗ, trấn áp ta. Mục tiêu thứ nhất là rèn cho ta gầy lại như tiêu chuẩn. Thứ hai là ta cần phải rành rẽ cầm kỳ thi họa để còn có được mối lương duyên có lợi cho ông ấy. Sau một hồi chọn lựa, ông ta đã kiếm được một anh chàng thư sinh học giỏi nhưng nhà nghèo, thì đúng rồi, nhà nghèo mới phải cúi đầu đi dạy tiểu thơ nhà giàu giảm béo.

Phần 2:

Ngày đầu tiên ta đi học, gia sư bắt ta đi bộ vòng quanh vườn hoa, vừa đi vừa hỏi xem ta biết những gì. Ta vừa mệt vì phải vận động, vừa quẫn vì xấu hổ do ta dường như không biết gì cả. Chỉ đi một vòng mà ta đã mặt đỏ tim đập, hơi thở hổn hển chẳng đâu vào đâu. Mồ hôi túa ra như tắm, ta thật chật vật. Đầu váng mắt hoa, ta thậm chí không nhìn rõ mặt hắn. Ngay khi hắn mủi lòng cho ta về, ta lập tức nằm lăn ra nghỉ, nghỉ xong lại ăn bù. Ngày hôm sau hắn bắt ta đi đến một vòng rưỡi, đi xong còn bắt ta ngồi lại ở thủy đình, mãi đến gần chiều tối mới cho người hầu mang đồ ăn lên cho ta, song chỉ cho ta ăn một nửa so với lượng ta muốn ăn. Khỏi phải nói ta hận hắn đến mức nào.

Sau đó, hắn bắt đầu dạy ta. Hắn không ngần ngại nói móc ta, kiểu tay ta béo quá, cầm bút còn không xong, nói gì viết chữ đẹp. Nói ta ăn nhiều quá, não úng mỡ hẳn là khó học hành được cái gì. Hắn nói khiến ta uất đến mức không còn ham muốn ăn uống nữa. Đến một hôm ta phẫn hận quá muốn chết cho xong. Hôm đó ta đã nhảy xuống hồ muốn quyên sinh nhưng may mắn hắn trông thấy. Chính hắn vớt ta lên, rồi hắn bắt đầu thay đổi cách đối xử với ta.

Nghỉ ngơi hai ngày, hắn đến trò chuyện với ta. Hắn kể cho ta nghe chuyện ngày xưa của hắn. Nhà hắn nghèo thế nào, nghèo đến mức cha hắn làm việc đến lao lực mà chết, mẹ hắn sinh em hắn mà cũng đói đến chết. Quay qua quẩn lại, cuối cùng còn có mình hắn nỗ lực mà sống. Có thông minh tài cao mà không có tiền, không có người nhà chống lưng thì cũng khó làm nên trò trống gì. Hắn nói, bây giờ nếu ta không phối hợp để giảm cân, để biết cầm kỳ thi họa thì hắn sẽ bị đuổi. Hắn nói, thật ra hắn thấy ta rất ổn, ta xinh đẹp, cũng thông minh. Việc hắn nói móc mỉa ta là do cha ta yêu cầu. Hắn bảo, giờ hắn sẽ hết lòng dạy dỗ ta, việc giảm cân hắn sẽ không nhắc đến nữa. Còn cha ta muốn cho hắn ở lại bao lâu thì là số phận vậy.

Nghe hắn kể mà tự dưng ta chảy nước mắt. Ta khóc vì ta cảm thấy số phận ta cũng có khác gì đâu. Ta cũng đâu có mẹ, ta cũng nghèo vì mọi thứ ta có là của cha ta. Chính việc ăn gì làm gì ta cũng đâu được hoàn toàn lựa chọn. Ngay cả ngoại hình của ta, cũng phải theo chuẩn của cha ta, của mọi người xung quanh. Ta chỉ nhìn hắn và bảo “được, từ ngày mai ta sẽ nỗ lực học hành.”

Ta bắt đầu học hành những gì hắn dạy. Thật kỳ lạ là sau khi ta thấy được sự đồng cảm vì đồng cảnh ngộ thiếu tự do, ta nghe được những gì hắn nói, ta hiểu những gì hắn dạy. Ta học chữ khá nhanh, ta làm được cả thơ từ. Ta cũng học đàn, hóa ra hắn chơi đàn rất hay, khiến ta chẳng mấy chốc cũng chơi được những bản nhạc khiến chim cũng ríu rít đến hót cùng. 

Chỉ sau một năm, ta từ một đứa con gái béo chỉ biết ăn, trở thành người biết cả thi ca nhạc họa. Thân thể ta thon gọn lại không ít. Ta bắt đầu biết mơ mộng, nghĩ rằng ta cũng có giá trị, cũng đáng được yêu thương. Hắn thì, từ một kẻ mặt lạnh kiệm lời, bắt đầu cười với ta, tuy không nhiều lắm. Mỗi khi ta làm được thơ hay, chơi được bản nhạc có hồn, hắn lại nở nụ cười hiền từ. Có một lần ta vui cười với hắn, hắn bất giác đưa tay lên vỗ đỉnh đầu ta, khen ta giỏi.

Hắn vẫn chẳng có tiền, song có lần hắn tìm đâu được bông hoa lạ rất đẹp tặng ta, bông hoa có màu tím kỳ lạ. Ta vui thích vô cùng, cố gắng giữ bông hoa, sau cùng là ép khô để cất. Cha ta càng ngày càng ngứa mắt. Cái chính là cha ta khinh hắn nghèo. 

Đến một ngày, hắn mang đến cho ta một ly nước thuốc, bảo là thuốc giúp ta tiêu hóa tốt hơn. Ta uống xong bỗng nôn ói dữ dội đến nằm liệt. Cha ta lập tức cho bắt hắn lại và mang hắn đi luôn. Và từ hôm đó ta không bao giờ gặp lại hắn nữa. Trong phủ đồn ầm là hắn đã bỏ thuốc hại chết ta nên bị cha ta xử lý. Ta nhất quyết không thể tin hắn có thể hại ta. Song ta nghĩ có lẽ trong phủ có người muốn hại hắn, chia rẽ ta và hắn.

Ta sẽ không bao giờ ngờ được, người bỏ thuốc lại chính là cha ta. Cha ta không cam tâm ta yêu kẻ không môn đăng hộ đối, mặc dù nếu ta và hắn có cưới nhau, thì tiền bạc cha ta có cũng đủ cho chúng ta sống vô lo cả đời. Cha ta còn có một sự ganh ghét ngấm ngầm, kiểu như hắn đã giành ta khỏi cha ta vậy. Ông đã tính toán như thế thì cho hắn biến mất là xong. Tuy vậy, khi hắn biến mất, ta thật sự sụp đổ, ta chẳng còn hắn, nhưng ta cũng không quay lại với cha ta. Ta đã qua tuổi có thể ngồi trên đùi, cho cha ta đút ăn rồi. Ta đã qua tuổi có thể làm bánh bao mập mạp mà vẫn được yêu thương. Cha ta coi ta như cục đất sét, muốn nhào nặn thế nào thì nhào thế ấy. Song ta không phải là cục đất sét. Ông ta tức giận, ta thì không cam lòng. Phủ có hai người, mà như hai thế giới.

Có một đêm, cha ta ngồi trong thư phòng khóc, vì sau khi uống thuốc cha ta hạ độc, họng ta cũng bị ảnh hưởng, ta chẳng hát được nữa, sức khỏe cũng kém đi. Cha ta vừa tức vừa hận, vì sao sinh ra đứa con không nghe lời, không an phận, không theo ý cha.

Phần 3:

Ta ốm liệt giường hai tháng liền, không màng ăn uống. Trong một đêm ta sốt rất cao, ta thấy lại cảnh hắn vuốt tóc ta, hắn mỉm cười hỏi ta có dám cùng hắn bỏ đi, sống cuộc sống nghèo khổ không? Ta giật mình thức dậy, thấy áo đã ướt sũng. Ta nhận ra, cho dù hắn không bị cha ta lôi đi mất, mà nếu cha ta không cho phép ta cưới hắn, thì ta và hắn có tương lai gì đâu? Ta đâu thể làm gì, không biết nấu cơm, không thể lo liệu nhà cửa, lại càng không rành tính toán tiền bạc. Ta bỗng như bừng tỉnh. Sáng hôm sau ta yếu ớt bảo người hầu mang cháo đến cho ta. Ta nỗ lực ăn cháo trắng để lấy lại sức. Qua trận ốm liệt giường, ta gầy đi vừa đủ chuẩn. Sau đó ta nỗ lực ăn chỉ để lấy lại sức, còn chăm chỉ đi dạo hàng ngày lấy lại sức khỏe. Ta cũng chăm chỉ luyện chữ, luyện đàn theo những gì hắn đã dạy ta. 

Một năm nữa lại trôi qua, ta hoàn toàn thay đổi. Ta có vóc hạc xương mai, lại có làn da trắng mịn và vẻ mặt tròn xinh, phúc hậu từ trước không đổi. Ta viết chữ đẹp, chơi đàn rất hay. Tính tình lại hiền lành, chịu đựng. 

Rồi cha ta cũng tìm được hôn sự cho ta, ta được làm chính thê. Chỉ có điều chồng ta là tướng quân mãi ra trận, nên trên ba mươi vẫn chưa lấy vợ. Ngày cưới, ta cũng được mặc lễ phục, cũng bái tông đường. Mọi người còn bảo ta may mắn vì ta không phải làm dâu, kỳ lạ là ta về nhà chồng, trong nhà lại chỉ có ta và chồng ta. 

May mắn sao? Sau đêm động phòng chỉ bị lăn qua lăn lại trên giường, chồng ta hầu như chẳng nói với ta câu nào cho trọn vẹn. Chỉ là những câu ngắn ngủn, thô lỗ về việc hàng ngày. Đó là chưa kể, chồng ta có lúc cũng dạo thanh lâu, thậm chí đi uống rượu chơi gái với các chiến hữu, quan lại khác. Khi ta biết chuyện, gặng hỏi hắn, chồng ta không ngại ngần cho ta một cái tát tai. Chồng ta đối xử với ta không khác gì với quân lính dưới quyền ông ấy. Không hề có tình yêu, không có lãng mạn, không có thấu hiểu, thậm chí không có cả nói chuyện tâm tình. Thậm chí, thậm chí ông ấy còn khiến ta nhớ đến cha ta. Ngay cả bữa ăn, ông ấy cũng là muốn món ăn theo sở thích của ông ấy, toàn là thịt và thịt. Trong bữa ăn, ông ấy ăn như hùm beo, lâu lâu ngửng lên lại nhìn ta chê trách khi thấy ta ăn uống chậm chạp. 

Sau hai tháng, chỉ sau hai tháng, ta muốn bùng nổ. Ta tự hỏi, vì sao số phận của ta lại như vậy. Ta nhớ gia sư của mình da diết. Mỗi đêm, sau khi bị lăn giường, ta nhớ cái đụng chạm hiếm hoi của hắn khi vỗ nhẹ trên đầu ta. Mỗi bữa ăn cơm, ta nhớ ánh mắt dung túng của hắn khi ta rón rén muốn gắp thêm, ăn thêm. Hắn từng bảo: “thật ra, ta thấy nàng ổn mà. Dân đen nghèo khó như chúng ta, có được miếng ăn là quý báu. Nuôi được đứa con gái trắng trẻo, bụ bẫm như nàng là phúc lớn đó. Đâu ra mà phải thanh mảnh, mình hạc xương mai. Phải có da có thịt thì mới có sức mà lao động chứ!” Nước mắt của ta lại chực rơi xuống. Chẳng may một lần chồng ta trông thấy. Ông ấy không nói không rằng ném luôn cái chén đang cầm trên tay vào mặt ta, cục cằn phun ra hai chữ: “Con đ…ĩ…!” Ta ngã ngồi ra đất, gương mặt sượng trân không ngờ nổi. Ông ấy lại phun ra vài chữ: “Lần sau còn dám, ta giết!” Ta nuốt nước mắt vào trong, khép nép ngồi lại lên ghế, nén đau, ráng nuốt cơm, nuốt cả nỗi đau của ta xuống. Bụng đau quặn từng cơn.

Phần 4:

Ta xin được về nhà thăm cha. Tướng quân cho ta về một mình. Về nhà, cha ta nhìn thấy vết bầm trên mặt ta, ông sững sờ nhưng sau đó im lặng, nói tránh sang chuyện khác. Lòng ta chua chát nên lời nói ta cũng quấy quá cho qua. Chuyến về nhà lại mặt tan rã trong không vui. Song nghĩ kỹ lại, thật ra chuyện trò của cha con ta có bao giờ vui. Phần lớn là ý của cha ta, ta chỉ có một đường vâng dạ. Nếu có lúc nào ta có ý định chống đối, cha ta tuy không thẳng tay đánh ta như chồng ta, song ông cũng chẳng bao giờ lắng nghe chứ đừng nói thuận theo ý ta. Tự dưng ta nhìn con chim trong lồng đang treo phía trên và thấy mình cũng có khác gì đâu. Gia sư vốn cho ta ý nghĩ ta có giá trị, ta có tự tôn, ta có thể có tự do thì đã bị xử lý rồi. Giờ ta biết làm sao?

Tháng sau, ta bắt đầu ốm nghén, ta có thai rồi! Biết tin ta không biết nên vui hay nên buồn. Người ta giờ đây giống như không còn cảm xúc hay suy nghĩ gì nữa. Ta chỉ lặng lẽ sống cho qua ngày. Chồng ta chê ta như khúc gỗ, không linh động, không hấp dẫn, không vui vẻ, nhìn là phát chán. Ta tự hỏi, nếu ta vui vẻ hát ca, liệu ông ấy có cho ta vài cái bạt tay hay ném chén khiến ta bầm mặt hay không chứ? Có thai khiến ta nhạy cảm hơn rất nhiều, ta rất dễ buồn, dễ khóc, vì thế ta lại càng cố gắng thu liễm, sống làm sao cho ông ấy không nhìn thấy ta thì càng tốt. Dần dà, chồng ta ít về nhà hơn, không về dùng bữa, tối cũng ít về phòng. Ta lại thấy may mắn vì có thai rồi, thật sự ta rất mệt mỏi nếu còn phải hầu hạ ông ấy.

Vài tháng sau, ông ấy đưa con hát về nhà, đêm đêm sênh ca, tiệc tùng. Sân viện bên ta như một mảng tối đối lập, im lìm, hiu quạnh. Có một đêm ta nghe văng vẳng sang một bài hát dân ca, lòng ta tự dưng quặn thắt, gia sư từng đàn bài này cho ta nghe. Hắn nói đây là bài hát tuổi thơ hắn từng nghe. Ta nghĩ có lẽ cô đào hát tối nay cùng quê với hắn. “Chàng ơi, giờ chàng đang ở nơi đâu?” Nước mắt ta cứ thể tuôn rơi, ta cố nén vì sợ đứa con trong bụng sinh ra sẽ buồn bã giống ta.

Đêm đó, ta lại mơ. Giấc mơ lần này càng khốc liệt. Gia sư hiền từ bị cha ta lôi đi, vẫn ráng quay đầu mắt da diết nhìn ta, miệng mấp máy “nàng bảo trọng!”. Tiếp theo ta nhìn thấy khuôn mặt lạnh lùng, khó chịu của chồng ta, cùng câu nói “đồ lẳng lơ”, thoáng thấy mặt cha ta sau lưng ông ấy, nét mặt bất lực và cũng … bực bội. Ta khóc như mưa, thấy mình cô đơn cùng cực. Thế rồi, ta nhìn thấy một khuôn mặt bé con bụ bẫm, đang nằm phía dưới nhìn lên ta, miệng bập bẹ “mẹ mẹ”. Tự dưng cảnh sắc sáng bừng, ta như tỉnh ngộ. Ta còn con ta, còn đứa trẻ trong bụng này, ta không cô đơn mà. Nước mắt lại tuôn rơi. Ta bừng tỉnh dậy, thấy gối đầu ướt đẫm. 

Ta ngồi dậy, lặng lẽ bước đến bên cạnh gương đồng, ngồi xuống ngẩn ngơ. Bên ngoài trời dần sáng, ta dần thấy bóng mình trong gương. Ta lấy lượt chải tóc, vấn tóc gọn gàng, thay trang phục rồi ra ngoài đi dạo. Ta đi dạo đúng năm vòng sân vườn của ta. Ta tự nhủ từ nay ta phải chăm sóc bản thân, để con ta được dưỡng nuôi mạnh khỏe. Ta nhất định phải sinh con và nuôi con mạnh khỏe, lớn lên mạnh mẽ, để ta có người làm bầu bạn.

Phần 5:

Ngày ta sinh, vừa hay chồng ta ra biên thùy giết giặc. Ta ở nhà một mình sinh con, đúng là một mình, vì bà đỡ tới không kịp. Cơn đau sinh nở làm ta mất một nửa cái mạng. Ta sinh ra được một đứa con trai, ta chỉ còn sức quơ quào kiếm tấm khăn phủ lên cho con rồi nằm vật ra ngất xỉu. Nha hoàn rối rít kêu gọi ta nhưng ta đã lịm đi không biết gì nữa. Mãi đến trưa hôm sau ta mới tỉnh, nhìn lên thấy nha hoàn đang bế con ta, gọi ta cho con bú. Ta vén ngực cho con bú, sữa rất ít, ta lại muốn khóc. Song ta dằn lòng bảo bếp mang cháo lên cho ta ăn. Lần này cho dù ăn đến mập ta cũng sẽ ăn để có sữa cho con ta bú. 

Vất vả, ta thật sự vất vả nuôi con. Ta không có mẹ dạy ta cần nuôi dạy con thế nào, ta cũng không nhớ được ta đã được nuôi dạy ra sao. Vừa khéo, chồng ta thật giống cha ta, không thuê nhiều kẻ hầu người hạ. Trong phủ chỉ có 2 người hầu lo liệu việc nhà, 1 bà bếp. Ai cũng bận túi bụi lo việc, lấy ai giúp ta nuôi con trông trẻ. Chính bản thân ta, gần đến tuổi cập kê mới có gia sư về dạy. 

Ba năm, ba năm ta nuôi con một mình. Ta chỉ quẩn quanh trong phủ, lo cho con ta no đủ, và luôn có ta. Những gì ta không có, giờ ta phủ đầy lên con. Ôm ôm hôn hôn, thủ thỉ chuyện trò. Con ta càng lớn càng mũm mĩm, đáng yêu và nó yêu ta lắm! Mẹ con ta quấn quýt bên nhau cho đến ngày chồng ta về.

Chồng ta về phủ, thân áo còn dính bụi đường, lao vào trong phủ, hỏi ngay “con ta đâu?”. Ta vừa mừng vừa lo vội đưa con ra chào. Ông ấy đưa mắt nhìn con, sau vẻ vui mừng bỗng lóe lên tia chán ghét. “Con trai gì mà nhìn như cục bột, đúng là mẹ vụng chẳng nuôi được con!” Ta hụt hẫng, đau lòng, lại chết tâm thêm một chút. Ta thấy rõ đời này ta sẽ chỉ may mắn thì có con ta làm bầu bạn thôi.

Ngay ngày hôm sau, chồng ta đã lôi con ta ra tập tành, huấn luyện. Đứa con vốn được ta ôm ấp, yêu thương giờ phải giang nắng tập võ. Đôi tay, đôi chân còn mềm phải bầm dập, đau đớn. Song ta không dám nói gì, còn phải tránh mặt đi. May mà đến tối, ông ta sợ phiền, nên quẳng con về lại cho ta, để ông ta còn rảnh rang đi thanh lâu, dạo quán xá cùng chiến hữu. Mỗi tối về, ta lại ôm ấp, bù đắp cho con. Ta bảo con phải nỗ lực, luyện tập để mạnh mẽ cũng là tốt cho con sau này.

Con trai lớn lên năm, ta lại có thai và lần này sinh ra được đứa con gái. Chồng ta không tỏ vẻ vui hay buồn, chỉ bảo “cũng được”. Giờ ta đã có được thêm một người hầu hạ, giúp ta chăm con. Có đứa con gái, ta sung sướng hơn bao giờ hết. Ta thấy mình đã đủ đầy, chẳng trông mong gì hơn. Cả hai đứa con đều dễ nuôi, ngoan ngoãn và nhất là thương ta lắm! Ta nghĩ ông trời đã bù đắp lại cho ta rồi.

Con lớn bảy tuổi, chồng ta lại phải ra biên thùy. Mình ta ở nhà, ta lại thấy vui vẻ và tự do hơn. Ta bắt đầu dạy con lớn viết chữ, làm thơ, đánh đàn. Chồng ta còn để lại một viên tướng già dạy con ta võ nghệ. Con trai ta rất chăm chỉ học hành, nó bảo “để cho mẹ vui!” Ta lại đột nhiên nhớ tới gia sư của mình. 

À, sau khi sinh hai đứa con thì ta không thể gầy lại được nữa. Cứ mỗi lần sinh con, ta nỗ lực ăn nhiều để con ăn sữa của ta. Sau lần sinh này, cả năm sau ta vẫn không gọn gàng trở lại. Cha ta một lần qua thăm ta, lại buột miệng: “Lại béo như heo ra rồi, không khéo mà chồng ghét!” Tâm ta lại úa tàn. Nhưng nhìn hai đứa con, trộm vía, chúng cũng khá là mũm mĩm, ta chẳng thèm buồn nữa.

Con lớn của ta, tập võ nghệ như thế, song cứ đến bữa lại được ta cho ăn đầy đủ, ngon miệng, người nó cứ chắc lẳn, tròn trịa. Da phơi nắng thế nào cũng trắng trẻo như ta. Đứa con gái càng không phải nói, cứ như cục bột nhỏ, dần thành cục bột to.

Phần 6:

Lần này chồng ta đi một hơi cả 10 năm, khi trở về con trai lớn ta đã 15 tuổi, con gái nhỏ 10 tuổi. Ông ấy nhìn thấy hai đứa con thì à lên, vẻ ngạc nhiên. Lúc này ông ấy đã già, mái tóc đã nhuốm bạc, cả người không còn vẻ ngang tàng nữa. Nên cũng không có ý kiến gì nhiều. Ông ấy gọi con trai ra kiểm tra tài cung kiếm, rồi cũng gật đầu không chê trách. Ta thở phào. Nhìn qua con trai ta nó còn có vẻ trút được gánh nặng hơn. Riêng về phần con gái, ông ta chỉ nhìn qua chứ không dò hỏi gì. Song ông ta buông một câu “béo quá, giống hệt mẹ mày!” Ta còn chết tâm không? Không, tâm ta còn để trên ông ấy đâu mà chết. Có điều ta nghĩ cũng đã đến lúc cần giúp con gái ta trở thành thiên kim tiểu thư để dễ kiếm tấm chồng mà nương nhờ.

Ta học hỏi nấu ăn thanh đạm cho ba mẹ con ta. Ta bắt đầu dạy chữ, dạy thơ, dạy đàn cho con gái. Ta nhờ người hầu dạy con gái thêu thùa, làm con gái nhà tướng chỉ cần biết thêu không cần biết may. Hai đứa con ta rất hiểu chuyện, chúng rất thương ta và nghe lời, chịu khó học hành.

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Con trai lớn ta mới mười sáu đã phải tòng quân, ra biên thùy lập công. May mắn, ta nhận là may mắn, lần đầu đi xa nó được cha đưa đi. Nó lại đi một hơi 5 năm mới về, làm ta trông ngóng mãi. Nó về để cưới vợ, do hoàng thượng ban hôn. Nó lấy con gái quan văn, tiểu thư nhà gia giáo, cũng ngoan hiền, biết lễ. Ta vốn không may mắn, nên ta quyết làm mẹ chồng hiền lành. Ngay ngày đầu, ta phân rõ cho chúng ở viện riêng, không phải lo liệu gì cho ta cả.

Con gái ta mười sáu cũng phải lấy chồng, là hôn sự cha nó chọn. Ta cầu trời khấn Phật để nó vào được nhà tử tế. Thật may giờ con trai ta cũng có chiến công và cũng có tiếng nói. Nó dám cãi cha, đề xuất chàng rể khác là chiến hữu của nó, người nó biết đủ tốt cho em. Vậy mà ông ấy phải nghe.

Ta thấy đời ta đã đổi khác rồi. Ta có con trai giỏi giang, con gái ngoan hiền. Đứa nào cũng yên bề gia thất, vui vẻ hạnh phúc. 

Rất nhanh, ta có cháu, mỗi năm hai đứa, cháu nội cháu ngoại. Các con ta có cháu cho ta tù tì đến sáu đứa. Không đứa nào có thiếp thất, vợ lẽ. Có lẽ đêm đêm nghe chồng ta sênh ca, để mẹ con ta lẻ loi trong viện bên này, đã giúp con ta có cái nhìn đúng đắn.

Nhà ta không có phẩm tước lớn. Con ta cũng không vào nhà vương tôn hoàng tộc. Thế nên lễ nghi không nhiều! Hầu như tháng nào con ta cũng mang cháu về chơi với ta. Chồng ta già rồi cũng trở nên thuần tính hơn. Ông ta đã cưới một vợ lẽ, người có thể hầu hạ theo ý ông ta. Ta cảm thấy đó là may mắn. Ta chỉ ở trong viện của ta, ngày ngày đánh đàn, đi dạo. Ta còn học thêu rồi thêu áo cho các cháu khi rảnh rỗi. 

Về già, ta lại bắt đầu tròn trịa ra, nhưng giờ sẽ được cho là phúc hậu. Một ngày nọ, cả nhà ta về thăm cha ta, ông cũng sắp đi rồi. Tự dưng cha ta nhìn ta lại buột miệng “con lại béo ra rồi!” Con trai ta bỗng nghiêm mặt, nhìn ông nó mà nói: “Ông ơi, ông đã có bao giờ không béo, mà sao ông cứ xét nét mẹ con thế!” Ta giật mình, cha ta thì tím mặt. Đúng, ta nhìn lại cha ta, ông ấy luôn béo tròn, bụng còn to. Sao không nói là ta thừa hưởng nét này từ ông ấy đi. Hại ta cùng hai con cứ phải ăn uống khép nép, giữ thân mảnh mai theo chuẩn xã hội. Tự dưng, lần đầu tiên trước mặt cha ta, ta thấy mình được giải thoát. Ta thật sự muốn phá ra cười to mà thôi, cha ta cũng sắp đi rồi.

Ta sống thọ, ta nhìn cha ta, rồi đến chồng ta ra đi, lòng không chút buồn phiền. Ta không cầu sống lâu, ta chỉ thuận theo số trời, còn ở lại ngày nào, ta giúp các con dạy bảo các cháu ta ngày đấy.

Rồi cũng đến ngày ta đi. Buổi sáng đó ta cảm thấy gia sư ta đến, chàng vẫn trẻ trung như ngày chàng phải xa ta. Chàng cười nói: “Nàng đi cùng ta chứ?” Ta mỉm cười: “Thiếp chờ chàng mãi!” rồi đưa tay ta ra nắm lấy tay chàng.

Linh hồn ta bay lên cùng chàng, về trời xanh cao vợi, nơi chẳng ai chê ta béo hay gầy.

Ta nhận ra đời này:

“Ta có sự mềm mỏng nhưng lại khiếp nhược, cam chịu quá mức. Cả cuộc đời ta cần phải học bài “muốn tự do thì phải tự lo!” và ta đã học được.”

Ngoại truyện

Ta có một cô em họ. Cô ta đẹp, người thanh mảnh đúng chuẩn. Song ta không hiểu vì sao cô ta luôn tỏ ra ghét bỏ ta. Sau này nhìn lại cuộc đời này với vai trò khán giả, ta mới thấy gia sư ta bị giết chính và cô ả mách cha ta là ta với gia sư có tình cảm trai gái sai trái.

Cha ta cho ta uống thuốc đến mất đi giọng hát cũng là do cô ta đưa, với lời nói dối là thuốc này giúp ta gầy và thông minh hơn. Sau khi cho ta uống thuốc rồi bị mất giọng, cha ta đã hối hận biết bao nhiêu.

Về sau này, khi ta đã lấy được người chồng tốt, cô ta vẫn liên tục đến nói xấu ta với cha ta. Một lần, cha ta đâm nghi hoặc và cho người điều tra. Biết được sự thật, cha ta đã tương kế tựu kế cho cô ta bị bắt cóc và hãm hại không ra hình người. Nhưng đấy là chuyện mà ta không còn quan tâm nữa.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *