Lớp 4 – Thần thoại Bắc Âu

Một tuần qua, chúng mình được sống trong không khí Thần thoại Bắc Âu, với những bài hát mà người Bắc Âu xưa từng hát bên đống lửa, trước khi kể câu chuyện, về những vị thần, những người khổng lồ, người lùn, các vị tiên, và những con người ở Midgard (trung giới). Những bài hát đó đưa mình vào một cảm giác một cõi nào rất khác. Khác hẳn thế giới của lớp 1, lớp 2 hay lớp 3. Rõ ràng, mỗi cấp lớp, mỗi độ tuổi, các con lại sống trong một thế giới hoàn toàn khác, bởi sự thay đổi trong mọi cơ thể của mình, nhất là về tâm thức.

 

Lên lớp 4, trẻ 9 – 10 tuổi hầu hết đã, đang, chỉ hiếm trẻ sắp, bước qua ngưỡng của sự thay đổi lớn của độ tuổi này. Trước 9 – 10 tuổi, trẻ là một với thế giới xung quanh. Sau sự thay đổi tuổi 9 – 10, trẻ nhận ra ta là một cá thể độc lập, riêng biệt với thế giới. Phần lớn trẻ có thể cảm giác vô cùng cô đơn, có trẻ thậm chí lên cơn hờn mát: “Ở ngoài kia chắc mới có gia đình của con, nơi yêu thương và không la mắng con, hơn ở gia đình này.” Trẻ bắt đầu nghĩ đến cái chết. Các bạn có thể cảm nhận sự “nổi loạn” này ở truyện Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer chẳng hạn. Cho dù trẻ không gặp nhiều buồn đau đến thế này, cũng thường có những thay đổi khác biệt so với trước kia, cần thầy cô, và cha mẹ thông hiểu và giúp đỡ trẻ bước qua giai đoạn khủng hoảng này. Ở mỗi giai đoạn khủng hoảng, nếu được hỗ trợ đúng cách, trẻ mới có khả năng lớn lên và trưởng thành là con người cân bằng, độc lập, tự do và có trách nhiệm với xã hội.

 

Trẻ độ tuổi này có rất nhiều năng lượng để xả. Giờ nghỉ giải lao có khi thầy cô phải cẩn trọng. Vì sau lời thông báo giải lao, lũ học trò có thể lao ra ngoài sân chơi, va vào làm đau thầy cô đấy. Trẻ thật sự thích đuổi bắt, vớ lấy và vật nhau, thậm chí là đánh nhau thật sự.

 

Bắt đầu từ độ tuổi này, cái gọi là “lương tâm” của trẻ thức giấc. Trẻ thích khám phá và thực hành nói dối. Có thể phân biệt sự nói không đúng sự thật ở các cấp lớp bé hơn là nói khoác, nói quá. Còn từ lớp 4, trẻ biết mình nói dối, thậm chí đi kèm với cảm giác không thoải mái trong tâm thức (lương tâm), song trẻ vẫn làm để biết nó như thế nào. Chửi thề cũng là hoạt động không hiếm ở độ tuổi này. Vì thế, người giáo viên có thể cho trẻ trò chơi, nơi có một nhân vật tưởng tượng như con sói độc ác, gã khổng lồ ngu độn, để trẻ tạo thành vòng tròn và thực hiện “insult” (tạm dịch sỉ nhục).

 

Một bạn mới vào học có sự quan ngại liệu cho trẻ chơi sỉ nhục để xả năng lượng (không quay qua sỉ nhục nhau) thì có đúng không? Mình đã suy nghĩ khá nhiều về vấn đề này, và đây là quan điểm của mình. Liệu có hay không một thế giới toàn màu hồng, nơi bất kỳ ai cũng nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, lịch sự, đẹp đẽ và đầy trong sáng. Dĩ nhiên là có, nhưng đó là kết quả của sự tiến hóa và hành trình trải nghiệm lâu dài. Con người ta sinh ra đã là Phật, là tiên, chắc chỉ hãn hữu chọn thiết kế cuộc đời như thế. Con người, bản thân chọn sống cuộc đời này, cho những trải nghiệm. Và chỉ toàn trải nghiệm màu hồng, thì là hay hay là chán ốm? Quay lại việc là một đứa trẻ, dù quan niệm “nhân chi sơ tính bản thiện” hay “nhân chi sơ tính bản ác”, chắc đều phiến diện một mặt của vấn đề. Rudolf Steiner thì nói rằng, trẻ sinh ra chưa biết về moral (đạo đức), chưa biết đúng – sai, tốt – xấu… Và chính người lớn xung quanh trẻ là người làm gương trong giai đoạn đầu để trẻ nhận biết cách sống đúng đắn, biết ranh giới và biết về uy quyền của người lớn. Uy quyền của người lớn thể hiện không phải bằng trừng phạt, đòn roi. Uy quyền tỏa ra từ bên trong, từ cái tôi mạnh mẽ, bản thể vững vàng của người lớn, để yêu thương, để làm gương, để đưa ra ranh giới, hướng dẫn con trẻ làm điều đúng vào thời điểm đúng theo cách đúng. Trong hành trình vươn đến con người tự do, một cá thể cần được trải nghiệm sự tiến hóa qua các quá trình thử nghiệm và trải nghiệm. Người giáo viên Waldorf Steiner cần hiểu rõ sự phát triển của con người (cũng chính là sự phát triển của xã hội, của nhân loại), liên tục quan sát trẻ, giáo dục chính mình và giáo dục trẻ, để chuẩn bị cho cả cuộc đời trẻ, chứ không phải chỉ cấp lớp này, điểm thi của kỳ này hay của năm này (giáo dục Waldorf không có kỳ thi nào hết cả, kỳ thi thật sự là cách sống cả cuộc đời). Cá nhân mình, qua trải nghiệm với chính mình và với trẻ, thấy rằng, việc liên tục chỉnh sửa cho các con trẻ sống đúng, sống đẹp, thực chất chỉ là sự đè nén từ bên ngoài, vuốt kem, tô hồng cho vẻ ngoài. Còn những mâu thuẫn, giằng xé bên trong mà bị ép hết vào trong, thì chỉ chực chờ ngày bùng nổ. Thay vào đó, hay cho chúng được xả ra, theo cách đúng đắn, theo cách nó được nên làm thế. Sỉ nhục, có thể theo cách rất văn nho, thâm thuý kiểu ông bà ta xưa, kẻ bị sỉ nhục lúc đó thì cười, về nhà mới tức hộc máu ra (nghe kinh nhỉ, có khi thế thì chửi trước mặt cho tức đùng đùng có khi lại hay hơn không). Sỉ nhục kiểu thông minh, hài hước, theo kiểu: “Nếu cậu mà có thêm bộ não thứ hai, thì chắc là nó cô đơn ghê lắm!”. Sỉ nhục theo kiểu đàn ông háu đá của 2 nhân vật chính trong Fast & Furiuous 7, 2 anh chàng sỉ nhục nhau liên tục đến lúc cả 2 cũng phải phì cười vì những câu sỉ nhục vô đối của mình. Ấy vậy mà chính từ đó thì 2 thằng đâm mến nhau (vì tài năng xứng tầm chăng?) sau đó.

 

Trẻ cũng được tập những bài tập Speech (ngôn từ) mạnh mẽ, dữ dội nhiều hơn. Để trẻ học được sức mạnh của ngôn từ và cách phát ngôn, có thể chữa lành người khác, mà cũng có thể xúc phạm, làm đau.

 

Vì sao trẻ được học Thần thoại Bắc Âu ở lớp 4? Nếu như ở lớp 3, trẻ học về sự sáng tạo ra Trời Đất, về câu chuyện con người “rơi khỏi vườn địa đàng” (Fall from Heaven), và xuống đất phải tự làm ăn, sinh sống, nuôi sống bản thân. Thì ở lớp 4, trẻ bắt đầu học về các vị thần, không còn là một vị thần duy nhất (Đấng sáng thế), với những tính cách riêng biệt và dễ nhận rõ hơn. Trẻ càng hiểu thêm về điều tốt – điều xấu, thậm chí là điều tốt và cả điều xấu trong một con người. Nhân vật Loki, với vẻ ngoài điển trai, thông minh, nhanh nhẹn, ở phần đầu của loạt truyện rất hấp dẫn, vui vẻ, gây chuyện nhiều mà cứu nguy cũng nhiều. Rồi càng về sau, nhân vật này càng chuyển “đen” hơn, xấu xa hơn, và trẻ sẽ nhận thấy rõ điều đó. Cho đến lúc Loki làm chuyện không thể dung thứ và bị trừng phạt. Trẻ sẽ biết mình cần làm gì?

 

Phải chăng cần những câu chuyện như thế, hơn là câu chuyện màu hồng của cô bé ngoan, ngồi trong lồng kính, và những cái kết hạnh phúc mãi mãi về sau? Nhất là cho lứa tuổi đã biết về cái chết, về sự cô đơn, về cái tốt và cái xấu trong một con người, và trong cả chính mình.

 

Với phần bài học chính (Main lesson) là Thần thoại Bắc Âu, người giáo viên hoàn toàn có thể ứng dụng để dạy toán, địa lý – lịch sử, học viết, học ngữ pháp, học kể chuyện, và tập kịch.

 

Những câu chuyện được thầy cô kể, và trí tưởng tượng của trẻ hoạt động mạnh mẽ. Để trẻ có thể thể hiện hình ảnh mình “thấy” được, bằng tranh vẽ vào vở, trên giấy (vẽ màu nước, màu sáp, chì màu), và cả thêu chúng thành tranh. Chính bởi hình ảnh vẽ trong đầu mình, có chăng chỉ thêm bức vẽ bằng phấn của người giáo viên trên bảng đen, mà mỗi tác phẩm của mỗi học sinh Waldorf Steiner, dù trong cùng một lớp, đều thể hiện hoàn toàn khác nhau, và có “hồn” trong đó.

 

Thần thoại Bắc Âu dĩ nhiên còn đi vào cả việc học vẽ nét (form drawing), thắt dây, làm dụng cụ của người Bắc Âu, và nếu có thời gian, học cả chữ viết cổ của họ nữa (vì thời gian này trẻ học về lịch sử của chữ viết).

 

Chúng mình được sinh hoạt vòng tròn, làm những động tác của người Viking, với khiên, với gươm (là đôi tay mình), Những hoạt động, cử chỉ, di chuyển mạnh mẽ và đầy năng lượng. Tất cả không khí đó, đi thẳng vào trong đầu, trong tim, trong tay chân, và biến cả người lớn chúng mình, thành những người rất khác. Mong mỏi và ngước lên những điều cao cả hơn.

 

Nhớ lúc chúng mình đưa chia nhóm và thảo luận làm thế nào chỉ qua một đoạn bước đi, thể hiện tính cách nhân vật vị thần mình được nhận. Khi nhìn thấy từng nhóm “biểu diễn”, da gà da vịt của mình nổi lên hết. Mình cảm nhận được điều đó, cái hồn của từng nhân vật. Người lớn đã diễn thế, trẻ còn “diễn sâu” đến mức độ nào?

 

Cứ mỗi khoá học, là một món quà quá vĩ đại và cao quý đối với bản thân mình. Đợt này mình bận quá nhiều việc cùng lúc nên không chép notes nhiều được, thèm lắm nhưng mọi thứ đều có lý do.

 

Note sau, hẹn nói về Địa lý, môn học mà Rudolf Steiner từ thời của ông, đã nói thật đáng buồn khi bị coi là môn phụ. Trong khi Địa lý là môn “mẫu” (mother subject) của tất cả các môn học, nơi các môn khác có thể chảy vào nó, và từ nó có thể “chảy ra” tất cả các môn học khác. Vì sao ư? Hãy nghĩ xem, vào cái thời xa xưa nhất, khi con người chúng ta chọn một nơi để sinh sống, chẳng hạn vùng đồng bằng ven một con sông nào đấy, chẳng phải đó là Địa lý hay sao? Địa lý chỉ là một tên gọi. Địa lý trong giáo dục Waldorf Steiner đã bắt đầu từ cấp mầm non, khi những đứa trẻ đều đặn mỗi ngày, được ra ngoài đi dạo, ở vùng xung quanh trường, để nhận biết cái gọi là “thiên nhiên quanh nhà” hay “môi trường xung quanh” (local surroundings). Trong môn Địa lý ấy, có lịch sử hình thành nơi chốn, có những ngành nghề người xưa đã sinh sống, có quần áo, món ăn, có văn hóa. Mình nghĩ về Mẹ Đất khi nghe về môn Địa lý của Waldorf Steiner.

 

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *