Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, ngày 12.12.2022

Làng cổ Đường Lâm, cách Hà Nội khoảng 35km thì phải. Đến đây mình đi đường qua Thạch Thất, làng gỗ và chè lam, quê chồng của bạn, tiếc là chưa được về! Sau đó đến Sơn Tây, thì sẽ đến Đường Lâm. Thật ra Đường Lâm khá rộng, có đến mấy cái xã lận mà. Trong đó có một làng có 2 vua (Phùng Hưng, Ngô Quyền), còn là quê của mẹ Hai Bà Trưng nữa.

Còn đến đây thì vì thời gian eo hẹp, chúng mình thuê xe điện (400k/chuyến không tính đầu người) ngay đầu làng để được chở đi nhanh hơn. Chứ thuê xe đạp (40k/chiếc) hoặc đi bộ sợ tìm không ra các điểm tham quan. Chú lái xe điện, cứ hỏi chuyện là ra được rất nhiều thông tin thật thú vị và hay ho.

Làng đã sửa sang lại nhiều, có mỗi một con đường nhìn thoáng qua thấy còn lót gạch mà không kịp ghé chụp. Các ngôi đền chùa may sao còn giữ được một số bức tượng cổ, song những phần sang sửa qua nhiều lần khác nhau không ăn nhập gì với nhau, thế nên lại cho một cảm giác khá buồn!

Coi như là cho con trai lớn một cảm giác nào đó về một làng quê Bắc Bộ (chứ con trai nhỏ thì đi các làng quê Bắc Bộ khác và cảm nhận nhiều rồi) .

Cổng làng hơn 300 năm tuổi, ngày xưa là tối đâu 9 – 10g là đóng cổng (xung quanh là giao thông hào) “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Đình làng xây cùng lúc với cổng làng.
2 gian 2 bên đình rộng rãi, có chú cá gỗ treo lửng lơ.
Có một chàng trai đứng lơ thơ…
Cổng đình, bên này là gạch xây từ thời xưa. Bên ni gọi là Mông Phụ nha (bên kia, đương nhiên, gọi là Mông Chính).
Bên cạnh tường Mông Phụ có cái giếng làng đẹp lắm, mà giờ bị bên quay phim nào đó đem tráng xi măng lên thành mất đi vẻ rêu phong.
Nghe nói ngày xưa ai muốn lấy vợ làng này là phải góp gạch để làm đường làng nhá!
Chùa Mía, gian ngoài xây mới.
Thích những cây cột trên nhỏ dưới thuôn to dần như thế này!
Ngay bên phải cổng vào là cây nhãn 800 năm tuổi. Phía bên kia (bên trái bên hông đền) có vườn nhãn tiến vua do các họ mang cây nhãn tới trồng, mỗi cây mỗi vẻ.
Đền thờ Ngô Quyền, tất cả đền chùa ở đây hầu như cần đi sâu vào trong cùng, gian nhỏ thấp nhất là gian cổ, với những bức tượng cổ, mới có thần nhất!
Bản ghi danh hàng duối (ở đây ghi là rạng ruối) 18 cây, hiện có 2 cây bị chết, đang ủ thuốc cho mọc rễ sống lại. Những cây duối từng là nơi cột voi cột ngựa của Phùng Hưng.
Hàng duối
Món thấy ngon nhất, đã nhất nguyên chuyến đi là món này.
Bưởi đào đường vừa tươi vừa ngọt vừa hồng.
Mía vừa ngọt vừa mềm.
Ăn ở quán nước trước đền thờ Ngô Quyền. Trong không gian nhìn ra cánh đồng, ăn mía, uống nước mía vừa nghe kể sự tích kẻ mía, gà mía đến từ Bà Chúa Mía (vợ Trạng Trình).
Trong làng có 3 nhà cổ, đây là nhà to nhất, được gọi dân dã là nhà ông Thiệu thì phải. Nhà có 7 gian 1 vì (mình vẫn chưa hiểu vì là gì lắm), may quá hôm nay đã hiểu “gian” là thế nào! Nhà từ xưa đến nay chỉ sửa sang không xây thêm xây mới. Ngày xưa các cụ xây nhà bền thế, mát thế!
Một chiếc móc áo xinh xắn!
Sập gụ càng xinh!
Ô cửa nhìn ra sân đầy nắng đang phơi những vại tương to, mùi chua thơm nồng khắp!
Tấm cuối là 3 con người hiện đại đang lạc đến đây!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *