Huy chương hay gông cùm?

Thân phận những con ong cái kiến.
Ông bà ta xưa nói cấm có sai, như con ong cái kiến … Con ong cái kiến nó thấp cổ bé họng, nó làm như điên, nó thiệt thòi đủ điều. Ờ, nhưng mà nó rất hay được khen, là chăm chỉ, là cần cù, là kiên trung, là ngoan ngoãn. Ôi, thế là nó vui, nó lại làm hùng hục. Nó cắm mặt xuống đất, nhiều khi nó chẳng còn nhớ trên trời kia có mây trắng, nắng vàng. Và thật sự, chả ai cấm nó được nhởn nhơ vui chơi như bướm, như ve. Vì nó sợ, ngụ ngôn chả bảo ve ca hát suốt mùa hè thì mùa đông đói nhăn đó ư?
Nhìn lại mình coi, mình có đang làm hùng hục, vì mình sợ mình đói, mình nghèo, mình thua bè kém bạn. Mình học cho chăm, vì mình sợ mình ngu, mình thua điểm, mình kém tắm. Mình mua sắm cái này cái kia, vì sợ không theo kịp xu hướng, lạc hậu với văn minh. Thậm chí là, mình tu luyện khổ hạnh, vì mình sợ mình không được đắc đạo theo chuẩn của sư phụ. Kể cả những lớp giá trị sống bây giờ, một giá trị được gọi tên, được tô vẽ, được tung hô, được quay cuồng mất bao tâm sức, thời gian. Tất cả đang … kéo chúng ta ra khỏi bản chất vấn đề, ra khỏi điều cần làm.
Điều đó thể hiện trong mọi điều, không chỉ làm, mà còn là cách ta suy nghĩ, ta yêu đương, ta hưởng thụ, ta hướng tới mục tiêu cuộc đời.
Chúng ta đang quay cuồng trong những cái được gọi là chân giá trị, những định nghĩa, những tiêu chí, những chuẩn mực, do “ai đó” tạo ra, dù có nhân danh thánh thần đi chăng nữa. Đó là một trung tâm chỉ huy, một máy phát tư tưởng, và chúng ta đang lơ mơ đi theo nó, chẳng khác gì những con zombie. Pokemon chỉ là một hình dạng, tiền bạc chỉ là một hình tướng, mốt chỉ là một kiểu dạng. Chúng ta đặt tên cho tất cả, kể cả các triết lý, phong trào tâm linh, rồi ta dính cứng vào những gì được gọi là định hướng, tiêu chuẩn. Và chúng ta lại quên điều cần làm.
Ta có thể cười người khác vì sao không dám chuyển nhà chỉ vì sợ sẽ xa bệnh viện quen, không dám đi chơi xa vì phải canh nhà sợ mất trộm, không thể đi gặp bạn vì hôm nay phải nấu cơm, không dám nghỉ một ngày đi dự hội trường của con vì sợ mất việc, không dám nói ra chính kiến vì sợ mất mặt. Đau lòng thay, người khác chính là tấm gương soi chính ta. Ta thấy người dính mắc vì chính ta cũng có dính mắc.
Một vòng tròn luẩn quẩn, một mạng nhện tư tưởng cài đặt vĩ đại bao trùm. Ngày nay không cần phải bắt cóc người đưa lên phi thuyền để cài đặt, chỉ cần những trạm thu phát sóng điện thoại, wifi, truyền thanh, truyền hình. Bây giờ ngưng đọc vài giây, nhìn sang bên phải, phía trên, phía dưới… màn hình điện thoại, máy tính, những chương trình quảng cáo dày đặc, chúng đó! Chỉ cần bạn lắng nghe một điệu nhạc quảng cáo, một thông điệp thoáng qua, và bạn cho nó được in dấu vào đầu mình, xin chúc mừng, tư tưởng cài đặt đã được kích hoạt. Bạn đã lỡ yêu iPhone, bạn sẽ trung thành và đi theo nó suốt bao ngày, từng thông tin, từng thay đổi, bạn vui buồn cùng nó. Nhân rộng ra, con người ngày nay ít ai không nghiện một thứ gì: công nghệ, mua sắm, tình dục, việc làm, ăn chơi, làm đẹp … thậm chí cái gọi là “tâm linh”.
Loại cài đặt này dễ mắc khó bỏ. Chưa kể nó đã ăn sâu đời đời kiếp kiếp, lớp này chồng lên lớp khác. Nó đã ăn vào thịt, vào xương, vào tuỷ, trở thành một bộ phận của cơ thể. Những chiếc gông cùm nặng nề khiến ta làm những việc lặp đi lặp lại theo thói quen, cần mẫn, chăm chỉ như con sâu cái kiến. Những chữ vàng kiểu “tiết hạnh khả phong”, “công dung ngôn hạnh”, thực chất là những cái gông cùm lại được ta đeo vinh hạnh như những tấm huy chương. Giờ mấy ai chọn con, chọn chồng/vợ chứ không chọn điện thoại, TV nào? Cứ đặt lên bàn cân, những thiết bị điện tử, những thú vui thời thượng, những chuẩn mực xã hội… thắng thế tình yêu thương, những tư tưởng cao cả, những sự thật minh triết.
Chuyện cổ tích có một câu nói vầy: “Nếu nói như vậy, thì nó sẽ là như thế!” Nếu bạn nói: “nó là như vậy, không thể khác được”, “tôi không thể thay đổi, đó là lẽ sống của đời tôi”, hay những câu cụ thể hơn như “ăn gì cũng chết, không ăn thì chết nhanh hơn”, “cái gì cũng xấu, chọn cái ít xấu nhất thôi”… thì nó sẽ là như thế.
Đừng nghĩ bạn xây boong ke dưới lòng đất, hay có cơ hội để chuyển đi đâu đó tốt hơn, là bạn thoát, khi vấn đề lại đang nằm chính trong bản thân bạn, chỉ là bạn có nhận ra hay không thôi?
Cảm ơn cô giáo Huong Class, cảm ơn những người bạn (mà mình vẫn gọi là CHTL – chiến hữu tâm linh) Vân Nga
P.S.: Không phải không buồn sâu sắc khi chính người thân yêu của mình không nghe những gì mình nói. Khi có những bài viết mình chia sẻ là những thứ không dễ mình có được, và nó vô cùng quý giá mà mình cố không giữ cho riêng mình, song có rất ít người đọc.
Song vui vô cùng khi đã tìm được con đường. Và khi có tình yêu và lòng tin, thì con đường cứ nối dài mãi.
Tối hôm trước, Nhím đưa lại điện thoại cho mẹ, và nói: “Mẹ giữ dùm Nhím nhé! Nó làm Nhím xao nhãng quá!” Cảm ơn con! Chính con và những đứa trẻ là nguồn động viên lớn nhất!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *