Học gì, vào thời điểm nào, theo cách nào, và lý do?

Em gái hỏi mình lại dạy NN cái gì ở cấp lớp nào? Bảo viết bài rồi mà, em bảo vẫn thiếu. Ờ thì để khi nào có thời gian viết tiếp. Đó là quá trình tự tìm hiểu liên tục. Ví dụ như về dạy ngữ pháp ấy, thật ra mình nhớ mang máng là chương trình ngày xưa mình học (trường công) hình như cũng dạy giới từ và trạng từ vào lớp 4, hay sớm hơn mà khi ấy mình vật vã vì không hiểu gì (mặc dù vẫn làm tốt, học hành “tanh tưởi” vì có thể nhớ công thức và làm được, nhưng trong lòng vẫn đau đáu muốn hiểu được chúng). Sâu xa đến thế này thì có lẽ đến giờ mới hiểu, chứ này đó mà hiểu được thì có mà “già ngắc khú đế” sớm à?

Giới từ là gì, nếu không phải là phương tiện giúp chúng ta nhận thức về mối quan hệ của chúng ta với thế giới, với các thế giới (động vật, thực vật, khoáng vật) trong tự nhiên và đồng loại của chúng ta? Trạng từ là gì, nếu không phải để giúp chúng ta nhận thức về phẩm chất của các hành động của chúng ta? Không có gì ngạc nhiên khi ngữ pháp là nghệ thuật đầu tiên trong số Bảy Nghệ Thuật Tự Do được học trong các trường đại học thời trung cổ, vì nó giúp mở ra cánh cửa đến sự nhận thức và tự nhận thức, nếu không có nó thì sẽ không có con người.
AC Harwood 1975

Đấy ngày xưa đến đại học người ta mới học ngữ pháp còn gì? Điều này lại dẫn đến một điều rất thú vị (mà được các thầy cô đào tạo GV chỉ ra, không phải em tự khám phá được, nhưng sau nhiều lần giờ em đã hiểu và nhận ra khi chúng xuất hiện). Đó là những khái niệm mà ngày xưa nhân loại học ở cấp cao, càng ngày nhân loại càng học ở cấp thấp hơn. Chẳng hạn như các định luật Pitagore (Pi ta go), Archimedes (Ác si mét) ngày trước cỡ học giả người ta mới tìm ra và sau đó học trò (trưởng thành) mới được học và hiểu được, thì giờ đã được học ở các cấp phổ thông. Tuy nhiên, điều “vi diệu” trong Giáo dục Steiner là hiểu rõ vì sao dạy cái đó vào thời điểm đó, đùa chứ trong giáo dục công cũng được giới thiệu đúng thời điểm song có lẽ người ta quên đi hay không có thời gian quan tâm đến lý do, nền tảng triết lý của việc giới thiệu nội dung hay môn học nào vào thời điểm nào, cũng như quên đi cách giới thiệu và cách dạy. Người giáo viên Waldorf phải hiểu rõ, chẳng hạn dạy lịch sử (chính thống tức là thành bộ môn rõ ràng, các cấp dưới được khéo léo kết hợp trong các hoạt động khác) là ở lớp 5 vì đó là khi tâm thức của trẻ đặt câu hỏi về sự tương hợp của mình với thời gian. Lớp 5 cũng tương xứng với giai đoạn phát triển ý thức của nhân loại trong lịch sử là từ thời kỳ Ấn Độ cổ đến Ba Tư cổ, Lưỡng Hà, Ai Cập, Hy Lạp.

Cách giới thiệu khái niệm mới cần đi liền với sự phát triển tâm thức mới này của trẻ, không thể thiếu những câu chuyện giúp trẻ có hình ảnh bên trong về khái niệm đó và có cảm xúc, cảm giác về nó, các hoạt động cụ thể để trẻ thực hiện khái niệm đó và khái niệm đó đi vào cơ thể trẻ. Cho đến cuối cùng (bước thứ 3) người giáo viên mới cùng và giúp trẻ tìm ra khái niệm đó. Không có gì là mới mẻ, và Rudolf Steiner không phát minh ra, mà ông chỉ nhắc lại, chỉ ra rõ ràng điều mà lâu nay vẫn thế và những người đi sau ông đã đưa ra một số chỉ dẫn rõ ràng hơn rằng họ đã làm điều đó như thế nào.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *