(Bài ghi chép của Lớp học Chữa lành Đa dòng thời gian của Huong Class – Chủ đề chữa tư tưởng thiếu.)
Ngày hôm nay, trái tim tôi mở oà cảm giác vui sướng, khi tôi hiểu được ý nghĩa của việc “hãy cho đi chính cái ta cần” khi muốn chữa tư tưởng thiếu, dù là thiếu tiền, thiếu tình hay thiếu cả lý tưởng sống … Tôi thường không chia sẻ những trải nghiệm thiền chữa lành dòng thời gian (timeline healing) trên fb của mình, vì ngại bạn bè lo lắng hỏi tôi “bị vầy lâu chưa?”. Tôi “bị vầy” từ hồi đầu năm ngoái, ngày càng “bị nặng hơn” và rất vui sướng với những kiến thức và trải nghiệm tâm linh mình đã có được. Và hôm nay, tôi nghĩ là bài học quá quý báu, thường là tôi muốn “giấu đi cho riêng em biết” á, nhưng nó quá vĩ đại đến mức, tôi nghĩ phải tặng nó cho những người yêu dấu của tôi.
Tôi sẽ viết nội dung cô đọng về cái gọi là “chữa tư tưởng thiếu”. Sau đó, tôi sẽ chia sẻ 3 câu chuyện về tiền kiếp của chính tôi, để các bạn hiểu qua trải nghiệm, có lẽ là sẽ màu sắc, sống động và gần gũi hơn. Các bạn có thể tin hay không, coi chuyện này là chuyện có thật hay tưởng tượng, một trải nghiệm thiền hay một bài viết văn, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là, tôi hy vọng nó gieo mầm cho cái gì đó, chẳng hạn một niềm tin, về vũ trụ này là trù phú, chúng ta chỉ cần yêu thương, chia sẻ và cho đi.
Chúng ta có một số tư tưởng gọi là tư tưởng gốc. Tư tưởng gốc này tạo nên rất nhiều cách tư duy, nhiều suy nghĩ, hành động, phản ứng theo khuôn mẫu nào đó. Tư tưởng nhiều người phải chung sống là tư tưởng thiếu. Tôi á, đầy, tôi nghĩ tôi thiếu tiền này, thiếu tình cảm này, thiếu may mắn … đủ thứ hết á. Chài, tôi mà có được trạng thái thiền để bình tĩnh nhìn vào chính mình thì cứ gọi là bão táp cuồn cuộn nổi lên. Cho nên có thể nói là, tôi rất rành về tư tưởng thiếu.
Có lẽ nhân loại đang đầy tư tưởng này, một loạt các cuốn sách về cách làm giàu, cách thu hút tiền bạc và các mối quan hệ … có thể đếm không hết. Điều nguy hiểm là tác dụng phụ của liều thuốc. Cái này nhiều sách về tâm linh mới đã có nhắc tới, tôi chỉ xin điểm qua. Thứ nhất, đau khổ, thường những người đi học lớp làm giàu là vì muốn mình giàu hơn, muốn mình giàu hơn là họ đang có tư tưởng “tôi chưa có đủ tiền” (tức là tôi vẫn thiếu). Một khi tư tưởng gốc, cốt lõi bên trong là “tôi thiếu tiền”, thì dù bạn có gào lên một ngàn, một tỷ lần “tôi là người giàu có”, thì cái vũ trụ nghe thấy là năng lượng “tôi thiếu tiền”, chứ không phải là cái bạn đang cố phủ dụ bản thân mình. Mà đời là thế, cái khó là chuyển biến niềm tin trong bản thân mình kìa. Ngay cả tôi, được trang bị nhiều kỹ thuật chữa lành, tìm kiếm năng lượng tích cực, tôi vào trong thiền, thấy cây trái lúc lỉu quả, nấm hoa tràn ngập lối đi đến không đưa chân đi được, trẻ con xinh xắn chạy khắp nơi, thiên thần vỗ cánh bay khắp chốn … mà lòng tôi vẫn nghi tôi còn “sợ thiếu”, ai mà biết được. Cho nên, yếu thì không nên ra gió, lòng còn thiếu mà càng áp dụng kỹ thuật này kia thì quả đắng nó về coi chừng đỡ không kịp rồi chết vì bị đè.
Buổi thiền trước, tôi đã nhìn thấy 2 cuộc đời. 1 cuộc đời tôi biết tôi thiếu, thiếu tùm lum, nhưng tôi chưa xác định được cái thiếu chủ đạo, tôi bắt đầu phân tích tà la, tôi tạm đặt tên nó là “thiếu tiền nên thiếu tình yêu”. 1 cuộc đời tôi thiếu chắc luôn là tình yêu, gì chứ ngay cả mẹ ruột mà con cầm dao để đâm chết tôi nếu tôi còn ráng đi theo bà, thì còn nói làm gì, phải không? Buổi thiền trước, cuộc đời đầu tiên tôi đã thấy người đó giải quyết tốt đẹp.
Buổi thiền này, tôi đã tìm được giải pháp cho cuộc đời thứ hai, và lại tiếp tục mở ra nhiều dây mơ rễ má khác. Theo kiểu, đừng nghĩ đời này mình là nạn nhân của ai đó, kẻ đó thiệt xấu, kiếp trước cũng ghét mình. Nhưng cũng không phải “quả báo” đơn giản là kiểu, kiếp trước mình giết nó, kiếp này nó giết mình. Vũ trụ tinh tế chớ, làm vũ trụ ai làm thế. Mà thôi, để tôi kể bạn nghe. Ai rảnh thì đọc cả ba. Ai không tin lắm thì đọc cái thứ 3, cái này rất vui. Ai muốn phiêu lưu tí thì đọc cái thứ nhất. Ai dám đọc truyện buồn hãy đọc cái thứ 2 nha. Ai thấy mất công quá thì coi luôn phần giải pháp ở cuối bài.
1. Thiếu tiền nên thiếu người yêu?
… Một cuộc đời mà quang cảnh đầu tiên là có những rễ cây to, rất to, phải to đến cả vòng tay người ôm, đang giăng mắc, kéo dài ra hướng ngang khắp nơi. Mình đang đi theo những cái rễ cây ấy, chúng có màu vàng của đất. Cho đến khi mình đi ra khỏi rừng, và lại từ một chỗ đất cao, nhìn xuống phía dưới thung lũng chan hoà ánh nắng. Ở đó, có một ngôi làng với mái nhà lúp xúp, xung quanh là cây xanh khá nhiều, trong đó có cây chuối.
Mình là một chàng trai vạm vỡ, da nâu bóng, bắp thịt nổi cuộn và săn chắc, tóc đen, mặc áo da thú. Ngôi làng dưới kia là một làng thuộc Ấn Độ ngày xưa, khi chế độ phân tầng giai cấp còn rất rõ rệt. Chàng trai chỉ có một mình, sống trong rừng. Chàng có thể làm mọi thứ, săn bắt thú rừng, thấy cả cảnh chàng bắn chết con thú như nai, cắt cổ nó để uống máu còn nóng hổi (không thấy ghê, thấy chàng làm để sống, không ác ý, man rợ, chỉ làm việc cần làm). Sau đó mang nó về, lột da, xẻ thịt phơi khô. Tận dụng mọi thứ, không bỏ phí cái gì. Chàng chặt cây, xẻ gỗ, làm nhà. Hái trái cây rừng để ăn. Nghĩa là rừng cho chàng mọi thứ để có cuộc sống đầy đủ và thoải mái. Chỉ trừ một thứ, một người con gái để yêu và để làm vợ. Do đó, chàng hay về làng và nhìn ngắm làng từ xa như vậy. Nhưng ngôi làng đó không chấp nhận chàng.
Đi xa hơn về quá khứ tìm hiểu lý do. Cha mẹ chàng khi xưa thuộc tầng lớp trung bình, nhưng rất nghèo. Khi cha mất, họ đành vay mượn để làm đám ma đàng hoàng cho cha. Sau đó, làm lụng mãi mà vẫn không đủ tiền trả nợ. Họ bị làng trục xuất. Hai vợ chồng dắt díu nhau vào rừng, họ dựng nhà lên để sống, và sinh ra con trai ở đó. Người con trai lớn lên, hiếu thuận với cha mẹ, chưa bao giờ thắc mắc vì sao phải sống ngoài rừng. Khi cha mẹ lần lượt qua đời, chàng chôn cất cha mẹ tử tế. Và chỉ kể từ đó, chàng cần một người làm bầu bạn.
Chàng đã về làng, vào làng, nói chuyện với mọi người. Nhưng xem ra việc cưới được vợ là bất khả thi. Lý do, chàng chẳng có tiền, làm sao có thể mua bò, mua vải vóc, trang sức … để đi hỏi vợ. Thấy có một lần, chàng đã chọn một cô gái gọi là “cùng đinh” nhất làng, lại còn mồ côi, để xin về làm vợ. Song khổ, cô ta sống với một gia đình họ hàng, cũng khổ chẳng khác gì người làm không công. Và gia đình đó vẫn thách cưới như thường. Nên chàng cũng chịu chẳng thể nào rước cô về làm vợ. Sau vài lần như thế, nỗi cô đơn và cảm giác như bất lực của chàng càng tăng lên.
Mình ngồi yên, cố gắng tĩnh tâm, không manh động xem điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Đầu lờ mờ đã hiện lên ý nghĩ, có lẽ tư tưởng gốc là “thiếu tiền dẫn đến thiếu tình cảm” chăng?
Sau một lát, thấy cảnh chàng trai đang đứng ngó về ngôi làng, thì thấy một cặp vợ chồng đem bỏ đứa con gái mới sinh còn đỏ hỏn ra bìa rừng. Vì nhà họ quá nghèo, lại đông con, nuôi không nổi, đành bỏ con đi. Chàng vội chạy lại, gặp họ, hỏi han rồi xin họ mang về nuôi. Họ gật đầu ngay, rồi gạt nước mắt trở về làng. Chàng mừng như bắt được vàng, mang đứa bé gái về nuôi. Chăm chút nó hết mực, thậm chí đi vắt sữa của thú rừng về cho nó uống, hái trái cây cho ăn. Rồi đứa bé gái lớn lên, đến khi trưởng thành, thì hai người lấy nhau và ở bên nhau. Họ có cuộc sống giản dị nhưng hạnh phúc. Chàng trai tuy lớn hơn vợ mình đến hơn 20 tuổi, vẫn khoẻ mạnh, cường tráng và đủ sức lo toan tất thảy. Họ có 3 đứa con trai. Và đến lúc này, điều tương tự lại trở thành gánh nặng của chàng trai giờ đã làm cha. Làm cách nào để 3 đứa con trai mình có thể lấy được vợ. Khi họ có tất cả cho cuộc sống, song không có tiền để có thể “giao tiếp” với thế giới dùng tiền và vật chất thách cưới bên kia.
Người cha suy nghĩ nhiều ngày đêm, rồi ông lại phải làm điều tương tự. Ông cứ ghé qua làng, rồi thấy ai bỏ con gái vì không nuôi nổi thì xin về làm con nuôi. Cứ làm vậy mà rồi ông cũng có được 3 đứa con gái nuôi, toàn từ lúc đỏ hỏn mới lọt lòng bị bỏ. Ông mang về nhà, vậy là có 6 đứa con, đủ 3 cặp, và cho chúng nó lấy nhau khi trưởng thành.
Đến lúc này thì thấy người đàn ông này không lo nghĩ nữa. Ông giao trách nhiệm lại cho các đứa con tiếp tục lo cho thế hệ sau của mình. Ông vẫn mạnh khoẻ, song dường như sứ mệnh đời này đã xong, thấy ông ra đi thanh thản, chỉ nằm xuống rồi mất. Tìm hiểu cuộc đời về sau của những đứa con. Thấy chúng đã dựng nhà, lập làng riêng. Rồi bắt đầu trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải. Bắt đầu giao thương, đổi chác sản vật rừng núi và cả đồ trồng trọt, chăn nuôi được cho dân làng và những thương lái đi ngang qua, bắt đầu có tiền, và bắt đầu trở nên “văn minh” như ngôi làng kế cận.
Mình vẫn còn băn khoăn nỗi niềm, vậy thì, liệu cái thiếu của người đàn ông đó, có phải là việc chưa dung hòa được lối sống thuận tự nhiên, không cần tiền của mình với thế giới xung quanh hay không? Hay là vào thời đó, ông chưa thể sống vượt qua những thông lệ ấy?
Vì không nghĩ ra nên mình xin về đời kế tiếp có tư tưởng gốc cần buông bỏ.
2. Thiếu tình yêu vì đối tượng chối bỏ:
Thấy cảnh một đứa con gái cỡ 3 – 5 tuổi, tóc đen dài ngang vai, mặc quần áo như áo bà ba màu nâu đen, xinh xắn nhưng đau khổ. Nó đang khóc than thảm thiết, cố bám lấy mẹ nhưng mẹ nó thì quyết rãy nó ra. Bà ta mắng chửi, thậm chí đánh đập nó để đẩy nó đi. Song nó quyết đòi theo mẹ. Cuối cùng bà ta lấy con dao, đưa lên quyết liệt đòi đâm nó nêu nó còn đòi theo mẹ. Ánh mắt bà ta quắc lên độc ác, con bé đành buông tay để mẹ nó đi.
Mẹ nó là gái lầu xanh, chẳng may dính bầu đành sinh ra nó. Ngay từ khi sinh ra đã không yêu thương gì, đã vứt ngay không hề chăm sóc. Tuy nhiên, trong lầu xanh đó, nhiều cô gái, kể cả bà chủ, lại vì thiếu cảm giác có con, nên hết người này đến người kia chăm sóc nó. Cứ thế mà nó cũng lớn lên. Nó thì lúc nào cũng yêu mẹ, dù mẹ chưa bao giờ yêu thương và thèm ngó đến nó.
Đến thời điểm vì một lý do nào đó, có vẻ như một ông khách quen của mẹ nó đòi mẹ nó phải tống cổ nó ra khỏi lầu xanh vì ngứa mắt, hoặc vì nó cản trở công việc làm ăn của mẹ nó, nên mẹ nó quyết “vứt” nó đi cho rảnh mắt như thế.
Bơ vơ giữa đời, con bé đứng khóc. Song nhiều hơn cả, là cảm giác không được yêu thương. Ngay cả mẹ mà cũng chối bỏ mình thì còn ai yêu thương mình nữa?
Còn đang đau khổ chưa biết xử lý vụ này ra sao? Đã định đi về thời thơ ấu của mẹ nó xem lý do vì sao mẹ nó không yêu thương con đến thế, có vẻ bà mẹ cũng có mẹ là gái lầu xanh, cũng chả yêu thương gì mẹ nó. Lờ mờ thấy có vẻ bà mẹ này là MBT của mình đời này (xin cho mình viết tắt, vì mình không ngại, nhưng nhân vật được đề cập có lẽ không muốn bày tỏ chuyện này).
Trong buổi thiền kế tiếp, mình xin về cuộc đời này để chữa. Mình thấy đứa bé gái đứng bơ vơ giữa đời rồi cũng lớn lên, có vẻ như có người nhận nuôi nó. Nếu vậy, cuộc sống nó tính ra có khi còn tốt hơn là vất vưởng trong lầu xanh. Lớn lên nó lấy chồng, có con, cuộc sống bình dị và êm ấm. Rồi một ngày nó nhìn thấy mẹ nó đang ngồi ăn xin bên đường. Nó vừa thương vừa giận, nhưng giận nhiều hơn, thế là nó quay ngoắt đi bỏ về nhà. Về nhà ngồi suy nghĩ một lúc, nó lại chạy ra định đón mẹ về nuôi, thì mẹ đã đi đâu mất. Nó đau khổ và ân hận vô cùng, dày vò cho đến tận cuối đời.
Chuyển qua dòng thời gian mới, thấy nó đã vượt qua được sự oán hờn, nó đã đến gặp mẹ ngay khi thấy mẹ ngồi bên đường ăn xin, rồi đưa mẹ về nhà. Không thấy rõ bà mẹ có hối hận hay yêu thương nó hơn không, có vẻ bà vẫn dửng dưng như thế. Song điều đó không quan trọng với nó. Nó hết mực yêu thương bà ta, với tình yêu nguyên vẹn như ngày thơ bé, chăm sóc bà ta chu đáo cho đến lúc bà mất. Và nó thấy cuộc đời nó đã đủ đầy. Mối quan hệ của nó với chồng con, vì thế cũng tốt đẹp hơn trước rất nhiều.
Khi cuộc đời này được chữa xong, quay ngược lại cuộc đời hiện tại, tôi xin chữa các khoảnh khắc ở cuộc đời này mà tôi chưa tha thứ cho người đó. Trong lòng tôi chỉ tràn ngập một tình yêu thương rất lớn, cho tôi và cho cả người đó. Rồi khi chưa kịp biết là đã “chữa xong cả chưa”, một cuộc đời khác lại mở ra.
Trong cuộc đời mới mở ra này, tôi là người vợ, MBT là con gái. Tôi sinh con gái ra mà vì một lý do kỳ lạ, người chồng kiên quyết không nhận đó là con của anh ta. Anh ta đay nghiến, tra hỏi, rồi sau đó lạnh nhạt với tôi vô cùng. Tôi vì cay đắng, đau khổ, quay qua ghét bỏ và cũng lạnh nhạt với con. Tôi không la mắng nó, nhưng tôi trở nên dửng dưng với nó. Bởi thế, nó lớn lên không sung sướng gì. Và có vẻ như vì không khí gia đình địa ngục đó, nó đã thề sau này không muốn có con, sẽ không bao giờ yêu thương đứa con nào hết. Có lẽ lời thề đó đã dẫn đến cuộc đời thứ 2 trên kia. Tôi ôm trong lòng nỗi buồn thương man mác, không phải vì tôi phát hiện “quả báo”. Không, tôi chỉ nghĩ, vì sao chúng ta cứ ôm hận và ghét bỏ lẫn nhau? Tôi xin tôi sẽ yêu thương đứa con tôi rứt ruột đẻ ra, dù người chồng có đối xử với tôi bất công, vô lý đến thế nào.
Tôi thấy dòng thời gian mới của cuộc đời mới mở ra, tôi luôn yêu thương, gần gũi, nói chuyện, chăm sóc con. Hai mẹ con cứ rủ rỉ với nhau. Tôi không tức giận, ghét bỏ gì chồng. Tôi chỉ đơn giản là không để thái độ của anh ảnh hưởng đến tôi và con. Và vì 2 mẹ con cứ vui vẻ, hạnh phúc như thế, một ngày anh chồng chợt nhận ra mình thật vô lý. Anh ta nhớ ra điều gì đó, và anh ta tự yêu thương lại 2 mẹ con. Đến lúc đó, tôi mới nhận ra anh ta là BT trong đời hiện tại. Và BT cũng chính là người khách mới của bà mẹ trong cuộc đời thứ 2. Vậy đó, dây mơ rễ má từ đời này sang đời khác. Nghiệp là gì, quả báo là gì? Tôi không để ý nữa. Tôi chỉ nghĩ, ừ, tại sao chúng ta không chỉ đơn giản là yêu thương nhau. Khi ta cần tình yêu thương, hãy mở lòng yêu thương trước.
Đừng đợi người ta yêu thương mình, mình mới yêu người. Hãy cứ mở lòng ra yêu người đi, mà không phải là để chờ người ta yêu lại.
3. Cứ yêu nhau đi
Cuộc đời này đã hiện ra trong buổi học Đặt tay 4 – Đặt tay từ xa. Trong cuộc đời đó cô gái (bạn H) bị bệnh buồn. Cô ấy cứ buồn rũ ra. Tôi là người yêu cô, yêu cô lắm nhưng không biết làm sao. Đã tìm mọi cách để giúp cô vui sống, nhưng không thể. Cô cứ buồn rũ ra rồi dần kiệt quệ mà chết. Tôi cảm giác rất buồn và cảm thấy bất lực.
Ngày hôm nay, sau việc chữa được cuộc đời 1 và 2 tôi vui quá. Nên khi nghe cô giáo nói chuyện với H, tôi liền xin nhờ năng lượng đã chuyển tâm có được quay trở về đời này để chữa. Tôi thấy lại cảnh mình đang an ủi và cố làm cho cô gái vui. Rồi tôi nhận ra cách của mình khi đó chưa phải. Tôi giảng lý rất nhiều, nói là em mà cứ buồn thế này, không chịu ăn uống, thì em sẽ kiệt sức mà chết đấy. Em phải ăn uống vào, phải ra ngoài kia chơi, ngoài kia trời rất đẹp cơ mà. Và anh thì rất yêu em! Không tác dụng, ngay cả khi anh đưa nước, đưa cơm vào tận miệng thì cô cũng gạt ra. Dù sao, vẫn thấy cảm giác chàng trai muốn sửa đổi người yêu. Việc muốn sửa đổi người khác, dù là mình cho rằng đúng, hay thật sự có đúng đi nữa, vẫn không phải là cách. Khi cô gái mất đi, cả hai đều mang trong lòng nỗi buồn đau, uất ức, và không thể tha thứ cho nhau. Chàng trai thì kiểu như mình yêu người ta đến thế, mà sao người ta còn chưa thấy đủ. Cô gái thì kiểu như tại sao anh ấy nói yêu, mà chả chịu hiểu mình. Đời này chàng trai màu xanh blue, cô gái màu vàng song xỉn màu ngả gần sang bùn xám.
Khi “ngộ” được điều này, tôi thấy một dòng thời gian mới. Ở lựa chọn này, tôi không ngồi nói nhiều là phải làm cái này, phải làm cái kia, mà tôi chỉ nói đơn giản: “Em ra ngoài chơi đi, ngoài trời nắng đang vàng rất đẹp.” Khi cô gái “ứ” chịu ra, chàng trai bảo: “Anh phải ra ngoài làm đồng, phải chăm sóc lũ gà lợn ngoài kia. Em ngồi trong này buồn thì ra ngoài kia với anh nhé!” Rồi anh ra ngoài làm việc, anh là nông dân. Anh rất chuyên tâm làm, hoàn toàn không hề để ý tới cô gái nữa.
Cô gái ngồi một lát thì vừa khát, vừa đói, vừa mệt, vừa chán, vừa hơi cáu vì sao anh này không chịu dỗ dành mình nữa. Cô lê lết đi ra ngoài, rồi ngồi rũ ra ở một cái ghế trong bóng râm, nhìn ra vườn nơi chàng trai đang chăm chỉ làm việc. Được một lát, gà qué tự dưng kêu ầm cả lên. Chàng trai nói với cô gái mà không hề nghỉ tay, hay quay đầu lại: “Em ơi, em lấy nước cho lũ gà con trong chuồng uống đi. Chúng nó khát nước rồi đấy. Mà anh thì còn đang bận tay.”
Cô gái lại “ứ”, trong lòng nghĩ: “Anh này điên à. Mình khát mình còn chẳng muốn lấy nước uống đây. Tự dưng bắt mình đi lấy nước cho gà!”
Chàng trai vẫn tay làm, miệng nói: “Kìa em, đi lấy nước cho gà con uống đi. Chúng nó chết khát rồi kia kìa. Tội nghiệp chúng nó!”
Được một lát, chàng lại dịu dàng bảo: “Lũ gà gọi em đấy, em lấy nước cho chúng uống đi!”
Thế là cô gái cực chẳng đã, lê lết ra lu nước gần đấy, múc nước đi lại chuồng gà cho lũ gà uống. Khỏi nói chúng nó vui mừng và nhảy nhót cuống lên để uống nước cô gái đổ vào máng thế nào. Cô gái thấy chúng nó uống nước ham thích thế, thì bất giác cũng đưa gáo nước lên miệng, uống. Nước mới mát và ngọt làm sao!
Rồi cô lại ra ghế, ngồi thõng xuống. Được một lát, lũ gà lại nháo nhác kêu trong chuồng. Chàng trai nói vọng vào, vẫn lại đang bận tay ở chỗ khác: “Em ơi, lấy thóc cho gà ăn đi em. Thóc để ngay trên mái chuồng ấy. Chúng nó đói đấy. Chúng mất mẹ rồi, chẳng còn mẹ để kiếm mồi cho. Em cho chúng ăn đi!” Lần này, đợi anh nói đến lần thứ hai: “Em ơi, cho gà ăn đi, chúng gọi em đấy!” thì cô đứng dậy tới lấy thóc cho gà ăn. Lũ gà con ăn mà nhìn cô mới vui vẻ làm sao. Cô cũng thấy vui.
Cô lại ra ghế ngồi, đợi chàng trai quay lại. Mà sao anh ta lắm việc để làm thế, cứ loay hoay hết cái này đến cái khác, chẳng chút ngơi tay.
Gần trưa, lũ heo trong chuồng bắt đầu kêu eng éc. Chàng ta lại nói với ra sau (vẫn chổng mông lên làm, không thèm quay lại lấy 1 cái): “Em ơi, có cây chuối ở bên chuồng heo á. Em xắt chuối ra cho heo ăn đi. Chúng nó đói! Xắt cẩn thận kẻo đứt tay nha!”
Lần này cô gái đứng lên ngay, đi ra xắt chuối cho heo. Cũng hay là cô xắt được, không bị đứt tay, dù miếng cũng to to là. Rồi cô thảy vào chuồng cho heo. Heo nhào tới, táp ăn ngon lành. Cô nhìn heo ăn ngon nghẻ mà tự dưng chảy cả nước miếng. Cô đói quá. Thế là cô tự dưng bốc miếng thân chuối lên ăn. Chàng trai vừa lúc nhìn thấy, vội xông lại, đúng lúc cô nhăn mặt nhè miếng chuối ra. Anh dịu dàng gỡ miếng chuối khỏi tay cô, quay qua ngắt quả chuối từ nải chuối bên cạnh, đưa cho cô và nói: “Em ơi là em. Người thì ăn cái này nè. Thân chuối thì để cho heo!.” Cô mỉm cười ngượng nghịu rồi cầm quả chuối ăn. Anh lại phải ngưng cô lại để chỉ cô bóc vỏ chuối. Cô ăn ngon lành.
Lúc này tôi xin đi về trước đó, tìm hiểu nguyên nhân sao cô này “hồn nhiên như cô tiên” vậy. Hoá ra trước đây, ba mẹ cô yêu chiều cô quá, không để có mó tay vào làm việc gì, cơm bưng nước rót. Thậm chí cô ăn mà không biết đang ăn cái gì. Rồi bất thình lình ba mẹ cô mất cùng một lúc, cô còn lại một mình. Cô buồn chán và cũng không biết làm gì. Chàng trai là hàng xóm của cô, rất quý mến ba mẹ cô và yêu thương cô nên cố giúp cô.
Và chuyện kết thúc rất có hậu. Cứ như vậy, dần dần anh chỉ cho cô cách việc trong nhà, việc đồng áng. Rồi cô dần khoẻ lại. Cô và anh lấy nhau, sinh con. Cô rồi đã biết làm mọi việc, kể cả chăm con. Anh thì lúc nào cũng ở bên để đỡ đần và dịu dàng với cô.
Sau đó, thấy 2 người trôi vào healing room. Ở đó, thấy cảnh anh và cô nắm tay nhau, đi theo một con đường dẫn lên trên. Con đường màu vàng, cô và anh màu xanh lá ánh vàng. Càng đi lên, những năng lượng màu đen cứ tản ra, bay dần đi. Cảnh rất đẹp và sáng.
Giải pháp chữa tư tưởng thiếu (cô giáo giảng)
- Sự linh hoạt tạo ra sự trù phú.- Hãy cho đi cái ta cần nhận. Chẳng hạn cuộc đời 1 và 2 là cho đi tình yêu thương khi ta cần tình yêu thương. Cuộc đời 1, chàng trai cho đi sự chăm sóc của gia đình cho cô bé bị bỏ rơi khi anh ta cần có gia đình, và khi cô bé lớn lên thì thành gia đình của anh. Cuộc đời 2, cô gái cho đi tình yêu thương, vì cô cần tình yêu thương với mẹ. Cuộc đời 3, chàng trai cho cô gái cơ hội để tự chăm sóc bản thân mình vì cô cần điều đó.- Không cần có dư mới cho đi, điều đó chứng tỏ ta tin vũ trụ này có dư thừa năng lượng ấy. Hãy tha thiết cho đi cái mà ta tưởng rằng ta thiếu. Chẳng hạn nếu ta có thiếu tiền, trăm nghìn không có chứ vài nghìn chắc có, vẫn cho đi được. Mà đừng dính cứng đó là tiền, mà là nguồn lực. Ta có thể cho đi nguồn lực của mình, để giúp người khác có được tiền cho họ, rồi tiền sẽ đến với mình. - Có vô số cơ hội, vô số con đường để đi. Chẳng hạn, cuộc đời 1 không phải chàng trai phải đi kiếm tiền cho bằng được, anh ta có được cuộc sống đủ đầy và làm được nhiều điều mà có khi người có nhiều tiền cũng chả làm được.- Phải chữa triệt để việc tự mình đóng lại cơ hội của mình với tư tưởng mình thiếu thốn. Hãy tránh bắt đầu bất cứ việc gì với tư tưởng thiếu, đừng đi tìm người yêu vì thấy mình thiếu tình yêu, cưới vợ vì thấy mình thiếu hơi ấm, mở công ty vì thấy mình thiếu tiền.- Và quan trọng, đừng nhìn lại rồi nghĩ mình vẫn không có cái mình cần (chẳng hạn tiền), bởi có thể mình đã có chính cái mình cần mà mình không biết (chẳng hạn sống vui tươi).