Speech – Waldorf Steiner Education

MÔN SPEECH
(tạm dịch là phát ngôn – ngôn từ – ngôn ngữ)

(Phan Lê Minh chép từ bài giảng của Thầy Michael Burton)

Khoá Đào tạo Giáo viên Steiner Mầm non Module IV đang diễn ra, có môn Speech (mình tạm dịch là Phát ngôn – Ngôn từ) do thầy Michael Bulton đứng lớp. Thầy là người học Speech của Rudolf Steiner suốt 8 năm.

Ngày 08.03.2016


Ngoài những điều cực kỳ mới lạ, chẳng hạn như bạn có biết trong cơ thể mình, ở trung tâm của ba phần cơ bản (tạm gọi là lý trí – tình cảm – ý chí) là 3 cấp độ thiên thần cao nhất hay không? Đó là một trong những diễn giải về cái gọi là, trong một hạt cát là cả vũ trụ. Hay như trong miệng của mỗi người, cũng đều có các cơ quan đại diện cho ý trí (phần mềm bắt đầu của cuống họng tiếp giáp với vòm miệng), lý trí (phần răng, là phần cuối cùng của cơ thể vật lý được hình thành khi kết thúc một quá trình phát triển của con người, chu kỳ 7 năm đầu tiên, khi trẻ thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn), và tình cảm (đôi môi – cái này chắc dễ hiểu, khỏi nói nhiều, hôn đi biết nhau ngay hehe). Các âm thanh được sư tổ Rudolf Steiner cũng dành cho nhiều bài giảng, và cả 2 bộ môn vừa là môn học – nghệ thuật – phương pháp chữa lành là Eurythmy và Speech. Các âm thanh được chia ra theo các yếu tố Đất – Nước – Khí – Lửa với tất cả sự tinh tế và ý nghĩa của nó.


Chiều nay, phần bài tập, chúng mình được nằm xuống, nhắm mắt và nghe thầy phát âm (thầy bảo thầy phát âm theo ý thích bộc phát tự nhiên của thầy thôi đấy). Thế mà chúng mình mỗi người một cảm nhận khác nhau. Nói thật, mình thấy chả khác gì như được ở trong lớp thầy Rae Chandran, phần nghe kích hoạt ADN mà thầy được channel từ tổng thiên thần Metatron. Riêng bản thân mình đang cảm cúm, toàn thân đau nhức, có lẽ vậy nên khi nghe thầy phát âm, người mình cứ đau từng nơi theo từng âm thầy nói. Cách đau cũng khác nhau: khi nhói, khi thốn, khi rút, khi thông.

Ngày 09.03.2016

Những bài tập Speech của thầy làm tôi có khi đau bụng muốn chết, như vừa phải gập bụng kịch liệt. Hôm nay thì đau tê buốt đôi chân, như vừa phải chạy quá trời, chắc có thể vì tư thế tấn rồi cứ hoom hum hem him (làm mà cứ nghĩ đến mấy tên khổng lồ thô kệch á). Thầy tóc bạc rồi mà thầy cho làm bài tập vừa đi vừa đếm xong, tôi còn thở hổn hển hụt hơi, thầy đã tiếp tục nói không ngừng nghỉ. Trời ơi, mệt muốn chết hà. Đấy là hơi thôi. Còn chuyện phải phát âm sao cho có tính lửa, tính nước, rồi tính đất, tính khí, ôi chu choa. Tôi sẽ không viết cụ thể về bài tập, vì bài tập Speech của Steiner phải đi kèm với âm thanh phát âm đúng âm, đúng sắc thái, đúng tốc độ, đúng đủ thứ khác của nó, mà có thể bạn chỉ cảm nhận khi bạn được học trực tiếp với người thầy chuyên dạy Speech của Steiner.


Mới được có vài ba buổi tập, thầy cho chúng tôi làm rất kỹ, chỉ vài bài tập thôi, mà đã cảm thấy quá tải và không nhớ hết nổi. Chỉ riêng các phần âm thanh chia theo đủ thứ hệ, tôi giờ đã thấy loạn cào cào cả lên (nhất là khi tôi không có phần ghi chép lại để tự hệ thống, vì cứ dịch đuổi liên tục): các âm của tính Đất – Nước – Khí – Lửa; rồi lại chia theo hệ các âm của ý chí (will), tình cảm (feeling), lý trí (thinking); rồi các âm để đi kèm với hơi thở ra – hoặc hơi hít vào; âm nào để thư giãn – âm nào để thêm năng lượng. Nói chung là đôi khi chỉ dịch mà tôi đã cảm thấy “thôi em đi chết đây!”


Nói các từ của ý chí, thì phải nghĩ đến trung tâm của ý chí, đó chính là ở phần bụng, và phần đôi chân. Hãy lấy sức mạnh từ đó, cảm giác rõ ràng sự kết nối với đất, trụ trên đất, lấy năng lượng từ đất chảy qua mình. Để nói ra đầy ý chí. Ý chí thường mạnh mẽ và đầy năng lượng. Strength


Nói các từ của tình cảm, hãy nghĩ đến trung tâm của tình cảm, đó chính là phần ngực nơi có trái tim. Cách mà các cảm xúc diễn ra bên trong phần ngực, đối với nhiều người, đa số nhân loại, có thể vẫn còn là bí ẩn. Nhưng ít nhất nhận biết được nơi đó, học nhận biết tình cảm của mình, cũng là cách bắt đầu cho tình cảm mạnh lên. Hãy phát ngôn từ trái tim, để nói ra những từ tình cảm. Tình cảm thường cuộn trào, chảy lan thành sóng, và mang theo sự ấm áp. Warmth


Nói các từ của lý trí, hãy nghĩ đến trung tâm của lý trí, đó là phần đầu với ánh sáng chiếu rọi. Nói ra từ ý chí, chúng sẽ xuyên đi nhanh như ngọn giáo, bén sắc, nhanh nhạy. Light


Những bài tập Speech, không phải là bài tập hít thở, nhưng lại cũng chính là bài tập hít thở. Vì chúng tôi được tập hít thở sâu vào tận bụng, nắm lấy khoảnh khắc đó, rồi thở ra cho hết cùng với âm thanh. Giống như một con lắc, nó luôn lắc qua lắc lại liên tục không ngừng giữa cực bên này với cực bên kia. Nhưng khi thở, hãy ý thức, để nắm lại khoảnh khắc của cực bên này, để nhận lấy cái bạn được trao tặng, ngay trước lúc con lắc lại rơi xuống để lao sang cực bên kia. Hãy thật sự ý thức bạn đang ở đâu giữa hai cực. Bạn hãy hít vào với điều bạn định nói, và thở ra với việc nói điều đó. Sức mạnh của giọng nói của bạn, của âm thanh phát ra, không ở chỗ sự cố gắng, mà chính ở điều bạn tự nhiên cứ để nó tuôn chảy, như nó cần phải thế. Hít vào hết hơi, và trả lại thế giới bên ngoài cho đến hết hơi, chỉ còn lại sự trống rỗng.


Nhận biết bạn đang ở đâu giữa hai thái cực hít vào và thở ra, là nhận biết được chính bản thể của bạn.


Nếu bạn quá bận rộn hít vào (khi nào nhỉ? Khi bạn chưa kịp làm xong việc này, thì việc khác ập tới, cứ thế và cứ thế; khi những kỳ thi trở nên quá nhiều; khi bạn bị kẹt xe và không còn thể chờ được nữa …), khi đó bạn đang bị kẹt ở cực trên cao của hít vào. Ở đâu đó trên đầu bạn chất đống, đầy ứ, có thể khiến bạn nổ tung. Khi bạn sợ hãi, nỗi sợ dồn lên não. Khi bạn tức giận, sức nóng dồn lên trên, như nguyên liệu nung nấu đã sẵn sàng cho bạn “phát pháo” những lời “kinh khủng”, “tầm sát thương” cao nhất có thể. Khi đó, hãy THỞ RA.


Còn nếu bạn cứ mãi thở ra, giống như bạn chẳng thể hít vào. Ở trên cao kia là ánh sáng, thì ở phần dưới này của thở ra như bóng tối. Có những khi bạn đã thở ra hết ánh sáng và bắt đầu đi vào bóng tối, và bạn có cảm giác như bạn chẳng thể nào gặp lại ánh sáng được nữa, chẳng thể nào hít vào. Vâng, đó là những khi bạn buồn nản, trầm cảm, và cực kỳ down. Lúc đó, hãy HÍT VÀO đi.


Nếu như thở ra cũng như việc bạn cho đi, thì liên tục cho đi cho đi và cho đi mãi sẽ khiến bạn khánh kiệt chẳng còn gì, bạn kiệt quệ, bạn gục xuống đất (cực dưới của thở và cũng chính là đất thật sự dưới chân bạn đấy). Hãy nhớ, hít vào, như thời gian dành cho chính mình, hãy cho mình hơi thở và sinh khí.


Việc hít vào quá mức, khiến bạn bị lơ lửng mắc kẹt trên cao không xuống được. Khi đó, hãy thở ra, cho bạn được trở về với cực bên kia.


Nói qua một số ví dụ bài tập nhé!


Bài tập phát âm các âm tính lửa, ví dụ như Fire, thầy cho chúng tôi 1 bài thơ về lửa. Khi chúng tôi đọc được phần nào như thầy, đến một lúc nào đó chúng tôi thấy nóng, nóng trong cơ thể mình và nóng ở bầu không khí xung quanh.


Bài tập phát các âm tính nước, tương tự, cần cảm thấy sự tuôn trào, cuộn chảy, theo dòng, mát mẻ của nó. Ngày đầu tiên, sau khi làm lửa, nóng và mệt, các bạn mệt nhất vào giữa phòng cho các bạn còn lại gửi cho các từ nước. Tôi không có được cái đặc ân đó, nhưng rõ là các bạn ngồi ở giữa lát sau chả ai muốn rời đi cái chỗ được “nhận nước mát” đó mà về lại chỗ cũ của mình.


Hôm nay chúng tôi được thầy cho đọc một dòng hợp cả Lửa và Nước, chẳng hạn Wave of Fire. Sau đó là cả câu có sự rung lên của sấm (như sấm động), như việc bạn cho lửa đi vào trong nước.


Vậy khi phát âm những từ này, Lửa, Nước, (cả Đất, và Khí), được lấy từ đâu? Hãy lấy từ khối năng lượng đó (Lửa có thể là đám lửa, hay cả núi lửa, hay thiên thần lửa; nước là bình nước, là cái hồ, con sông, dòng suối, hay cả đại dương, là thiên thần nước…) từ sau lưng bạn, và cảm nhận nó xuyên qua người bạn, tự nhiên truyền, đưa, toả ra phía trước, nơi bạn gửi âm thanh qua giọng nói của mình đến đó. Sức mạnh không đến từ sự cố gắng, mà từ sự tự nhiên cho nó truyền lan (stream out).


Điều kỳ lạ thú vị là chữ Fire tiếng Việt là Lửa (trong khi L lại là chữ cái duy nhất có tính nước trong bảng chữ cái tiếng Anh). Hờ hờ, vậy thì hãy phát âm một chữ nước một cách rực lửa đi bạn!!!!


Rồi bài tập có sự thêm vào của các chữ cái (như KLSFM, hoặc Come Silver … bạn nào nhớ bổ sung dùm coi!) để điều hoà hơi thở, cứ 1 chữ, rồi đọc 2 chữ cùng, rồi tăng lên 3 chữ … cho đến khi 5 chữ; xong lại giảm dần 4,3,2,1,0.


Đặc biệt, bài cuối cùng, cũng như một bài thơ trẹo lưỡi, thầy cho chúng tôi đọc một bài thơ. Mới nghe thì đúng là kiểu thơ vô nghĩa (non sense) nhưng nó thú vị cực kỳ, vui kinh khủng, đối với chúng tôi cũng thách thức kinh dị vì nghe thấy đọc một tràng như chim hót xong rồi không biết có nhớ đúng cái đống liến láy ấy để đọc lại cho đúng, với tốc độ ngày càng nhanh đến siêu phàm của thầy. (Tôi đứng cạnh ngay thầy nên nhục lắm, có khi thầy quay qua, cười: “a, con đọc sai hihi!”). Đến đoạn gần cuối, tự dưng tôi như ngây ra, và muốn trào nước mắt. Một phần, tôi bắt đầu hiểu những bài thơ non sense trong các tập thơ nước ngoài mà chúng tôi đang dịch cho tiểu học. Một phần, tôi ngẩn người nhớ ra những bài đồng dao. Có những bài đồng dao với những từ được gọi là “dớ dẩn” (lũ con nít cực thích và nhớ cực nhanh, cực dai), có khi bị ba mẹ cấm không cho đọc, có khi còn bị khối bài phân tích cố gắng tìm ra chữ được gọi là “đúng hơn” để thay thế (với lý do rằng thì là dân gian truyền miệng thành bị đọc trại đi). Bài thơ của thầy đọc rõ ràng có nhiều từ đọc trại đi, song cứ nghe theo âm điệu và thứ tự thì dần dần những hình ảnh lại hiện ra sống động hơn bao giờ hết. Chưa kể, cái sự đọc trại đi ấy, cho những âm xì xào, xít xát, phờ bờ … đứng gần nhau, nó đang đầy tâm thức tạo ra những cơn sóng nước, hay sóng lửa, hay sét cuộn trong nước, hay đất nhào trong lửa, hay lửa đun nước bốc lên thành khí … tôi không rõ và không dám chắc. Song tôi biết, tôi đang được chữa lành, chỉ đơn giản là tôi cực kỳ cảm động, đến muốn khóc, mà trong lòng hoan ca. Ôi đồng dao của trẻ thơ.


Nào những Chi chi chành chành, Cùm nụm cùm niệu … Bù xa bù xít, Rồng rắn lên mây … Bắc kim thang cà lang bí rợ … tuổi thơ thời ngày xưa nhà tranh vách đất giàu có bao nhiêu. Tuổi thơ ngày này với tường bê tông mái bằng TV, iPad … nghèo đến thương bao nhiêu.

(còn tiếp)

1 thought on “Speech – Waldorf Steiner Education”

  1. Pingback: Những người thầy Steiner Waldorf của tôi – Phan Lê Minh

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *