Vì nhiều bạn hỏi mình điều này, nên mình viết lên đây luôn nha. Viết theo kiểu chia sẻ chân thành chuyện của mình, không có xúi dại, không kèm PR, sau này hẻm có đổ thừa tui nha 😛!
Vì sao mM chọn cho Táo học theo tiểu học Steiner?
Thật thà, vì Táo khá cá tính. May mắn khi đi học mẫu giáo, Táo được học một cô giáo tuyệt vời, và Táo đã học ở trường cũng là của một người bạn của mM lập nên. Song mM đã lo lắng lên tiểu học vào trường công thì sao? Độ sống chết là chắc chắn, mà phần lớn dĩ nhiên là Táo chết, cô chết sao được! Và thời điểm đó bản thân mM cũng đang băn khoăn về cách làm mẹ của chính mình. Chiều con thì không thể. Dạy con như mẹ hổ thì càng không, mM không muốn bẻ gãy cá tính đáng quý của con.
Ngày đó, duyên lành đã đến, mM được tham gia một buổi hội thảo tổ chức ở trường Thỏ Trắng, giờ là Tre Xanh. Khi đó, mM đã yêu triết lý giáo dục này, đầu tiên là ở vẻ mặt vui vẻ, hạnh phúc ở thầy cô sang giảng, và ở cả khuôn mặt ngời sáng của các con của thầy cô khi mM hỏi xin xem hình. Đối với mM, chỉ cần điều đó thôi, con được hạnh phúc, cho đến khi trưởng thành. Song khi đó, Táo đang học nửa năm cuối của lớp Lá, và mM chưa nghĩ cần phải cho Táo chuyển sang trường Steiner ngay, mà đợi đến hè, cho con vào học hè rồi lên lớp 1 sau.
Táo là lứa lớp 1 đầu tiên của trường Steiner tiểu học đầu tiên ở Việt Nam (oách xà lách nhỉ?). Đến tận hè, mM vẫn còn phải hỏi liệu cô Thao Nguyen có làm được lớp 1 “định mệnh” đó không? Chấp nhận cho con vào lớp 1 này, nghĩa là mM đã chấp nhận ngay cả việc con không có học bạ, việc tương lai liệu lớp 1 này sẽ tiếp tục được đến lớp mấy, việc con có thể làm lứa “chuột thí nghiệm” đầu tiên, việc đi ngược lại con đường của tất cả những người xung quanh. Việc đó, những ai yêu mến Táo, bao gồm bà ngoại, m2, cW, và những người bạn thân thiết, đều hỏi han, thậm chí ngăn cản. Những mối bận tâm của mọi người, cả một số tài liệu anti-Steiner được gửi đến mM, và mM đều đã tiêu hoá hết. Và thời điểm đó, mM không chọn vì tự ái, vì sỹ diện, vì yêu cuồng, không, mM đã chọn vì một niềm tin vững chắc, đây là con đường đúng đắn cho con, và cả cho bản thân mình.
Khi Táo vừa vào trường Thỏ Trắng, rất nhiều vấn đề đã nổi lên, kể cả việc cánh tay cô giáo bầm tím vết cắn của Táo, một vài em nhỏ bị Táo “chưởng” văng cả ra xa, phụ huynh trong lớp ái ngại việc con mình phải học chung với một tên bạo lực nữa. Phải, đã có những lúc, mM tự hỏi liệu Táo có bị cô hay phụ huynh trong lớp từ chối, và nghiêm trọng hơn nữa, liệu Steiner có phải là nền giáo dục dành cho Táo?
Dĩ nhiên, đến ngày hôm nay, những người xung quanh đã nhận thấy sự thay đổi của Táo, vẫn còn nhiều vấn đề, song nói ngắn gọn thì làm gương điển hình PR cho trường cũng được. Đùa thôi. Lựa chọn Steiner đã thực sự không chỉ đổi thay Táo, mà cả gia đình của mM. Và mỗi ngày, từng ngày, mọi ngày, mM vẫn chưa một lần phải nghĩ “quay đầu…” cả.
Học Steiner thì được cái gì?
Thật ra, khi bạn bè hỏi mM, thì câu trả lời đều như nhau cả. Nếu như việc vào học tiểu học hơi khó khăn, vì vấn đề học bạ, thì hãy cho các con vào học mẫu giáo. Như cô Thanh Cherry, người có rất nhiều năm làm giáo dục Steiner trên cả thế giới, trẻ chỉ được học trường Steiner 1 năm mẫu giáo đã có ảnh hưởng lớn lao đến cả cuộc đời sau này rồi.
Còn hiện tại trường Tre Xanh vẫn bảo đảm học bạ cho các con. Tương lai sẽ đến đâu? Để trả lời trong trường hợp xấu nhất, thì chắc chắn Tre Xanh sẽ tiếp tục đến ít nhất lớp 5. Và tin là, nếu phụ huynh nào cũng “lì và liều” chỉ từ cỡ mM trở lên, thì chúng ta sẽ tiếp tục đi lên tiếp nữa, đến khi nào tâm sức ta không thể lo nổi nữa thì thôi. Mà “There’s a will, there’s a way”, lo gì nhỉ? (Chương trình học của Steiner kéo dài đến hết lớp 12.) Nếu lấy mục tiêu gọi là đong đếm được, chẳng hạn như biết đọc, biết viết, thì với học sinh Steiner, là lúc kết thúc lớp 3. Vì vậy, theo kinh nghiệm của các thầy cô ở nước ngoài, trẻ học hết lớp 3 ở trường Steiner rồi thì đi đâu cũng “chinh chiến” được ngon lành hết. Và quan trọng là khi đó, trẻ luôn thích học, hào hứng được học.
Và những gì cơ bản như là, dạy trẻ cách tư duy chứ không phải thứ gì phải tư duy, cách học chứ không phải kiến thức, là điều đương nhiên.
Các bạn học khoá đào tạo giáo viên tiểu học Steiner khoá 1, thực sự khi đó cô Helen sang dạy cũng chưa biết cần phải trang bị chính xác cho chúng tôi điều gì. Song khi cô cho chúng tôi xem các hình chụp sản phẩm của các học sinh ở trường cô, lúc đó chỉ mới đến lớp 8, thì chúng tôi đều ồ và à, và khẳng định, học xong cái này chắc chắn không chết đói, dù trong điều kiện nào. Thì vậy, một đứa biết tự tạo ra cái ăn cái mặc, cái để bán hay trao đổi kiếm sống, thì vứt đâu cũng tồn tại được. Chưa kể tác phẩm của các em, dĩ nhiên trong lớp không phải em nào cũng có năng khiếu về vẽ chẳng hạn, thì có bức vẽ chi tiết, bức vẽ giản đơn, song cái hồn trong từng bức, mới là điều hút hồn bạn.
Vậy là, mM chắc chắn, cho Táo học cái này rồi là không lo chi nữa, sau này nó sẽ tự lo đời nó, và thế là xong nhiệm vụ.
Học Steiner chơi không chứ gì?
Thì lúc đầu mM cho Táo học Steiner chỉ với suy nghĩ đơn giản, cho con được chơi thêm được mấy năm thì chơi. Học miễn sao con vui vẻ, hạnh phúc là được, chẳng mong gì hơn.
Đến khi mM chính thức vào làm cho trường, không chỉ giúp part-time như trước. Và khi đã thực sự bắt tay vào phụ dịch tài liệu, thì có lần mM đã nói đùa rằng “giờ ai bảo lũ Steiner chơi không là đập chết” vì lo làm tài liệu cực quá! Phải, chỉ để chuẩn bị cho một giờ học, người giáo viên phải chuẩn bị ít nhất hơn mười giờ cho nó. Thì đơn giản vầy, học không tưởng thưởng, không trừng phạt, không xếp hạng, thì làm sao cho học trò nó thích học. Rồi triết lý gì mà không được dạy ngay nó là cái đó: mà phải cho trò cảm bằng tim, bằng chân tay, rồi mới cảm bằng cái đầu, rồi không được cho ngắt cái ngọn, mà phải chăm gốc rễ cho vững đã. Làm sao mà làm ít cho được.
Một đứa học sinh Steiner, thấy nó chơi không, ừa, mà nó chơi liên tục, chơi miệt mài. Ai đó đến nhà nhìn Táo chơi mà xem, một ngày cuối tuần, trong 1 buổi sáng ổng bày ra ổng chơi phải mươi trò là ít, liên tùng tục từ trò này qua trò kia. Ừ thì vì ở trường ổng cũng vậy á. Cho nên, trong đầu ổng có ti tỉ thứ, ổng hỏi nhiều, vặn vẹo nhiều, làm nhiều, phá nhiều … Ngay cả mẹ ổng đây, nói ngồi dịch chương trình cho oai, chứ nhiều khi truyện thơ, lý thuyết ổng học mẹ biết, chứ thổi sáo, đan may, làm thủ công, mẹ ổng thua ổng xa (rõ nhụt).
Học tiểu học Tre Xanh cụ thể thế nào?
Nói ngắn gọn thì như hôm qua đây thôi, Táo ta đi học quên cái ba lô, mang mỗi tấm thân tồ đến lớp. Thật sự thì trong ba lô cũng chỉ có mỗi mấy bộ quần áo để thay khi ra mồ hôi nhiều (mà ổng cũng toàn lười không thay). Sách vở, bút sáo, que đan … để trên lớp cả rồi.
Chiều đón ổng về, mM chỉ mau mau lo nấu cơm, cho ăn cơm rồi tắm táp, đọc truyện xong tống lên giường cho đi ngủ sớm. Để mai còn dậy sớm và đủ sức mà chơi. Dĩ nhiên là chả có phải đi học thêm học bớt gì nữa hết. Khỏi lo vụ tiền học thêm, đưa đón đi học thêm. Cho nên học phí hiện tại của trường mà bạn có thấy cao so với trường công thì cũng mong thông cảm, giờ trường cũng chỉ đang mong thu đủ bù chi, và mọi người cùng chung tay góp được gì xin chân thành cảm ơn!
Nhiều bạn nghe về học phí thì ngại, mM có nói đùa chắc giờ không ai nghèo bằng mM, lại đùa thôi. Nói chứ, lại với niềm tin, cứ quyết theo thì nguồn lực sẽ đến. Với mM thì đúng là như vậy á.
Cho mình xin ttin liên hệ trường tiẻu học Steiner với ạ. Cám ơn nhiu
Ở TP. HCM, bạn liên hệ trường Đồng Xanh. Ở Hà Nội, có trường Nila. Ở Đà Nẵng, có nhóm Harmony.
Bạn lên mạng tìm thông tin Hiệp hội Giáo dục Steiner Waldorf Việt Nam hoặc các trường tiểu học Steiner ở Việt Nam nhé!