Ngày trước mM chả thích thơ cho lắm. Học chuyên văn từ nhỏ tới lớn mà cứ đến bài tập làm thơ là cắn bút. Có bữa ra ngồi phơi nắng để làm cho được cũng không xong. Chắc suốt thời đi học chỉ làm được vài bài thơ chế và thơ con cóc chọc bạn thôi.
Vậy mà giờ dịch bài cho các con có thơ nhiều lắm. Chẳng phải thơ thẩn, ừ thì có thơ ngớ ngẩn (nonsense) song không có nghĩa của họ cũng toàn ý nghĩa thâm sâu huhu. Rồi thơ nhịp điệu, thơ luyện đọc (speech) với âm điệu đi kèm ngữ nghĩa đi kèm vần, thơ và nhảy múa, thơ về mùa, về con vật, về cây cối, về thời gian, về số, về mọi thứ quanh em.
Trời, mà mấy bài Verse, bọn mình tạm gọi là bài xướng là dịch khoai nhất luôn. Lần đầu tiên cày mãi không nổi mình đành phải phiền bạn Ngo Thai Son. Bạn làm giúp mình mấy bài, và bạn kể chuyện bạn học sáng tác bên Mỹ, mình lấy được chút tự tin. Có lần có cô nói bài này học trò nó khó thuộc vì không có vần lắm, mình nói càn đọc có điệu là được rồi 😛
Sẵn nhắc lại vụ đã nói vài lần (tại vẫn có người hỏi, sao lại phải dịch nhiều vậy), là nhiều loại thơ văn hoá mình không có, nên đành phải dịch, chẳng hạn như ý nghĩa sâu xa của các con số, rồi người nông dân gì mà phơi phới niềm vui, tạ ơn đất trời. Tả cây lúa là ra cây lúa, chứ không phải mượn cảnh than thân, kiểu thế.
Rồi dịch ra thì sao, dịch xuôi đã khó, dịch thơ càng khó hơn, nhất là những bài speech, trẹo lưỡi, rồi thơ và ca múa. Có lần mình nói bạn dịch dùm vừa đọc vừa múa coi có nhịp hem, à mà nhớ đừng để sếp thấy, kẻo sếp hỏi “em bị vầy lâu chưa?” Bọn Steiner bị vậy hoài à, và tụi mình thường trả lời rằng: “Dạ, em bị vầy lâu rồi, mà ngày càng nặng 😛 !”
Đùa chứ, mình nhớ hoài cảm giác lần đầu tiên tổng hợp các bài dịch thơ lại để gửi cho các cô. Mình thảng thốt, hả, cái gì mà chưa tới mười trang, mình và các bạn làm miệt mài, làm hoài hoài, làm khổ sở cơ mà. Ừa, có khi nguyên buổi làm có một bài thơ thôi á. Bạn Quyeen Doan gieo vần thần sầu mà bạn nói phải cho bạn tính theo tuần mới dịch gieo vần nổi.
Tiêu chuẩn của tụi mình hả, chả biết đã đạt chuẩn chưa nữa?
Bạn Nguyễn Quỳnh Mai nói rằng theo bạn, đọc lại bạn có thuộc được không thì các con mới mong thuộc được. Vì thơ không phải để ở trên giấy, mà phải để đọc trên môi (không biết mình thuật lại có chính xác không nữa, mà mình cảm là vậy hihi).
Bạn Hoa Quỳnh Mùa Hè, còn chịu khó đi tìm lại luật thơ tứ tuyệt, thơ ngũ ngôn … viết lại cho mình về cách gieo vần bằng, trắc. Để luật thơ trước mặt luôn rồi mà mình vẫn chịu, ngu lâu quá không hiểu được huhu
Cho nên, mình vô cùng cảm tạ tất cả các bạn chịu khó dịch thơ giúp mình. Mình rất xin lỗi không tag được tất cả các bạn vào đây, thêm phần cũng không rõ các bạn muốn thập diện mai phục hay lộ mặt giang hồ không nữa. Có bạn đã có con rồi, có bạn chưa có gấu nữa, có cả ông nội MiNhi dịch dùm nữa, ôi thích lắm í!
Chỉ xin nhận lòng cảm tạ chân thành của mình nha.
Một trong rất nhiều ví dụ là, hôm đầu tiên Táo được học bài The Jumblies (những người lộn xộn), bạn về kể ngay: “mM biết bài những người trâm bi không?” … “Hay lắm nhé, những người trâm bi, vượt biển bằng rây chẳng nghĩ gì!”… “À, mà tại sao họ có đầu xanh lam mà tay lại màu xanh lá nhỉ?” … “Tay xanh lá là đã lạ rồi mà lại đầu xanh khác ha?” … “Ôi, xa xa thưa thớt, xa thưa thớt” … “Rồi còn vượt biển bằng rây chẳng nghĩ gì!”… mM chỉ nhìn ảnh và cười, ảnh hỏi rồi mẹ lại cười. Cuối cùng mẹ chỉ hỏi: “Thế con thích bài thơ này không”, Táo trả lời ngay và gật gù “Ôi, Táo thích điên lên ấy chứ”. Khỏi nói mẹ cảm động đến thế nào! Rồi mẹ hỏi ảnh câu cuối cùng: “Con nghĩ Jumbiie là gì?” Táo nói “Chắc là người hay nhảy mẹ nhỉ?” Mẹ ừa luôn (jum hết mà hehe)
Xa xa thưa thớt, xa thưa thớt
Vùng đất của những người Jumblie
Đôi tay xanh lam, đầu xanh lá
Vượt biển bằng rây, chẳng nghĩ gì!
Nhớ thời chúng mình cứ nghêu ngao: “Củ cà rốt, đốt cháy nhà…” Càng nghe ông bà, ba mẹ la “đọc gì nhảm nhí, hư!” thì càng thích đọc haha
Yêu thế những bài thơ, yêu thế những người dịch thơ!
(À, đây là đang nói về thơ. Bữa nào có thời gian tớ lại kể về người dịch truyện nha nha)