You’re Not the Boss of Me (Ba mẹ/Thầy cô không phải là Ông/Bà chủ của Con) Phần I

(Chép bài giảng hội thảo theo chủ đề này – Thấu hiểu nhóm trẻ lớn trong trường mầm non và sự sẵn sàng vào cấp một – của cô Ruth Ker tại ATWC)

Buổi 1 – 29.04.2017

Rudolf Steiner chia sự phát triển của con người thành các giai đoạn của 7 năm. Mỗi giai đoạn 7 năm lại chia làm 3 phần. 7 năm đầu tiên là của phần willing (ý chí). 7 năm tiếp theo là phần feeling (tình cảm). 7 năm tiếp nữa là phần thinking (suy nghĩ hay lý trí).

IMG20170429103841.jpg

Ở giai đoạn từ 5.5 tuổi đến 7 tuổi, trẻ “đột nhiên” không còn nghe lời nữa. Và điều đó xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Và đó là một sự phát triển hoàn toàn lành mạnh.

  1. Những thay đổi của trẻ (thường từ 5.5 tuổi đến 7 tuổi):

Cô bé Venorica 6 tuổi, một ngày kia khi mẹ đang chở đến trường, cô bé nhìn qua cửa kính xe ô tô và nói với mẹ: “Mẹ ơi, mọi thứ đã thay đổi. Mọi thứ, kể cả mẹ, đều khác đi. Con không muốn đến trường mẫu giáo nữa, con thậm chí không còn biết cách chơi như thế nào nữa.” Đó là quá trình chuyển hóa, như một con sâu bướm thoát khỏi kén, để trở thành một con bướm.

Quá nhiều thứ thay đổi cùng một lúc, đứa trẻ không thể giải thích. Các em chỉ thích ứng và tiếp tục cuộc đời mình. Thay đổi về thể chất, về xã hội (cách chơi, cách giao tiếp), và cả trong tâm thức.

Khi đứa trẻ được sinh ra, trẻ được sinh ra chỉ mới với cơ thể vật lý. Các cơ thể khác của trẻ chỉ mới như hạt mầm, tiếp tục làm việc để chờ đến lúc thực sự được sinh ra. Cơ thể sức sống (etheric body – hay còn gọi là thể phách) bao quanh cơ thể vật lý, và giúp điều khiển cơ thể vật lý. Hãy nhìn đứa trẻ sơ sinh ở trong nôi, vung vẩy tay, đá chân lung tung, nó mới bất lực làm sao trong việc điều khiển những vận động của cơ thể mình. Đó là bản thể vĩ đại (mighty being) đang tìm cách thích ứng với cuộc sống của mình ở trong cơ thể vật chất và thế giới vật chất.

Từ 0 đến 2 và 1/3 tuổi: thể sức sống phát triển ở phần đầu

2 và 1/3 đến 4 và 2/3: phát triển ở phần ngực – bụng

4 và 2/3 đến 6: phát triển phần tay chân và hệ thống chuyển hóa

Từ 6 – 7 tuổi: sự “sinh ra” của cơ thể sức sống, và cơ thể tình cảm (astral body – còn gọi là thể vía) làm việc để chuẩn bị “sinh ra” vào tuổi 14.

Vì vậy, vào khoảng từ 5 hoặc 5.5 hay 6 tuổi, trẻ là một con người không hợp tác và hỗn loạn. Song là người lớn (ba mẹ hay thầy cô), chúng ta không biết rồi để đó. Mà chúng ta cần “đáp ứng nó theo cách đúng đắn”.

2 và 1/3 tuổi đến 4 và 2/3 tuổi: là lúc cơ thể sức sống phát triển trong phần tình cảm của cơ thể. Trẻ bắt đầu biết nói “không”. Nhưng người mẹ hay giáo viên biết rằng, nếu ta đến và cầm tay trẻ, đưa trẻ đi cùng ta thì trẻ vẫn đi. Song trẻ nói không trong độ tuổi 4 và 2/3 đến 6 tuổi, đó là một cái “không” khác của phần suy nghĩ rồi.

Cơ thể sức sống là một thể thông suốt, luôn vận động và tích cực song nó luôn có xu thế muốn thoát ra ngoài. Do đó, khi nó phát triển lên cao độ, nó có thể làm cho đứa trẻ có biểu hiện “ngốc nghếch”: trẻ bắt đầu làm những thứ chưa bao giờ làm trước đi. Tôi (cô Ruth) gọi đó là bubbling (sôi lụp bụp, khi nước sôi nổi bong bóng và có bốc hơi nước). Cách giúp trẻ hiệu quả là những trò chơi cho bàn tay (hand gesture games). Hãy cho trẻ chơi những trò chơi cho bàn tay khi trẻ hành xử ngốc nghếch, không nghe lời, hay vào những giờ chuyển tiếp giữa hoạt động này sang hoạt động khác (transition time).

2. Những thay đổi về thể chất của trẻ:

Lưu ý: những thay đổi này sẽ từ từ, và không theo trình tự nêu ra dưới đây

Trẻ ở độ tuổi này (5 – 7 tuổi), có thể thường hay sốt, và sốt thì rất cao. Cơn sốt là khi cơ thể sức sống làm việc để nhào nặn, tạo hình, hoàn thành cơ thể vật lý và để “sinh ra”. Hãy cố đừng chặn sốt, hạ sốt, ngưng sốt.

Cô bé Venorica kể trên, một hôm đi học, đã vẽ một bức tranh là một màu đỏ rực. Cả tờ giấy được phát để vẽ là một màu đỏ tô đậm. Cô Ruth đã nghĩ: “Ôi, bức tranh quá căng thẳng (so tense)”. Tối hôm đó, mẹ cô bé báo tin là cô bé sốt rất cao. Cô Ruth nhớ lại bức vẽ và nói mẹ hãy cố đừng hạ sốt. 2 ngày sau đi học lại, quần Venorica cao lên trên mắt cá, áo khoác ngắn cả khúc phía trên cổ tay, cô bé đã cao lên đến 2 inches. Và cô bé bắt đầu chạy nhảy nhắng nhít khắp nơi, điều mà cô bé chưa bao giờ làm trước đó. Thể sức sống thúc đẩy cơ thể muốn chạy, muốn nhảy, muốn leo trèo.

Sau đó, cô bé mơ một giấc mơ có thể gọi là lạ lùng ở độ tuổi đó. Cô bé mơ thấy cánh cửa trường mẫu giáo mở tung ra. Các học sinh và giáo viên bay lơ lửng ra ngoài, đến một ngôi trường lớn. Cửa ngôi trường lớn đó mở rộng và có thể nhìn thấy các hoạt động bên trong. Rồi các giáo viên bay trở về trường mẫu giáo và các học sinh bay tiếp một mình. Đó là giấc mơ về sự sẵn sàng vào lớp 1 của cô bé.

Dấu hiệu tiếp theo là việc rụng răng sữa. Ở thời của Rudolf Steiner, rụng răng sữa có thể xem làm dấu hiệu của việc cơ thể sức sống đã hoàn thành công việc phát triển cơ thể vật lý, và rút đi phần lớn để sẵn sàng cho công việc tiếp theo của đời sống của trẻ. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khi nhiều trẻ rụng răng sữa sớm hơn, thì việc xem xét các khía cạnh khác là quan trọng. Các dấu hiệu khác của sự thay đổi cơ thể vật lý là tay chân dài ra, thay đổi ở xương sống, xương sườn tách rời nhau ra hơn, đi xuống bụng khiến phần bụng thon gọn lại (trẻ có thể có những cơn đau bụng thường xuyên hơn trước vì cảm nhận quá trình này). Mặt của trẻ cũng thon lại, không còn vẻ mũm mĩm em bé trước kia. Các xương ở đốt, khớp (như xương đốt ngón tay, xương cườm tay, xương đầu gối) lộ ra rõ hơn.

IMG20170429115133.jpg

IMG20170429123118.jpg

Hãy tưởng tượng khi cánh tay dài ra cả khúc, thì trẻ dễ “va” tay vào bạn (vì chưa quen độ dài mới của tay mình), quơ đổ đồ trên bàn, dễ té ngã. Và trẻ thích té ngã, ví dụ trong giờ sinh hoạt vòng tròn. Khi đó, người giáo viên, kể cả khi bạn hiểu lý do trẻ té ngã, bạn đầy thông cảm và yêu thương, song đừng thể hiện ra điều đó bằng lời nói, kiểu: “Ôi, con thật đáng thương khi cơ thể con thay đổi nhiều như vậy!”. Hãy chỉ nắm lấy tay em, nâng dậy và dắt em đi tiếp tục sinh hoạt vòng tròn, cùng lời nói như: “Chúng ta lại cùng đi nào!” hay “Chúng ta không té ngã trong giờ sinh hoạt vòng tròn”.

Từ 4 và 2/3 tuổi đến 6 tuổi là khi cơ thể sức sống phát triển trong phần suy nghĩ. Nên người giáo viên cần biết cách đứng “hai hàng” – 1 chân vẫn ở trường mẫu giáo (khi trẻ học qua sự bắt chước), 1 chân ở trường tiểu học (đôi khi cho trẻ một số hướng dẫn cần làm gì).

Trẻ ở độ tuổi này thích xây các đồ chơi, vật dụng lên cao, và cực kỳ thích thú khi có thể vươn tới trần nhà.

IMG20170429115243

Chúng ta không chỉ để cho trẻ làm như vậy, hãy bảo đảm cho trẻ an toàn. Có thể đến và nói: “Cô là thanh tra an toàn cho tòa nhà đây, cô đến kiểm tra độ an toàn của nhà các em xây (nếu các em đang xây nhà)”. Hoặc đơn thuần hãy chỉ ra ngồi cạnh (và làm việc của cô nếu trong giờ chơi tự do). Ngồi cạnh để trông chừng hay chỉ đơn giản là mang sự bình yên của cô lại cho các em.

IMG20170429115312.jpg

Trẻ lúc này có thể vẽ răng, rất nhiều trong hình vẽ của các em. Trẻ có thể vẽ răng, rồi mau chóng sau đó là thay răng (rụng răng sữa, và răng vĩnh viễn nhú khỏi lợi để mọc lên). Việc thay răng đi kèm cơn đau hai lần như thế, trẻ cảm thấy rất đau và khó chịu. Có trẻ nhai tay áo đến ướt đẫm trong giờ kể chuyện.

IMG20170429115851.jpg

IMG20170429115907.jpg

Bàn chân của trẻ trước đó thường bằng (phẳng), đến độ tuổi tay lòng bàn chân bắt đầu hõm vào. Và trẻ cảm thấy mọi thứ được nâng lên (trong cảm giác). Cách tốt cho trẻ là cho trẻ nhảy dây, bắt đầu bằng việc cô quay dây (2 người) cho trẻ nhảy. Sau đó, có thể cho trẻ tự nhảy dây. Hãy nhìn một đứa trẻ lần đầu nhảy dây, trẻ có thể nhấc dây quay và nhấc mình như thể phải nhấc cả thế giới đầy nặng nề. Nhưng khi đến 5 – 6 – 7 tuổi, trẻ phát hiện ra mình có thể nhảy thật nhẹ nhàng, chỉ cần nhấc nhẹ chân lên, và sẽ vô cùng hạnh phúc khi phát hiện ra điều đó.

Ngón cái của trẻ bắt đầu tách ra xa khỏi những ngón tay còn lại và dễ cầm nắm hơn. Những trò chơi bàn tay cho trẻ là việc tốt cho trẻ làm (như trò Tommy thumb, tommy thumb, where are you? Here I am, here I am. How do you do?… Thêm vào phần Kiss – Hug – Hug, rồi cho ngón cái Kiss từng ngón còn lại. Rồi cho các ngón tay ôm nhau. Rồi kéo tay lên đầu, kéo xuống chân.) Đừng cho trẻ viết quá sớm. Nếu bạn cho một đứa trẻ cầm viết quá sớm, có khi em nắm cây viết bằng cả bàn tay, vì em không thể làm gì khác. Ép em vào tư thế cầm viết quá sớm khiến tay em cứng lại.

IMG20170429123104.jpg

(Em tự vẽ bàn tay – đã tách ra các ngón – Và cái đầu đầy ắp những hình ảnh)

IMG20170429123514.jpg

(Bàn tay trẻ 1 tuổi)

IMG20170429123546.jpg

(Bàn tay trẻ 5 tuổi)

3. Thay đổi về tình cảm (những buồn đau khôn tả):

Trẻ có thể cảm giác về một tương lai khác biệt đang đến. Thể hiện qua hình dáng vẽ ngôi nhà ban đầu có thể chỉ là một hình tròn, hay nửa hình tròn, đến một ngôi nhà vuông. Và khi ngôi nhà có khói bay ra qua ống khói, là khi diễn tả tình cảm. Những thay đổi về tình cảm là những thay đổi lặn vào trong.

Chẳng hạn một cô bé khác, em trai cô bé (mà cô rất háo hức chờ mong ra đời và rất thương em), khi mẹ đưa cô đến trường và ra khỏi xe. Em cô ngồi ở ghế trên xe, tay chân khua loạn xạ phấn khích và vô tình “chạm” vào mặt chị. Cô bé chị thế là khóc oà lên như mưa như gió mà mẹ không thể nào dỗ được. Mẹ dẫn cô bé vào lớp với vẻ mặt như là: “không thể hiểu được chuyện gì đã xảy ra!”. Có thể cú chạm của em đã nhắc cô đến nỗi đau thay răng chăng?

Việc cảm nhận cả ba cơ thể cùng một lúc thay đổi (thể vật lý, sức sống và tình cảm) là một việc quá lớn. Có thể khiến trẻ trở nên rất, rất nhạy cảm. Một cô bé khác, vốn dĩ rất mạnh mẽ, sau giờ chơi ngoài trời, vào lớp với một chiếc khăn được cột lại để “treo” một cánh tay lên. Cô Ruth hỏi chuyện gì. Cô bé nức nở: “Con đã bị gãy tay khi chơi ngoài kia huhu” Cô Ruth thật sự nghĩ: “Thế này thì quá rồi (over)!” Nhưng cô chỉ nói: “À, tay con gãy rồi thì con không thể dọn dẹp được. Cô và các bạn sẽ làm giúp phần của con.” Vậy là cô và các bạn dọn dẹp, cô bé vẫn ngồi khóc và vuốt cái tay “gãy” của mình. Thế nhưng, khi giờ sinh hoạt vòng tròn bắt đầu, rồi cô bé bắt chước và tham gia các hoạt động, từ từ rút luôn tay khỏi khăn treo và quên luôn cái tay gãy của mình.

Một giáo viên nổi tiếng (mình nghe không kịp nhận ra tên) đã nói độ tuổi này là “khủng hoảng của ý chí và tưởng tượng”. Trẻ trước kia đến lớp, vui vẻ với các vật liệu chơi và bắt đầu bày trò ra chơi. Trẻ giờ đây đến lớp, với ý tưởng chơi gì trong đầu và muốn làm cho trò đó diễn ra, có thể chỉ đạo người khác theo trò mình muốn. Chẳng hạn một bé trai nhất quyết đòi làm sư tử, với cái bờm vàng sẵn sàng trên đầu. Cô bé trong nhóm khăng khăng rằng câu chuyện mà cô kể (để cả nhóm “chơi” lại) không có con sư tử. Nhưng cậu bé hiên ngang với cái bờm trên đầu: “tớ sẽ là con sư tử trong câu chuyện đó”. Một lúc sau, cô bé bèn nói: “Thôi được, con sư tử đi qua bên kia sông kia đi, và phải đứng yên, không làm gì hết nha!”

Trẻ sẽ rất thích trò chơi Pony, khi trẻ làm con ngựa phi theo vòng tròn. Nhưng “con ngựa” tuổi này có thể nhảy lên bàn, lên ghế và không chịu về lại khi hết trò chơi. Lúc này cô giáo hãy nói: “Bác chủ nông trại thả ngựa Pony ra, và khi bác gọi, bác biết ngựa Pony sẽ trở về. Bác gọi “Pony ơi, về chuồng thôi nào!” (cô giáo làm bác chủ trại gọi và vẫy trẻ về)”. Hãy sử dụng trí tưởng tượng của trẻ, đó là bí mật để trẻ vâng lời bạn.

Và hãy nhớ trẻ cần nhìn thấy phần vui vẻ của người giáo viên, thay vì chỉ phần “kỷ luật” của bạn. Hãy nhớ đến những “khổ đau” trẻ đang chịu ở độ tuổi này.

Trò chơi vòng tròn:

Sóng chạy vào bờ (Tides come in)

Sóng chạy ra xa (Tides come out)

Một ngọn sóng lớn ào vào (A big tide comes)

Chúng mình chạy đi trốn (We run and hide)

Rồi mình lại trở về (And we come back).

Nếu trẻ không quay trở về, cô giáo gọi trẻ: “chúng ta trở về bãi biển nào!”. Không bắt trẻ về, không mặc kệ. Vì trẻ nhỏ hơn sẽ thắc mắc khi người giáo viên “mặc kệ” trẻ lớn.

Phần II: https://phanleminh.com/ba-methay-co-khong-phai-la-ong-chu-cua-con-phan-ii/

1 thought on “You’re Not the Boss of Me (Ba mẹ/Thầy cô không phải là Ông/Bà chủ của Con) Phần I”

  1. Pingback: Ba mẹ/Thầy cô không phải là Ông chủ của Con – Phần II – Phan Lê Minh

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *