(PLM chép bài giảng hội thảo theo chủ đề này – Thấu hiểu nhóm trẻ lớn trong trường mầm non và sự sẵn sàng vào cấp một – của cô Ruth Ker tại ATWC)
Ghi chú: bài chép lại không thể tránh khỏi quan điểm riêng của người chép, mong các bạn lưu ý khi đọc.
Buổi 2 – Ngày 30.04.2017
Đứa trẻ cần được nhìn thấy mặt vui vẻ, đùa chơi chứ không chỉ là mặt kỷ luật của người giáo viên.
Mặt vui vẻ, đùa chơi (playful) của người giáo viên, có thể là những trò chơi vận động. Hãy dành thời gian chơi trò chơi với trẻ, chẳng hạn như trong các giờ chuyển tiếp hoạt động: từ trong lớp đi ra ngoài chơi (đây là giờ dễ có các rối loạn nhất), hoặc từ trong lớp đi vào nhà tắm (trẻ hay thích nhảy loạn lên trong lớp). Song đôi khi trẻ đang nghịch và làm ầm ĩ, chỉ cần người giáo viên đến với các em, đã đủ để các em yên lặng. Khi đến bên cạnh các em, nếu ở lại, người giáo viên nên ngồi yên lặng, tập trung vào việc của cô, và quan sát xem các em làm việc gì.
Giai đoạn của trẻ mà Việt Nam chúng ta gọi là mẫu giáo lớn này, trẻ cần có được sự cảm thông của người lớn (empathy). Và người lớn giữ một ranh giới cho các em.
Giai đoạn này, trẻ rất mong mỏi để có được ý nghĩa lớn lao hơn trong cuộc sống. Và đột nhiên, trẻ có thể đặt những ý tưởng của mình lên giấy (những ý tưởng từ bên trong đặt lên giấy).
Sẵn sàng cho Lớp 1:
Cô Ruth Ker với hơn hai mươi năm làm cô giáo mầm non cũng như làm giáo viên đào tạo giáo viên, đã có kinh nghiệm để làm buổi nhận xét trẻ mẫu giáo đã sẵn sàng để vào lớp 1 chưa. Cô sẽ dành khoảng một giờ để chơi cùng trẻ. Qua việc chơi đó, rất nhiều điều sẽ cảm thấy được. Chẳng hạn chỉ trong trường hợp này, cô đề nghị trẻ vẽ một thứ cụ thể: đó là vẽ một người, một cái nhà và một cái cây.
Cái nhà thường thể hiện cơ thể vật lý của trẻ.
Cái cây thể hiện nguồn lực sức sống (nguồn lực phách – etheric).
Con người thể hiện phần tâm hồn (soul).
Nếu như phần tâm hồn là cảm nhận vào bên trong, thì phần nguồn lực sức sống thể hiện ra bên ngoài, lên cơ thể, khiến trẻ thích chạy nhảy khắp nơi.
Căn nhà được trang trí “nội thất” bên trong đẹp đẽ, thể hiện bé sống rất nội tâm.
Chỉ vẽ các chi tiết bên ngoài căn nhà, con người thì khá lớn.
Bên trong rất nhiều thứ (cha bé là một bác sĩ tâm linh, bé thể hiện cha là bác sĩ cho loài vật).
Những thay đổi của cơ thể sức sống (thể phách – etheric body):
Câu chuyện: Cô bé Iza vốn là cô bé rất hòa thuận với các bạn và được tất cả các bạn yêu mến. Một ngày nọ, cô bé đến trường trên tay bố, đầu tựa vào vai bố và khóc: “Con không muốn đến trường này nữa. Ở đây mọi người đối xử quá tệ với con.” Cô Ruth đến xoa lưng Iza và cố dỗ bạn, tách bạn ra khỏi bố nhưng không được. Ông bố rất quan ngại và tỏ ý muốn rút bạn ra khỏi trường. Cứ như vậy một lúc thì có một bạn trong lớp đến, kéo chân Iza (đang được bố bế) và nói: “Ra chơi đi nào Iza!” Iza lập tức ngó xuống, rồi tụt khỏi người bố, chạy ra chơi với các bạn. Cô Ruth và ông bố ngỡ ngàng nhìn cô bé. Lúc này, cô Ruth mới chợt nhớ hôm qua, Iza chọc bạn trong lớp và bạn đó không thích. À, thì ra!
Một tuần sau, Iza rụng răng sữa. Vài tuần sau nữa, Iza nói với bố từ cổng trường: “Con đến trường một mình, không cần bố đưa vào đâu!”
Sẽ tốt hơn nếu người giáo viên lớp mẫu giáo lớn, ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm, hãy nói trước với phụ huynh những thay đổi “tâm sinh lý” này của trẻ, để phụ huynh phối hợp cùng giáo viên, giúp đỡ cho các em. (Tránh những lo lắng, quan ngại, nghi ngờ giữa người lớn không đáng có.)
Cơ thể sức sống (thể phách – etheric body) ở quanh người trẻ và vẫn còn có sự hòa hợp, hợp nhất (unite) với cơ thể sức sống của cha mẹ trẻ. Đến 6 tuổi, một phần cơ thể sức sống của trẻ rời khỏi việc hình thành cơ thể vật lý để chuyển sang cho các quá trình suy nghĩ (thinking) cũng như có rất nhiều các tưởng tượng. Cũng là lúc cơ thể sức sống của trẻ tách khỏi cơ thể sức sống của cha mẹ mình. Là người giáo viên, bạn cần “làm việc” với trẻ và cả các cảm xúc của các bậc cha mẹ trước sự thay đổi và khác biệt của trẻ trong giai đoạn này. Khi đứa con lúc thời mẫu giáo bé bám chặt với cha mẹ, giờ lại rời xa thì cha mẹ chắc hẳn có rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ không hiểu được, rối ren trong lòng.
Cơ thể sức sống có rất nhiều chu kỳ. Trong các giai đoạn đó, có rất nhiều thực thể (beings) ở quanh đứa trẻ để giúp trẻ có thể đứng thẳng dậy, để biết đi, biết nói. Nguồn lực sức sống này rất mạnh mẽ trong quá trình giúp cho tính cá nhân (individuality) đi dần vào cơ thể, quá trình này cực kỳ mạnh mẽ trong ba năm đầu đời. Khoảng đến 3 tuổi, trẻ thật sự tách biệt ra khỏi thế giới tinh thần (spiritual world), thể hiện ra ở việc trẻ nói “Không”, là sự tỉnh thức trong việc nhận ra sự thật rằng trẻ có thể nói “Không”.
Vào thời điểm 6 tuổi, trẻ biết trẻ có thể tách biệt bản thân mình ra khỏi cha mẹ mình, ra khỏi một không gian nào đó. Trẻ bước ra sau (lùi lại) hay ra ngoài và quan sát. Như là: “À, các bạn đang chơi mà không có mình!”. Có khi trẻ đến “mách” cô: “Bạn A đang lấy đồ chơi kìa cô”. Hoặc phê bình cô: “Hôm qua cô không có kể chuyện như vậy?” Thậm chí là quan sát cô khi ăn (trong giờ cả lớp ăn) và xem cô có ngậm miệng khi nhai hay không nữa.
Trẻ thích chơi, chơi mải mê cho đến lúc trẻ ngừng chơi để quan sát, để tự hỏi chuyện gì đang xảy ra.
Là người giáo viên, đừng nói theo kiểu: “À, trẻ đã đến giai đoạn phát triển này, ta phải chấp nhận.” Không, chúng ta phải đảm bảo để trẻ thấy được rằng trường mầm non vẫn như vậy, bạn bè của trẻ vẫn như vậy, giờ sinh hoạt vòng tròn vẫn như vậy.
Trẻ bắt đầu hình thành tư duy hậu quả (casual) theo kiểu nếu … thì (if … then)
Câu chuyện thường xảy ra ở độ tuổi này: Trong giờ đi bộ ngoài trời buổi sáng, hai bạn lớn tụt lại phía sau cô và các bạn còn lại. Thái độ cần có của cô giáo là khẳng định cho các bạn biết rằng “Chúng ta vẫn là một.” Gọi các em lại, cùng đi với cả lớp. Có thể bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn ngay từ khi các em mới vào lớp của cô, khi chưa có một dấu hiệu “nổi loạn” nào, cô dùng một cái chuông nhỏ để gọi cả lớp cùng tập hợp. Khi cô rung chuông, bất kỳ ai cũng chạy lại phía cô. Lúc này, cô gọi hai bạn lớn bằng cách rung chiếc chuông nhỏ đó. Hoặc cô ra luật là khi đi bộ ở ngoài, với điều kiện đường rộng, an toàn, sẽ có hai bạn được dẫn dầu đoàn. Lúc này, cô rung chuông, mọi người quay lại, cô sẽ cho hai bạn lớn được làm (thêm, cùng với hai bạn đang dẫn lớp) “hai ông vua” dẫn đường cho cả lớp. Hoặc khi các bạn quay lại, cô chỉ cần nhắc hai bạn lớn này về “luật của vùng đất chúng ta” là “Chúng ta ở cùng nhau khi ở trên đất này.”
Bởi vì có thể trẻ có những hành xử trái với “luật của vùng đất” là để thử xem tư duy hậu quả, kiểu “nếu mình làm thế này thì thầy cô sẽ phản hồi ra sao?”. Chính vì trẻ đang có nhiều thay đổi, người giáo viên đưa ra những ranh giới mạnh mẽ sẽ giúp cho đứa trẻ cảm thấy rằng: “Cảm ơn Trời, mọi thứ vẫn như xưa (trước kia)”.
Những đổi thay có thể nhận thấy ở trường mầm non (của trẻ tuổi 5.5 – 7):
Trẻ thích xây đồ đạc/đồ chơi lên cao
Chạy, nhảy, nhảy lò cò – chơi đùa với trọng lực và trọng lượng (gravity and levity).
Vì thế, cho trẻ nhảy dây sẽ rất tốt (từ lúc lòng bàn chân của trẻ hõm vào). Có thể làm dây bằng dây len được móc bằng tay (finger knitting), rồi tiếp tục bện lại.
Sợi dây bằng len móc bằng tay của lớp cô Ruth (do các bạn trong lớp cùng làm với cô) vẫn bền sau 30 năm sử dụng.
Với nhóm trẻ gồm trẻ với nhiều độ tuổi khác nhau (mixed aged group), sẽ có trẻ nhỏ với lòng bàn chân vẫn bẹt, cô nên cho trẻ nhỏ này nhảy theo kiểu khác. Đó là để dây bên cạnh các em, các em nhảy lên rồi cô mới quét dây qua chân em. Điều đó giúp em không “biết” nhảy dây theo cách bắt chước các anh chị lớn, mà chỉ nhảy khi nguồn lực từ bên trong thôi thúc các em nhảy. Nhảy kiểu này cô sẽ đọc bài thơ:
Over the mountain (Nhảy cao qua núi)
Jump the stream (Nhảy qua dòng suối – quét dây qua chân em)
Jump the waterfall (Nhảy qua thác nước – cho dây quét qua quét lại nhiều lần)
Jump the snake (Nhảy qua con rắn – cho dây uốn lượn chạy trên mặt sàn).
Hoặc cô cho trẻ lớn nhảy trong giờ nghỉ trưa (trẻ nhỏ ngủ trưa) để trẻ nhỏ không bắt chước.
Các trò chơi cho trẻ độ tuổi này:
Các trò chơi giống như cách mát xa cho tình cảm của trẻ, và thắt chặt thêm sự kết nối giữa giáo viên – các em cũng như của các em với nhau.
Trò chơi chim bồ câu (mở chuồng chim – đóng chuồng chim)
Trò chơi ngựa con Pony (con ngựa là vòng tròn bên trong được cho ăn, bò, rồi chạy – khi chạy là chạy ra ngoài vòng tròn bên ngoài)
Giấu đồ vật: trẻ ở độ tuổi này rất thích các điều bí mật ẩn giấu, thích gói quà đem cho các bạn (trường hợp này cô nên đảm bảo là cha mẹ biết trẻ mang đồ vật ở nhà đem cho bạn ở lớp làm quà, và nếu có thì bảo đảm cho tất cả các bạn trong lớp thay vì chỉ người bạn mà bé thích).
Xử lý trường hợp cho ra rìa (excluded):
Khi trẻ nói chuyện với nhau về một bạn khác trong lớp, người giáo viên phải có được sự can đảm để bước vào cuộc trò chuyện ấy, để xem liệu người bạn được nói tới có bị cho ra rìa hay không? Chỉ riêng trường hợp nếu hai trẻ lớn nói chuyện về một bé khoảng 4 tuổi, bé 4 tuổi chưa hiểu khái niệm về việc bị cho ra rìa và không quan tâm, thì cô không cần can thiệp gì cả. Còn trong trường hợp trẻ nhỏ tuổi hơn bị ra rìa và buồn phiền về điều đó, người giáo viên cần can thiệp để đảm bảo công bằng cho trẻ. Và trẻ nhỏ hơn sẽ cảm thấy được trút gánh nặng khi người chịu trách nhiệm trong lớp là giáo viên chứ không phải nhóm trẻ lớn hơn.
Khi một đứa trẻ (thường là trẻ nhỏ hơn) bị cho ra rìa, kiểu như các anh chị lớn không cho chơi cùng trong giờ chơi tự do. Người giáo viên có thể chỉ cần đi tới và nhẹ nhàng nói: “Các con chắc quên mất là CHÚNG TA LÀ MỘT KHI CHÚNG TA Ở TRÊN ĐẤT NÀY”. Người giáo viên cần luôn luôn hành xử với tình yêu thương. Người giáo viên luôn ở đó bên các con của mình. Luôn luôn biết, luôn luôn chăm sóc, luôn luôn yêu thương.
Trẻ 6 tuổi và trẻ 3 tuổi không phải là nhóm trẻ tốt cho lắm, vì hai độ tuổi này là hai thái cực khác nhau trong phát triển. Cũng y như anh em trong một nhà cũng tồn tại sự đối nghịch và chống đối với nhau. Nhiệm vụ của người giáo viên khi đó là xây nên mối quan hệ cho hai bé. Bạn có thể đợi khi bé 3 tuổi đang ngồi yên lặng chơi trò của mình, để đến bên bé 6 tuổi và nhẹ nhàng nói: “A (bé 3 tuổi) xem con như một người anh vậy”. Và khi bé 6 tuổi đang xây nhà, bạn có thể cho bé 3 tuổi mang vài cái bánh quy đem vào nhà bé 6 tuổi tặng (với sự giới thiệu của người giáo viên – sẽ viết rõ hơn trong bài buổi sau).
Người giáo viên cần giúp đứa trẻ. Bởi một đứa trẻ mà không có bất kỳ giới hạn nào, trước tiên là không có lợi cho bé. Bé không có giới hạn, bé không có bất kỳ ý nghĩ biết rằng trường mầm non là một vùng đất với các luật lệ riêng của nó. Bé phải hiểu được rằng: “Nếu mình làm điều này, chuyện này sẽ xảy ra”. Cô Ruth kể về một bé trai 6 tuổi, khi cô đến tư vấn cho trường của bé trai này, bé đã nhổ nước bọt vào mặt cô. Khi đó, cô đã giữ cả hai tay của bé lại, nhìn vào mắt bé và lắc đầu. Bé đã lùi lại, với phản ứng là cách cô Ruth làm, bé chưa từng gặp trước đây. Trong giờ đi dạo ngoài trời, có hai bé gái nắm tay nhau đi vui vẻ, hát ca, bé trai 6 tuổi này tiến đến, nói lời thô lỗ và đưa tay lên định đánh hai bạn gái. Cô Ruth nhanh chóng dùng người cô cản đường cậu bé, nhìn cậu bé và lắc đầu, cậu bé dừng lại. Một lần khác, cậu bé tiến vào sân chơi, và giơ chân định đá một bạn đang ngồi chơi cát. Cô Ruth lập tức dùng tay cản chân đó của cậu bé và hạ chân đó xuống. Sau đó, cô Ruth rời đi, và cô được cô giáo ở đó kể cho cô biết rằng, mẹ cậu bé kể với cô giáo điều cậu kể với mẹ: “Ở trường con có một cô giáo mới. Con muốn cô giáo mới đó quay lại trường con vì cô giáo đó đã giúp con biết ở trường cần hành xử đúng như thế nào.” Nếu người giáo viên không giúp trẻ, đứa trẻ sẽ tiếp tục bước vào đời với thói quen đó để trở thành một kẻ bắt nạt. Đó không phải là lỗi của em, mà là lỗi của người lớn đã không cho em thấy điều cần làm khi em bước vào giai đoạn này (5.5 – 7 tuổi), khi trẻ có rất nhiều thay đổi trong bản thân song người lớn cần cho em hiểu rằng “vùng đất này vẫn giữ nguyên những luật lệ của nó.”
Nếu có hai bạn (thường là bạn gái) hay đi với nhau, vì khi đi với nhau, thường làm những việc mà các bạn sẽ không làm khi đi một mình – kiểu “chiến hữu quậy”. Câu chuyện của cô là hai bạn Sally và Susan. Cô Ruth một hôm nọ đã đến và nói với hai bạn vào đầu buổi sáng: “Hôm nay, khi cô đi đến trường, một con chim trong rừng đã nói với cô rằng “hôm nay là kỳ nghỉ”, vì thế con (Sally) có thể chơi ở đây, và con (Susan) hãy chơi ở đằng kia nhé!” Lúc đó, hai bạn này rời nhau ra trong sự luyến tiếc, nhìn nhau vấn vương như thể việc chia xa là khó nhất trên đời. Sau một lát, hai bạn lại tìm về với nhau, cô lại ra và nhắc “hôm nay là kỳ nghỉ”, và hướng dẫn cho mỗi bạn chơi ở một nhóm khác, với trò khác: “Hãy nhớ là các con đang có kỳ nghỉ và sẽ có thật nhiều niềm vui trong kỳ nghỉ.” Rồi mỗi bạn sẽ bắt đầu chơi với các bạn trong lớp mà có thể mỗi bạn chưa bao giờ chơi cùng và không còn cùng “chiến hữu” làm những trò tai quái trong lớp nữa. Có khi một bạn đến hỏi cô giáo: “Kỳ nghỉ hết chưa cô?” Và cô trả lời: “Chưa con à.”
Có thể sau hai tuần, Sally và Susan quay lại chơi với nhau nhưng giờ mỗi bạn đã có những bạn chơi mới, thậm chí là những bạn mà trước kia cặp chiến hữu từng giở trò tai quái.
Điều cần lưu ý là trước khi thực hiện “kỳ nghỉ” này, người giáo viên cần thông báo trước với cha mẹ của hai em, để phụ huynh biết điều gì đang xảy ra ở lớp.
Việc “cho bạn ra rìa” nếu không được người giáo viên “xử lý” ở trong trường mầm non, sẽ trở thành những vấn đề nghiêm trọng khi trẻ lớn lên, ở độ tuổi 9 – 11 – 14 – 15 – trung học …
Nhiệm vụ của người giáo viên mầm non là cho trẻ thấy cách hành xử đúng đắn (show the manner). Đứa trẻ khi mới sinh ra, chưa biết thế nào là đạo đức, không có cảm giác về xấu hay tốt. Trẻ biết, trẻ học qua cách làm điều gì đó và xem phản ứng của người giáo viên, bằng cách quan sát người giáo viên và cảm nhận điều tốt tự bên trong của người giáo viên.
Người giáo viên giữ trong tim mình điều tốt đẹp cho những học sinh của mình. Trẻ sẽ học điều tốt đó qua các cảm nhận điều tốt đó.
Rudolf Steiner từng trả lời câu hỏi: “Làm sao để nhìn thấy được tinh thần (spirit) của trẻ?” rằng “Qua việc chơi đùa (sự hạ thế – incarnation), nhìn và giúp trẻ cảm thấy khi trẻ trưởng thành.”
Xin xem phần I tại đây: