Nếu bạn hỏi điều tôi thích ở giáo dục Waldorf Steiner là gì? Tôi xin trả lời đó là sự tự do và mọi điều đều có thể. Khi chúng tôi bước vào một khóa đào tạo của giáo dục Waldorf, hầu hết đều nhận ra chúng tôi có đầy khả năng, hơn cả chúng tôi từng mơ ước. Câu chuyện đầu tiên người giáo viên thường kể cho trẻ ngày đầu tiên vào lớp 1 là câu chuyện chiếc chìa khóa vàng (The Golden Key – truyện cổ Grimm), với ý nghĩa sâu sắc về mỗi đứa trẻ, mỗi con người là một kho báu để mở ra, chứ không phải để nhét vào (dù là kiến thức). Chúng tôi có thể vẽ, có thể làm búp bê, đan túi, đẽo muỗng gỗ, nặn sáp ong, nặn đất sét, thổi sáo, chơi đàn, chuyển động theo nhạc, làm thơ và đủ thứ khác.
Tôi cũng không rõ những thầy cô đến đào tạo chúng tôi để trở thành giáo viên Waldorf đã làm điều đó như thế nào? Chỉ biết là người như tôi, chưa bao giờ tin mình có thể làm thơ (dù hầu như luôn học chuyên văn), chưa bao giờ vẽ được cái gì (các năm phổ thông, thành thần trong việc in giấy than bản đồ từ sách và tỉ mẩn ngồi xoá dấu giấy than mất công muốn chết chứ chịu không vẽ được), không thể đan móc hay làm thủ công nói chung, mà giờ có thể ngồi làm trong sung sướng những môn thủ công và biết được cảm giác hằng mơ ước bao lâu nay là có một tác phẩm hoàn thiện tự tay mình làm ra. Có lẽ điều đầu tiên, là thầy cô luôn có niềm tin vững chắc và tình yêu thương bao la rằng chúng tôi, hay bất cứ đứa trẻ nào đều đầy khả năng, đều là duy nhất.
Hầu hết các lớp của giáo dục Waldorf đều bắt đầu với bài thơ buổi sáng, chẳng hạn như bài thơ mà thầy Benno cho chúng tôi đọc:
Man is not a being who stands still,
he is a being in the process of becoming.
The more he enables himself to become,
the more he fulfills his true mission.
(Rudolf Steiner)
Tạm dịch:
Con người không phải là một thực thể đứng yên,
mà là một thực thể trong quá trình trở thành.
Người nào càng khiến mình có khả năng trưởng thành,
người đó càng hoàn tất sứ mệnh thực sự của mình.
Sau đó là những vận động (hát, vỗ tay, các trò chơi) để đánh thức cơ thể của chúng tôi, để chúng tôi thật sự hiện diện và tham gia vào những hoạt động sẽ diễn ra. Bài học đầu tiên không phải là kỹ thuật vẽ là gì? Không. Bài học đầu tiên mà thầy Benno chia sẻ với chúng tôi là về bản chất con người, về cái gọi là sức sống, tình cảm, cái tôi bên cạnh cái thể xác này. Nghệ thuật làm việc với cái tôi, để con người vươn tới thế giới tinh thần, đồng thời cho phép tinh thần đi vào thế giới vật chất mà con người đang sống. Thầy khiến chúng tôi phải suy nghĩ khi nói về cái gọi là trí tuệ, đã tạo ra những tiện nghi vật chất như xe cộ, máy điều hòa, thức ăn chế biến sẵn, để cho chúng ta cảm giác thoải mái giả tạo, để ta nghĩ ta đã không còn phụ thuộc vào thiên nhiên. Song thực chất, ta không còn đi bằng đôi chân của chính mình, trí nhớ của ta là chiếc điện thoại thông minh nhắc nhớ kể cả ngày sinh nhật của mẹ cha, ngay đến thức ăn ta cũng để siêu thị lo cho. Rồi khi những cánh rừng đã ngã rạp, than dầu cạn kiệt, những trí tuệ lớn lao lại nghĩ đến năng lượng hạt nhân, cũng như nơi chôn rác thải phóng xạ, ta nghĩ ta luôn tìm ra giải pháp, song phải chăng ta để cho cái lưới bao quanh mình ngày càng thít chặt, con đường thoát khỏi cái lưới cũng ngày càng nhỏ hẹp đến cùng kiệt. Vậy thì, tự do của ta đâu? Nghệ thuật, là một phương tiện, để ta nhớ lại cái tôi của chính mình, đến ký ức ta đã từng có, luôn có mà ta quên đi, để ta biết nhìn nghe cảm nhận vượt ra ngoài những thứ mà ta và xã hội đang cho phép ta nhìn. Để ta nhớ việc đôi mắt ta sinh ra để nhìn và cảm nhận cảm xúc của màu sắc, thay vì chỉ dùng để thâu tóm thông tin “chế biến sẵn” từ TV, máy tính bảng như ta đang làm hiện nay.
Nghệ thuật làm việc với trí tưởng tượng, nguồn cảm hứng và trực giác. Trí tưởng tượng là điều cho phép ta nghĩ vượt qua hiện tại, về tương lai, về quá khứ, về những khả năng ta có thể làm, mà ta thường làm việc nhất khi vẽ (bút sáp, bút chì, than, cọ vẽ …), khi kết quả thường hiện diện hơn trong thế giới vật chất. Ít nhất kết quả cuối cùng sẽ vẫn còn đó trên giấy hay trên vải. Hay nói cách khác trí tưởng tượng làm việc với không gian (space). Trong khi đó, nguồn cảm hứng dào dạt hơn khi ta làm việc với âm nhạc và chuyển động (như khiêu vũ, eurythmy). Một bài hát thường có mở đầu và kết thúc. Khi bài hát, bài nhạc hay điệu nhảy kết thúc, nguồn cảm hứng cũng thường bay đi. Có thể nói nguồn cảm hứng làm việc với thời gian (time). Và trực giác, trực giác sẽ tham gia nhiều nhất khi chúng ta làm các hoạt động tạo hình (với đất sét, với gỗ, đá…). Nghệ thuật thực sự xuất hiện khi chúng ta làm việc với đôi tay của chính mình, với các giác quan cao hơn, chẳng hạn như khi chính tâm hồn của chúng ta biết về không gian của nơi cái đầu ở giữa cái nón và đôi vai của con người ta vẽ trên giấy. Cái mà ta có từ công nghệ hiện đại chẳng hạn âm nhạc từ iPod, với các ký hiệu 0 – 1 mà tai ta được “bảo” rằng đó là âm nhạc, chỉ mau chóng đưa ta đến trạng thái xác không hồn, như kiểu thức ăn nhanh có năng lượng rỗng, ta vẫn tồn tại nhưng cái bên trong ta đã dần chết đi tự bao giờ.
Nghệ thuật là khi chúng ta cân bằng giữa sự tự do (tự do biểu đạt cảm xúc, trải nghiệm của bản thân) với kỹ thuật (hơi đóng khung, có hình dạng cụ thể). Chúng ta làm chủ kỹ thuật, để có thể biểu lộ ra cảm xúc, trải nghiệm một cách tự do. Chính việc thể hiện được cái ta nhìn thấy, cảm thấy, biết đến ra được trong thế giới vật chất, thông qua phần làm việc, hành động, chân tay chính là ý chí. Đó là lý do vì sao nghệ thuật chính là giáo dục ý chí, đồng thời giúp chúng ta cân bằng giữa suy nghĩ và tình cảm, cảm xúc.
Cân bằng, chúng tôi được học rất nhiều về cân bằng, không chỉ trong kỹ thuật sáng – tối, tạo góc nhìn cho hình ảnh, mà còn trong việc phát triển bên trong của mỗi con người. Giáo dục Waldorf là nền giáo dục trị liệu ở chỗ không vẽ ra những bức tranh đẹp không để làm gì cả, mà mỗi bức tranh đều có ý nghĩa, có tác dụng healing (chữa lành, nghĩa chính của nó chính là cân bằng). Người giáo viên khi vẽ một bức tranh lên bảng đen phải nắm rõ tâm thái của câu chuyện mình sẽ thể hiện. Form drawing (vẽ hình dạng) không nằm chủ yếu trong hình dạng, mà trong chính chuyển động. Chuyển động liên tục để tạo hình trên giấy (không xoay trở giấy, không dùng dụng cụ hỗ trợ như thước, chấm, đo…), cảm nhận chuyển động, tìm ra nhịp điệu của chuyển động (cũng như hơi thở hít vào – thở ra). Mỗi chuyển động như đường thẳng, đường cong, ngắn – dài, to – nhỏ, ra – vào … đều có ý nghĩa và tác dụng cân bằng riêng của nó. Vẽ hình dạng có thể rất thư giãn hay rất căng thẳng, vẽ xong toát mồ hôi hột là việc bình thường.
Tôi cũng chưa rõ vì sao thầy Benno đem lại cho chúng tôi sự tự tin, để vẽ cả mặt con sư tử hay là con ngựa, hay là cả câu chuyện chiếc bình vỡ (người học trò gánh nước suốt đoạn đường, với một bên gàu bị vỡ. Song chính bên gàu vỡ đó, tạo nên đường hoa nở nhờ nước chảy ra mỗi ngày). Điều mà thầy chia sẻ và dẫn dắt chúng tôi, phần nhiều là tâm hồn, là cảm xúc bên trong, trải nghiệm bên trong. Bởi thế mỗi hình vẽ đều đẹp (có thể tự mình thấy xấu song người khác khen mình vẽ đẹp) theo cách riêng của nó, dẫu có vẽ theo hình thầy vẽ mẫu cho chúng tôi xem. Thầy vẽ mẫu cũng thật khác biệt, thầy vẽ để chúng tôi cảm nhận quá trình vẽ và rồi trải nghiệm lại nó theo cách của mình.
Thầy thúc đẩy đủ để chúng tôi bước từ thử thách này sang thử thách khác, cái sau khó hơn cái trước, chính là để rèn luyện cho ý chí của chúng tôi. Nghệ thuật, thầy nhắc đi nhắc lại, là cho sự phát triển bên trong của mỗi con người. Khi làm người lớn (giáo viên, cha mẹ) mà bạn học hỏi và nỗ lực, điều đó gián tiếp hay trực tiếp thúc đẩy sự phát triển bên trong của những đứa trẻ của bạn. Trong buổi học, mỗi người đều học hỏi và phát triển, kể cả chính thầy. Bức vẽ của những ngày cuối, dẫu có vẻ khó hơn, vẫn là sự nhắc lại của cái thầy dạy chúng tôi ngày đầu tiên: sự cân bằng giữa sáng và tối, về góc nhìn, về cảm xúc, về suy nghĩ và về ý chí. Học thầy, tôi mới cảm nhận sâu sắc về việc làm một nơi sáng hơn, bằng cách tô đậm (đen) hơn phía bên ngoài của nó. Về việc đưa ánh sáng vào nơi này chính là lấy ánh sáng ra ở nơi kia. Về việc kiên nhẫn, của việc trở thành, chứ không phải là thúc ép nghệ thuật. Tôi cảm nhận tôi đang không vẽ những “bài tập” thầy cho, mà tôi đang vẽ nên chính bản thân mình.
Cảm ơn thầy, vì tất cả những gì thầy đã mang lại cho tôi!
Thầy là người Hà Lan, năm nay 64 tuổi, và đã dạy ở trường Waldorf từ năm 29 tuổi (từ lớp 1 đến lớp 7), sau đó là giáo viên bộ môn, cố vấn chuyên môn và là thầy dạy lớp đào tạo giáo viên.