Giáo dục thực sự giản đơn

Giáo dục thực sự giản đơn

 

(Chép bài giảng Little children as great Teachers – Christof Wiecher – 29.04.2017)

 

Con người sống trong rất nhiều sự mâu thuẫn: là một tinh thần từ trên thế giới tinh thần xuống sống trên trái đất với cái tôi, bản thể của mình. Làm sao để cân bằng giữa tinh thần và vật chất. Thế nhưng con người cần thế giới để trải nghiệm được cái tôi của mình, rồi bản thân con người lại phản ánh lại ra thế giới, cả hai quá trình này sẽ chuyển hóa con người để lên được những bản thể cao hơn của chính mình. Bản chất của giáo dục thực sự chỉ đơn giản như vậy mà thôi.

 

Một thí nghiệm khiến tác giả của nó là Winthiop Miles Kellog nổi tiếng (mà bản thân ông không hề mong muốn) vào giữa những năm 40 của thế kỷ trước. Bởi vì ông nghiên cứu thấy rằng ADN của khỉ gần giống như của con người, thế mà tại sao người và khỉ lại khác nhau như vậy? Khi vợ ông mang thai, ông quyết định vào sở thú tìm một con khỉ cũng đang mang thai, và có một con khỉ như vậy. Ông thuyết phục vợ mình khi sinh ra con trai, đồng thời cũng mang con khỉ con (gái) về nuôi cùng con mình. Cả hai nhận được sự chăm sóc và nuôi dưỡng y như nhau. Ông xem liệu một con khỉ, nếu được nuôi dưỡng như một con người, có trở nên con người hơn không? Song thực tế là, con khỉ gái đã phát triển nhanh hơn con trai ông. Nó bắt đầu trèo ra khỏi nôi, và leo lên rèm cửa sổ. Một thời gian sau, con trai ông cũng trèo ra khỏi nôi, và leo lên cửa sổ (song không thành công cho lắm). Con khỉ mau chóng cần ăn hơn là chỉ bú sữa, nó tháo giày ra nhai. Con ông cũng làm như thế. Rồi con ông bắt đầu phát ra những âm thanh như con khỉ. Cuộc thí nghiệm đành dừng lại, khi con ông có xu hướng trở thành khỉ, thay vì con khỉ trở thành con người. Điều đó chứng minh điều gì? Phải chăng là con người, đặc biệt là trẻ nhỏ, là một bản thể giác quan mở, sẵn sàng thu nhận mọi thứ từ thế giới bên ngoài. Điều này khoa học hiện đại ngày càng có thể chứng minh rõ ràng hơn.

 

Các nhà khoa học tìm thấy các ngôn ngữ trên thế giới có tổng cộng 200 loại kết hợp âm thanh khác nhau (trong đó chẳng hạn tiếng Đức có 40 loại kết hợp, tiếng Anh có 35). Trong khoảng thời gian 4 – 8 tháng tuổi, đứa trẻ nhận ra những âm thanh quanh mình, làm việc để nhận ra chúng, các kết nối thần kinh trong não vận hành. Nghĩa là trong thời gian đó, trẻ thực sự trôi trong tất cả các âm thanh. Một đứa trẻ có thể thích ứng với mọi loại ngôn ngữ ở bất kỳ ngóc ngách nào trên thế giới. Rồi sau đó, những ngôn ngữ khác dần “chết đi”, để đứa trẻ lớn lên trở thành một người Anh, hay người Trung Quốc, hay người Việt Nam với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Như vậy, nếu ta để cho đứa trẻ ở trước màn hình (TV, iPad hay mọi thiết bị điện tử nào khác), quá trình “chết đi” các âm thanh “không phù hợp” sẽ xảy ra nhanh hơn, đứa trẻ bị “thu hẹp” nhanh hơn, “chết cứng” nhanh hơn. Chúng ta đã thu hẹp cách thức đứa trẻ mở ra với thế giới, kết nối với thế giới xung quanh, khả năng nhận ra sự khác biệt, tính cá nhân của rẻ hẹp lại.

 

Nước Rumani từng có một nhà độc tài. Ông ta sẵn sàng đem những đứa trẻ không có cha mẹ, hoặc hư đốn (cha mẹ không dạy được) vào trại trẻ mồ côi. Nơi đó chỉ đối xử với trẻ bằng hình phạt, một trong số đó là trẻ hư sẽ không có ai nói chuyện với nó. Khi đất nước thoát khỏi nhà độc tài này, người ta chạy đến các trại trẻ mồ côi để cứu những đứa trẻ. Những đứa trẻ nào dưới 2 tuổi vào thời điểm được cứu, có khả năng phục hồi khả năng ngôn ngữ. Đứa trẻ nào trên 2 tuổi sẽ không bao giờ có được khả năng ngôn ngữ bình thường nữa.

 

Một thí nghiệm khác với hai nhóm trẻ: một nhóm ở nhà trẻ ngoài trời, nơi trẻ được cho mọi thứ trẻ cần để chơi (sân chơi cát, bãi cỏ rộng…) và trẻ suốt ngày vận động; một nhóm trẻ đúng theo kiểu Mỹ, luôn ngồi ở bàn học, dù để chơi (nặn sáp, vẽ). Họ cho người mẹ ở dưới một tấm kính trong suốt (hầu như không nhìn thấy), ở cách xa đứa trẻ. Những đứa trẻ trong nhóm trường kiểu Mỹ sẽ bò khắp tấm kính mong gặp được mẹ. Những đứa trẻ trong nhóm trẻ ngoài trời sẽ nhìn mẹ qua tấm kính và lắc đầu: “Không được rồi. Mẹ ở quá xa. Và quá nguy hiểm để tìm cách gặp mẹ.” Nghĩa là những đứa trẻ đó đã có tầm nhìn được rất sâu, hay nói cách khác vận động giúp phát triển tầm nhìn.

 

Cũng một thí nghiệm khác, người ta cho mèo con vào chiếc túi nhỏ để được chủ mang túi đi khắp nơi cùng chủ. Con mèo con không chỉ mất khả năng đi, mà một thời gian sau, dù được nhìn ngắm xung quanh khi được ôm đi cạnh chủ, bắt đầu bị mù. Như vậy, cần có vận động, cần có sự kết nối. Một thí nghiệm cho các phi hành gia, nếu đôi mắt bị giữ yên, không được cử động, sau 15 phút, mắt sẽ không còn khả năng nhìn thấy nữa.

 

Như vậy, có thể thấy việc giữ trẻ ngồi yên tại bàn suốt một giờ, thật sự là một tội ác, khi tất cả các cơ bắp của trẻ muốn được vận động và có sự kết nối với thế giới xung quanh.

 

Nền giáo dục Waldorf không bao giờ là nền giáo dục “ngồi yên”. Không chì có Eurhythmy, Rudolf Steiner nhấn mạnh cả tầm quan trọng của vận động, thể dục. Những trò chơi trong lớp học không chỉ là sự “xa xỉ”, mà là một cách giáo dục, nơi đứa trẻ tự giáo dục chính mình. Nếu chúng ta mang lại cho trẻ những điều này trong sự cân bằng, chúng ta sẽ mở rộng các khả năng cho trẻ.

 

Hãy tưởng tượng một đứa trẻ ngồi yên, ngồi “đàng hoàng” tại nhà suốt 10 phút? 1 giờ? 3 – 4 giờ? (bằng cách nào, trước màn hình vi tính chẳng hạn).

 

Cuộc sống ngồi yên là cuộc sống chật hẹp.

 

Thời đại ngày nay, khi con người bị thiếu đi các nguồn lực chữa lành từ tự nhiên, phải ở trong những thành phố, chúng ta phải làm sao? Ngày xưa, cha ông chúng ta vẫn sống giữa thiên nhiên, đứa trẻ có thể bị cha mẹ đét đít, khẽ tay, song khi nó chạy ra ngoài trời, chơi trong thiên nhiên, nó có thể quên hết. Còn bây giờ, đứa trẻ có thể tìm sự cân bằng nơi đâu? Nghệ thuật. Nghệ thuật từ âm nhạc, hay từ vận động thân thể đều là câu trả lời. Hãy mang nghệ thuật vào giáo dục.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *