Trường Steiner Wadorf Việt Nam ra sao?

Nãy giờ, tôi đi tìm lại tấm hình tôi đã tìm thấy khi đi tìm những trường Waldorf Steiner và đã bật khóc khi nhìn thấy nó. Đó là hình ảnh một lớp học ở châu Phi với bức tường làm từ những viên gạch to bằng đất, sàn đất nện. Lớp học trông là biết Waldorf Steiner bởi những màu nhạt đặc trưng thể hiện trên những bức vẽ treo trên tường, cùng bức vẽ phấn màu trên tấm bảng đen của người giáo viên. Và dĩ nhiên, ánh sáng ở trong đôi mắt của người giáo viên, và trên những khuôn mặt học sinh. Dẫu rằng, quần áo của học sinh bình thường, màu có ngả cháo lòng đi nữa. Tại sao tôi bật khóc? Bởi tôi nhận ra rằng, trong quá trình lo lắng làm sao với ít nguồn lực tài chính, có thể xây dựng nên ngôi trường đúng nghĩa Waldorf Steiner ở đây, với đầy đủ học liệu, xưởng thủ công, đàn violon với chả piano, thì điều gì mới là quan trọng? Tôi dần dần đỡ “quắn” và cầu toàn theo hình thức hơn. Tôi nghĩ, dầu gì thì, cái hồn, cái nội dung, vẫn quan trọng hơn. Tôi chọn việc tôi đang làm tốt và hiệu quả, là dịch.

Giờ đây, công việc chính của tôi là dịch tài liệu cho giáo viên. Lại có nhiều người hỏi tôi rằng, ủa, nói giáo dục Waldorf Steiner nhấn mạnh việc sử dụng văn hoá bản địa, nguyên liệu bản địa, mà cứ ngồi cắm đầu dịch thì có sai không? Vâng, bản thân tôi vẫn tin rằng, chất liệu bản địa phải chiếm đa số, thậm chí hơn 3/4. Và đó là việc các cô giáo hàng ngày vẫn đang “còng lưng” ra làm, chẳng qua các cô quá bận, không rao lên nhiều như tôi thôi. Vậy tại sao tôi vẫn phải dịch? Bởi vì, triết lý của giáo dục Waldorf Steiner, lại vẫn biết rằng, một ngày nào đó, mọi chân lý vẫn gặp nhau ở gốc, thì hiện tại, một cái khung cho chúng ta đi tìm về gốc, phần lớn vẫn ở tiếng nước ngoài. Bởi vì, không phải tự ti, song không hiểu sao, văn thơ của chúng ta chẳng hạn, than thân nhiều quá, ẩn dụ nhiều quá. Trong khi với trẻ, càng nhỏ thì càng Chân – Thiện – Mỹ, có sao nói vậy, và thế giới là nơi đẹp đẽ, thật thà. Chẳng hạn giờ bài thơ tả cây lúa cùng tinh thần phơi phới, biết ơn, vui vẻ của người nông dân, thơ ca Việt tôi tìm chưa ra ngoài “thân em như lúa trổ đòng đòng” thì tôi đành phải đi tìm thơ nước ngoài để dịch chứ biết sao? Và, đứa trẻ vẫn cần thơ văn, kiến thức từ mọi nền văn hoá trên thế giới, thế nên chúng tôi miệt mài dịch.

Có một dạo, chúng ta chia sẻ rất nhiều lần video clip Tôi kiện hệ thống giáo dục của Prince Ea. Dĩ nhiên tôi cũng share. Và tôi tự hỏi, như vậy, sau khi kiện, giải pháp là gì? Bạn có nghĩ ra được một lớp học hiện đại là gì không? Liệu có phải là bảng điện tử thay cho bảng phấn, người giáo viên mở băng thuyết trình ghi sẵn và bảng điện tử gõ sẵn thay vì phải giảng bài, viết chữ. Như thế thì lớp học chúng tôi đang làm với bảng vẽ phấn, không thiết bị điện tử, lại còn đi học nhào bột nướng bánh, dệt vải bằng khung thủ công … thì đang đi đâu vậy? Ngược về gốc à? Cái này thì không thể nó là có cái gì sai sai nữa nhỉ? Vâng, chúng tôi đang đi ngược về gốc. Và bản thân chính tôi, trong khi đang làm tất cả những điều này, cùng những nhận xét chân thành từ những người bạn thân (dĩ nhiên đa phần là hỏi vì thấy kỳ lạ và phản đối), tôi luôn tự vấn không ít câu. Và đây là mô hình giáo dục tương lai mà bản thân tôi tin và đang phấn đấu để đạt đến.

Đó là một nền giáo dục không có trường lớp, không có người giáo viên nhồi nhét kiến thức mà mình biết cho học trò. Đó là nền giáo dục nơi trường lớp chính là cuộc sống, nơi người thầy và người trò cùng đồng sáng tạo. Trẻ khi đi học, nếu cần học về làm bánh, sẽ được đến nơi làm bánh thực sự để học; khi học về dệt vải, sẽ được đến nơi làm ra vải để học; tương tự như vậy, trẻ sẽ vào bếp học nấu ăn, ra đồng/vườn học trồng cây, gặt lúa, và được vào rừng học về cây cỏ, thú vật, chim muông. Trẻ sẽ đi cùng với người lớn, trong công việc hàng ngày. Và chỉ cần vào phòng ngồi học, khi đã đi vào nghiên cứu, học thuật chuyên sâu. Người giáo viên là người cùng trẻ học hỏi, là người dẫn dắt những gì trẻ chưa biết cách mà thôi. Môi trường đó, dĩ nhiên, chỉ có được khi chúng ta xây dựng được cả xã hội như một cộng đồng hoà hợp.

Đó là tương lai viễn cảnh quá xa? Phải, xa mà gần, khi tôi nhận thấy rằng, như những gì viết trong những cuốn sách mà tôi ngưỡng mộ và sẽ cố gắng dịch sớm nhất có thể, Heaven on Earth, Free to learn. Chúng ta đang kiến tạo cái gì, cố gắng dạy cho trẻ cái gì, phải chăng là một Thiên đường trên trái đất, một nền giáo dục mà trẻ được tự do học hỏi điều chúng muốn và cần? Nó đi từ chính ngôi nhà của chúng ta đây. Nơi mà cha mẹ có nấu ăn, làm bánh, chăm sóc nhà cửa, xây dựng, sửa sang, tạo môi trường ấm áp, yêu thương, và cho các con tham gia vào đó. Khi con đến trường, đó là ngôi nhà thứ hai, nơi con cũng làm bánh, lau nhà, làm vườn, làm thủ công, học hỏi thêm nhiều điều từ thế giới xung quanh rộng lớn.

Song trước mắt, thì tôi vẫn đang ngồi dịch mà thôi, và các bạn nào cùng tham gia với tôi thì “chơi” cùng tôi nhé! Mỗi người mỗi việc, rồi điều chúng ta muốn sẽ thành.

P.S.: Sẵn tiện, giải thích luôn lý do sao không đưa hình trường Tre Xanh mà tôi đang làm lên đây, đi mượn hình nước ngoài chi vậy? À bởi vì các cô không muốn phô bày trẻ lên mạng, như vậy không còn sự riêng tư cho các em. Nên thôi các bạn nhìn tạm hình của người ta nha!

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *