CÁC CUỘC ĐỜI Ở UBUD – Hai mẹ con thầy thuốc

07.11.2017

Buổi chiều muộn, nắng đã tắt, trời nhá nhem, có hai mẹ con nhà kia vẫn lủi thủi đi trên con đường mòn. Đi mãi không thấy một mái nhà, mà trời thì đã tối. Tay nải hai mẹ con lép kẹp, người mẹ xót con cố giương mắt tìm kiếm mà mãi không thấy làng mạc gì. Bà đành kiếm một gốc cây khô ráo, cẩn thận tháo một nửa cái xà rông mình đang mặc, lót xuống đất rồi bảo con ngồi lên. Rồi bà lần trong tay nải, lấy ra một vắt cơm bé xíu, khô đét, đưa cho con ăn. Đứa con bẻ đôi vắt cơm đưa mẹ, rồi ngốn ngấu ăn. Ăn xong, bà mẹ đưa tiếp cho nó nửa vắt cơm của bà. Đứa con lắc đầu nguầy nguậy, bà trừng mắt, rồi bóp miệng nó nhét cơm vào. Nó đành nhai, mắt ầng ặc nước vì thương mẹ. Bữa cơm qua chóng vánh, đứa con quay qua ôm lấy mẹ ngủ. Bà mẹ ngồi trong đêm, mắt cứ thao láo canh chừng, lâu lâu lại ứa nước mắt thương con, thương mình. Trời mới tờ mờ sáng, bà đã vội đánh thức con, rồi hai mẹ con vội vã lên đường, tìm ngôi làng kế cận.

Cứ lang thang như thế, rồi một ngày bà mẹ ốm nặng vì kiệt sức, bà ngã quỵ bên đường. Đứa con ôm lấy mẹ khóc nức nở, luôn miệng: “Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con. Mẹ đi rồi con ở với ai, ai lo cho con, mẹ ơi, tội con lắm!” Linh hồn bà mẹ xuất ra ở rốn, thấy rõ cái bóng trắng xám định bay lên rồi lại tần ngần ở lại. Cái bóng trắng quay lại ôm chầm lấy đứa con. Đứa con dường như cảm nhận được, nó thôi khóc, cày cục đào đất bằng tay, bằng đá thành một cái hố để chôn mẹ. Nó cởi cả cái khăn đang choàng để phủ mặt cho mẹ, sau đó đắp đất và đi lượm lá khô phủ lên.

Rồi đứa con cũng lớn lên, đi làm thuê làm mướn. Bà mẹ luôn ở bên con, bà dẫn con đến những nơi có việc làm, có người cho ăn. Đứa con gái một mình côi cút, có lúc có kẻ dòm ngó định giở trò sàm sỡ, bà “hù” chúng đến thất kinh. Một buổi trưa khi đứa con gái đang ngồi dưới một gốc cây to, bà làm sao mà “dẫn” được một anh trai trẻ đến nơi đó. Nhìn thấy cô gái, anh trai trẻ đem lòng yêu và sau đó về nhà xin cưới cô làm vợ. Kể từ đó, cô có gia đình, có mái nhà, về sau cô sinh được hai đứa con. Cô vẫn hay ra gốc cây to ngày trước khi có thời gian rảnh để “nói chuyện” với mẹ. Khi nhà cửa đã đủ đầy, cô thường nói mẹ hãy siêu thoát đi, con đã ổn rồi, mẹ không phải ở đây lo cho con nữa đâu. Lần nào như lần ấy, mẹ cô lại mắng cô.

Một hôm, cô nghe nói có một loại gỗ thiêng, rất mắc tiền, khi đốt lên có thể giúp người âm mau siêu thoát. Cô lấy hết tiền của dành dụm, lấy cả nữ trang mà cô có định đi mua loại gỗ kia, thì mẹ cô đột ngột “hiện”. Bà quát: “Mày định tống khứ mẹ mày đi đấy hả?” Cô giật mình, đánh rớt hết rồi oà lên khóc: “Không, mẹ ơi, con chỉ mong mẹ được siêu thoát. Mẹ muốn ở với con thì mẹ hãy đầu thai làm con của con cho con được chăm sóc, phụng dưỡng mẹ, mẹ ơi!”. Bà thở hắt: “Tao cần vào! Ai lại đang làm mẹ lại đi làm con! Sao mà con ngu thế hả con? Mà tao cũng ngu thế chứ!”

Nói vậy nhưng sau một thời gian nữa, khi hai đứa cháu đã qua tuổi lên ba, bà bảo chả ai bắt được cháu bà đi nữa, hay bắt nạt được con gái bà nữa, thì bà mới “thăng”.

Bài học: Khi xin chữa cho bà mẹ, thấy rằng xưa kia nhà hai mẹ con cũng có của ăn của để, nhưng vì bà mẹ thương người, có bao nhiêu cũng cho, sau bị một người lừa hết cả nhà cửa ruộng vườn nên hai mẹ con phải lang thang. Bà mẹ có tài chữa bệnh, song lại chẳng bao giờ nhận tiền, chỉ nhận cơm ăn. Vì thế, gặp nhà có người cần chữa bệnh thì mới có ăn, không thì bị đói. Bài học là cân bằng giữa cho và nhận.

Trùng hợp là trước buổi thấy cuộc đời này, buổi chiều khi đi đền về, định đi bộ về khách sạn thì giày của “người mẹ” bị sút đế (dù là lần đầu tiên đi đôi này), cô phải đi chân đất một đoạn. Thấy thế thì anh trong đoàn kêu xe để về. Bốn người đứng đợi cả lúc lâu bên đường chờ xe. Đây chính là chỗ ngày xưa người mẹ mất.

Sau đó, “người mẹ” được rất nhiều người trong hội thảo đặt chữa bệnh, cô không biết nói tiếng Anh nên “đứa con gái” cần đi theo hỗ trợ dịch cho cô. Thế là hai cô cháu, “hai mẹ con” ngày ấy cứ thế đi chữa đầu buổi sáng và cuối buổi chiều đến tối (ngoài giờ hội thảo) cho mọi người. Cô lúc đầu định chữa miễn phí, chính “con gái” và mọi người trong đoàn thuyết phục cô chữa lấy tiền. Bài học đời trước “lên” càng lúc càng rõ qua quá trình đi chữa lành, gặp nhiều người bệnh khác nhau, giữa việc “cho” và “nhận”, “miễn phí” hay “lấy phí”, “tham” hay “cân bằng năng lượng”. Cuộc đời trước xuất hiện luôn đúng lúc cho ta học lại bài học trong đời này.

Cuộc đời này xuất hiện khi ngồi thiền trong đền Pura Tirta Empul.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *