Sáng nay, nhận ra mình dành quá nhiều thời gian hơn cần thiết để sân si. Sáng nay, nhận ra một hạt giống đắng có thể lan toả năng lượng màu giận dữ đi như thế nào. Như một chị bảo mình, đó là tấm gương để tự soi, mình hãy cảm ơn vì mình đã được học, rồi buông và đi tiếp.
Nên là, mình nghĩ, phải dành thời gian để viết về điều này: “Tha thứ!”
Nếu như bạn là fan của Harry Potter (mình vẫn mơ một ngày mình viết được 1 truyện như Harry Potter và đủ tiền sống cả đời, để dành thời gian viết những thứ free cho mọi người đọc hì hì… Mơ ít có cao!), bạn có nhớ cách mà Voldemort làm để tách linh hồn mình ra không? Cái đó gọi nôm na là “phân mảnh linh hồn”, và đó thật ra là một điều kinh khủng nhất, khi linh hồn của bạn bị phân mảnh, tan tác và lang thang vô định, bạn sẽ không cảm nhận được cảm giác hoàn thiện, đủ đầy, và khó mà “thăng lên” một cấp cao hơn được. Và một thứ nặng nhất khiến linh hồn phân mảnh lại là không tha thứ.
Vì sao tha thứ quan trọng đến thế? Bạn thử nghĩ xem, cái gì dằn vặt, dày xéo mình nhất, làm mình quằn quại, đau khổ, cắn rứt, xót xa, đắng đót … nhất, chính là cảm giác không tha thứ. Bao gồm không tha thứ cho mình và không tha thứ được cho người khác.
Ví dụ cụ thể, khi bạn làm một điều gì đó, hay gặp một cảm xúc gì đó không như ý, chẳng hạn không tìm ra chìa khoá hay chiếc áo bị vấy bẩn hay đánh mất một món đồ. Ối chà, tuỳ vào tính cách, song thông thường sẽ là buồn bã, nuối tiếc, tức giận, khổ sở … các cấp độ. Cảm giác đó có thể dai dẳng và nung nấu, thổi phình lên theo thời gian. Đến khi cuộc sống cuốn bạn đi, cảm giác có thể vẫn là một cục viêm nhiễm, mưng mủ còn ấp ủ trong lòng, chỉ được che phủ bởi nhiều thứ khác. Với tình trạng thất tình, bị mất tình cảm hay công việc, danh tiếng, cảm giác sẽ phức tạp và cao cấp, nặng nề hơn. Một cảm giác thất tình có thể kéo dài suốt kiếp, thậm chí là kéo lê thê từ kiếp này sang kiếp khác, cũng có thể bạn chết rồi thành ma tiếp tục ám mãi mãi.
Câu hỏi khi ta có đủ minh triết và ở cái tầm có thể nhìn lại, đơn giản như khi ta làm timeline, leo vào cỗ máy thời gian để quay lại thời đó, và nhìn lại, có thể cảm giác đọng lại đơn giản chỉ là “Vì sao phải như thế? Có đáng hay không?”
Rất nhiều bạn gái của mình, đau khổ sau khi chia tay, mình đã hỏi: “Em đau khổ vì người ta đi mất, hay đau khổ vì em đã chọn nhầm người?”, “Em xót xa mối tình đã hết hay xót xa cho chính bản thân?” Vâng, câu trả lời thường là vế 2, nghĩa là ta đau cho chính mình. Song mặt trái của nó là “Ta đau vì ta không thể tha thứ cho mình”.
Tha thứ cho mình là một việc cần và nên làm, mà chúng ta lại hay bỏ qua nhất. Chúng ta dằn vặt chính mình, dày xéo chính mình, bọc quanh ta một cái kén đau thương, đen tối, rối rắm … có thể đến mức khiến linh hồn ta không siêu thoát được mà thành ma. Địa ngục là gì? Có phải chính là vì ta nghĩ ta đáng phải bị đoạ xuống đó? Câu trả lời là “Mắc chi mà khổ zạ?”
Ừa, mắc chi mà? Lại tiếp tục một giải pháp tối ưu khi làm timeline healing (TLH), chữa lành tiền kiếp: Ta yêu ta nhất, ta luôn là người có lý nhất! Ta luôn có lý do để làm điều gì đó. Ta đã cố gắng theo cách mà ta nghĩ là tốt nhất khi ta làm điều đó, kể cả là giết người hay bỏ thai (thật!). Biết là sẽ khó chấp nhận theo những tiêu chuẩn mà ta đang mang vác. Tuy nhiên, chỉ cần ta chấp nhận đó là điều ta đã làm, đó là trải nghiệm ta đã có, bài học giờ ta xin lấy, và hãy buông bỏ mọi dằn vặt, đớn đau.
Một anh bạn của mình nói, khi làm TLH, anh thật cảm động khi nói câu “Hãy tha thứ cho mình và tha thứ cho nhau”. Một khi bạn trải nhiều, bạn cảm được câu này, bạn sẽ nổi da gà vì tình yêu thương mỗi khi nói câu đó.
Quay trở về ví dụ mất thẻ xe của mình, vì đây là bài học buông đầu tiên tôi đã làm được. Vâng, mất một cái thẻ xe từ ở chung cư của tôi, làm lại là 50 nghìn đồng. Vấn đề là ngày xưa làm thẻ giấy, có làm rơi thì cũng không bao giờ mất, vì làm lại không mất tiền. Tôi thường giận mình, khó chịu vì mình đãng trí, mình hậu đậu, mình tệ lậu, mình kém quản lý … đủ thứ kiểu mỗi khi làm mất thẻ. Tôi sẽ lục trí óc ráng nhớ mình đã mất cái thẻ ở đâu, lúc nào, vì sao, như thế nào? Tôi sẽ dần giận dữ lan sang con tôi và những người liên quan, vì đã ồn ào khi chuyện đó xảy ra, vì đã để tôi phải mang vác quá nhiều, lo lắng quá nhiều… Thậm chí, tôi có thể giận lây những người lượm được thẻ mà sao không trả lại cho tôi, vì lý do có thể là người giữ xe muốn lấy chính cái thẻ cũ đó làm lại thẻ cho người khác, để mỗi lần làm thẻ là 50 nghìn…. Vâng, đây chỉ là một phần nhỏ những gì tôi có thể nghĩ ra đấy! Xấu hổ lắm khi thú nhận nhưng thôi đã làm bài tập chia sẻ thì tôi nhận luôn cho trọn. Toàn ý nghĩ tiêu cực, nó gậm nhấm, ăn mòn, làm kiệt tâm sức và hao tổn thời gian. Và nó có thể kéo dài không hồi kết, làm nặng thêm cảm giác “tôi không xứng đáng” vân vân và vân vân… Rồi hôm đó, tôi đã quyết định: “Ừ thì 50 nghìn, ta chấp nhận và bỏ qua! 50 nghìn đâu có đáng để ta nghĩ nhiều thế!” Khi tôi quyết định buông bỏ được, nó là một sự giải thoát, thật sự. Nó là một sự “ngộ” lớn lao cho bản thân tôi. Vâng, nó giống như cảm giác như khi tôi đủ can đảm gạt sạch phần ăn còn lại trên đĩa của con vào thùng rác, và chấm dứt quá trình động viên, kiên trì làm việc với con cho con ăn hết suất (nói thẳng là “ép ăn”). Có những thứ sẽ qua đi rất nhanh, có những năng lượng sẽ được giải phóng “vi diệu” khi ta dám buông, và THA THỨ CHO CHÍNH MÌNH.
Đừng để bất kỳ khuôn mẫu, điều kiện, chuẩn mực xã hội nào định giá cho ta. Ngoài những hệ giá trị ta tự luận. Mà những hệ giá trị ta tự luận, theo trải nghiệm, hiểu biết, tỉnh thức của ta, lại tiếp tục thay đổi và tiến bộ không ngừng. Vậy thì, vì sao phải dính mắc, cố chấp vào cảm giác tội lỗi theo một chuẩn nào đó.
Nói thì dễ, làm thì khó, chỉ là Tha thứ cho bản thân mình.
Tiếp đó, đến việc tha thứ cho người khác. Nó cũng là quá trình gần như thế, chỉ đổi đối tượng. Và tuỳ vào mỗi người, việc thay đổi đối tượng – chính mình hay người khác – sẽ là dễ hơn hay khó hơn.
Tiếp đến, liệu ta có thể yêu thương và khách quan, bình thản trước những người không tha thứ cho mình. Cũng như món quà ai đó tặng ta mà ta không nhận, thì nó vẫn mãi thuộc về họ thôi.
Tối qua, tôi lại làm việc thiền tha thứ: tha thứ cho mình và tha thứ cho nhau. Trước mặt tôi hiện lên cả một chiến trường hơn 300 kiếp mà tôi không tha thứ cho bản thân. Với đầy màu sắc của xanh lá, của đỏ, của tím, của vàng … đã xỉn kiểu như đất sét con tôi chơi lâu ngày nó tối màu đi. Kinh khủng hơn nữa khi đủ can đảm nhìn vào đời này, cả những lúc người khác buồn, tôi cũng vơ vào mình để mà dằn vặt mình đã không đủ tốt, đã làm không hết sức. Lần này, có lẽ tôi đã đủ tiến bộ để mà nhìn những trải nghiệm quá khứ với tình yêu thương. Tôi chỉ biết đứng đó, lặng nhìn mà thương, không thấy ghê, không thấy sợ, không thấy ghét, không giận bản thân không biết thương mình. Tôi chỉ biết thương và rưng rưng vì thương. Và rồi khi xin chữa lành, tôi thấy một hình ảnh kỳ lạ, tôi đang cầm một giỏ đầy ánh sáng và gieo những tia sáng đó xuống một dòng nước trước mặt, cho chúng tan đi. Và tôi lại khóc. Tôi cũng không biết tôi đã chữa lành được bao nhiêu, đã tiến bộ được bao nhiêu, tôi chỉ biết thương, thương chính mình và thương người khác.
Mà nghiệm cho cùng, ta cần gì, ngoài tình yêu thương.