Từ vị giác đến vị kỷ

Vị giác và vị kỷ

Vị giác – gu, tính xét nét – vị kỷ, khổ cả đời từ mất cân bằng hay thiếu kém kiến thức từ tuổi teen

Tối qua mình có làm buổi thiền chữa lành cho tính nữ. Một bạn trong lớp thấy một cuộc đời mình là công chúa đi làm dâu nhà quan, công chúa quá giỏi, quá quán xuyến, quá chỉn chu và tinh tế từ chuyện ăn mặc cho tới nhà cửa, vườn tược, quà cáp mỗi dịp lễ lạt. Thức ăn mỗi bữa phải 12 món, mỗi món ăn được nấu đúng chuẩn, đúng vị, trình bày phải đúng cách từ rau ăn kèm, gia vị gia giảm… thiệt sợ, nhìn cái bàn ăn mà mình muốn ngất luôn. Nên mình đi vào trong phòng ngủ xem có dễ thở hơn không? Thì trong phòng ngủ từng cái ra giường phải là vải lụa của nơi nào, sắc thái màu ra sao cho đến trải theo góc nào. Rèm treo giường cho tới rèm cửa cũng từng đó điều kiện và yêu cầu. Quá ngạt thở, vội vã bước ra vườn thì nhìn thấy trong vườn ở mỗi góc phải có bao nhiêu chậu hoa, cây hoa, mỗi cây phải được trồng có hình dáng như thế nào, bao nhiêu hoa trên một cành, hoa nở ra phải có màu sắc gì vào thời điểm nào. Nhìn xong là muốn đi ra khỏi nhà luôn! 

Đến cả mẹ chồng cũng không thể nào khó tính với cô này bởi vì cô ấy khó tính hơn tất thẩy. Và cứ như vậy mọi người có thể tưởng tượng đến khi cô ấy sinh con thì còn khó chịu đến đâu? Phải có bao nhiêu bà đỡ, mỗi bà phải có kiến thức và kỹ năng và bao nhiêu năm kinh nghiệm hành nghề. Nước nóng phải nấu đến bao nhiêu độ… Và khi đứa trẻ sinh ra thì mọi chuyện lại càng lên cấp độ phức tạp hơn. Mình nói đùa là một linh hồn nhìn vào thì nó sẽ từ chối, kiểu như là con không muốn đầu thai làm con của bà mẹ này đâu, bởi vì con sẽ chết ngạt mất! Chính bạn khi thiền cũng nhận ra là bạn tự chết ngạt trong những quy chuẩn mà mình tự tạo ra. Và nguồn cội của cuộc đời tưởng sướng mà khổ, tưởng hạnh phúc mà lại bất hạnh này là gì? Để tìm kiếm đến cuối cùng thì đó chính là vị giác. Hay là cái gu trong mọi chuyện của bạn tuy nhiên lại xuất phát từ chuyện ăn. Phải nấu nướng, trình bày như thế nào cho hợp vị, ngon miệng theo chuẩn của bạn. Và khi nó trở nên thái quá thì nó bóp nghẹt cuộc sống của bạn và những người xung quanh đến như thế nào?

Quay trở lại vị giác, một giác quan trong nhiều giác quan của con người, tưởng không quan trọng mà quan trọng không tưởng. Bởi vì về sâu sắc nó can thiệp và ảnh hưởng tới rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Các bạn thử ngẫm nghĩ xem khi sinh một đứa trẻ ra, điều làm cho gia đình hay cãi nhau, xào xáo nhiều nhất là gì? Có phải là việc ăn của đứa trẻ hay không? Ăn dặm kiểu Việt Nam hay kiểu Nhật, ba mẹ quyết định có ăn gì hay là ăn dặm tự chỉ huy? Vì sao con người lại bị việc ăn dắt mũi và lại mệt mỏi đến như vậy?

Các bạn thử ngắm nghĩ xem ở việc ăn, khẩu vị ăn, có liên quan tới những khía cạnh nào khác trong cuộc sống con người theo những cách ta không ngờ đến hay không? Chẳng hạn như vì sao ông bà chúng ta lại dùng từ “ăn nằm”, tại sao việc đó lại có chữ “ăn”? Và nhất là với dân tộc Việt chúng ta: chúng ta ăn trong mọi hoàn cảnh – từ ăn nói, ăn mặc, ăn nằm, ăn xài… bên cạnh việc ăn uống; và chúng ta ăn trong mọi hoàn cảnh – ăn từ sinh ra đến chết rồi kỷ niệm ngày chết: ăn đầy tháng, ăn thôi nôi, ăn tân gia, ăn rửa xe, rửa đồ, ăn hỏi, ăn cưới, ăn đám tang, ăn đám giỗ…

Về sự phát triển của trẻ, Rudolf Steiner nói là chúng ta nên giáo dục trẻ từ 13 tới 15 tuổi, khi bản năng về sức khỏe và dinh dưỡng đang dần tàn lụi, kiến thức đúng về sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ. Bởi vì nếu khi lớn lên trẻ mới đọc về những điều này thì sẽ sinh ra tính tự cao tự đại, hay tính vị kỷ (ở đây lại có chữ “vị” nha!). Các bạn nghĩ vì sao dinh dưỡng, chẳng hạn như việc cho trẻ bú sữa mẹ, lại có thể khiến cho con người trở nên hung dữ và phán xét người khác đến như vậy? Vì sao trong một bàn ăn, một người ăn chay sẽ cảm thấy mình thanh cao, đạo đức hơn người ăn thịt? Có phải tất cả mọi thứ trong cuộc đời này đều có liên quan tới nhau hay không? 

Đây là nguyên văn một đoạn trích trong bài giảng của Steiner dành cho giáo viên: “Những kiến thức đến với những người sau tuổi dậy thì, bằng bất cứ phương thức nào, liên quan đến những điều kiện cho dinh dưỡng và sức khỏe đều tạo ra tính tự cao tự đại (tính ích kỷ) trong họ. Nó hoàn toàn không thể tránh khỏi. Nếu bạn đọc về sinh lý dinh dưỡng, nếu bạn đọc một bản tóm tắt về các quy tắc chăm sóc sức khỏe, bạn trở nên tự cao tự đại hơn trước; nó vốn có trong chính bản chất của chủ đề này. Chủ nghĩa vị kỷ mà bắt nguồn từ việc chúng ta trở nên quen thuộc thông qua lý trí với cách chúng ta phải chăm sóc bản thân phải được đấu tranh với đạo đức. Nếu chúng ta đã không phải chăm sóc cho bản thân ta về thể chất, thì chúng ta sẽ không cần đến đạo đức trong tâm hồn mình. Nhưng mọi người ít phải đối mặt với những nguy hiểm của chủ nghĩa vị kỷ sau này nếu họ được dạy về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe ở độ tuổi mười ba hoặc mười bốn tuổi, khi những hướng dẫn đó chưa tạo ra chủ nghĩa vị kỷ mà hỗ trợ những gì tự nhiên với con người.”

À, quay trở lại câu chuyện ban đầu, bạn kia chữa lành bằng cách hãy để cho khẩu vị của mình được mở rộng, chẳng hạn đưa mình vào hoàn cảnh phải ăn những món người khác nấu, nhiều món nhiều người nấu, để mở mang cái gu của mình ra. Từ đó để những người khác, ít nhất là những người thân trong gia đình, được ăn sam sưa, thoải mái như họ muốn. Bản thân mình cũng sống dễ dãi, thoải mái ra. Bài học của bạn là: không phải tập ăn dở, mà tìm lại vị ăn nguyên bản (không gia vị, không chứng tỏ chanh sả, classy glamour gì cả). Chúc các bạn đều tìm ra vị nguyên bản, quan niệm về vị giác, vị kỷ của riêng mình nhé!

Và để chữa lành triệt để hơn, mình đề xuất bạn chữa lành timeline chính đời này, giai đoạn thời thơ ấu, để chỉnh lại quan niệm về sức khỏe và dinh dưỡng, hay vị giác đúng đắn tận gốc.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *