YÊU BẢN THÂN – Tiểu Ngư

THOÁT KHỎI CÁCH NGHĨ TIÊU CỰC

(Timeline 2, chữa lành tư tưởng Yêu bản thân)

Mình là một đứa trẻ nhỏ xinh, đang còn ẵm ngửa, nằm trong nôi, để trên tấm thảm, thảm trải trên bãi cỏ – như là trong một buổi picnic. Mình nhìn thấy bầu trời trong sáng, cây cối xanh tốt xung quanh, ánh sáng chan hòa, không gian mát lành, cha mẹ ở gần bên. Một không gian đẹp đẽ và đầy hạnh phúc. Mình có thể cảm nhận được nụ cười, ánh mắt và sự hạnh phúc, tươi sáng lan tỏa khắp nơi. Người hướng dẫn bảo ít khi thấy có timeline mà vào xem từ khi còn bé như vậy – nhưng lạ các học viên hôm nay đều thế – có một tuổi thơ hạnh phúc ngay từ đầu. 

Em bé lớn lên trong sự hạnh phúc, vô tư lự như vậy, thường được chơi cùng với mẹ giữa thiên nhiên, cỏ cây trong vườn, thấy rất hạnh phúc.

Đến năm 14 tuổi, mẹ mất vì một căn bệnh dịch nào đó. Mình cảm thấy không gian tự nhiên tối sầm lại, khác hẳn giai đoạn tươi sáng phía trước. Mình thấy mình rất hụt hẫng, bơ vơ, nhưng không thấy khóc, kiểu như lại bị đông cứng lại. Mình bị tắc ở đây, người hướng giúp đặt các câu hỏi chuyện gì tiếp theo, giúp mình đi tiếp.

Tiếp theo, thấy có một người phụ nữ nghiêm khắc, trông khắc khổ thế nào đó, kiểu như một bà dì hay họ hàng nào đó đến chăm sóc mình, bắt đầu dạy mình một số quy tắc xử sự, ăn uống, đi lại, mà trước kia mình chưa học, khác hẳn với sự tự do trước kia của mình, làm mình cảm thấy không quen và rất khó chịu. Rồi bắt đầu bước vào cuộc sống của “xã hội loài người”, mình phải tham gia một số buổi xã giao để tìm người hôn phối. Mình tìm cách phản kháng nhưng có vẻ không hiệu quả. Vì mình không làm gì khác được nên đành phải làm trong trạng thái ấm ức. Vì nếu không tuân theo thì cũng không biết làm gì khác. Mình chỉ muốn thoát ra, tìm về nơi thiên nhiên tự do tự tại của mình. Có một lần mình đã đến được một nơi như thế, ngồi nhìn cảnh thiên nhiên xung quanh, thấy nhớ mẹ da diết, nhớ những lúc vui đùa cùng mẹ, và cảm thấy rất bất công, oán trách, tại sao mẹ lại mất và để mình lại một mình. Rồi mình òa khóc, khóc rất nhiều.

Khi đó có một người con trai trông hiền lành dễ mến đến. Đó là người làm công, việc của anh ta là làm vườn. Anh ấy đã giúp an ủi, động viên và chỉ cho mình những thứ đẹp trong vườn. Mình thấy rất cảm mến anh ta, nhưng sau đó bị ngăn cản, không được đến với anh ta vì không môn đăng hộ đối. Mình rủ anh ta bỏ đi. Nhưng anh ta từ chối, vì còn gia đình bố mẹ anh cần chăm sóc ở đây.

Mình cảm thấy rất thất vọng, vì vậy đã buông xuôi theo một cuộc hôn nhân sắp đặt. Mình lấy một người chồng khá cứng tuổi, tóc đen, râu rậm, hơi nóng tính và có vẻ hơi vũ phu. Người đó thấy mình không yêu anh ta, thái độ rất hờ hững và thương nhớ người cũ nên càng ghét mình, thường bỏ đi ra ngoài chơi gái.

Rồi mình có một đứa con gái. Ngày còn sơ sinh, nó khóc rất nhiều, làm mình cảm thấy rất khó chịu. Dù mình cho nó ti thì nó vẫn khóc, bế nó nó vẫn khóc, nên mình để cho người làm chăm sóc nó, mình chỉ chơi thôi. Đứa bé lớn lên, đến khi nó biết chơi đùa thì mình lại chơi đùa cùng nó như ngày mình còn bé và thấy vui dần, mọi thứ tươi sáng dần lên.

Người chồng ra ngoài và mang về nhà một người phụ nữ khác, người đó đã có một đứa con trai nhỏ với chồng mình. Người phụ nữ đó tìm cách đuổi mình đi để độc chiếm chồng và tài sản, và sau một thời gian thì người đó đã thành công. Mình và con gái bị chuyển đến một ngôi nhà nhỏ ở nơi hẻo lánh, được chu cấp một số tiền rất ít ỏi hàng tháng.

Con gái mình lớn lên, và lấy một người nông dân, cuộc sống tuy phải làm lụng vất vả nhưng có vẻ cũng ổn. Mình sang giúp con trông cháu, đó là hai đứa bé rất bụ bẫm, ngoan ngoãn, đáng yêu. Mình cảm thấy rất yêu chúng. Mình nấu ăn cho chúng, đan len, và chơi cùng chúng. Về già, mình thấy hình ảnh một bà lão phúc hậu, đeo mắt kính tròn đang ngồi đan với cuộn len trên đùi, nhìn hai cháu chơi với nhau và mỉm cười hạnh phúc.

Rồi mình mắc bệnh nặng, kiểu như lao phổi, có khả năng lây nhiễm. Mình nằm trên giường bệnh, và lo lắng, buồn bã vì e rằng khi mình mất đi thì hai đứa cháu sẽ buồn, không có người chăm sóc. Mình đã rất buồn ở cảnh này. Rồi mình chết, linh hồn bay ra từ tim. Người hướng dẫn bảo như vậy kiếp này mình có nhiều bài học về tình yêu.

Sau khi linh hồn mình bay ra, mình nhìn thấy hai đứa cháu buồn hơn trong 1-2 ngày, chúng tham gia lễ tang của mình với sự tĩnh lặng khác với sự ồn ào, sôi động mọi lần. Sau đó thì chúng trở lại bình thường, trở lại là những đứa trẻ vô tư lự. Con gái mình thì rất bình thản, đón nhận, chứ không tỏ ra khóc lóc hay quá đau khổ. (Mình tự hỏi hay vì con gái không gắn bó với mình lắm nên thế, người hướng dẫn bảo là không, hãy nghĩ theo hướng tích cực đi, đó là con mình hiểu ra và để cho mình siêu thoát dễ dàng). Sau khi nhìn thấy các cảnh đó thì mình bay đi.

Bài học cuộc đời này là gì?

Ai rồi cũng phải chết thôi, hãy thấy điều đó là bình thường, quan trọng là đã sống như thế nào?

Chuyện buồn nào rồi cũng qua.

Sống phải có rễ, bám đất, không theo kiểu bèo dạt, nước đẩy đâu thì trôi đến đấy, sống theo kiểu ai đưa đâu thì đưa. 

Đừng sống phụ thuộc vào người khác, không tự chủ.

Mình cần sống cuộc đời của mình.

Mình đã chăm sóc mình như thế nào?

Mình cần phải biết tự làm mình hạnh phúc thay vì đợi vào người khác.

Đặt thêm câu hỏi: 

Nếu người kia không bỏ trốn cùng mình thì có ai? Mình có thể tìm người khác làm mình hạnh phúc, hoặc tự sống tốt cho đến khi tìm được người phù hợp mà?

Người ta không cần mình, nhưng mình thì phải cần mình.

Muốn chồng yêu mình thì mình cũng phải yêu chồng, nhưng thực sự lúc đó mình còn không yêu mình, nói gì là yêu chồng.

Muốn yêu được chồng, yêu được con thì phải yêu mình trước.

Khi mẹ mất, mình còn bố song việc không có được tình cảm của bố nhiều, bố đi vắng nhiều cũng là một kiểu khao khát dựa dẫm và phụ thuộc vào người khác. Vì dựa dẫm mà không được nên đâm ra thiếu thốn, chênh vênh. Khi không dựa dẫm được thì lại chuyển sang trạng thái mặc kệ.

Mình gặp vấn đề với việc kết nối với thế giới bên ngoài, không mở được lòng ra.

Thái độ của mình khi ở nhà chồng thực sự rất khó chịu, nên không được yêu là đúng rồi.

Người hướng dẫn nói thêm “mình cần sống cuộc đời của mình, để con sống cuộc đời của con.”

Anh người làm kia không bỏ trốn cùng mình có thể vì anh ta rất thực tế, như thế có khi là tốt hơn cho cả hai.

Tư tưởng tiêu cực của mình ở đây: con mình không buồn không phải vì không yêu mình mà vì nó biết để mình đi nhẹ nhàng.

Hỏi đời này cần làm gì: đừng vùi đầu vào cát nữa, đừng trốn tránh thực tại, tình yêu, cũng không để mình bị trôi đi, sống mà cứ mơ hồ, khong biết mình đang làm gì, tại sao lại thế, làm việc một cách vô tri, không nhận thức mình đang làm gì.

Hãy thiền nhiều để lấy năng lượng khi mệt mỏi. việt lại, vẽ lại những cảm xúc, nhưng điều đến, những suy nghĩ, hãy làm đi thay vì chỉ đọc.

Học ít thôi, hãy tự viết, tự chiêm nghiệm. Lý thuyết mình đã biết hết rồi, chỉ cần làm nữa thôi.

Phải thực thi!

Manifest: hiển lộ nó ra.

Buồn cười, câu trả lời khi hỏi về con toàn là: đừng làm gì cả. Đừng làm gì cả, không phải theo kiểu buông xuôi mà là biết một cách tỉnh thức là không nên làm, chứ bình thường mới là kiểu để cho cảm xúc của mình điều khiển mình. Không làm mà lại là làm, còn làm lại là không làm.

BUÔNG – YÊU KHÔNG KỲ VỌNG

(Timeline 2, chữa lành tư tưởng Yêu bản thân)

­Mình thấy lại khu vườn, có hai đứa trẻ đang chơi, một trai một gái, sàn sàn bằng nhau. Mình tự hỏi mình là ai trong hai đứa, thì không, mình là người mẹ xuất hiện phía sau. Hai đứa trẻ đang chơi rất vui. Người mẹ nhìn và thấy rất hạnh phúc. Người chồng xuất hiện, ôm vợ vào lòng cùng nhìn ngắm những đứa trẻ chơi trong vườn.

Rồi người vợ cũng ngắm cây, ngồi làm vườn, không nhìn con, nhưng trong lòng biết con đang chơi vui, ổn (đây là điều mà mình cũng cần trong thời điểm hiện tại – tập trung vào việc của mình, dù không nhìn thấy con nhưng có thể cảm nhận được con mình – vì mình hay lo lắng về những lúc mình không nhìn thấy con thì con đang như thế nào). Cảm giác rất yên bình hạnh phúc. Rồi hai đứa trẻ đi tắm rửa với sự hỗ trợ của bố, mình đi nấu ăn, cả nhà quây quần bên nhau rất hạnh phúc. Buổi tối, mình cho 2 con đi ngủ, rồi nằm trên giường đọc sách, ngủ ngon. Sáng dậy sớm, tập yoga bên khung cửa sổ, cảm giác thư thái bình an, hạnh phúc với cuộc sống êm đềm…

Sau đó mình bị mất tập trung và nghĩ đến chuyện gì đó bên ngoài (giờ quên rồi). Người hướng dẫn: có phải là “thú đau thương” không? Khi quá hạnh phúc êm đềm lại đâm ra mất tập trung, nghĩ này nọ rồi mất luôn cả cảm giác hạnh phúc êm đềm hiện tại?

­Mình quay lại cảnh tiền kiếp thì đã thấy mình nằm trên giường bệnh, bị ung thư và chỉ sống được ít lâu nữa. Nhưng gương mặt mình vẫn rất bình thản và nhẹ nhàng. Tuy có đau, nhưng vẫn bình thản chấp nhận.

Mình thấy hai con bên cạnh, chúng còn bé. Mình nói chuyện với các con về việc mình sắp về với Thượng đế để chuẩn bị sẵn tinh thần cho chúng để đón nhận được việc này một cách nhẹ nhàng. Khi con hỏi sẽ không được gặp lại mẹ nữa ạ? Mình nói con cứ nghĩ đến mẹ, nói chuyện với mẹ là mẹ sẽ biết. Vậy con không ôm mẹ được nữa sao? Vậy là mình ôm con vào lòng và chúng thiếp đi trong tay mẹ. 

Những ngày sau, 3 mẹ con cùng chuyện trò, chơi, vẽ, đọc truyện… Mình dặn dò chồng hãy chăm sóc con… Rồi mình ra đi trên giường bệnh, đi ra khỏi đầu hoặc tim, không rõ lắm. Người hướng dẫn: đời này linh hồn thoát ra ở cổ họng, luân xa 5, đời này người mẹ làm tốt việc nói chuyện với chồng và con.

Bài học cuộc đời: Trân trọng cuộc sống, và sống nhẹ nhàng với tình yêu, không cần gì cao sang cả, hạnh phúc chỉ cần đơn giản như vậy thôi. Thái độ sống: không cần lên gân, mà hãy mềm mại, nhẹ nhàng, mà cứng cỏi. Như một mạch nước ngầm, nhỏ bé, nhưng len lỏi khắp các kẽ đất cứng, và không bỏ cuộc, mình nhỏ bé thì mình cứ sống cuộc đời nhỏ bé của mình thôi.

Quay về thời thơ ấu: Là trẻ mồ côi, sống trong trại trẻ mồ côi, nhưng may mắn có được những người chăm sóc yêu thương mình. Mình cũng được đi học, học cách làm một số thứ. Nhưng thái độ sống của em bé này thật sự rất tích cực, vô tư, trong sáng, hay cười, dịu dàng… Rồi mình lớn lên, đi làm phục vụ trong một nhà hàng, gặp được người chồng mình sau này, lấy nhau và sống hạnh phúc trong gia đình.

Cuộc đời này mình là người biết yêu bản thân, biết sống vui vẻ, hạnh phúc mặc nghịch cảnh.

Cảm nghĩ sau thiền: Kiếp này đúng là nhẹ nhàng, từ khi bắt đầu vào cho đến khi đi ra, cảm giác thật sự rất relax, thư giãn. Tuy cuộc đời nghịch cảnh, nhưng cảm giác lại vui vẻ, thoải mái, vì đã sống trọn vẹn và rất tích cực.

YÊU THƯƠNG LÀ KHÔNG CẦN HI SINH

(Timeline 3, chữa tư tưởng Yêu bản thân)

21.08.2023

Người hướng dẫn: tư tưởng gốc của Tiểu ngư khi không yêu bản thân: mình cứ phải là người

tốt, mình tốt thì mọi chuyện sẽ ổn = người khác đối với mình sẽ ổn, kiểu thánh nữ

Mình thấy mình như được bay về một không gian rộng lớn – kiểu Tử cấm thành của Trung Quốc, một không gian choáng ngợp. Sau đó thì cảnh thu nhỏ lại dần vào đường phố – một khu chợ đông vui nhộn nhịp. Mình là một bé a hoàn vui vẻ, nhí nhảnh, đang đi trên phố. Bé a hoàn trông rất vui tươi, háo hức khi nhìn những cảnh sắc trên phố. Bé được giao nhiệm vụ đi mua đồ, và bé đang bị đấu tranh tư tưởng: chơi hay là làm nhiệm vụ, rồi bé chọn đi chơi, (hình như là nán lại một chỗ nào đó khá lâu để xem một hoạt cảnh thú vị gì đó), đi về muộn và bị phạt nữa. Từ đó, bé không dám chơi nữa, khi làm việc thường lo lắng, sợ bị phạt và làm việc trong trạng thái căng thẳng, ít thư giãn.

Sau đó bé được nhà cho kết duyên với một người đàn ông cũng làm công thì phải, bé không thích người đó, cảm thấy người đó cứ cục mịch sao đó, nhưng không phản kháng và vẫn lấy chồng. Đến khi mang bầu, bụng to vẫn làm việc. Khi sinh con ra thì ở nhà trông con. Ngồi ôm con trong nhà, nhìn ra ngoài cửa sổ, thèm cảm giác được vui chơi, đi ra ngoài, tung tăng như cô a hoàn bé ngày nào.

Rồi con lớn hơn, mình địu con ra ngoài chơi, đi chợ mua đồ, trồng rau ngoài vườn, làm các việc nhà. Cảm giác hai mẹ con rất hạnh phúc, mọi việc diễn ra nhịp nhàng và thư giãn, cuộc sống đơn giản, không cao sang, nhưng bình yên và êm ái.

Hai mẹ con lớn lên, khi chồng mất thì cũng nhau đi ngao du, vừa đi vừa làm, rồi chọn được một nơi phong thủy tốt đẹp, thời tiết thuận lợi rồi ở lại. Con mình lấy vợ mình giúp con trông cháu, thấy hạnh phúc, như là đoạn trước đã được chơi đủ rồi, và đoạn sau thấy hạnh phúc khi được ở nhà trông nom con cháu. Lúc chết linh hồn bay ra khỏi đầu: cuộc đời đã thành công thay đổi tư tưởng.

Bài học cuộc đời: hãy chọn cái mình thích và bỏ bớt những cái mong cầu khác, ví dụ muốn đc vui chơi tung tăng thì không cầu sự ổn định, hay phải giàu có quá, khi thấy đủ rồi, tự mình sẽ thấy sự ổn định bên trong.

Quay về đoạn đầu đời, thấy cô bé sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ không có điều kiện nên cho đi làm a hoàn từ sớm. Rồi cứ thế lớn lên trong phủ.

Bài học thêm: dám từ bỏ những thứ mình không thích mà xã hội, gia đình gán lên người mình để làm cái mình muốn.

Người hướng dẫn gợi ý việc có thể vừa làm việc vừa hưởng thụ việc mình làm, vừa chiêm ngưỡng mọi thứ xung quanh. Quay lại cảnh đầu đời: vẫn có cách để kịp đi chợ và vẫn được chơi, vd: xem thời gian, tham quan, ngắm cảnh trên đường đi mua đồ. Vừa làm vừa chơi bằng cách làm việc mình đang làm một cách vui vẻ.

Tư tưởng tiêu cực của mình là nghĩ rằng để làm việc tốt thì nhất định phải hi sinh những thứ khác. Kiểu là phải sống lệch hẳn một phía: chỉ làm việc là làm việc, không được chơi. Và làm việc thì nhất định không được vui.

Bài học cuộc đời này là: học cách cân bằng, vừa đáp ứng nhu cầu của bản thân, vừa thực hiện các nhiệm vụ khác cho gia đình, xã hội, cơ quan; thay vì chỉ lệch một bên.

Cảm nhận sau buổi thiền: Có lúc trong thiền, nghĩ đến cái cây nhỏ bé của con mình, mình thấy rất xúc động, có lúc cũng rơm rớm nước mắt ấy. Mình nghĩ về chuyện con là bản sao của mình, mình cay nghiệt với con thế nào, và nhận ra là thực ra mình cũng cay nghiệt với bản thân mình như vậy. Mình cay nghiệt với con vì chính mình cũng chưa biết yêu bản thân mình, điều này cũng xuất phát từ những tư tưởng gốc về “trả giá” của mình từ trước. Sau đó mình thấy thương và yêu con mình hơn, cần phải nâng niu con.

Người hướng dẫn: với trường hợp của mình thì mỗi khi định làm gì, nói gì với con thì hãy nghĩ xem, nếu mình là con thì mình sẽ mong được đối xử như thế nào. Đó là cách cho mình.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *