Táo – Lớp 7 Đồng Xanh – Thơ

05.11.2020

Hôm nay cô giáo các con vừa chia sẻ các bài thơ của các con làm với ba mẹ! Cô nói cô rất xúc động khi thấy những hạt mầm bắt đầu lớn!

Mình đọc bài thơ này và mình chảy nước mắt! Đứng ở phương diện học sinh giỏi văn mấy năm liền ơ hơ (học sinh giỏi văn không được coi trọng bằng học sinh giỏi toán), thôi thì mình cũng có thể chia sẻ chút cảm nhận về phương diện này đi. Đối với mình, dịch được một bài thơ như vầy là đạt. Vẫn có hai ba đoạn cuối đuối sức, gieo vần hơi gượng. Song, hình ảnh các con dùng, thể hiện ý tứ các con hiểu, nó đủ đầy và đủ sâu.

Mình cảm động, bởi, với con mình, đó là cả một hành trình mà mình đủ sức đợi. Khi con lên lớp 2 mà đọc còn chưa sõi, và viết sai chính tả thôi rồi luôn, chữ cũng nghệch ngoạc phát khiếp. Thế nhưng, mình nhìn thấy con tự do và tự nhiên thể hiện được ý tứ của con, ý tứ riêng tư và cá nhân không ngại ngần. Đối với mình, vậy là đủ.

Thế rồi, lên lớp 4, chữ vẫn xấu, và vẫn sai chính tả, vẫn lười viết. Tuy nhiên, sau khi mình kể chuyện cho con nghe, mình nói con viết lại câu chuyện đó. Khi con lười, 2 – 3 câu con cũng có thể viết lại câu chuyện (vắn tắt nhất có thể). Và khi con ‘không có việc gì làm’, trong lúc chờ mẹ đi dịch về, và đúng câu chuyện con thích (về chuyến phiêu lưu thần Thor đi đấu trí, đánh nhau với lũ khổng lồ), mẹ nói con hãy viết dài đi ‘cho qua thời gian’, con đã viết được gần 4 trang A4. Đối với mẹ, vậy là đạt, quá đạt!

Lên lớp 6, với dự án tốt nghiệp lên lớp, mẹ ngồi bên cạnh buộc con viết rõ ràng, sạch sẽ, và phải hoàn thành đủ các bài cô giao. Mẹ nhìn thấy con “chuyển ngữ” phải gọi là tài tình, chỉ cần mẹ nói cho con biết từ tiếng Anh đó nghĩa là gì trong tiếng Việt, khả năng con tổng hợp những từ rời rạc đó thành một câu tiếng Việt hoàn chỉnh và đôi khi vô cùng lưu loát. Đối với mẹ, vậy là đạt.

Lớp 7, mẹ nói trước với con, riêng trình thơ của mẹ coi như là con số 0 đi nha. Ngày trước học chuyên Văn, mà cứ tới bài tập làm thơ là mẹ chịu, chịu, không thể sáng tác thơ. Thế là bài thơ đầu tiên dịch “Mưa mùa hè”, mẹ cùng ngồi làm với con. Đến bài thơ thứ hai, tự kể lại bằng thơ Sơn Tinh – Thủy Tinh, mẹ cùng ngồi làm với con. Rồi bẵng đi vài tuần sau, con kể là con cùng dịch thơ với anh K. Mẹ trả lời: “Giỏi vậy sao!” Con rất tự hào: “Mẹ không biết à, ở lớp mọi người nói con và anh K, S. là làm thơ giỏi nhất đó!” Mẹ cười, cũng vui với niềm vui của con. Nhưng tin một bài thơ chuẩn chỉnh theo chuẩn “như người ta” thì chưa tin lắm đâu!

Hôm nay, nhìn bài thơ này, mẹ tin. Mẹ tin con sẽ dần đủ đạt theo chuẩn mà mẹ muốn. Chuẩn không cần thi đậu lớp này, kỳ kia. Chuẩn chỉ là con đủ sức diễn đạt điều con muốn nói, con trình bày sao để có thể kết nối được với mọi người, để thể hiện tình cảm và góc nhìn của bản thân. Để ngôn ngữ là chiếc cầu thể hiện suy nghĩ và tình cảm của bản thân mình.

Những điều này, không tự nhiên mà có, nó được bồi đắp dần dần từ từng hạt bụi, hạt phù sa… từ những dòng chảy ngồn ngộn của những câu chuyện cổ tích, chuyện thần thoại, truyền thuyết, cho đến những quyển truyện dày cho trẻ em mà các con đã học, đã đọc, đã mê say. Những hoàng tử, công chúa, bà phù thủy, con sư tử, bóng đêm cho tới ánh sáng chói lòa… là những hình tượng, hình ảnh nguyên mẫu giúp các con từ đó định hình cái nhìn của mình với thế giới này, để hiểu chính mình, hiểu người khác, để từ đó chọn lựa ra con đường của mình, đi trong thế giới này, với tư thế một con người tự do!

Chốn Hoa Về

Số hoa vàng này, về phương nào?

Một thời gian dài, qua rồi sao?

Toàn bộ số hoa, đã biến mất.

Một khoảng thời gian, đã trôi ào.

Hoa vàng ấy đâu, ai biết không?

Các cô gái đã, nhặt từng bông.

Đến mãi khi nào, họ mới hiểu?

Mãi đến khi nào, mới cảm thông?…

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *