Notes từ Lớp Đào tạo Giáo viên Mẫu giáo Module III – Tháng 7.2016 – Cô Kathy
Mình thời gian không có nhiều, sẽ cố gắng ghi lại một số điểm chính kẻo mình quên mất. Mình là người dịch trong lớp nên cố gắng hiểu, rồi truyền đạt lại (là nhiều khi chúng nó trôi tuột luôn đi, chả biết còn giữ lại được bi nhiêu cho mình), lại càng không có thời gian viết lại vào vở.
Khi nói đến kể chuyện cho trẻ ở Steiner, không chỉ là để giải trí, để cho vui. Cao hơn thế, kể chuyện là một cách để giáo dục (mà cụ tổ Steiner nói giáo dục là dạy cho trẻ thở, hơi thở thể chất và tinh thần), để trị liệu (healing chữa lành). Thế thì, khi kể chuyện, bàn tay cô giáo đưa qua cho dễ thương, giọng cô ồm ồm cho dễ sợ, là bỏ qua ngay và luôn nhé! Chưa hết, nếu kể cho trẻ mẫu giáo, một chuyện cổ tích sẽ được kể đi kể lại, liên tục cố gắng trong 3 tuần, mỗi lần kể một lần y chang, từ ngữ cho đến cách thể hiện. Chán nhỉ? Sao lại phải thế. Bởi vì trẻ học qua sự lập lại, và sự bắt chước, qua nhịp điệu. Và chính sự lập lại đó, đủ lâu, mới để cho những hình ảnh đi vào trẻ, sâu tận bên trong. Những điều này đã được cô giảng và cho ví dụ sinh động trong 2 ngày đầu mà vẫn chưa hết được.
Notes này để ghi chép lại một số ý chính trong phần giảng về loại truyện phù hợp cho lứa tuổi.
Lấy ví dụ thế này, một bé 2 tuổi đang ngồi chơi cùng một bé 4 tuổi ở sân chơi cát. Bé 4 tuổi làm một cái bánh sô cô la (dĩ nhiên bằng cát) và trân trọng đưa nó sang cho bé 2 tuổi “Bánh sô cô la nè, ngon không?” Và bé 2 tuổi lập tức lấy cái bánh sô cô la ấy nhét luôn vào mồm. Vì sao? Vì bé 4 tuổi đã phát triển cái gọi là fantasy (tạm gọi là mộng tưởng) để thấy cái cục cát tròn là bánh sô cô la. Còn trẻ 2 tuổi chưa có fantasy sẽ thấy ừ, bánh sô cô la là bánh sô cô la, vậy thì dĩ nhiên là ta phải cướp trên giàn mướp mà ăn chứ để làm gì!
Trẻ từ lúc sinh ra đến 2 tuổi, tâm hồn còn mơ mộng ghê lắm. Thậm chí có khi trẻ còn chưa nhân rõ đây là cơ thể mình. Một đứa trẻ trong nôi có thể nằm ngắm nghía cái tay, cái bàn chân mình hàng giờ đúng không, rồi nhét vào miệng gặm nhấm coi thử đây là cái gì. Có cô bé 2 tuổi cứ đứng hoài, chỉ từng ngón chân của mình và nói “Đây là mình nè, đây là mình nè, đây là mình nè…” Ừa, từng ngón chân, từng ngón tay, rồi cái vai, cái đầu, cái mặt … tuyệt thay, nó là mình nè, là của mình. Thân thể này, hoá ra là chính mình ư? Phải, đó chính là sự phát triển của trẻ ở tuổi 1, 2. Cho nên, những câu chuyện mà chúng ta kể cho trẻ ở độ tuổi này, là những câu chuyện về đời sống thật xung quanh trẻ, về cơ thể trẻ, những việc làm hàng ngày, những sự thật giản đơn.
Chẳng hạn những bài hát nursery song, 1 chạm ngón chân, 2 chạm bàn chân … để cảm nhận cơ thể mình. Hoặc mẹ dẫn con và vừa đi vừa nói “Mẹ sẽ dẫn con ra thùng thư nhé, để xem chúng ta có lá thư nào không?” và trên đường đi “a, con ốc sên. Bạn ốc sên bò từ từ trên đường, để lại một vết để đánh dấu đường đi nhé!” hay “a, chiếc lá xanh, đang bay từ cây xuống đất.” Câu chuyện đó, có thể trẻ bắt kể đi kể lại từ ngày này qua ngày khác. Mẹ chán muốn chết, nhưng mà trẻ thích thế. Chỉ cần vậy thôi, đơn giản, bình thường, và kể đi kể lại.
Rồi bất thình lình từ 2.5 tuổi, fantasy (mộng tưởng) của con xuất hiện và phát triển rực rỡ. Mộng tưởng có thể gọi nôm na là việc con có thể tưởng tượng một thứ này thành một thứ kia: một khúc gỗ có thể là một con rồng, hay một cái nhà, hay một con cá, tức là thành bất kỳ thứ gì trên đời. Vậy là những đứa trẻ từ 2.5 tuổi đến tận 5.5 tuổi, có thể chỉ với vài vật dụng thô sơ đã biến thành một sân khấu với đầy đủ lâu đài, hoàng tử, công chúa, cái bánh, cái bàn … Vì vậy, cha mẹ làm ơn đừng có gạt tan mộng tưởng đó bằng cách nói: “Con dở hơi à, cục gỗ dơ bẩn này mà tha vào nhà làm gì!” Trời ơi, đó là cả một toà lâu đài tráng lệ mờ!
Vậy thì câu chuyện cho trẻ ở độ tuổi này chủ yếu là những chuyện cổ tích (ngắn và tình tiết đơn giản). Có thể là một vài chuyện dân gian, chuyện ngụ ngôn cũng thật giản đơn, một số câu truyện nature story (câu chuyện về thiên nhiên, về cuộc sống xung quanh), một số câu chuyện healing mà ta sáng tác. Những câu chuyện cần có nhiều action (hành động), giản lược description (miêu tả, nhất là “cây đứng trơ trọi như người đàn ông buồn bã” lại càng không) để phù hợp với trẻ độ tuổi này. Tuy nhiên, đơn giản không có nghĩa là xuề xoà, không bao giờ. Từ ngữ, cách diễn đạt phải đẹp, phát âm phải tròn vành rõ chữ, bởi trẻ tuổi này học qua cách bắt chước. Muốn con ăn nói thế nào, phát âm ra sao, cô và cha mẹ phải làm gương vì con học theo y như thế.
Bắt đầu từ 5.5 tuổi, đột nhiên trẻ lại đánh mất fantasy. Đứa trẻ ngày nào ôm cục gỗ dơ bẩn (theo chúng ta nghĩ) giờ đây có thể trề môi “trời ơi, đây là cục gỗ thôi mà, làm sao chơi được gì với nó”. Và đứa trẻ đó trong nhà trẻ bắt đầu có thể gặp khủng hoảng, vì chán, “con biết làm gì bây giờ?” Và điều đó có thể tạo nên một sự ham muốn tột bực cho phụ huynh là “con tôi đi học được rồi! Con đã qua lứa tuổi mẫu giáo! Hãy dạy con tôi học đọc, học viết … đi!” Và nếu đứa trẻ lập tức được đẩy vào lò luyện, nhồi nhét chữ, số … thì chuyện gì xảy ra? Con sẽ từ biệt fantasy và bước luôn ngay vào thế giới intellectual (trí thức), rồi sao nữa, hết! Phải, con sẽ không được hỗ trợ để từ từ chuyển sang imagination.
Imagination, một trong những quyền năng tối thượng của con người, khả năng tưởng tượng ra những hình ảnh bên trong đầu (inner images) không từ cái gì cả (from nothing). Hãy nhẹ nhàng dẫn dắt con trẻ đi từ fantasy sang imagination, bằng những câu chuyện cổ tích có thể phức tạp hơn, nhiều tình tiết hơn, dài hơn. Trẻ đã có thể ngồi im nghe những câu chuyện dài, và đầu óc con nở hoa đầy hình ảnh. Những hình ảnh trong truyện cổ tích, hoàng tử là bản ngã của trẻ, bà mẹ kế độc ác là tính xấu … Mỗi chúng ta đều vừa có một hoàng tử, một công chúa, một bà mẹ kế độc ác, một con cóc, một nàng tiên … Và ta đừng dùng trí tuệ để phán xét truyện cổ tích sai rồi, bởi vì phải ở trong tâm thức mơ (dream conciousness) như trẻ, mới có thể hiểu được sự thông thái xa xưa, nơi những câu chuyện cổ, được đến từ những linh hồn siêu nhiên, mang xuống đây sự thật của toàn vũ trụ.
Tiếp theo đó, truyện thần thoại, truyền thuyết, và một số truyện ngụ ngôn, hãy dành cho trẻ từ lớp 3 nhé.
Dĩ nhiên, mọi phân loại đều chỉ có tính tượng trưng, nó còn phụ thuộc vào mỗi đứa trẻ, từng nhóm trẻ, vào cách hiểu, tiếp thu của chính người giáo viên và cách truyền đạt lại cho trẻ.