(bài viết ngày 10/06/2015)
Chia sẻ với các bạn nha. Có lẽ ưu điểm chính của việc học cấp 1 ở trường Steiner (Thỏ Trắng, nay là Tre Xanh) lại cũng chính là nỗi lo lớn nhất. Chính vì cái ưu điểm là sẽ không có chấm điểm ở bất kỳ giai đoạn nào, nên sẽ không có học bạ, và chưa được công nhận trong hệ thống giáo dục nước ta. Đó lại trở thành điều ba mẹ chúng ta lo nhất, vì dẫu sao, các con vẫn đang sống trong xã hội yêu cầu bảng điểm, bằng cấp ở mọi lĩnh vực.
Song quan điểm của mM là như câu nói của nhà văn Lỗ Tấn ngày xưa “Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường thôi”. mM đau lòng khi Nhím, đứa nhỏ ngoan ngoãn mà phải căng thẳng đến mức đêm ngủ mơ thấy thầy chủ nhiệm, đi chơi tận nước ngoài thả đèn trời chỉ ước “có ít bài hơn”. Và với Táo, cậu học trò nhỏ trong một lớp học trong mơ mà còn gạch bài của bạn, xô bàn va vào cô khi cô lỡ nói “Con viết bài cho xong đi, bạn viết xong rồi kìa!”, thì mM nhắm sẽ khó chịu nổi stress cả mẹ lẫn con khi con đi học trường công.
Nếu chúng ta vẫn nói, thôi khỏi học hành gì, mẹ dạy con theo kiểu home-schooling cũng được, nhưng không phải ai cũng có chồng hay ai đó nuôi để chỉ ở nhà dạy con, ai cũng đủ kiên nhẫn và kiến thức để cùng học với con (trong đó có mM). Nếu chúng ta vẫn bực bội, vì đống kiến thức đang học vào chả để làm gì, ngay cả chúng ta ngày xưa học ít hơn, mà cũng đến 2/3 đến giờ không biết dùng vào cái chi, thì tại sao ta vẫn bấm bụng cho con đi học ở hệ thống đó làm gì?
Nếu đã có một con đường, mà ta đã thích, thậm chí đã yêu, tại sao không đi? Nếu không đi, sẽ chẳng bao giờ thành con đường, cho ta, và cho những người khác.
mM chỉ mới có dịp đi thăm một ngôi trường làng của Steiner ở Thái Lan, ngôi trường do 1 bà mẹ yêu con lập ra từ một chỗ trong gara xe ô tô, lúc đầu các con ngồi dưới sàn học. Và đến hiện tại, ngôi trường vẫn tiếp tục được dựng lên từ những bà mẹ yêu con, từ bàn tay góp công xây trường của các phụ huynh. Trường Steiner được thành lập từ nền tảng là tình yêu trẻ, từ thấu hiểu khả năng của trẻ, những cái khác (cơ sở vật chất, thậm chí tiền bạc) chỉ là phụ thôi. Và người mẹ đó đã nói: “Khi con trẻ cần, mọi điều sẽ tới”.
Trở lại thực tế của Steiner Việt Nam, cụ thể là lớp 1 tại trường mầm non Thỏ Trắng. Hiện tại, lớp mới chỉ có 3 bạn đã quyết tâm ghi danh. Chính vì thế, học phí có thể sẽ cao vì chi phí ban đầu trả vé máy bay để cô ở nước ngoài về đào tạo cô giáo, cùng các chi phí cho lớp khác. Về học bạ, hiện tại chưa có trường nào chịu cho các con đăng ký “nhờ” học bạ, nhưng chúng ta sẽ tìm được, nếu chúng ta tin là thế. Ít nhất các bạn lớp 1, vẫn theo trường, thì chúng ta sẽ có các lớp tiếp theo đến hết cấp 1. Với chương trình của Steiner, thì hết lớp 3 là bảo đảm con chúng ta đi đâu cũng “chiến” được hết (theo kinh nghiệm thực tế của trường ở nước ngoài). Và nếu chúng ta tiếp tục đi lên, thì tại sao không thể xây dựng cho con học đến lớp 12 như các trường nước ngoài khác? Túm lại, tương lai tốt đẹp nhất là chúng ta cùng góp sức để các con có một chương trình học Steiner đến tận lớp 12, còn tệ nhất, cũng phải hoàn tất được đến hết lớp 3, hoặc cấp 1. Về học bạ, mM nghĩ nó chỉ là vấn đề giấy tờ thôi mà. Còn về khả năng, bảo đảm các con học Steiner không thành thiên tài (nếu sinh ra không để làm thiên tài), thì cũng phát huy được tốt nhất cái gì con có, hay chí ít (bảo đảm) các con là những đứa trẻ hạnh phúc!
Chỉ là vậy, mà mM sẽ con đi học Steiner. Giá mà đã có lớp cấp 2 thì mM cũng cày gấp đôi cho Nhím theo học í.