Bài của Joan Almon, Phan Lê Minh dịch
Quyết định truyện cổ tích nào phù hợp với nhóm tuổi nào là một vấn đề mà mỗi giáo viên mẫu giáo cũng như mỗi bậc cha mẹ phải đối mặt khi muốn kể chuyện cổ tích cho trẻ nghe. Qua nhiều năm, với kinh nghiệm của việc thật sự kể chuyện cho trẻ, một người sẽ phát triển được “cảm giác” cho việc này, nhưng khi bắt đầu, thì một số hướng dẫn sẽ giúp ích cho bạn.
Trong các truyện cổ tích, có những câu chuyện có các mức độ phức tạp khác nhau. Ở mức độ đơn giản nhất có chuyện “Nồi cháo” (câu chuyện kể về một nồi cháo thần có thể cho cháo mỗi khi bạn muốn – người dịch). Trong khi một chuyện có thể xem là phức tạp hơn là câu chuyện dễ thương của nước Pháp “Perronik”, kể về một anh chàng chất phác trong chuyến đi tìm chén thánh phải vượt qua bảy trở ngại. Câu chuyện thứ hai Perronik là một chuyện kể dành cho học sinh cấp 1, có lẽ chỉ khi trẻ đã từ giã thế giới của truyện cổ tích ở tuổi lên 9. Còn câu chuyện nhỏ đầu tiên “Nồi cháo” là một niềm vui cho trẻ ba tuổi như là truyện cổ tích đầu tiên để kể cho trẻ nghe. Trẻ thích thú lắng nghe câu chuyện về cái nồi nhỏ, đầy ắp sự trù phú, có thể là tràn đầy với trẻ bởi lúc này vẫn còn thiếu từ vựng. Vào tuổi này trẻ em có một cảm giác về sự trù phú bất tận của cuộc đời. Một đứa trẻ thể hiện điều này với mẹ khi mẹ nói rằng bà không có đủ thời gian để mang con ra ngoài chơi, đứa trẻ sẽ nói: “Nhưng mẹ ơi, con có đầy thời gian, con sẽ cho mẹ một ít.”
Trong hầu hết các câu chuyện kể sẽ có hoặc là một vấn đề cần phải giải quyết, giống như làm thế nào để làm cho nồi cháo ngưng nấu cháo, hoặc là một cuộc đối đầu với các ác, mà có thể ở nhiều hình dáng, như là bà Hoàng hậu trong truyện Bạch Tuyết, hoặc là nhiều loại quái vật khác nhau mà anh chàng Perronik phải chống lại. Vấn đề càng nhẹ nhàng, thì câu chuyện càng phù hợp với trẻ nhỏ, và ngược lại, cái ác càng lớn, thì câu chuyện sẽ càng phù hợp với trẻ lớn.
Một khía cạnh khác của chuyện cổ tích là nhân vật nam chính và nhân vật nữ chính phải vượt qua các thử thách nhất định hay phải trải qua một hành trình cam go trước khi thực hiện thành công sứ mệnh của mình. Trong phiên bản gốc của câu chuyện “Ba chú heo con”, chú heo đã gần như bị lừa ba lần cho đến khi chú có thể chiến thắng con sói. Ba là một con số thường gặp cho số các thách thức trong câu chuyện cổ tích.
Trong trường hợp này các nhiệm vụ không được miêu tả là rất đáng ngại, và chú heo đã giải quyết chúng với rất nhiều tính hài hước, khiến cho câu chuyện rất dễ được những trẻ bốn tuổi yêu thích vô cùng. Trong chuyện “Bảy con quạ”, cô gái phải đầu tiên là đi đến mặt trời, rồi đến mặt trăng, rồi đến các vì sao để cứu các anh trở lại hình dạng con người. Đó là một câu chuyện phù hợp cho trẻ từ 5 đến 6 tuổi. Một câu chuyện thậm chí còn phức tạp hơn là phiên bản rất hay của truyện cổ Na Uy “Phía Đông Mặt trời và Phía Tây của Mặt trăng”. Ở đây cũng vậy, trọng trách của nhân vật nữ chính là phải vượt qua một hành trình khó khăn để giải cứu cho hoàng tử của mình, và hành trình này đầu tiên dẫn cô đến gặp ba người phụ nữ khôn ngoan. Sau đó cô được giúp đỡ bởi lần lượt bốn ngọn gió. Nhưng ngay cả khi gió bắc thổi cô đến lâu đài ở phía đông mặt trời và phía tây của mặt trăng, nhiệm vụ của cô vẫn chưa thể hoàn tất và sau đó cô lại bị kiểm tra thêm nữa trước khi cô ấy có thể cưới được hoàng tử. Đây không phải là một câu chuyện dành cho lứa tuổi mẫu giáo, mà là một câu chuyện thích hợp dành cho lớp 1 trở lên, khi phần bên trong của trẻ đấu tranh để phát triển lên mức độ phức tạp hơn và khi trẻ cần được nuôi dưỡng bởi những chuyện cổ tích phức tạp hơn.
Khi mang những suy nghĩ này trong tâm trí, một người sẽ chia một số chuyện thường được kể trong trường mẫu giáo Waldorf vào các phân loại tùy theo sự phức tạp của chuyện. Đây là một việc có thể gọi là nguy hiểm, bởi các câu chuyện cổ tích thì quá sống động đến nổi chúng không thể dễ dàng được phân vào chỉ một cột phân loại nào. Thậm chí nếu như đã có thể phân loại, tôi vẫn thấy tôi liên tục thay đổi các câu chuyện từ nhóm phân loại này sang nhóm khác. Cuối cùng thì một người sẽ quyết định phần lớn dựa trên một nhóm trẻ cụ thể hay cho chỉ một trẻ nào đó mà mình biết.
Bạn hãy xem những sự phân chia dưới đây chỉ đơn thuần là một cách phân chia, và hãy dành thời gian để phát triển nhận định của riêng mình trong việc phân loại này.
Bạn có thể thấy bảng phân loại này hữu ích theo cách: bạn đọc một vài truyện trong mỗi bảng phân loại để hiểu các mức độ phức tạp khác nhau của truyện cổ tích là như thế nào.
1.Độ tuổi lên ba ở lớp nursery (Mầm) hay nhóm trẻ mẫu giáo nhiều độ tuổi rất thích các câu chuyện nhỏ về tự nhiên, hay một câu chuyện đơn giản như “Cháo Ngọt” (Sweet Porridge). Các trẻ lớn hơn 3 tuổi thường đã sẵn sàng để nghe các câu chuyện có tính “tuần tự” như chuyện kể về cây củ cải khổng lồ. Cây củ cải lớn quá to đến nỗi Ông lão không thể tự nhổ nó lên, vì thế phải cần một người giúp là Bà lão, rồi lại cần đến cô cháu gái, rồi đến con chó, con mèo, và cuối cùng là con chuột. Tất cả cùng nhau mới có thể nhổ được củ cải lên. Ai cũng có thể tìm thấy nhiều câu chuyện thuộc loại này là có một kiểu mẫu rõ ràng của sự lập lại và trật tự. Cũng có những bài hát truyền thống có thể cho vào thể loại này chẳng hạn như bài “I Had a Cat and the Cat Pleased Me” (bài hát thiếu nhi của Anh) hay là bài “Had Gad Ya”, một bài hát được hát trong ngày lễ của người Do Thái Passover. Những câu chuyện theo trình tự như vậy có thêm một lợi thế là khá dễ dàng cho một người mới học kể chuyện để học. Một bộ các truyện cho nhóm tuổi này bao gồm các truyện sau:
Cháo Ngọt (Sweet Porridge) (truyện cổ Grimm)
Cô bé tóc vàng và Ba chú gấu (Goldilocks and the Three Bears) (chuyện cổ Nga)
Rận bé nhỏ và Bọ chét bé nhỏ (Little Louse and Little Flea) (Spindrift)
Củ cải khổng lồ (The Turnip) (chuyện cổ Nga)
Chiếc găng tay (The Mitten) (chuyện cổ Nga)
Madam bé nhỏ (Little Madam) (chuyện Spindrift)
Chú bánh gừng (The Gingerbread Man)
Bánh Johnny (The Johnny Cake) (chuyện cổ Anh)
Con mèo đói (The Hungry Cat) (truyện cổ Na Uy, cho kịch rối)
2. Bảng phân loại tiếp theo đây hơi phức tạp hơn, nhưng chúng có tâm trạng chung thường vui vẻ và không có quá nhiều nỗi buồn hay tranh đấu. Tuổi lên 4 và đầu tuổi lên 5 thường thích thú các câu chuyện này.
Các chú dê Billy và quỷ Gruff (Billy Goats Gruff) (truyện cổ Na Uy)
Ba chú heo con (Three Little Pigs) (truyện cổ Anh)
Con sói và 7 đứa trẻ (Wolf and Seven Kids) (truyện cổ Grimm)
Bánh Pancake (Pancake Mill)
Cô bé Mashenka và con gấu (Mashenka and the Bear (chuyện cổ Nga, cho kịch rối)
Người thợ giày và 2 chú tí hon (The Shoemaker and The Elves) (truyện cổ Grimm)
3. Trong bảng phân loại tiếp theo đây là rất nhiều chuyện chúng ta thường để trong loạt truyện cổ tích mà cho là phù hợp với tuổi lên 5 và 6. Những câu chuyện này có nhiều thử thách và nhiều chi tiết hơn. Nhân vật chính thường đi phiêu lưu với một nhiệm vụ đơn giản để thực hiện giống như trong truyện “Chú mèo đi hia” (Miller Boy and the Pussy Cat). Dù có các trở ngại phải vượt qua, chúng không quá khó hay quá nặng nề cho tâm hồn của đứa trẻ.
Các chuỵện này bao gồm:
Tiền rơi như sao sa (Star Money) (truyện cổ Grimm)
Hoàng tử ếch (Frog Prince) (truyện cổ Grimm)
Mẹ Holle (Mother Holle) (truyện cổ Grimm)
Cô bé quàng khăn đỏ (Little Red Cap) (truyện cổ Grimm)
Những nghệ sĩ thành Bremen (Bremen Town Musicians) (truyện cổ Grimm)
Con ngỗng vàng (Golden Goose) (truyện cổ Grimm)
Con suốt, con thoi và cái kim (Spindle, Shuttle and Needle) (truyện cổ Grimm)
Căn nhà ở trong rừng (Hut in the Forest) (truyện cổ Grimm)
Ong chúa (Queen Bee) (truyện cổ Grimm)
Maiden Tuyết (Snow Maiden) (chuyện cổ Nga, cho kịch rối)
Bảy con quạ (The Seven Ravens) (truyện cổ Grimm)
Bạch Tuyết và Hồng Hoa (Snow-White and Rose Red) (truyện cổ Grimm)
Nàng công chúa ngủ trong rừng (Little Briar Rose) (truyện cổ Grimm)
Hoàng tử trong lâu đài bốc cháy (Princess in the Flaming Castle) (truyện cổ tích Đức)
Con lừa (The Donkey) (truyện cổ Grimm) Rumpelstiltskin (truyện cổ Grimm)
Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Snow-White and the Seven Dwarves) (truyện cổ Grimm)
Hansel và Gretel (Hansel và Gretel) (truyện cổ Grimm)
4. Nhóm cuối cùng tôi muốn kể ở đây là những chuyện cổ tích phù hợp tốt cho trẻ sáu tuổi đang ở bước chuyển sang lớp 1. Đây là thời gian căng thẳng cho trẻ khi chúng rụng răng sữa và cảm thấy sự rời khỏi trái tim của giai đoạn bắt đầu của tuổi ấu thơ. (May mắn là chúng vẫn còn thêm vài năm nữa trước khi chúng thật sự làm “cú rơi” cuối cùng khỏi Thiên đàng). Các câu chuyện mà trong đó các nhân vật có một trải nghiệm cá nhân về đau đớn hay khổ sở sẽ phù hợp với giai đoạn phát triển bên trong mới này của trẻ. Thông thường những câu chuyện này sẽ không hề kể trong trường mẫu giáo mà để dành đến khi lên lớp 1.
Jorinda và Joringel (truyện cổ Grimm)
Anh trai và Em gái (Brother and Sister) (truyện cổ Grimm)
Cô bé Lọ Lem (Cinderella) (truyện cổ Grimm)
Công chúa Tóc dài (Rapunzel) (truyện cổ Grimm)
Một vấn đề thường xuyên gây khó cho các giáo viên mẫu giáo là làm thế nào để chọn lựa những câu chuyện cho một nhóm trẻ có nhiều độ tuổi khác nhau trong đó. Nếu có những trẻ 3 tuổi cũng có trong nhóm trẻ 6 tuổi, liệu những truyện dành cho lứa tuổi lớn có làm hại những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn hay không? Kinh nghiệm của riêng tôi và của các giáo viên khác là, đó không phải là một vấn đề trong việc chọn truyện để kể cho phù hợp với vài đứa trẻ trong nhóm trẻ đó. Đây là một hiện tượng thú vị mà dường như vận hành theo cách sau. Trong một nhóm trẻ gồm trẻ ở nhiều độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi, giáo viên có thể chọn một câu chuyện cho lứa tuổi 5 – 6 và các trẻ 3 – 4 tuổi sẽ cùng lắng nghe. Những trẻ 3 – 4 tuổi có thể sẽ ít tập trung lắng nghe câu chuyện này, kém hơn so với một câu chuyện đơn giản hơn, nhưng chúng ít khi trở nên quậy phá (mặc dù đôi khi sẽ giúp ích hơn nếu cho những trẻ nhỏ tuổi nhất ngồi cạnh giáo viên hay người phụ giảng). Mặc khác, nếu giáo viên đó chọn câu chuyện phức tạp tương tự để kể cho một nhóm trẻ chỉ có trẻ từ 3 – 4 tuổi, giáo viên đó sẽ thấy rằng lũ trẻ không tập trung vào truyện cho lắm và dễ dàng mất hứng thú. Nó giống như thể là không có ai trong nhóm trẻ đó có thể “mang vác” câu chuyện cho những đứa trẻ còn lại vậy. Trong một nhóm trẻ nhiều độ tuổi, một giáo viên cũng có thể tạo ra một sự cân bằng trong các câu chuyện bằng cách kể một vài câu chuyện mà phù hợp cho các trẻ nhỏ tuổi hơn. Trẻ lớn tuổi hơn khi đó thông thường không bị chán bởi những câu chuyện đơn giản hơn, bởi giờ chúng đã lớn đủ để nhìn thấy được sự hài hước trong những câu chuyện có tình tiết lặp đi lặp lại theo trình tự hay trong những câu chuyện đơn giản hơn, và chúng sẽ cười vang ở những đoạn hài hước trong khi những đứa trẻ nhỏ còn lắng nghe với toàn bộ sự nghiêm túc.
Khi chọn một chuyện cổ tích, một yếu tố khác nữa cần chú ý đến là liệu một câu chuyện cổ tích có được biết đến rộng rãi trong xã hội hay không, ngay cả khi nó được biết đến ở một phiên bản không đúng đắn. Khi một câu chuyện đã trở nên nổi tiếng, trẻ thường sẵn sàng lắng nghe câu chuyện này ở lứa tuổi nhỏ hơn so với lứa tuổi phù hợp với sự phức tạp của truyện (ở Việt Nam có ví dụ là truyện Tấm Cám hay Lọ Lem).
Phần cần lưu tâm cuối cùng, và có thể là phần quan trọng nhất, là mối quan hệ của chính người kể chuyện với câu chuyện đó. Đôi khi một người kể chuyện yêu thích một câu chuyện rất nhiều đến nỗi có thể kể câu chuyện đó cho trẻ dù trẻ còn nhỏ tuổi so với chuyện đó. Nó như thể là tình yêu của người kể chuyện với câu chuyện đã xây nên chiếc cầu để đưa câu chuyện đến cho các em. Vì vậy, tôi biết một giáo viên yêu câu chuyện “Bảy con quạ” nhiều đến mức cô ấy kể cho trẻ của lớp cô ấy ở độ tuổi 3 – 4 từ năm này qua năm khác, một việc mà tôi sẽ không dám làm. Khi người kể chuyện có tình yêu với truyện cổ tích đi cùng với một sự thấu hiểu về chúng, những cánh cửa sẽ mở ra đến toàn bộ cõi giới cuộc đời mà trong đó truyện cổ tích là sự thật và sống mãi. Trong khi kể chuyện cổ tích, chúng ta đồng thời đang nuôi dưỡng và được đem lại về cõi giới này. Rudolf Steiner miêu tả chuyện cổ tích theo một cách rất đẹp khi ông nói, “Sâu sắc hơn rất nhiều so với một người có thể tưởng tượng là nguồn cội nơi dòng chảy chân chính, những câu chuyện dân gian đích thực có thể nói lên phép lạ của chúng trong suốt những thế kỷ của sự tiến hoá của con người.”