11.05.2022
Tôi đã “sống chung với lũ” cùng con trai lớn học trường công như thế nào?
Nhím rất ngoan, hiền lành, và luôn muốn làm được theo kỳ vọng của người khác. Do đó, Nhím đã bỏ luôn vẽ khi vào lớp 1 (dù mẫu giáo cô đã chọn đi thi vẽ cho trường) khi thầy kêu vẽ bằng thước, vẽ theo màu nhất định. Vô lớp 1 không đi học thêm trước, Nhím và cả nhà bị sốc với những lời phê của cô như “không học được”, “không biết viết chính tả”, “chữ quá xấu” (vào tuần đầu tiên và tuần thứ hai). Sau đó, bà ngoại lên gặp cô nói bà sẽ tự kèm cho cháu, tập Nhím tiếp tục có những lời phê đầy giận dữ. Mẹ không đủ sức lên nói chuyện (sợ lên thì chửi cô mất), nên nhờ ba lên xuống nước xin cho Nhím đi học thêm, cô còn nói mát “bà dạy được mà!” Cho đi học thêm chỉ là để cô ngưng hằn học với con mà thôi. Ngày cho con vào lớp học thêm, mẹ bước ra ngoài trào nước mắt. Hồi đó mẹ còn hèn lắm. Và năm lớp 1, mẹ ngồi học cùng con suốt, cho đến khi con biết cách học, cách sắp xếp công việc. Điều này có từ điều một anh chuyên gia giáo dục chia sẻ trong hội thảo tôi tham gia tổ chức cho tờ báo tôi làm hồi đó “học thêm hay không học thêm”, anh nói: “5 năm tiểu học là thời gian tối đa để cha mẹ rèn thói quen học tập cho trẻ. Lên cấp 2 mà cha mẹ còn phải học cùng, cho đi học thêm để mong thầy cô kèm cặp, nhắc nhở, thì nguy cơ là lên ĐH vẫn phải học thêm”.
Anh chia sẻ thêm là từ khi anh đi dạy, anh đã âm thầm tự thống kê về những học trò của mình. Anh thấy, những đứa trẻ được cha mẹ bảo bọc, lo lắng kỹ lưỡng, nguy cơ lên ĐH đi học thêm, hay không biết ra trường làm gì, rất cao. Còn những đứa cha mẹ không có thời gian chăm lo cho mấy, có thể phải bỏ học, đi học nghề giữa chừng (vì gia cảnh), song chúng nó biết rõ chúng nó muốn làm gì trong đời mình. Anh nói rõ việc cho con vào học các trường tư “bảo đảm 100% thi đậu các cấp” gì đó, có cho phép giáo viên đánh học sinh, thì khi nó đã thi đậu ĐH, vào ĐH không có giáo viên cầm roi sau lưng, nó dễ không biết làm gì! Vì lẽ đó, điều tôi luôn hướng cho con là giải thích vì sao con nên học, con học vì chính con, hãy làm điều con thích.
Tuy nhiên, vì con đang học trường công, cho nên, chí ít thì mỗi khi con chia sẻ con không thích vì thầy suốt ngày la, la nhiều hơn cả dạy, về việc học thuộc lòng không biết để làm gì, tôi chỉ biết thở dài cùng con. Tôi nói với con là, con hãy cố gắng để đừng phải thi lại, hay ở lại lớp, chỉ vì học lại cái mình không thích thì càng khổ hơn. Mẹ không bao giờ đòi hỏi con cái gì cả, chỉ cần con sống sót qua được các cấp lớp. Và hãy cứ học và tìm những gì con thích để mà thấy những năm học nó vui và thú vị. Vì lẽ đó, dù con dư điểm, tôi vẫn cho con ở lại lớp cá biệt vì con thích các bạn ở đây. Tôi giờ không bao giờ hỏi điểm thi cử của con. Chỉ hỏi thăm “con làm bài tốt chứ?” hay “chúc con thi tốt” khi con đi thi, vì đó là tình yêu và sự quan tâm.
Năm lớp 1, tôi đã học cùng con, để động viên, cổ vũ, chỉ cho con cách học, cách sắp xếp việc học. HKI việc đó hầu như là hàng ngày. HKII dần thưa ra hơn. Đến khi con lên lớp 1, tôi vẫn giúp con khi con cần. Càng lên lớp lớn, việc đó càng thưa ra (chủ yếu là vì mẹ lười). Nhím dù rất ngoan (theo tiêu chuẩn chung của XH hiện tại) thì con nít mà, cứ có những đợt tôi quá bận, hay một thời gian dài không ngó ngàng, thì Nhím vẫn dễ bị sa đà, ham chơi, chán học mà mẹ không động viên ngay là bỏ luôn. Khi thấy thái độ con bắt đầu lơ là, thì mẹ phải quay lại kèm cặp, chấn chỉnh.
Lên cấp II, Nhím đã bắt đầu tự chuẩn bị cho năm học mới (mua tài liệu, bao tập), và đi xe bus đi học trường lẫn học thêm. Như vầy cũng là muộn so với nhiều bạn rồi. Học thêm mẹ cũng hỏi con cần học những gì. Hiện tại Nhím đi học Kumon và học thêm AV của 1 thầy dạy ở nhà. Việc sắp xếp đi học giờ nào, buổi nào, mẹ cũng hỏi ý Nhím. Nói chung là đẩy việc học thêm vào trong tuần để cuối tuần Nhím được nghỉ, được đi đá banh với chúng bạn. (Mẹ đang cầu mong có thêm anh yêu trợ giúp, được thì bỏ luôn mấy vụ học thêm học bớt luôn, chơi nhiều hơn.)
Có những khi Nhím gặp khó khăn gì, như mỗi khi có môn nào mới khó, Nhím bảo khó, mẹ sẽ bàn với Nhím xem giờ hỏi ai kèm con đây (mẹ chán ngắt kiểu học hiện tại nên chịu không kèm con nổi). Rồi khi Nhím cần tìm đề tài hay tài liệu gì đó, thì mẹ giúp Nhím trong khả năng của mẹ. Cú cái là Anh văn mẹ đang giỏi nhất, thì chẳng bao giờ Nhím chịu hỏi mẹ cả, dù mẹ có nhời rồi hehe. Chắc trúng cái nào mẹ giỏi, thì mẹ lại nói quá nhiều chắc.
Điều giờ mẹ và Nhím nói với nhau nhiều nhất, là kể chuyện về việc ngày xưa mẹ học như thế nào. Mẹ đã vượt qua những vấn đề của bản thân ra sao. Mẹ đã buồn chán năm lớp 6 ở trường NQ, và vui sướng khi được trở lại học ở NSL. Các bạn nam cấp II của mẹ học giỏi nên mẹ từng nghĩ con trai không có người học dở. Mẹ đã mù tịt hình học không gian, mẹ đã bị HKI khi vào chuyên Lê Hồng Phong không đi học thêm và suýt rớt xuống học sinh trung bình thế nào vì môn Toán, và đã vượt lên ngoạn mục trong HKII bằng cách nào. Mẹ từng thích điều gì ở thầy cô, và ngán ngại điều gì ở họ …
Hiện tại thì Nhím hoàn toàn tự học. Chỉ những lúc thấy Nhím liên tục đọc sách, cầm đt lướt web, chả thấy học đâu, thì mẹ vào hỏi và càm ràm 1 tí. Có lần bạn gần nhà đứng trước mặt 2 mẹ con, hỏi Nhím “Có điểm thi toán rồi, ông nói mẹ ông chưa?” Nhím lơ lơ hoài, nhắc vài lần Nhím không nói, anh ta ra trước mặt mẹ nói to: “Cô ơi, có điểm thi toán rồi đó cô, cô nói Nhím nói cô biết đi!” cái đến lượt mẹ cười lơ lơ luôn. Thằng nhỏ chẳng hiểu nổi, chắc vậy, nên chào rồi đi.
Đến khi đi họp PH thì mẹ cũng đẩy cho ba đi. Đến lúc xong xuôi cả rồi, mẹ mới ra hỏi: “Ủa, rồi kết quả học kỳ tốt không con? Sao hôm bữa bạn nói con báo điểm toán mà con không nói, có chuyện gì không?” Nhím cười, nói: “Không!” Rồi Nhím tự nói: “Nhưng điểm Văn thì Nhím không cố được!” Mẹ hỏi: “Vậy được bao nhiêu?” “Dạ, điểm TB 5.9”. Mẹ thốt lên: “Ôi” và ôm miệng. Rồi sau đó mẹ cười phá lên, vì chính phản ứng của mình. Thật ra, với một bà mẹ chuyên Văn mà nghe điểm Văn thế thì khó mà bình thản được lắm. Táo vội vã ra hỏi: “Chuyện gì thế ạ?” Mẹ phải à ừ cho qua mà không được, nên nói: “À, anh Nhím được 5.9 điểm Văn con à. Văn bây giờ khó lắm, được vậy là tốt rồi!” Táo hỏi: “Thế điểm cao nhất là bao nhiêu ạ?” “10 điểm con ạ”. Táo thốt lên, gật gù: “Vậy được 5 điểm là anh Nhím quá giỏi rồi!”
Ơ thì, nhà tớ chắc đúng là 3 idiots á haha