Ký sự Thái Lan – Royal Project – Có một vị vua như thế

Ký sự Dự án Hoàng gia – Có một vị vua như thế

%e0%b9%83%e0%b8%99%e0%b8%ab%e0%b8%a5%e0%b8%a7%e0%b8%87-3

Lần đầu tiên tôi biết về Dự án Hoàng gia (#RoyalProject) là nghe cô bạn Thái Lan IRin FoodieDiary kể và bạn gửi cho tôi link của Trại Nông nghiệp Doi Angkhang http://www.angkhangstation.com/.

Bức ảnh nền đen trắng của vị vua Thái khi ngài còn trẻ đang đứng giữa vùng đồi núi xác xơ (vâng, xác xơ chứ không hẳn là hoang sơ), và những bức ảnh phía dưới với hoa trái đủ màu, khiến tôi bật khóc.

พระบาทสมเด็จพระเจ้าอยู่หัว ทรงปฎิบัติพระราชกรณียกิจ ด้านการเกษตร

Ngay lập tức, tôi không thể không bắt đầu tìm đọc về Dự án Hoàng gia của Đức vua Thái Bhumibol Adulyadej. Dự án bắt đầu từ khi nhà vua mới lên ngôi, một cách hoàn toàn bất ngờ với chính ông, song ông đã đưa ra lời hứa sẽ làm tất cả vì an sinh của dân tộc mình. Ông liên tục đi đến những vùng sâu xa nhất, cúi xuống để nghe tiếng khóc của người dân nghèo, và để hành động.

293105_341045775976420_962212997_n 531218_341045862643078_1366368793_n download-3

Vùng đồi núi phía Bắc Thái Lan, giáp ranh vùng tam giác vàng, cho đến những năm 1970 vẫn xác xơ vì nạn đốt rừng làm rẫy, phần lớn để trồng thuốc phiện. Khi đức vua Thái bằng trực thăng đi đến vùng này (khi đó đường bộ lên nơi đây còn rất khó khăn, mùa mưa hầu như không thể), từ trên cao nhìn xuống, ngài nhận ra đây là vùng như Shangri-La dù hiện thực chỉ là đất trống, đồi trọc lem nhem màu đen của bụi than. Dân chúng có phần mới chạy toán loạn về hai phía do cuộc chiến biên giới giữa Trung Quốc và Miến Điện. Và ngài đã quyết định con đường: trồng lại rừng, cải tạo lại đất, giữ lại nước, và người dân sẽ trở lại.

%e0%b8%ad%e0%b8%94%e0%b8%b5%e0%b8%95-%e0%b8%ad%e0%b9%88%e0%b8%b2%e0%b8%87%e0%b8%82%e0%b8%b2%e0%b8%87-3

Những cây con đầu tiên được đưa đến trồng bằng trực thăng của nhà vua, nhà vua và những người thân cận (rất nhiều người tình nguyện) là những người trồng rừng đầu tiên. Một người trong số đó đã kể lại rằng: “Chúng tôi đến bằng trực thăng, rồi đi xuống bằng đường bộ. Con đường mà đến bây giờ chúng tôi vẫn nhớ, nó luôn giữ lại giày dép của chúng tôi. Chúng tôi ngủ trong lán trại, mà đôi khi, nửa đêm gió mạnh thốc qua. Chúng tôi tỉnh dậy trong gió mưa thét gào, cái lạnh buốt da, và bầu trời đầy sao vì mái nhà đã bị cuốn bay đi.” 40 năm qua, những cây con đầu tiên đó đã vươn cao, phủ xanh vùng đồi trọc. Và Chiang Mai, Chiang Rai cùng các tỉnh lân cận giờ đây xanh ngát.

16650226_10158314656535595_2070553013_n

Người dân đã trở lại. Đức vua nhấn mạnh: người dân cần sự giúp đỡ, không phải sự trừng phạt. Họ trồng thuốc phiện, chỉ vì họ không biết phải trồng gì khác. Ông đã đề nghị họ trồng cây đào, giống cây tăng trưởng mạnh mẽ nơi đây. Rồi từ cây đào, đến những hạt giống bắp đầu tiên ông trao cho dân nghèo, đến những loại cây trồng thay thế khác, dần dần phủ màu tươi sáng khắp nơi. Với chính sách “Giúp họ để họ giúp chính mình”, mỗi hạt giống, mỗi cành giăm, đều được bán cho dân. Người dân không được thuê, mà họ làm trên chính mảnh đất của họ. Đức vua không phân biệt dân tộc Thái, hay dân tộc Hmong, người Hán, người Miến Điện … tất cả đều là người dân, một khi họ chọn mảnh đất này.

t0008_0007_01

Năm 1969, Đức vua đã bắt đầu cái gọi là Dự án Hoàng gia (Royal Project) với số tiền ban đầu là của ông, khi đó là 1.500 baht Thái. Dự án có chức năng chủ yếu là nghiên cứu tìm ra cây trồng thay thế cho người dân. Những loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Nơi bắt đầu Dự án Hoàng gia đầu tiên chính là Doi Angkhang và dần nhân rộng ra các vùng lân cận. Kết quả nghiên cứu của Dự án Hoàng gia được tổ chức trồng thí điểm cho người dân đến xem. Sau khi xem tận mắt, sờ tận tay và đồng ý trồng, người dân sẽ được Dự án bao tiêu sản phẩm, với giá thoả thuận trước (giá tốt), và đến mùa thu hoạch, Dự án sẽ lo hoàn toàn đầu ra (sơ chế hay chế biến, phân phối, tiếp thị, bán sản phẩm). Tất cả kết quả nghiên cứu, trồng thí điểm và nuôi trồng – tiêu thụ … sẽ được chuyển giao rộng rãi đến mọi trang trại, người nông dân có nhu cầu.

%e0%b9%81%e0%b8%9b%e0%b8%a5%e0%b8%87%e0%b8%aa%e0%b8%95%e0%b8%a3%e0%b8%ad%e0%b9%80%e0%b8%9a%e0%b8%ad%e0%b8%a3%e0%b8%b5%e0%b9%88-6

Năm 1992, Nhà vua thành lập Royal Project Foundation có tư cách pháp nhân. Và từ đó trở đi, Tổ chức này tiếp tục phát triển Royal Project ngày càng lớn mạnh và hiệu quả hơn. Sản phẩm từ Royal Project được coi là bảo chứng của chất lượng, tiến thẳng vào các nhà hàng sang trọng nhất, lên Thai Airways đi khắp nơi, và dĩ nhiên, có mặt ở các cửa hàng của Royal Projects ở các trang trại và Bangkok. Bà Bộ trưởng Bộ Du lịch Thái Lan nói Đức vua là đại sứ ẩm thực tuyệt vời nhất. Tôi hoàn toàn đồng ý, song tôi nghĩ, ngài còn là đại sứ tạo nên niềm tin tuyệt vời nhất. Ngài đã bắt đầu, đã dẫn dắt, tạo cảm hứng, và phát triển một hệ thống niềm tin vững chắc.

Từ hệ thống cho người dân làm chủ – Dự án chỉ giúp đỡ của vua Thái, miền Bắc Thái đã phát triển theo hướng mà tôi luôn thầm hỏi. Những vùng nông thôn châu Âu phát triển lên là đẹp thêm, con người nhàn nhã thêm, thiên nhiên lộng lẫy thêm. Những vùng nông thôn Việt Nam phát triển lên là thành thành thị. Hai năm trước tôi đến làng Cầu Gãy ở Vịnh Vĩnh Hy, người dân ở đó buồn hiu hắt, ánh sáng trong mắt họ đã tắt, trong ngôi làng xây bằng xi măng tái định cư dưới chân núi. Tình yêu của họ là ở trên kia, trên đỉnh núi với mây và gió. Họ biết làm gì ở đây? Làm sao họ cạnh tranh lại được với người Kinh chứ? Đàn ông toàn uống rượu, chỉ còn phụ nữ làm nông, trông coi những đứa con với nỗi buồn mất gốc.

Một lần đi công tác, tôi đến các bản làng ở Đắk Lắk, UNICEF đến đây để giúp đẩy lùi tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em. Những đứa trẻ được địu sau lưng, cứ khóc thì được dỗ cho nín, không cho uống nước, chứ đừng nói cho ăn. Thức ăn cho con nếu có là cơm trắng với lá cây củ mì (vì họ trồng toàn củ mì). Chúng tôi thắc mắc vì sao đất đỏ nhìn phì nhiêu như thế, không trồng được rau quả để ăn sao? Hay đất nhìn thế chứ không màu mỡ? Đất ở vùng Chiang Mai cũng là đất đỏ. Những ngôi nhà vẫn làm bằng tre lá, dù có thể sân sau đã có xe ô tô. Những đứa trẻ ở đây có lấm lem nhưng tròn trịa. Người dân ở đó mặc trang phục cổ truyền, ngay cả khi ra đồng. Ra đồng mà họ mặc váy, đeo vòng bạc, quanh lưng và quanh tay (tôi nghĩ thầm, các cô ấy còn đẹp và xì tai hơn cả chúng tôi nhiều). Họ đón khách với dây buộc cổ tay, tự hào với điệu múa cổ truyền, họ vẫn thổi khèn, và tất cả là cuộc sống hàng ngày, không phải sản phẩm chỉ mang ra đón khách du lịch nhé. Đức Vua Thái ngay từ đầu khẳng định không tái định cư người dân, không bắt họ bỏ núi xuống đồng bằng, phải để họ làm cho tốt ngay trên đất của họ. Ông nói với người dân, cứ làm cho tốt ngay nơi mình ở, mọi điều khác sẽ đến, không cần tìm kiếm đâu xa. Và đúng như vậy, giờ đây, dân du lịch đến Chiang Mai đông vô cùng, phòng khách sạn ở đây vào mùa cao điểm phải book trước vài ba tháng.

%e0%b9%81%e0%b8%9b%e0%b8%a5%e0%b8%87%e0%b8%8a%e0%b8%b2-1

Để quảng bá cho sản phẩm của Royal Project, vẫn phong cách giản dị mà hiệu quả nhất, những đầu bếp được mời đến đây. Có người đầu bếp trực tiếp tư vấn những loại rau củ quả mà ngành ẩm thực đang cần đến để Royal Project tiến hành nghiên cứu và trồng trọt. Có những đầu bếp được mời đến để chứng thực chất lượng sản phẩm và đặt hàng cho bếp của mình. Đã mười mấy năm qua, GourmetTrip cũng là sáng kiến của Royal Project, mời những đầu bếp trên khắp thế giới có niềm đam mê với ẩm thực Thái đến đây để nấu nướng, từ những nguyên liệu của Royal Project.

Điều tiếp tục làm tôi cảm động, đó là, Royal Project không chỉ dừng lại từ một phong trào hô hào rồi dừng ở đó. Tổ chức Dự án Hoàng gia đã tạo nên một hệ thống vững chắc và tiếp tục đem lại hoa trái cho nhiều thế hệ sau. Điều quan trọng là, con, rồi cháu, rồi chắt của Đức vua, vẫn tiếp tục có những người đến làm việc tình nguyện cho Dự án Hoàng gia. Mont Cham là một trong những trang trại của Dự án. Mont nghĩa là “núi nhỏ” (Doi là núi lớn), Cham có nghĩa là “trong sáng” (vì từ đỉnh núi này có thể phóng tầm mắt đến cả vùng bao la xung quanh), đồng thời Cham cũng là tên của một vị hoàng tử. Trong buổi tiệc tối hôm sau, có một anh chàng quần áo lùi xùi, chân mang dép crocs hơi bị sứt đế, đang ngồi mở cái bếp đào sâu dưới đất cùng mọi người. Đó chính là hoàng tử Cham nói trên, đang làm tình nguyện ở Mont Cham, chẳng cần giới thiệu trống kèn gì, cũng chẳng cần ai biết tới mình là ai. Royal Project đang được tiếp tục bởi những con người như thế.

 

%e0%b9%81%e0%b8%9b%e0%b8%a5%e0%b8%87%e0%b8%8a%e0%b8%b2-2000-%e0%b8%8a%e0%b9%88%e0%b8%a7%e0%b8%87%e0%b9%80%e0%b8%8a%e0%b9%89%e0%b8%b2

(còn tiếp)

#RoyalProject
#gastronomytourism2017

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *